Khi thực hiện tuyến bài LÀM GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH cùng người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi mong muốn gửi tặng độc giả một cách nhìn mới và toàn diện về lối sống, cách chăm sóc sức khỏe của một nhân vật cụ thể, từ đó, mỗi người có thể rút ra được những bài học cho riêng mình.
Chúng ta cùng trao đổi chủ đề này với "cô gái vàng" Yoga Nguyễn Kim Quyên – cựu SV ĐH Ngoại Thương, MBA trường St. Andrew (Mỹ), Top 5 nhà vô địch của vô địch trong Liên hoan Quốc tế Yoga tại Malaysia năm 2018. Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ góp phần vào quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta được tốt hơn.
BTV Vân Hồng: Tôi rất ngưỡng mộ những người trẻ tuổi mà đạt được các thành tích nổi bật vươn tầm quốc tế, là một cựu sinh viên ngành Kinh tế Ngoại thương, rồi lại sang Mỹ học cao học, bạn học Yoga vào lúc nào?
Nguyễn Kim Quyên: Trong suốt hành trình là sinh viên Ngoại thương bận rộn việc học hành và các hoạt động ngoại khóa, em chưa có cơ hội thực sự tiếp xúc với Yoga.
Cho đến khi ra trường, đi làm được một thời gian, bị cuốn vào guồng quay chóng mặt của công việc, dần dần em nhận thấy cơ thể hay mệt hơn, đặc biệt là vùng cổ vai gáy hay bị mỏi vốn là "bệnh" đặc trưng của dân Văn phòng thì em bắt đầu nghĩ đến việc tập Yoga như là một cách để giải tỏa căng thẳng, kéo dãn và thư giãn cho cơ thể. Cơ duyên bắt đầu từ đó!
Trước khi tập Yoga em thường hay bơi. Em bơi cũng rất khá, có thể bơi liên tục 15-20 vòng bể một lúc không nghỉ, nhưng đến khi tập Yoga, em mới nhận ra đây chính là chân ái của đời mình!
BTV Vân Hồng: Để được chạm tay vào Cup vàng và những chiếc huy chương quả thực là sự đánh đổi thời gian và công sức không hề nhỏ. Điều đó chắc cần rất nhiều ý chí và sự nỗ lực?
Nguyễn Kim Quyên: Cho đến nay, em đã tập Yoga được 6 năm. Ban đầu em đến với Yoga như là một liệu pháp hồi phục và thư giãn cơ thể sau những căng thẳng, mệt mỏi của công việc.
Đến khi luyện tập đều đặn thì cảm thấy "À, hóa ra cơ thể mình rất phù hợp với Yoga" từ đó dẫn đến sự ưa thích và say mê tập luyện. Em đã đạt những giải đặc biệt tại các CLB Yoga như giải nhất Kỹ thuật tại CLB M Club ngay sau 3 tháng tập luyện, giải nhất tại Liên Hoan Yoga Mùa xuân (Yoga Spring Festival) tại CLB Elite.
Năm 2018, sau một thời gian dài tập luyện và đạt được trình độ nâng cao nhất định, với sự hướng dẫn của người thầy là một giáo viên Yoga đã đạt nhiều giải thưởng Yoga thế giới, em quyết định thử sức mình tại đấu trường quốc tế.
Nghĩ lại hành trình tập luyện gian khổ để chuẩn bị cho giải đấu, em vẫn tự hỏi tại sao mình lại có thể vượt qua được thời gian khó khăn đó.
Một tháng trước khi thi, em luyện tập các kỹ năng ở trình độ và cường độ nâng cao (intensive training). Ngày nào em cũng tập nâng cao ít nhất 2 tiếng trong mùa đông lạnh giá. Em thường tập mỗi khi đi làm về cho đến khuya, nhiều hôm về đến nhà mà toàn thân chỗ nào cũng đau, thở cũng đau. Nhưng đây không phải đau do chấn thương mà là nỗi đau ngọt ngào (sweet pain) ở ngưỡng đánh thức cơ thể mình vượt qua những giới hạn trong phạm vi an toàn (beyond the boundary) để đạt được trình độ cao hơn.
Liên hoan quốc tế Yoga lần thứ 6 tại Malaysia năm 2018 là giải đấu quốc tế lớn quy tụ hơn 300 vận động viên và các Trọng tài viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia ( Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Bulgari, Việt Nam…) với hơn 12 hạng mục thi đấu được chia thành nhiều nhóm tuổi khác nhau (từ 6 tuổi đến 60 tuổi), trong đó đương nhiên đoàn mạnh nhất và dày dạn kinh nghiệm thi đấu nhất là Ấn Độ.
Phần lớn các bạn vận động viên Ấn Độ đều là con nhà nòi, rèn luyện Yoga từ khi còn rất nhỏ (từ lúc 5,6 tuổi) nên các bạn rất giỏi và tự tin. Trông các bạn đen giòn, rắn rỏi còn em thì ngược lại trắng trẻo, mềm mại như cục bông lăn tròn từ góc này sang góc khác của Nhà thi đấu.
Trước khi thi đấu thì khá run nhưng khi chính thức bước vào vòng thi theo nhóm lứa tuổi thì em rất tự tin vì em hiểu rõ điểm mạnh của mình và đã tập luyện rất chuyên cần để tất cả các tư thế asana mà mình thi đấu đạt đến sự thành thục và điêu luyện.
Thật sự là trước khi thi em chỉ mong có được 1 tấm huy chương thôi là cũng vui lắm rồi, nhưng kết quả thi đấu rất tốt và đã vượt xa sự mong đợi. Em giành được 2 Huy chương Vàng bộ môn Asana bắt buộc và Asana tự chọn, 1 Huy chương bạc bộ môn Yoga nghệ thuật (Artistic Yoga) cho mọi lứa tuổi và lọt vào vòng thi tự hào nhất: Top 5 nhà Vô địch của Vô địch (Champion of Champions).
Cảm giác khi tên mình được xướng lên trên sân khấu và lên nhận Cúp vàng như một giấc mơ. Cuối cùng, những giọt mồ hơi rơi ướt đầm đìa tấm thảm tập, cả những giọt nước mắt vì nỗi đau trước đó…. đã được đền đáp xứng đáng!
Trong vòng 6 năm trời kể từ khi bắt đầu làm quen rồi làm thân với Yoga, hàng ngày em luyện tập đều đặn ít nhất 1 tiếng. Việc luyện tập đã trở thành một nhu cầu tự nhiên của cơ thể, tựa như khi đói thì ăn, khi khát thì uống vậy.
Mỗi khi kết thúc công việc cơ quan, em lại đến câu lạc bộ để tập luyện. Em coi đó là một khoảng thời gian mà mình tự tặng cho mình, yêu thương và trân trọng cơ thể mình bởi cơ thể mình xứng đáng được thư giãn, hồi phục sau những mệt mỏi của công việc.
Em tập chăm chỉ và đều đặn, nhưng em không bao giờ ép cơ thể mình phải làm được những động tác khó (advance) ngay và luôn. Ngược lại, em thường kiên nhẫn ngày nào cũng luyện tập, dần dần cơ thể mình sẽ thích nghi và sẽ làm được những tư thế khó mà mình muốn chinh phục.
Em đọc được ở đâu đó một câu nói rất hay về việc luyện võ như thế này: " Tôi không sợ người biết 100 kiểu đá, mà tôi sợ người tập một kiểu đá 100 lần". Yoga cũng vậy, sự kiên trì và bền bỉ chính là nền tảng cho sự luyện tập, cộng với việc có kiến thức và tập đúng cách thì dần dần bạn sẽ đạt được sự tiến bộ trong luyện tập.
BTV Vân Hồng: Tôi cũng tập Yoga và thấy mình "như một con người khác", với cá nhân bạn thì đã thay đổi như thế nào? Trước đây, cơ thể bạn có "mềm như sợi bún" vậy không?
Nguyễn Kim Quyên: Vâng, mọi người thường hay trêu đùa và gọi thân thiết em là "Kim bún" vì em trắng trắng, tròn tròn và mềm mại như sợi bún vậy. Nhưng thực ra, sự mềm dẻo không phải là cái đích mà em nhắm tới.
Bản thân em có "cơ địa" khá là mềm, ngay từ ngày đầu đi tập Yoga em đã xoạc ngang (stretching), xoạc dọc (splitting) được rồi, lúc đó đầu óc rất ngây thơ và đơn giản nghĩ là ai cũng xoạc được, đến khi vào lớp thì mới thấy "À, hóa ra không phải như vậy".
Yoga đã khiến em thay đổi nhiều, trước tiên là về mặt sức khỏe thể chất (Physical Health). Trước đây khi tập Yoga, em hay dễ bị mệt, say xe, sợ độ cao, đi bộ cầu thang là tim đập thình thịch. Từ hồi chuyên cần tập luyện đến nay, sức khỏe của em được cải thiện nhiều, dẻo dai hơn và bền bỉ hơn.
Bây giờ em đi một mạch 5 tầng cầu thang mà nhịp tim vẫn ổn định, mỗi khi leo núi tim cũng không còn đập loạn xạ mà vẫn hài hòa do đã tiết chế được hơi thở nhịp nhàng, sâu và chậm rãi. Em di chuyển, đi lại thoải mái, gần đây nhất trong chuyến đi Nga có những ngày em đi bộ đến 25 km mà cơ thể vẫn nhẹ nhàng, khỏe khoắn.
Trước đây tay em rất yếu, mỗi khi làm những động tác đòi hỏi chống tay kiểu như tấm ván (Plank) là tay run lẩy bẩy, bây giờ thì tay đã khỏe hơn nhiều, thậm chí nâng đỡ được cả thân người trong những động tác khó.
Điều quan trọng hơn là sức khỏe tinh thần (Spiritual Health) cũng đã thay đổi nhiều. Người tập Yoga lâu năm dần dần tính tình sẽ trở nên trầm tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn. Mỗi khi mệt mỏi hay cảm thấy nóng giận, em thường ngồi yên tĩnh một góc để điều hòa hơi thở và thiền tĩnh một lúc, như vậy mọi phiền muộn sẽ nhẹ nhàng trôi đi.
BTV Vân Hồng: Bạn có thần tượng ai trong giới Yoga không?
Nguyễn Kim Quyên: Thật ra, em không thần tượng ai trong giới Yoga cả. Vì Yoga là sự hướng nội chứ không phải hướng ngoại. Yoga là hành trình tìm đến bản ngã trong bản thể mỗi con người để đạt được sự cân bằng và bình yên.
Nhưng có một người em đặc biệt ấn tượng - chính là thủ tướng Ấn độ P.M Modi. Ngài cũng là một hành giả yoga (yogi) tập luyện lâu năm. Ngắm nhìn ảnh Ngài tập yoga, mặc dù Ngài chẳng làm động tác gì khó cả, chỉ nhắm mắt ngồi thiền nhưng ta cảm thấy bình yên bởi khí chất toát ra từ khuôn mặt, vóc dáng.
Và em tự hỏi, tại sao một chính trị gia ở một đất nước rộng lớn như vậy, bận trăm công nghìn việc như vậy, một con người có tầm ảnh hưởng chính trị và xã hội rộng lớn như vậy… mà vẫn có thời gian rèn luyện yoga, thì tại sao chúng ta, những con người nhỏ bé bình thường, lại không thể?
Ngài cũng phát động những chương trình hành động nhỏ bé nhưng rất nhân văn như là chương trình hành động trồng cây xanh trên toàn quốc để đất nước thêm xanh và sạch.
Hành động này khiến em nghĩ đến một câu nói của Mẹ Theresa "Chúng ta, không phải ai cũng làm được những điều lớn lao. Mà chúng ta hãy làm những việc nhỏ với một trái tim lớn".
BTV Vân Hồng: Bạn đã gặp người nào mà cuộc sống của họ hoàn toàn thay đổi sau khi đến với Yoga trị liệu chưa? Bệnh ung thư hoặc bệnh hiểm nghèo nên tập Yoga không?
Nguyễn Kim Quyên: Yoga trị liệu (Yoga therapy) là một xu hướng luyện tập đang trở nên phổ biến hiện nay. Hiểu một cách đơn giản đây là phương pháp dùng các kỹ thuật Yoga , các dụng cụ hỗ trợ (props) trong Yoga để tác động nhẹ nhàng nhưng sâu sắc lên cơ thể nhằm giảm thiểu sự căng thẳng và triệu chứng đau nhức của cơ thể, giúp cơ thể dần hồi phục.
Em đã gặp những người mà sức khỏe của họ đã được cải thiện rõ rệt sau khi đến với Yoga trị liệu. Điển hình nhất là những người thường xuyên bị đau mỏi cổ vai gáy, thoái hóa đốt sống. Sau khi tham dự những workshop chuyên đề về chăm sóc lưng và bảo vệ cột sống và được tập luyện dưới sự hướng dẫn của giáo viên có hiểu biết và kinh nghiệm về cột sống, vấn đề đau lưng của họ đã được cải thiện nhiều.
Đối với bệnh ung thư hoặc bệnh hiểm nghèo, người bệnh có thể tập Yoga nhưng chỉ nên tập sau khi đã tham vấn và có sự cho phép của bác sỹ điều trị. Đồng thời, trước khi bắt đầu tập luyện Yoga, người bệnh phải thông báo về tình trạng sức khỏe của mình với giáo viên, chia sẻ những thông tin về bệnh lý để giáo viên nắm được tình hình sức khỏe và đưa ra những bài tập phù hợp, động tác nào nên tập, động tác nào nên tránh, nên thở như thế nào, thiền ra sao...
Bản thân em cũng đã có kinh nghiệm dạy Yoga cho bệnh nhân ung thư trong một thời gian dài. Trong suốt 4 năm, chúng em cùng với nhóm từ thiện Gieo mầm Yêu thương đã cùng nhau nấu cơm chay cho bệnh nhân K ở bệnh viện K Đông Triều (Hà Đông), tổ chức dạy Yoga cho bệnh nhân vào những dịp đặc biệt Tết Trung Thu, Tết cổ truyền…
Đồng thời, em cũng song hành cùng chương trình dạy Yoga cho bệnh nhân ung thư của tổ chức Ung thư muối SCI trong suốt 2 năm qua. Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, lớp tập yoga dành cho bệnh nhân Ung thư được diến ra vào lúc 10h30 sáng tại CLB Elite Fitness với sự giảng dạy tình nguyện của các giáo viên giàu kinh nghiệm và lòng nhân ái.
BTV Vân Hồng: Đích đến cuối cùng của Yoga có phải là sức khỏe và sự bình yên?
Nguyễn Kim Quyên: Nền tảng cốt lõi hay đích đến cuối cùng của Yoga chính là sự cân bằng và hài hòa.
Cân bằng giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.
Cân bằng trong cơ thể (dẻo và khỏe).
Cân bằng trong tâm trí (hài hòa và bình yên).
Khi cơ thể khỏe mạnh, tâm tí hài hòa, chẳng phải, chúng ta đã đạt được sự bình yên?
BTV Vân Hồng: Là một giáo viên Yoga giàu kinh nghiệm, bạn có thể chia sẻ ngắn về cách để có 1 buổi tập yoga đạt kết quả tốt nhất?
Nguyễn Kim Quyên: Để có một buổi tập Yoga hiệu quả, chúng ta nên tập với một cái bụng rỗng và cơ thể sạch sẽ. (nên ăn trước khi tập ít nhất là 2 tiếng, không tập khi bụng no và nên tắm qua trước khi tập).
Chúng ta nên đến sớm trước buổi tập 5-10 phút để chuẩn bị chỗ ngồi phù hợp.
Khi tập thì tâm trí hoàn toàn tập trung, quan sát và lắng nghe chỉ dẫn của giáo viên và làm theo cho phù hợp. Ta cần tập trung vào hơi thở sao cho hơi thở hài hòa cùng chuyển động. Đừng so sánh với người khác, hãy tập trung vào chính mình, hiểu cơ thể và khả năng của mình để luyện tập phù hợp và an toàn.
Đặc biệt phải kiên nhẫn, trong Yoga, dục tốc bất đạt. Cứ từ từ, rồi mọi việc sẽ đến.
BTV Vân Hồng: Nếu chỉ có một quỹ thời gian ít ỏi, bạn có gợi ý về bài tập ngắn nào phù hợp cho mọi người không?
Nguyễn Kim Quyên: Chúng ta ai cũng chỉ có 24h một ngày, vậy tại sao người ta có thể thu xếp tập được, còn mình thì không?
Trông người lại ngẫm đến ta? Ngay cả những chính trị gia nổi tiếng như PM Modi, thủ tướng Canada, những diễn viên Hollywood gạo cội như Johny Deep hay cô đào bốc lửa Madona, họ quá bận chứ, tại sao họ vẫn tập được Yoga? Còn mình thì không?
Cho nên, nếu bạn thực sự coi trọng sức khỏe của mình, thì hãy thu xếp để tập luyện đi, tập Yoga thì càng tốt.
Một buổi tập luyện trung bình là 60 phút bao gồm 10-20 phút khởi động, 30 phút chuỗi chính và 10 phút cuối cùng để thiền và thư giãn. Chúng ta có thể thu xếp tập ca buổi sáng sớm trước khi đi làm bởi đây là thời điểm lý tưởng nhất để tập Yoga hoặc tranh thủ buổi tối sau khi đi làm về thì ghé qua câu lạc bộ.
Nếu chúng ta quá bận thì không cần tập quá nhiều động tác mà hãy tập trung vào chuỗi chào mặt trời (Sun Salutation – tiếng Hindi là Surya Namaska) bao gồm 12 tư thế mỗi bên trái, phải, như vậy tổng cộng là 24 tư thế với với tần suốt 6-10 vòng, như vậy cũng là phù hợp cho người bận rộn vì thông qua chuỗi chào mặt trời, toàn thân của chúng ta đã được làm nóng, các khớp xương và bó cơ cũng đã được kích hoạt, máu lưu thông tuần hoàn trong toàn bộ cơ thể.
Đây là chuỗi đầu tiên mà bất kỳ một người tập Yoga nào cũng nên biết đến và có thể tự tập ở nhà sau khi đã có kinh nghiệm luyện tập cơ bản và chuẩn chỉ.
BTV Vân Hồng: Yoga có nhiều trường phái và cấp độ, chúng ta nên tập theo lộ trình thế nào, nên đầu tư thời gian bao nhiêu là hợp lý?
Nguyễn Kim Quyên: Yoga có nhiều trường phái và cấp độ khác nhau như Yoga cổ điển, Vinyasa, Ashtanga… với nhiều cấp độ dành cho người mới bắt đầu, người trung cấp và người tập nâng cao. Tùy theo kinh nghiệm luyện tập và khả năng của mỗi người, để lựa chọn một cấp độ luyện tập phù hợp.
Nếu là người mới (beginner) thì ta nên tham gia các lớp tập có trình độ B cho người mới bắt đầu, làm theo những chỉ dẫn cơ bản của giáo viên để sao cho tập đúng ngay từ đầu.
Với những người đã có kinh nghiệm luyện tập (Intermediate/ Advance) thì ta có nhiều sự lựa chọn hơn, có thể tham gia các lớp I hoặc A. Tuy nhiện lưu ý là khi tập phải luôn lắng nghe cơ thể, đừng bao giờ ép cơ thể làm những tư thế khi chưa sẵn sàng bởi có thể dẫn đến chấn thương.
Thời gian luyện tập mỗi ngày 01 tiếng là phù hợp để cơ thể làm quen, thích nghi và dần trở nên yêu thích Yoga.
BTV Vân Hồng: Nhiều người nghĩ rằng giỏi Yoga nghĩa là phải uốn dẻo như "người không xương", bạn có muốn "cải chính" suy nghĩ này không?
Nguyễn Kim Quyên: Ở Việt Nam, quan niệm sai lầm phổ biến là Yoga là bộ môn dành cho những người có cơ địa dẻo, tập Yoga phải cố gắng sao cho thành người dẻo, "người không xương" như chị nói.
Quan điểm của em thì lại khác: Những ai không dẻo thì nên tập Yoga cho người trở nên mềm mại hơn. Còn những người dẻo sẵn rồi thì nên tập cho khỏe lên.
Như vậy cơ thể mới hài hòa, cân bằng được.
Bởi nếu anh dẻo rồi mà anh chỉ thích tập dẻo thì anh sẽ trở thành dẻo "dặt dẹo". Còn nếu anh khỏe mà anh chỉ thích tập cho nhiều cơ, nhiều múi thì cơ thể anh sẽ thiếu sự dẻo dai, linh hoạt.
BTV Vân Hồng: Theo bạn thì sức khỏe quan trọng như thế nào và ngưởi trẻ nên bắt đầu làm gì để trở nên khỏe mạnh hơn?
Nguyễn Kim Quyên: Sức khỏe là tài sản quan trọng nhất của mỗi chúng ta, có sức khỏe là có tất cả. Để trở nên khỏe mạnh, điều đơn giản nhưng không kém phần quan trọng nhất đó chính là Vận Động.
Chúng ta đừng lấy cớ bận hay mệt nữa, hãy nhấc mông lên và đi đến Phòng tập. Tập bộ môn gì cũng được, miễn là vận động để cơ thể được kích hoạt, khí huyết lưu thông tuần hoàn. Có vận động thì mới khỏe được.
Lời khuyên dành cho những bạn trẻ muốn tập Yoga là: Đừng nôn nóng. Hãy kiên nhẫn!
Đừng chưa học bò đã lo học chạy. Đừng mới tập, cơ thể chưa mềm dẻo mà nhìn thấy người bên cạnh làm được tư thế này là mình cũng phải cố làm bằng được. Chẳng hạn thấy người ta làm được tư thế bánh xe (wheel pose) thì mình cũng vội làm theo rồi lại bị đau lưng. Thay vào đó, mình hãy bắt đầu từ tư thế cây cầu (bridge pose) để cơ thể thích ứng dần. Mình tập đúng, tập đủ rồi thế nào mình cũng sẽ làm được!
Bởi nếu cơ thể chưa sẵn sàng mà cứ cố tập là bạn có thể gặp chấn thương đấy.
Hãy tập Yoga để có một cơ thể khỏe mạnh và tâm hồn tươi trẻ?
BTV Vân Hồng: Là một người trẻ, bạn thấy giới trẻ ngày nay có "thói hư tật xấu" nào cần sửa không?
Nguyễn Kim Quyên: Gọi là "thói hư tật xấu" thì e hơi quá, nhưng thói quen xấu của người trẻ là có thật. Một căn bệnh phổ biến nhất hiện này là bệnh "text neck" – có nghĩa là bệnh "nhắn tin cổ" lúc nào ta cũng cắm mặt vào điện thoại và chìm đắm trong thế giới ảo hoặc mạng xã hội. Điều này vô hình chung ảnh hưởng đến sức khỏe cột sống của cả một thế hệ.
Một điều khá phổ biến khác là thói quen ăn uống tùy tiện, ăn nhanh hoặc ăn không sạch, thường xuyên sử dụng những sản phẩm đựng trong cốc nhựa (trà sữa…), túi ni long ( hộp đựng đồ ăn nhanh) vốn không tốt cho sức khỏe và không bảo vệ môi trường.
Quá chìm đắm vào thế giới ảo khiến người trẻ quên đi thế giới thật, thiếu sự tương tác với những người thật xung quanh, đồng thời hình thành thói quen lười vận động.
Đừng để tuổi thanh xuân trôi qua trong sự lười biếng và uể oải để đến khi có tuổi rồi mới thấy quý trọng sức khỏe.
Điều đơn giản nhất mà em muốn chia sẻ với các bạn là: HÃY VẬN ĐỘNG ĐI. ĐỪNG LƯỜI NỮA.
Đừng bảo "tôi bận", "tôi mệt" mà hãy thu xếp thời gian đi tập đi. Tập gì cũng được, miễn là vận động, cơ thể bạn sẽ trẻ trung, năng động và khỏe khoắn hơn.
Bởi có sức khỏe là có tất cả!
BTV Vân Hồng: Trân trọng cảm ơn bạn đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn.
Trí thức trẻ