Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, điển tích "ôn tửu trảm Hoa Hùng" của Quan Vũ đã giúp tiếng tăm võ nghệ của "Võ thánh" uy chấn khắp thiên hạ.
Chuyện kể rằng, trước mặt Tào Tháo và bá quan văn võ, Quan Vũ bước lên thề giết Đô đốc Hoa Hùng - thuộc hạ thân tín của Đổng Trác, nếu không giết được sẽ tự dâng đầu mình cho Tào. Tào nghe vậy liền rót chén rượu tiễn Quan Vũ ra trận.
Rượu còn chưa uống, Quan Vũ đã quay lưng, cưỡi ngựa tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt Đao tiến thẳng đến chỗ Hoa Hùng đứng chờ nghênh chiến. Hiền đệ của Lưu Bị vung 3 đao đã lấy được thủ cấp của đô đốc của Đống Trác. Khi ấy, rượu Tào rót ra đương còn ấm. Chiến tích này nhanh chóng góp phần làm suy yếu phần sức mạnh của Đổng Trác trên chiến trường.
Những năm cuối thời Đông Hán, triều đình rối ren, thiên hạ đại loạn. Các thế lực nổi lên khắp chốn nhằm thâu tóm quyền lực và thao túng triều đình. Khi đó, Đổng Trác nổi lên là một gian thần tàn ác, lắm mưu nhiều mẹo. Lợi dụng thế thời loạn lạc, y đã từng bước lập được một thế lực mới, tự phong cho mình là Tướng quốc đứng đằng sau thâu tóm quyền lực, từng bước biến hoàng đế Hán Hiến Đế thành con rối trong tay mình.
Năm 191 sau Công Nguyên, sau khi Tào Tháo ám sát Đổng Trác thất bại, ông đã tham gia hội minh nhằm tiêu diệt thế lực đông đảo Đổng Trác. Tuy nhiên, Đổng Trác tỏ rõ là một gian thần có đủ thế và lực.
Không chỉ nắm trong tay quyền lực cùng vô số tiền bạc vơ vét của triều đinh và muôn dân, Đổng Trác còn nắm trong tay 4 mãnh tướng vô cùng thiện chiến. Hai trong số đó phải kể đến là "đệ nhất chiến thần" Lã Bố và Hoa Hùng - người từng khiến rất nhiều liên minh đánh Đổng Trác phải chịu thất bại cay đắng.
La Quán Trung mô tả Hoa Hùng có vẻ ngoài cao lớn, thân hổ, eo sói, đầu báo và tay vượn. Hình ảnh bất khả chiến bại và võ nghệ không thể ngăn cản của Hoa Hùng khiến các thế lực liên minh chống Đổng Trác sợ hãi đến tái mặt.
Việc Đổng Trác mất Hoa Hùng dưới tay Quan Vũ được nhận định là khiến tên gian thần họ Đổng mất một phần sức mạnh.
KK News(Trung Quốc) cho rằng, anh hùng thời Tam Quốc không thiếu. Do đó, ngoài Quan Vũ, còn có 5 mãnh tướng có thể trảm Hoa Hùng. Họ là ai?
Trương Phi là tam đệ kết nghĩa của Quan Vũ, đồng thời cũng là một trong Ngũ hổ tướng sau này của nhà Thục Hán. Ông cũng là một vị tướng hung hãn với võ công siêu đẳng.
Thực lực võ công cái thế của Trương Phi được chứng minh sau 2 lần đơn đấu với Lã Bố trong 50 hiệp và 100 hiệp bất phân thắng bại. Có thể nói, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Trương Phi là mãnh tướng duy nhất có khả năng đối đầu với Lã Bố mà không bại trận.
Ngoài ra, Quan Vũ từng (khiêm tốn) nói rằng, võ công của Trương Phi giỏi hơn ông. Do đó, việc Quan Vũ "ôn tửu trảm Hoa Hùng" sau 3 nhát đao thì Trương Phi cũng có thể trảm Hoa Hùng một cách nhanh gọn.
Năm 190, Hạ Hầu Đôn mang quân đến giúp Tào Tháo đánh Đổng Trác. Không chỉ là đồng hương, bạn chí cốt, Hạ Hầu Đôn là một trong những dũng tướng tài giỏi và hết mực trung thành của Tào Tháo.
Hạ Hầu Đôn được xem là "lá chắn thép" của Tào Tháo. Người này dũng cảm và không sợ chết đến mức có thể trực tiếp đối đầu Lữ Bố; 2 lần truy sát Triệu Vân và khiến chính Quan Vũ phải dè chừng trong hai trận đánh ở núi Thổ Sơn và bến đò Hoàng Hà.
Với những chiến tích đó, không có lý do gì để phủ định tài năng của Hạ Hầu Đôn khi mãnh tướng nhà Tào Ngụy có thể dễ dàng hạ gục Hoa Hùng của Đổng Trác.
Là em họ của Tào Tháo và là một trong những công thần khai quốc nhà Tào Ngụy, Tào Hồng cũng đi theo phò tá Tào Tháo sau khi cùng Tào Tháo đứng lên đánh Đổng Trác.
Sau khi nhận thất bại vì nôn nóng trong trận ải Đồng Quan năm 211 trước Mã Siêu, Tào Hồng suýt bị Tào Tháo xử chết. Việc tha cho Tào Hồng phút cuối này đã góp phần cứu mạng Tào Tháo trước sự truy sát khủng khiếp của Mã Siêu về sau.
Trong trận Đồng Quan, Mã Siêu thề sẽ giết Tào Tháo để trả thù cho cha. Mã Siêu cưỡi ngựa đuổi theo Tào Tháo khiến Tào phải vứt trường bào, cắt râu để Mã Siêu không nhận ra. Tuy nhiên, xung quanh Tào Tháo không có nhiều binh lính để trà trộn. Thấy Mã Siêu sắp đuổi kịp Tào Tháo, Tào Hồng bất ngờ chặn đường Mã Siêu, giao chiến với Mã Siêu hơn 40 hiệp bất phân thắng bại.
Vì tình thế cấp bách, Tào Hồng thoát khỏi Mã Siêu và thành công cứu Tào Tháo khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
KK Newsđánh giá, Mã Siêu về sau là một trong Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán, tài năng võ nghệ không kém Quan Vũ và Trương Phi là mấy. Việc Tào Hồng có thể đối đầu Mã Siêu trong 40 hiệp đấu không phân định thắng thua có thể thấy người này có khả năng đánh lại được Hoa Hùng.
Vũ An Quốc là tướng lĩnh tài ba của thế lực quân phiệt Khổng Dung - cháu 20 đời của Khổng Tử.
Trong trận đánh tại Hổ Lao Quan, Vũ An Quốc đã trực tiếp giao chiến với "chiến thần" Lã Bố. Cầm cự được đến hiệp đánh thứ 10 thì Vũ An Quốc bị phương thiên họa kích của Lã Bố chặt đứt bàn tay.
KK Newsnhận định, đừng coi thường 10 hiệp đơn đấu của Vũ An Quốc. Bởi Lã Bố khi đó không chỉ là chiến thần khét tiếng nhất Tam Quốc mà còn đang ở thời kỳ đỉnh cao nhất. Việc Vũ An Quốc sống sót mà chỉ mất 1 bàn tay cũng chứng tỏ thực lực võ nghệ cao cường của người này.
Việc Vũ An Quốc cả gan dám đấu đầu với Lã Bố cũng cho thấy bản lĩnh của ướng lĩnh dưới trướng Khổng Dung. Đó là lý do, người này có thể đơn đả độc đấu với Hoa Hùng và kết liễu dánh tướng khét tiếng của Đổng Trác.
Tham khảo:Sohu, 163, Baidu, KK News