Hồi ký có tên Những vui buồn trong đời đi hát, ghi trên chục cuốn vở, được ký giả Ngọa Long biên tập, báo chưa đăng trọn thì phải ngưng trong cơn khó khăn của báo giới giữa những biến động xã hội năm 1974.
Qua phần trích viết về nghệ sĩ Ba Lễ trong Tạp bút năm Nhâm Thân 1992 của cụ Vương Hồng Sển, người đọc cảm nhận hồi ký nghệ sĩ Bảy Nhiêu là một tài liệu quý giá để tìm hiểu nghệ thuật cải lương Nam bộ và về chính tác giả - một trong những nghệ sĩ tiền phong được đánh giá cao của sân khấu cải lương. Rất tiếc tài liệu quý này - ngoài một ít trích đoạn đăng trên sách báo – sau 40 năm vẫn chưa có dịp ra đời...
Những mảnh hồi ức vội bán đi
Đạo diễn Hồng Dung, cháu ngoại nghệ sĩ Bảy Nhiêu kể rằng khi ông ngoại chị còn sống, chị có thấy ông tập hợp lại từng kỳ hồi ký đăng báo dán vào trong một cuốn sổ ca-rô lớn. Sau năm 1975, ông giao cho con gái, tức mẹ của chị là nghệ sĩ Kim Cúc giữ vì ông đang sống chung với người con trai thứ tư từng là cảnh sát chế độ cũ. Ông sợ nhà nước xét nhà, tưởng tài liệu gì mà lấy đi thì nguy.
Chị Dung nhớ mấy chị em trong nhà trước kia không thích đọc các kỳ báo của ông ngoại, nhưng khi đóng thành tập thì thay nhau đọc kỹ và rất thích. Bên các trang báo dán đó, ông Bảy Nhiêu ghi chú tỉ mỉ những chuyện bên lề, những chỗ cần sửa lại cho đúng, nói thêm cho rõ.
Chân dung nghệ sĩ Bảy Nhiêu năm 1958
Năm 1976, cả nước rất khó khăn. Ông Bảy Nhiêu bị tai biến, cần tiền chữa bệnh nên có ý định bán cuốn hồi ký đó. Chị Hồng Dung nhớ một ngày trong năm, ông ngoại đi xích lô đến nhà chị tại cư xá Chu Mạnh Trinh, bảo đưa lại cho ông cuốn hồi ký rồi lên xe đi. Lúc đó, nhà chỉ có bà Bảy Nhiêu và nghệ sĩ Kim Cúc.
Mẹ chị tiếc lắm nhưng cả nhà đang lúc khó khăn như tất cả mọi người, chồng là nghệ sĩ Năm Châu cũng đang bệnh, không có tiền giúp được thì đành để cha mang hồi ký đi trong tâm trạng buồn tiếc. Không ai biết ông bán cuốn đó cho ai, họ mua để làm gì. Người trong nhà nghĩ rằng có thể người mua muốn giúp đỡ ông chứ không phải người trong nghề muốn đọc, muốn tìm hiểu.
Không lâu sau, nghệ sĩ Bảy Nhiêu qua đời vào tháng 6.1976. Sau này, chị Hồng Dung tiếc nhớ những trang viết của ông ngoại nên đã vào Thư viện Tổng hợp xin sao chép từng kỳ trên báo... Rồi chị giao bản sao này cho Thư viện tỉnh Cần Thơ, không lưu lại cho gia đình một bộ nào.
Chị hy vọng đến một lúc nào đó có thể gặp được người mua cuốn sổ dán các trang hồi ký do ông ngoại bán đi, để xin chuộc hoặc sao lại. Đối với chị, ngoài nội dung, còn có những dòng ghi chú bên lề rất có giá trị của ông mà bản sao không có được. Hơn 40 năm qua, điều đó vẫn chỉ là mơ ước.
Còn lại một mảnh
Trong bán nguyệt san Tin văn số 13, số đặc biệt “Kỷ niệm nửa thế kỷ sân khấu cải lương”, may thay có in 22 trang Ký ức của Bảy Nhiêu – nghệ sĩ tiên phong của sân khấu cải lương. Trong đó, nghệ sĩ Bảy Nhiêu nhắc đến thuở ban đầu ông đến với bộ môn nghệ thuật này khi còn đi học ở Cần Thơ. Đây là tài liệu quý, có thể là một phần trong tập hồi ký nói trên. Xin lược trích vài mốc thời gian liên quan đến đời nghệ sĩ Bảy Nhiêu.
Năm 1918, đang trong lớp học, cậu bé 16 tuổi Huỳnh Năng Nhiêu bỗng nghe tiếng trống xập xình hòa với tiếng đàn kìm, cò, đoản… đánh bản Madelon. Cả thầy lẫn trò lập tức chạy ra chen nhau trong cổng rào trường Võ Văn, Cần Thơ và thấy có cờ tam sắc treo chung quanh chiếc xe song mã. Trên xe có các tài tử và hai người hóa trang thành hề hát xiệc ngồi phía trước để phát chương trình biểu diễn tối đó. Khi xe khuất, giáo sư ra lệnh “Cấm tất cả học trò đi xem hát!”. Lập tức, Nhiêu rủ ngay đứa bạn cùng lớp con ông chủ thợ bạc lớn nhất Cần Thơ: “Tối nay tao với mày leo tường đi xem hát!”. Anh kia đồng ý ngay, về nhà ăn cắp của gia đình cây neo một lượng vàng đem bán.
Cả hai đến trước rạp Mesner mà người ta thường gọi là rạp Thầy Lý, thấy tấm bảng có hàng chữ: “Gánh hát kim thời Đồng Bào Nam – Mỹ Tho”. Cả hai mua vé “cá kèo” vô xem, đến tuồng Cô Ba lưu lạc được xem kép Hai Giỏi vai công tử bận áo the dài, đầu rẽ lệch bảy ba, cầm gậy, mang giày bốt-tin đen, đội nón nỉ ca bài Tứ Đại Oán pha Xuân. Kế đó, xem nhân vật Cô Ba lưu lạc do cô đào Năm Phỉ đóng mặc bộ áo dài tới gối màu hồng phấn, choàng khăn “sạt” cùng màu, mang giày thêu cườm, tay cầm khăn mù soa xanh nhạt có ren, tóc chấm vai. Những hình ảnh hào nhoáng ấy khiến chú học trò Bảy Nhiêu choáng váng, tương tư Cô Ba lưu lạc, bỏ học, móc tiền nhà trốn theo gánh Đồng Bào Nam.
Năm 1919, nhà trường của Bảy Nhiêu cho ba má ông biết chuyện con trai họ đã bỏ học. Gia đình kéo ông về nhưng rồi lại chứng nào tật nấy… Bảy Nhiêu tiếp tục lấy tiền nhà trốn theo gánh hát, rồi bị kéo về, vài chục lần như vậy.
Năm 1920, Bảy Nhiêu bị “quản thúc” và bị buộc phải cưới vợ. Người vợ đó chính là thân mẫu của hai nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan sau này.
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu trong vai sư cụ chùa Vân trong cuốn phim Quan Âm Thị Kính do nghệ sĩ Năm Châu hợp tác với hãng phim Mỹ Vân thực hiện khoảng năm 1956
Từ năm 1920 đến 1923, các đại gia có tiền đua nhau lập gánh hát. Bảy Nhiêu nghe nói ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long bày ra một lối hát, lấy chữ “ca ngâm” để làm ra tuồng hát. Bảy Nhiêu được xem tận mắt những gánh hát như: Nam Đồng Ban có cặp kép đào Hai Giỏi và Năm Phỉ cùng các kép Tư Út, Hai Ngời, Sáu Đảnh… đào có các cô Hai Thà, Sáu Chức... Thầy tuồng là ông Nguyễn Công Mạnh. Trong tỉnh Mỹ Tho có thầy Năm Tú lập “Gánh hát Thầy Năm Tú - Mỹ Tho” có thầy tuồng Trương Duy Toản hát toàn tuồng Kiều. Có thầy Thận đề bảng “Gánh hát Thầy Thận - Sa Đéc”.
Ông Vương Có, một người giàu nhất Thốt Nốt xuất tiền lập gánh hát lấy tên Tập Ích Ban giao cho Bảy Nhiêu kiếm những người đi làm công, buôn gánh bán bưng, học thợ bạc… dạy ca, tập điệu bộ để ra diễn. Gánh có thầy tuồng Nguyễn Trọng Quyền tự Mộc Quán Tử đặt tuồng tích theo các gánh hát Tiều và giữ kỷ luật y như họ, là ăn ngủ có giờ giấc, đi chơi có người dìu dắt nam nữ riêng biệt, không làm giao kèo lấy tiền trước, cho ăn lương tháng rẻ mạt. Đêm 18.10.1921, gánh này khai trương tại đình Trung Nhất ở Thốt Nốt, cũng là đêm đầu tiên Bảy Nhiêu ra sân khấu ca ngâm hát xướng, trở thành kép hát từ đó khi vợ mới sanh đứa bé là nghệ sĩ Kim Cúc sau này. Cùng năm đó, ông xuống Bạc Liêu học ca Vọng cổ hoài lang và học đàn bản vọng cổ với nhạc sĩ Ba Chột con của cụ Nhạc Khị, mà người ta cho là hậu tổ của nhạc lễ và nhạc cổ điển.
Theo nghệ sĩ Bảy Nhiêu, 1922 là năm mà danh từ “cải lương” xuất hiện. Lúc đó ông đang ở gánh Tập Ích Ban, thì nghe tin gánh Tân Thinh của ông Trương Văn Thông (Sa Đéc) hát tại chợ Long Xuyên. Chủ gánh cho tất cả đào kép đi xem. Thấy bảng hiệu đề “Gánh cải lương Tân Thinh – Sài Gòn”, Bảy Nhiêu phân vân không hiểu “cải lương” là hát gì, có nghĩa là sao. Ông nhận thấy đào kép gánh này ca hay quá, nhất là kép Hai Nhiều ca Tứ đại xuân thật độc đáo. Bảy Nhiêu cho rằng danh từ “cải lương” là từ gánh Tân Thinh mà ra, xuất hiện trước nhất dù không biết ai nghĩ ra từ này.
Trong thời gian đó có nhiều gánh xuất hiện. Gánh Tập Ích Ban của ông không dám ló mặt lên Sài Gòn mà chỉ quanh quẩn hát ở miền Hậu Giang.
Đóng trong một vở kịch của ban kịch Anh Lân năm 1960
Năm 1922 đến 1923 là khoảng thời gian hát tuồng Tàu thịnh hành. Gánh Văn Hí Ban trong Chợ Lớn của ông Huỳnh Kim Vui vốn là đại ban có đào nhất là cô Tô Ngọc Diêu tài sắc vẹn toàn. Gánh này mở đầu tuồng Tàu bằng vở Triệu Kinh Nương đưa Triệu Khuôn Dẫn qua gộp, hốt bạc quá xá nên các gánh khác ùa theo hát tuồng Tàu. Bất ngờ gánh Tái Đồng Ban - Mỹ Tho của ông bầu Hai Cu (thân sinh của kép Hai Giỏi) ra đời với dàn đào kép hùng hậu như Phùng Há, Năm Châu, Ba Du, Tư Út, và các thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh, Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi). Gánh này diễn những vở tuồng Tàu như Mộc Quế Anh dâng cây, Phụng Nghi Đình…
Đêm nào gánh đề bảng: “Mai có đánh đồ thiệt” là ông chủ gánh thu tiền vô như nước. Đánh đồ thiệt ở đây là lăn khiên, gươm giáo, đinh ba, mã tấu, đao, kích toàn bằng sắt xi niken, cán bằng tầm vông, nhiều pha đánh thật rùng rợn nổi da gà. Thấy vậy, các gánh hè nhau “đánh đồ thiệt” đến nỗi có lúc đào kép bị trầy da, đổ máu.
Cuối năm 1924, Bảy Nhiêu tính chuyện lìa gánh Tập Ích Ban vì thấy chủ đối đãi không tốt với đào kép mặc dù kiếm được rất nhiều tiền từ họ. Sau khi hát xong đợt diễn Tết, ông rời gánh. Nằm nhà hơn ba tháng thì ông được cậu Tư Phước George (Bạch công tử) từ Mỹ Tho lên rước ông đi Sóc Trăng vì gánh Tái Đồng Ban định bán cho cậu. Nhưng cuối cùng, vì lý do riêng tư, ông theo gánh Phước Cương của ông bầu Nguyễn Ngọc Cương.
Theo ông, từ “ông bầu” được dùng đầu tiên xuất phát từ gánh Phước Cương để gọi ông Nguyễn Ngọc Cương.
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu theo diễn ở gánh Phước Cương từ năm 1925 đến 1931, cùng cả đoàn đi diễn trong cuộc đấu xảo thuộc địa ở Paris tại rừng Vincennes (Pháp).
Trong thời gian này, báo Sài Gòn số 703 (ngày 2.12.1935) nhắc đến nghệ sĩ Bảy Nhiêu: “Đóng trong tuồng cải lương mà người Pháp để ý thiệt là khó vì người Pháp không nghe được âm nhạc và hiểu điệu ca, chỉ thấy bộ tịch của Bảy Nhiêu xuất sắc ca tụng các báo bên Pháp. Hiện giờ Bảy Nhiêu đi cặp với Năm Châu, Năm Phỉ và Tư Tùng sẽ ra mắt bà con Sài Gòn nay mai”.
Năm 1937 ông đi hát tại cuộc lễ Hiến pháp một tháng ở Bangkok (Thái Lan), được Hội Mỹ thuật mời xem hát tại rạp Sila Pacol của ông vua thứ XIII tên Pra Pram Hok, đã từng sang Thụy Sĩ mười năm để học chữ, học âm nhạc và diễn kịch.
Bảy Nhiêu trong cuốn hồi ký của người bạn xứ Bắc
Ngoài cuốn hồi ký của chính mình, nghệ sĩ Bảy Nhiêu còn được nhắc tới khá dài trong một cuốn hồi ký khác của bạn bè xứ Bắc. Tài liệu này quan trọng vì người viết chứng kiến lần biểu diễn nổi tiếng nhất của ông trên sân khấu Paris.
Qua những lần diễn tại Hà Nội, Bảy Nhiêu được giới trí thức Hà Nội quý mến. Năm 1931, ông Đặng Trọng Duyệt trong ban biên tập báo Đông Tây tại Hà Nội được chủ bút là Lãng Nhân cử đi Pháp đại diện cho báo này tại Paris. Ở đó, ông có dịp kết thân với nghệ sĩ Bảy Nhiêu đang trình diễn tại Hội chợ Vincennes. Ông Duyệt đã lên tiếng khi nhận thấy đoàn “Cải lương Sài Gòn” không được đón tiếp chu đáo và sau đó ban tổ chức phải sắp xếp chỗ ăn ở tốt hơn. Ông Chu Mậu, một người bạn của Bạch công tử tức Phước George đã tặng cho Bảy Nhiêu một bộ habit. Đây là bộ habit mặc đầu tiên trên sân khấu Việt Nam trong vở Áo người quân tử.
Hai câu chuyện trên do ông Dương Thiệu Thanh, tác giả cuốn hồi ký Mấy chàng trai thế hệ trước xuất bản tại Sài Gòn năm 1969 kể lại vì là bạn thân của các vị nêu trên. Là một trí thức Hà Nội, ông quen thân với nghệ sĩ Bảy Nhiêu qua những chuyến lưu diễn của nghệ sĩ miền Nam tại đây. Ông Dương Thiệu Thanh đánh giá: “Bảy Nhiêu, tài danh số một thưở nào của gánh Phước Cương đóng cặp với minh tinh Năm Phỉ, khi đoàn hát Trung du, Bắc du, xuất ngoại… đã nâng cao nghệ thuật “hát cải lương” từ 40 năm về trước mà ngày nay được coi là một trong những bộ môn quan trọng nhất của nền ca kịch Việt Nam.
Ngôi sao sáng chói Năm Phỉ và Bảy Nhiêu đương nhiên được ghi bảng vàng, trong số văn nghệ sĩ tiền phong đã góp công đầu xây dựng bộ môn này. Công đầu lớn lao ấy đã đi rất xa từ chỗ hát tại các đình, chùa ở địa phương lên đến tỉnh, lên đến các “rạp hát lớn” tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội, tại các nước láng giềng rồi qua Pháp trong những năm 1931-1934”.
Trong mối thân tình này, ông Dương Thiệu Thanh còn có duyên chứng kiến cả ba vở mà đoàn Phước Cương trình diễn tại Paris trong cuộc đấu xảo thuộc địa 1931, đó là các tuồng Phụng Nghi Đình, tuồng Xử án Bàng Quý Phi và tuồng Tứ đổ tường. Tuồng Phụng Nghi Đình có Năm Phỉ vai Điêu Thuyền, Bảy Nhiêu vai Lữ Bố và Tám Danh vai quan Tư Đồ. Kịch Tứ đổ tường, Bảy Nhiêu vai anh ghiền, Năm Phỉ vai người vợ, được trình diễn tại Hotel de ville. Tuồng Xử án Bàng Quý Phi với Năm Phỉ vai Bàng Phi, Bảy Nhiêu vai Tống Nhân Tôn. Mỗi vở chỉ diễn trích đoạn một cảnh chính.
Ông Dương Thiệu Thanh nhớ lại cảnh tưng bừng nhất trong đêm diễn đó: “Hàng trăm ngàn bông hồng tươi thắm của khán giả Ba Lê ném lên sân khấu khi hạ màn: Khi có Năm Phỉ và kịch sĩ Bảy Nhiêu chào khán giả ngoại quốc” và tường thuật chi tiết:
“Năm Phỉ Bàng Phi với giọng ca hấp dẫn lạ thường, xõa tóc van xin chồng, ông vua trẻ, ngừng phê án tử hình, do Bảy Nhiêu đóng. Tống Nhơn Tôn rất uy nghi, đúng điệu. Trong cảnh này có “cái thật của kịch” bởi vở Xứ án Bàng Quý Phi không phải là tuồng mà là ca kịch cải lương, nên cái thật, tính chất kịch, đã làm mủi lòng hầu hết khán giả. Tây đầm ngồi xem im thin thít, rút khăn tay ra thấm nước mắt, bởi đã có những bài giải thích trước. Một vài cô đầm trẻ đẹp không biết có hiểu rõ cốt truyện không, cũng tỏ ra xúc động, nức nở khóc... Quả thật như vậy, các cô ấy khóc đúng vào phút của đoạn kết khi Năm Phỉ quỳ khóc dưới gối, liếc mắt buồn thảm nhìn lên, van xin Tống Nhơn Tôn, tay cầm bút, phút hồi hộp, phút quyết định sống chết của tội nhân là vợ và ông vua quan tòa là chồng (...). Tống Nhơn Tôn hạ bút ký. Bàng Phi ngất xỉu, bức màn cũng từ từ hạ xuống trong phút này. Theo sự nhận xét riêng của kẻ viết hồi đó, Bảy Nhiêu đã thành công trong một vai tuồng rất khó khăn, bởi phải đóng kịch, phải gần “cái thật”...
Bức ảnh ghép nghệ sĩ Bảy Nhiêu đối diện với chính mình, trong quán cà phê ở đình Phú Hòa, nơi ông mở làm kế sinh nhai cho đến cuối đời. (Ảnh trong bài do gia đình nghệ sĩ Bảy Nhiêu cung cấp)
Trở lại cuốn hồi ký Những vui buồn trong đời đi hát. Về quyết định từ giã đời sân khấu, Bảy Nhiêu kể rất giản dị: “Đến 1928, tôi cộng tác với đoàn “Việt kịch Năm Châu” cho đến ngày 18.10.1954, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, khi màn nhung khép lại để kết thúc vở “Gió ngược chiều”, tôi rửa mặt phấn son và trả lại bộ quần áo “cà mèn” rách te tua lại cho ông Tổ, và từ giã luôn cái sân khấu thân yêu đã hơn 33 năm đi hát (18.10.1921-18.10.1954). Mang rương và lê tấm thân về làm tên phổ-ky ở quán Cà phê Phú Hòa cho tới bây giờ”.
Nhiều ký giả đến phỏng vấn vì sao lại giải nghệ sớm quá, ông trả lời: “Riêng tôi, cái sân khấu kịch trường không hậu thuẫn này phải “đá” nó trước để giữ lại cái gì gọi là “nghệ thuật ca kịch”, hơn là để sân khấu nó hất mình văng xuống vũng lầy”.
Đó là cách nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu từ giã nghiệp tổ. Có thể sau 33 năm đi hát, ông mỏi mệt không còn màng đến hào quang sân khấu vì biết sau ánh màn nhung rực rỡ là những nhọc nhằn của đời nghệ sĩ. Ông “đi chỗ khác chơi”, không muốn “bẹo hình bẹo dạng” như người đồng nghiệp năm xưa là Huỳnh Thủ Trung từng nói, dù đang ở tuổi ngũ thập vẫn còn sung sức. Tuy nhiên nhờ đó, ông có thời gian và độ tĩnh cần thiết để bắt đầu viết cuốn hồi ký về đời nghệ sĩ của mình mà chúng ta nhắc ở đây, để mong có ngày nó sẽ được ra đời một cách đầy đủ.
Phạm Công Luận/Người Đô Thị - Ảnh: TLTG