Cuộc gọi giải đáp thắc mắc như trên cũng được thực hiện với nhiều người có mối lo ngại khác. Đây là một phần trong chiến dịch chống thông tin sai lệch xoay quanh tính an toàn và hiệu quả của vắc xin.
Minaj gây chú ý vào tuần trước khi chia sẻ lý do bỏ qua Met Gala năm nay. Cô cho biết ban tổ chức yêu cầu người tham dự phải tiêm vắc xin, nhưng nữ rapper quyết không tiêm trừ phi “cảm thấy bản thân đã tìm hiểu đầy đủ”.
Sau đó Minaj còn đăng câu chuyện của bạn của người anh em họ ở quê nhà Trinidad, bảo rằng trường hợp này bị sưng tinh hoàn sau tiêm và đã bị bất lực.
Câu chuyện trên chưa được xác minh, danh tính của người trong câu chuyện cũng không được nói rõ.
Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci trả lời phỏng vấn trên đài CNN đầu tuần qua lên tiếng bác bỏ: “Không có bằng chứng cho thấy chuyện đó (vắc xin COVID-19 gây vô sinh) và cũng chẳng có lý do gì để tin như vậy”.
Suốt năm qua, Nhà Trắng phải cố gắng chống lại tâm lý từ chối tiêm chủng chủ yếu từ đối tượng dân số trẻ tuổi và người theo đảng Cộng hòa. Chính phủ Mỹ xác định thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin là nguyên nhân làm dấy lên tâm lý từ chối. Tổ chức phi chính phủ Center for Countering Digital Hate phát hiện hàng chục tài khoản phát tán tin giả trên Facebook.
Bên cạnh cuộc gọi giải đáp nghi vấn, Nhà Trắng còn dùng đến nhiều cách thức mới nhằm bác bỏ thông tin sai lệch, tiếp cận đối tượng dân số trẻ tuổi chẳng hạn như mời ngôi sao nhạc pop 18 tuổi Olivia Rodrigo đến Nhà Trắng thể hiện sự ủng hộ dành cho chiến dịch tiêm chủng.