Với tình cảnh không nhà cửa, ông Võ Văn Thành (54 tuổi, quê gốc Bình Dương) hằng ngày rong ruổi khắp các con phố ở TPHCM lượm ve chai mưu sinh.
Ở ngã tư đường Hồng Bàng giao với Nguyễn Thị Nhỏ (Quận 5), hình ảnh chiếc xe ba gác máy chứa gần 20 con chó, với tấm bảng "Không bán chó. Chó là bạn. Không phải thức ăn" được dán quanh xe, luôn tạo sự hiếu kỳ với người đi đường.
Theo ông Thành, do biến cố gia đình, vợ bỏ, hai người con trai nghiện ngập đi tù nên ông từ mặt. Năm 1996, ông một mình lên Sài Gòn làm phụ hồ. Khi chứng kiến cảnh những quán nhậu gần công trình ông làm giết mổ chó, ông cảm thấy rất thương xót.
"Khi ấy, tôi đi làm cố gắng dành dụm được 600.000 đồng để giải cứu được cặp chó từ lò mổ. Mang hai đứa về ở chung để canh công trình, nhưng chủ không cho nuôi chó. Nên tôi quyết định nghỉ và mua một chiếc xe đạp đẩy, đưa hai con chó cùng đi khắp nơi lượm ve chai kiếm sống. Gần 30 năm sống rong ruổi, tôi nhận nuôi thêm nhiều con nữa. Đến giờ, số lượng chó tôi nhận nuôi đã lên đến 23 con. Tôi thương chúng nó như con của mình", ông Thành chia sẻ.
Bác sĩ Lê Minh Phương (phòng khám thú y phường 5, Quận 5) khám và chích thuốc kháng sinh cho chú chó tên Xù của ông Thành. Xù bị viêm nhiễm vết thương do đẻ non dẫn đến kiệt sức.
"Với người thích nuôi chó, họ lựa chọn những giống chó mình thích về nuôi, tới khi không đủ khả năng nuôi nữa, thì họ sẽ cho, hoặc có thể là bỏ mặc những con vật này. Còn với chú Thành, ông nhận nuôi tất cả các con chó có hoàn cảnh cần cưu mang, tuyệt đối không có chuyện bán chó hay bỏ rơi chúng. Đó là việc làm rất đáng trân trọng", bác sĩ Phương chia sẻ.
Biết được hoàn cảnh và tình cảm đặt biệt của ông với các chú chó, nhiều người đã đến thăm, và giúp đỡ.
"Đồng tiền kiếm được từ ve chai rất ít ỏi. Tôi đã lớn tuổi, cộng với căn bệnh thoái hóa cột sống, khiến tôi không thể lao động nặng được. Nhưng tôi may mắn được nhiều người yêu quý chó đến giúp đỡ. Người cho tiền, người cho thức ăn để nuôi đàn chó. Chiếc xe ba gác máy này cũng do một mạnh thường quân tặng", ông Thành cho hay.
Đêm xuống, ông Thành chở đàn chó đi dọc các con phố vắng để tìm ve chai, cũng như kiếm một nơi an toàn để nghỉ chân qua đêm.
Mỗi tối, ông Thành ngủ trên tầng gác chuồng chó của xe. Cửa chuồng được ông khóa kỹ lưỡng, phòng trộm chó. Chiếc xe luôn sáng đèn bằng bình ắc quy được sạc đầy lúc sáng ở các tiệm sửa xe. Chi phí mỗi lần sạc 30.000 đồng, dùng khoảng 3 đêm.
Một cuộc sống tốt đẹp hơn đến với "đại gia đình" của ông Thành. Trong đợt dịch căng thẳng, di chuyển khó khăn, ông được một người quen giúp đỡ, cho thuê một mảnh đất khá rộng, khoảng 200 m2 với giá khoảng 2,5 triệu/tháng ở xã Thạnh Đức (Bến Lức, tỉnh Long An) cách Sài Gòn 35 km. Giữa miếng đất có một căn nhà để hoang.
"Sau nhiều năm phiêu bạt, cuối cùng tôi và đàn chó cũng có một nơi ở để gọi là nhà. Tuy bây giờ còn hoang sơ, nhưng giá thuê rẻ, tôi hy vọng sớm cải tạo lại khu đất thành một cái trại nuôi chó. Để không phải chở đàn chó đi khắp nơi, mà dùng chiếc xe để làm phương tiện vận chuyển, kiếm tiền thêm để chăm "các con"...", ông Thành hy vọng.
Khu đất rộng, cho phép ông và đàn chó có nhiều không gian sinh hoạt.
Trước khu đất là con kênh Thủ Thừa, nơi ông Thành tắm cho đàn chó cũng như vệ sinh cho bản thân mình mỗi khi chiều về.
"Con thương nội nhiều không, nội thương con nhiều lắm", có lẽ là câu cửa miệng của ông Thành mỗi khi nói chuyện với đàn chó của mình. Và dường như, qua ánh mắt của những con chó ở đây, có thể thấy chúng biết được tình cảm của ông, và rất mến ông.
Bà Giang Thị Bé Sơn, 55 tuổi, là một hàng xóm thân thiết, sống gần căn nhà hoang nơi ông Thành và đàn chó tạm trú. Thấy thương cho hoàn cảnh ông Thành, cô hay qua nhà thăm, mang theo cơm và thức ăn cho ông và đàn chó.
"Mỗi khi chú Thành lên Sài Gòn thì tôi qua cho mấy chú chó ở lại trại ăn, dọn dẹp. Tôi thương chó lắm, nên thấy ổng một thân một mình chăm sóc một bầy chó cực quá, nên tôi giúp được bao nhiêu thì giúp", bà Sơn nói.
Đến lượt mình ăn, ông cũng hay mớm ăn thức ăn của mình cho đàn chó. "Tôi ăn ít lắm, thấy tụi nhỏ nhìn miệng mà tôi cũng không nỡ ăn, nên mớm cho mỗi đứa một miếng", ông Thành nói.
Khi mặt trời lặn, ông Thành đốt củi và lá khô để đuổi bớt muỗi.
Trời về khuya, ông Thành mang cái đèn với bình ắc quy trên xe ba gác máy xuống thắp sáng một góc nhà. Ông nhâm nhi ly cà phê nóng, ngồi nghỉ ngơi với bầy chó đang vây quanh, trong một không gian yên tĩnh.
Ông Thành và đàn chó của mình nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Đối với một người lớn tuổi như ông, mỗi ngày chăm sóc 23 con chó là một công việc khó khăn, và tốn sức. Nhưng ông luôn thương yêu, và xem đàn chó như chính những đứa con của mình. "Tôi thương yêu chúng đến khi tôi chết rồi thì thôi", ông Thành nói.