Khi một đoàn quay phim bôi trát, tô màu lên giếng cổ quay hài Tết xảy ra, người dân làng cổ Đường Lâm mới có dịp bộc bạch nỗi lòng của mình khi bao năm qua, đây là bối cảnh được nhiều đoàn phim lựa chọn, nhất là hài Tết.
Chia sẻ trên báo Lao động, bà Nguyễn Thị D., người dân ở Đường Lâm phẫn nộ: “Nhiều đoàn làm phim đến Đường Lâm, thích quay gì thì quay. Có cô diễn viên mặc yếm hở hang còn nhảy lên sập giữa nhà cổ để diễn những cảnh nhạy cảm. Có đoàn thì xả rác bừa bãi hoặc gây mất trật tự. Hậu quả thì người dân chúng tôi phải gánh chịu, di tích bị biến dạng”.
Nhiều tiểu phẩm hài Tết dân gian không có nội dung sâu sắc, lạm dụng khoe thân.
Cảm thông với người dân Đường Lâm, nhiều cư dân mạng cũng bày tỏ, những năm gần đây, xu hướng làm hài Tết dân gian nở rộ. Tuy nhiên, rất nhiều tiểu phẩm hài Tết không có giá trị nội dung, ý nghĩa, thay vào đó là thi nhau khoe da thịt, lời thoại phản cảm, nhảm nhí.
“Giờ các hãng phim đổ xô làm hài Tết, kịch bản thì hời hợt, làm hài dân gian nhưng bôi bác, xuyên tạc lịch sử, diễn viên chủ yếu khoe thân”, tài khoản T.T. bình luận.
Đồng quan điểm, tài khoản H.H.V. viết: “Hài Tết bây giờ làm kiểu thô lỗ, rặn ra để cười mà cũng không cười nổi. Tiếc cho giếng cổ, di tích lịch sử mà người Đường Lâm đã bảo tồn qua nhiều thế hệ”.
“Chẳng hiểu đạo diễn nghĩ gì, quay bối cảnh làng quê nghèo Việt Nam ngày xưa mà lại bôi cái giếng mới toanh. Tư duy như vậy bảo sao làm hài Tết không thể xem nổi” - tài khoản T.C. nêu ý kiến.
Giếng cổ bị bôi trát để làm bối cảnh quay hài Tết.
Giếng cổ đã được cọ rửa màu vẽm song đã làm mất đi những dấu vết rêu phong trên thành giếng. (Ảnh: Thành Sơn)
Được biết, hiện đoàn làm phim đã cọ rửa toàn bộ vôi màu trên giếng cổ. Tuy nhiên, do vết vôi màu bám dính rất chắc nên việc cọ rửa rất khó khăn, hiện trạng di tích khó có thể được hoàn lại ngay. Ngoài ra, việc cọ rửa mạnh để làm trôi màu vôi ve cũng ảnh hưởng đến hiện trạng di tích, làm mất hết dấu vết rêu phong trên thành giếng.
Nhịp sống Việt