Múa rối nước được biết đến là đời sống tinh thần của người dân làng Đào Thục. Mỗi một con rối, tích trò đều phản ánh chân thực bức tranh chân dung, cuộc sống con người nơi đây. Đồng thời, nói lên khát vọng, ước mong của con người vào cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Người nông dân, con trâu, cái cày,... mỗi thứ tổng hòa tạo nên bố cục gần gũi, giản dị mà rất sống động của nghệ thuật rối nước.
Mỗi một giai đoạn múa rối nước mang một màu sắc riêng, phù hợp với tình hình, bối cảnh xã hội giai đoạn đó. Sự thay đổi uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo đó tạo nên cái hồn rất riêng của múa rối nước Đào Thục.
Nỗi niềm của người lính với rối nước quê hương
Có khoảng thời gian, múa rối nước gần như biến mất trong cuộc sống của người dân Đào Thục. Vấn đề phục hồi nghệ thuật truyền thống múa rối nước cũng từ đó được người lính - anh hùng lực lượng vũ trang là ông Đinh Thế Văn nung nấu gìn giữ. Nghĩ là làm, người lính ấy bắt tay vào quá trình khôi phục lại nghệ thuật quý giá mà cha ông đã để lại.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống múa rối nước, ngay từ khi 5 tuổi nghệ nhân Đinh Thế Văn đã được làm quen với loại hình nghệ thuật này. Thế nhưng, vào cái thời đất nước chưa có ngày độc lập, dân tộc còn lầm than, ngay từ năm 16 tuổi ông quyết theo các anh mình tham gia vào hai cuộc kháng chiến lớn, chống Pháp và Mỹ, đành tạm gác lại đam mê thời trẻ. Ngày hòa bình lập lại, cũng là lúc người lính ấy quay về quê hương tiếp tục gắn bó với nghệ thuật của ông cha mình.
Nhắc về cội nguồn, theo nghệ nhân chia sẻ, múa rối nước làng Đào Thục đã có bề dày lịch sử hơn 300 năm. Trải qua bao thăng trầm, cho đến ngày nay nghệ thuật truyền thống này đã có chỗ đứng nhất định trong đời sống văn hóa của người Việt. Múa rối nước ra đời từ năm 1734, ông tổ của nghề là cụ Đào Đăng Khiêm (hay Đào Đăng Vinh, tự Phúc Khiêm - Đào tướng công) người đã đỗ tiến sĩ và từng làm quan Tổng nội giám. Rời chốn quan trường, sau khi về quê ông đã lập ra các phường, hội: phường Võ (dạy võ), phường Thầy (dạy học), phường Thợ (nghề mộc, xây dựng), phường Cối (đóng cối xay gạo)... và đặc biệt là phường Rối (múa rối). Nhưng cho đến ngày nay, duy chỉ có phường Rối là được giữ lại.
Nghệ nhân Đinh Thế Văn cũng chia sẻ thêm rằng, đã có thời gian múa rối nước dần đi vào quên lãng bởi chiến tranh kéo dài khiến cho việc lưu giữ và phát triển bị gián đoạn. Năm 1990, ông về hưu, múa rối nước làng Đào Thục khi đó gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn về nhân lực và đặc biệt tình hình kinh tế giai đoạn sau chiến tranh rất khổ cực nên sau một thời gian dài nghệ nhân người còn người mất, thế hệ trẻ không còn mặn mà với truyền thống của quê hương. Chứng kiến giá trị văn hóa truyền thống đang dần mất đi, ông cảm thấy xót xa.
"Tự mình chứng kiến những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại không được con cháu đời sau ghi nhớ lưu truyền, đây là một mất mát to lớn. Là người con của quê hương, khôi phục lại múa rối nước là điều ấp ủ duy nhất của tôi khi đó", nghệ nhân chia sẻ.
Hòa bình lập lại, ông Đinh Thế Văn tiếp tục hành trình viết tiếp đam mê thời trẻ. Ông tìm đến một số nghệ nhân, đi gặp các cơ quan, đoàn thể và thực hiện tuyên truyền, vận động bà con trong làng. Qua vận động, ông thấy giá trị cốt lõi của múa rối nước vẫn còn, đó là tinh thần và tình yêu của những người dân trong làng Đào Thục đối với giá trị văn hóa quý báu này. Đây chính là điểm sáng tích cực để nghệ nhân tiếp tục hành trình giữ lửa của mình. Và cho đến ngày nay, có đến hơn 30 tích trò đã được ông và các nghệ nhân trong làng khôi phục lại.
Năm 2013, chứng kiến những nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân Đinh Thế Văn được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trao tặng Giải thưởng Đào Tấn.
Ngày nay, múa rối nước Đào Thục không chỉ nổi tiếng trong nước, rất nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài cũng tìm đến làng để xem múa rối. Phường múa rối cũng nhiều lần được mời đi diễn tại khắp nơi, đó là thành quả của một hành trình dài nỗ lực của con người và hơn hết của người nghệ nhân ấy - nghệ nhân Đinh Thế Văn.
Giờ tuổi đã cao, kế tiếp nghệ nhân là những thế hệ sau của làng sẽ tiếp tục hành trình mà các thế hệ trước như ông đang thực hiện. Công tác đào tạo trẻ hiện nay của làng vẫn duy trì. Theo nghệ nhân, giới trẻ hiện nay rất hứng thú với múa rối nước của quê hương và nghiêm túc tìm hiểu học hỏi, nhiều cháu tiếp tục thực hiện truyền lửa đam mê cho các thế hệ sau nữa. Lớp này kế lớp khác, đây là một điều rất đáng mừng cho múa rối nước Đào Thục ngày hôm nay.
Tuy nhiên, tình trạng "thoát ly" thì vẫn còn do thù lao biểu diễn còn khiêm tốn khi so sánh với các nghề khác. Và cũng theo nghệ nhân, múa rối nước nên "tự nuôi sống" bản thân mình, để làm được điều này cần phải có sự cố gắng của tất cả người dân làng Đào Thục nói riêng và sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành nói chung để giá trị văn hóa truyền thống mãi trường tồn mà không lo sẽ bị mai một.
Đào Thục hôm nay đã khác xưa, đổi mới và phát triển. Thế nhưng những người con nơi đây vẫn ngày ngày truyền lửa cho nghệ thuật truyền thống để đến bây giờ trở thành ngọn lửa linh hồn của cả quê hương Đào Thục. Đó là điều quý giá nhất mà "anh hùng múa rối nước" Đinh Thế Văn đã làm được. Dù tuổi đã cao nhưng ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật truyền thống rối nước trong ông chưa bao giờ tàn lụi.
Bài: Thanh Tâm - Lưu Tuyết