"Tiền nhiều để làm gì?"
Từ một câu nói trong phiên tòa ly hôn của ông chủ một hãng cà phê nổi tiếng, cư dân mạng đã được dịp tranh luận, bàn tán sôi nổi chủ đề "Tiền nhiều để làm gì?”
L.T.H viết trên mạng xã hội: "Cư dân mạng lao xao hỏi nhau tràn ngập FB: “Tiền nhiều để làm gì?” Không ai có câu trả lời thấu đáo cả. Cư dân mạng bèn bắc thang lên hỏi ông trời. Và đây là câu trả lời của ông ấy: “Chúng mày cứ kiếm được nhiều tiền đi rồi sẽ hiểu”.
Nam thanh niên Hà Duy viết: "Tiền nhiều để làm gì? Cứ có tiền nhiều để đi hỏi ngược lại mấy đứa chưa nhiều tiền cho họ tranh cãi tiền nhiều để làm gì".
"Mấy câu Tiền nhiều không hạnh phúc chỉ có giá trị khi thốt ra từ miệng triệu phú, tỷ phú thôi. Vì ít tiền đã là một sự không hạnh phúc".
BNSG nói: "Người ta bàn ra tán vào "Tiền nhiều để làm gì?", còn em, em chỉ trăn trở "Làm gì để nhiều tiền?" thôi".
"Liêm sỉ gì tầm này"
Câu nói này được sử dụng sau khi một bài báo mạng có tên "Tầm này rồi, liêm sỉ gì nữa!" được đăng tải hồi tháng 4. Bài báo nói về những tiêu cực xảy ra trong kỳ thi viên chức tại Hà Nội.
Sau đó "Liêm sỉ gì tầm này" được sử dụng trong hàng loạt ngữ cảnh khác nhau, phổ biến nhất là trong công cuộc “thả thính” của các bạn trẻ đang độc thân.
"Vui vẻ không quạu nha"
Xuất hiện trong những ngày cuối năm, câu nói “vui vẻ không quạu nha” nhanh chóng được cư dân mạng sử rộng rãi và trở thành câu cửa miệng lúc nào không hay.
Giới trẻ biến tấu câu nói này thành những phiên bản khác với nhiều hàm ý hài hước như: Dậy thì vui vẻ không quạu nha, Tết vui vẻ không quạu nha, Học hành vui vẻ không quạu nha…
"Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục"
Bắt nguồn từ tiêu đề của một clip hài hước về những người đàn ông đang bàn luận việc lấy vợ. Theo đó, anh chàng này đưa ra những lý lẽ rất “ngược đời”, song khi nghe và phân tích kỹ càng, người xem lại thấy vô cùng thực tế, hợp lý.
"Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục" ngay lập tức gây bão mạng và được sử dụng làm comment dành cho những cú troll hài hước trên mạng xã hội.
"Thanh xuân như một ly trà..."
Trong phim Về nhà đi con, nhân vật Ánh Dương đã phát ngôn một câu mà gần như ngay lập tức trở thành hot trend trên toàn cõi mạng: "Thanh xuân như một ly trà, ăn thêm miếng bánh hết bà thanh xuân". Sau đó nó liên tục được chế thành nhiều phiên bản hài hước.
"Nhà bao việc"
Thời gian gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ câu nói "hot trend" là "nhà bao việc". Không chỉ ở các status trên mạng xã hội, câu nói này cũng được dùng trong giao tiếp hàng ngày của rất nhiều người trẻ.
Thực ra, câu nói này được được nhân vật Thịnh Ngựa (do diễn viên Đỗ Duy Nam đóng) trong phim Mê Cung, trình chiếu trên kênh VTV3 thời gian vừa qua. Trong một phân cảnh khi bị thẩm vấn, nhân vật Thịnh Ngựa trả lời: ..."nhà em còn bao việc".
Rất nhanh chóng, một câu nói đơn giản, ngắn gọn tưởng như không mấy ai quan tâm trong phim bỗng nhiên được giới trẻ ưa chuộng và bước ra đời sống hàng ngày.
"Không trượt phát nào"
Từ dòng chia sẻ “Bố em đấm em không trượt phát nào” của một cư dân mạng khi kể về tình cảnh đau thương của mình. Theo đó, anh chàng này đi cắt tóc giống thần tượng và không may, kiểu tóc này không được hợp ý phụ huynh của mình cho lắm.
Rất nhanh chóng, câu nói này được cư dân mạng nhại lại với nhiều phiên bản hài hước, thậm chí còn được sử dụng như một câu cửa miệng trong đời sống hàng ngày.
"Giận tím người"
Dạo gần đây, bạn có thấy trên mạng xã hội xuất hiện những bức ảnh chế tím lòe tím loẹt không? Cách giải tỏa bực tức mới của dân mạng đấy. Có lẽ bắt nguồn từ câu nói "giận tím tái", từ đó dân mạng đã đưa nó lên một tầm cao mới là "Giận tím người".
"Tình nghĩa anh em có chắc bền lâu?"
“Tình nghĩa anh, chị em có chắc bền lâu” là câu nói cửa miệng của giới trẻ gần đây. Câu nói được lấy từ bài hát Đời là thế thôi của cư dân mạng Phú Lê. MV này xoay quanh nội dung người trong giang hồ với tình nghĩa anh em.
"Đúng không cả nhà?"
Năm 2019, hội những người siêu nhây đã vừa "phát minh" ra một trào lưu ghép chữ mới siêu hài hước. Cách chơi vô cùng đơn giản, đó là bạn hãy ghép 4 từ "đúng không cả nhà" vào bất kì câu thơ, câu hát, câu văn nào và tạo thành một tổng thể sao cho thật xuôi tai, thuận miệng, mà nếu như không thuận miệng thì cũng… kệ.
"Toang rồi ông giáo ạ!"
Xuất phát từ một câu thoại của “hiện tượng mạng” 1977 Vlog, cư dân mạng tha hồ sáng tạo ra những phiên bản của chính mình như: “Việt Nam vô địch rồi ông giáo ạ!”, “Cậu ta lấy vợ rồi ông giáo ạ.”, “Sắp Tết rồi ông giáo ạ”...
Đây là cách để báo tin cho người thân, bạn bè của mình một cách dân giã, gần gũi và không kém phần tếu táo.
Hồng Minh