"16 TUỔI, TÔI ĐÃ TRẢI CHIẾU NGỒI HÁT NGOÀI CHỢ..."
Bắt một chuyến xe từ Hà Nội về quê hương nghệ nhân Hà Thị Cầu (xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), chúng tôi hỏi thì ai cũng biết đến cậu Sơn hát Xẩm.
Bùi Công Sơn, sinh năm 2000, sinh ra và lớn lên tại xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nhưng tự bao giờ, cậu như đã trở thành một phần thân thuộc của những người dân quê hương Ninh Bình.
Không phải con cháu hay học trò cụ Cầu, nhưng người dân Yên Phong vẫn quen gọi Sơn là một trong những "truyền nhân" của cụ. Vì cách nhấn nhá trong câu hát, tay đàn, chân gõ phách, miệng thỉnh thoảng nhai trầu,… Sơn hát Xẩm "hệt như cụ Cầu thuở nào".
Gia đình Sơn không ai theo nghệ thuật, cái duyên với Xẩm đến trong một lần cậu nghe được tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu trên truyền hình. Mê mẩn ngay lần đầu nghe Xẩm, Sơn tự tìm hiểu và tập hát theo, khi ấy cậu mới 11 tuổi.
"Mình để ý rằng ai mà nghe cụ Cầu hát đều dễ mê mẩn. Vì cụ hát bằng cả tấm lòng, thể hiện tình cảm chân thật nhất, kể được nỗi khổ qua qua lời ca tiếng hát. Khiến người nghe đồng cảm với số phận của cụ", Sơn chia sẻ.
Khi còn nhỏ tuổi, chưa có điều kiện đi lại, Sơn tìm học đàn Nhị từ những nghệ nhân sống gần mình nhất. Khi đủ hiểu biết thì cụ Cầu đã mất, Sơn tìm đến những học trò của cụ để theo học, chứ không học qua trường lớp chuyên nghiệp nào.
"Đầu tiên chủ yếu là nghe, tự cảm âm và thuộc lời. Sau đó học đến nhạc, nghe người ta đánh đàn rồi tự lần theo nốt đàn. Học thông qua truyền miệng từ các nghệ nhân dân gian, rồi tìm đến các thầy có trình độ thanh nhạc để học bài bản theo nốt nhạc", Sơn kể lại bước đầu học Xẩm.
Sơn cho biết, thời điểm đó hát Xẩm không được quan tâm đến, người biết hát thì ít, không có ai đam mê cùng, chưa có tổ chức chính thức nào truyền dạy. Cậu học Xẩm chỉ để thỏa mãn niềm yêu thích.
Như một số bạn bè khác, học hết lớp 9, Sơn nghỉ học để ở nhà làm nghề mộc, thu nhập 7-8 triệu một tháng. Được một thời gian thì cậu bỏ nghề mộc để chính thức theo Xẩm, coi Xẩm là một nghề chứ không phải hát cho vui nữa.
"Đang làm mộc có thu nhập tốt, mình lại bỏ theo hát Xẩm, mà hát Xẩm thời điểm đó không kiếm được tiền như bây giờ. Gia đình ngăn cản, có cả mắng chửi nhưng mình vẫn nhất quyết theo Xẩm", Sơn chia sẻ.
16 tuổi đầu, Sơn trải chiếu ngồi hát ở khắp các chợ từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh…
"Chưa còn chợ nào ở Hà Nội mà mình chưa hát. Hát để người ta biết Xẩm còn tồn tại", Sơn khẳng định.
Được người dân ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, từ ban quản lí chợ đến những người bán hàng. Chợ Hà Nội đông đúc, không có chỗ ngồi nhưng vẫn được họ nhường cho hát. Nhiều người hiểu nhầm Sơn là ăn xin. Nhưng mục đích chính của cậu khi đó là để bước đầu khôi phục Xẩm chợ như ngày xưa.
"Nếu không hát ở chợ thì chỉ biết được vài bài thôi. Còn ở chợ thì bao nhiêu bài cũng phải biết, phải thuộc hàng trăm bài, có những bài dài cả tiếng, chỉ ở chợ mới có cơ hội hát những bài đó", Sơn chia sẻ lý do hát Xẩm chợ.
ĐỂ HÁT XẨM THÌ GIỌNG HAY THÔI CHƯA ĐỦ
"Sau 10 năm theo Xẩm, nó là cái duyên nghiệp của mình rồi. Mình theo Xẩm trước hết để giữ lấy cái nghiệp đã gieo vào thân. Nghề nuôi sống mình, sau là mình bảo tồn nghề, vậy là một công đôi việc", Sơn chia sẻ.
Để hát Xẩm thì giọng hay chưa đủ, mà phải hiểu lời, đặt mình vào lời hát đó. Có những bài hát xẩm tâm trạng mỗi lúc khác nhau, phải liên tục nhập vai của nhân vật trong bài để thể hiện nhiều cảm xúc trong cùng một buổi hát.
"Vì vậy, Xẩm là tiếng lòng. Đôi khi những người chưa biết đến mình, chỉ nghe mình nói chuyện thôi họ cũng biết mình là người hát xẩm. Nghĩa là chất Xẩm đã ngấm vào con người mình. Cái này không tập được đâu, mà nó đến tự nhiên, theo thời gian mình gắn bó với nó", Sơn chia sẻ.
Thói quen của cậu cũng đậm chất Xẩm. Sơn thường mặc bộ quần áo nâu, mùa đông thì quấn thêm khăn xếp, trong túi có cối giã trầu. Sơn nghiện ăn trầu. Mọi người đã quen với hình ảnh tay Sơn đàn, chân gõ phách, miệng hát, thỉnh thoảng nhai trầu.
Gặp Sơn Xẩm tại quê hương nghệ nhân Hà Thị Cầu
Sơn quan niệm rằng, mất 2 - 3 năm học để có thể hát được, nhưng trong thời gian hành nghề thì phải liên tục học hỏi. Người hát Xẩm phải có vốn sống, phải trải nghiệm và đi nhiều.
Có lúc cậu dành cả tháng để đi đến các di tích, tiếp xúc với người dân ở các vùng miền khác nhau, tìm hiểu đời sống văn hóa của họ. Khoảng thời gian đó để tích lũy vốn sống.
Sơn cho biết, khó nhất khi hát xẩm là việc vừa đàn vừa hát, hát tròn vành rõ chữ như người kể chuyện, biết tận dụng làn điệu để ứng biến chứ không dập khuôn.
Sơn thường sáng tạo, luồn điệu vào bài hát cho hợp thời đại. Xẩm cổ dùng nhiều từ Hán - Việt khiến nhiều người hiện đại không hiểu được, Sơn chuyển đổi sang ngôn ngữ hiện đại, dễ hiểu. Luồn điệu vào những bài thơ nổi tiếng để hát.
Sơn sử dụng thơ trong hát Xẩm một cách linh hoạt. Khi hát sai lời thì cậu sáng tác ra ngay lập tức để hát tiếp chứ không được dừng lại.
GÓP PHẦN MANG TIẾNG HÁT XẨM RỘN RÀNG TRỞ LẠI
Năm 2017, Sơn tìm về Ninh Bình bởi "đây là một trong những xuất phát điểm của Xẩm cùng nhiều nghệ thuật truyền thống, các dòng họ cổ. Để Xẩm phát triển tốt nhất thì phải cùng nhau thắp lên điệu Xẩm trở lại tại đất của nó trước, sau đó mới mở rộng ra các địa phương khác".
Sơn tập hợp các bạn trẻ tại quê hương của cụ Hà Thị Cầu, thành lập một chiếu Xẩm.
Chiếu Xẩm của Sơn hiện có 15 thành viên, là những học sinh ở nhiều lứa tuổi, có bạn mới chỉ 4 tuổi. Các thành viên đã gắn bó với Sơn từ những ngày đầu khó khăn đến nay.
Chiếu Xẩm sinh hoạt vào mỗi cuối tuần, tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của địa phương. Đã có 5 em có thể vừa đàn vừa hát.
Tại Liên hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc tại Ninh Bình, chiếu Xẩm của Sơn gặt hái được 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải người hát Xẩm nhỏ tuổi nhất Việt Nam.
Sơn vừa dạy học trò theo cách truyền khẩu, vừa dạy bài bản theo nốt nhạc. Cái khó là không dạy cấp tốc được. Một buổi chỉ dạy một vài em, vì hát Xẩm là việc thể hiện tình cảm, mỗi người lại có tính cách khác nhau thì không thể bắt các em hát giống nhau được, ai hợp với điệu gì thì dạy điệu đó.
Em Phan Thị Mỵ (lớp 11A, trường THPT Yên Mô A, Ninh Bình) theo Sơn hát Xẩm đã 3 năm.
"Một lần em tham gia hát văn nghệ ở trường. Lúc đó anh Sơn được mời tới trường, anh ấy đánh đàn cho em hát Chầu văn. Em ấn tượng về anh Sơn ở chỗ chơi đàn giỏi và hát hay.
Em cảm thấy tâm huyết của anh đối với nghệ thuật truyền thống, khi biết anh ấy mở chiếu Xẩm, em liền đăng ký tham gia. Đến nay em đã có thể hát, chơi đàn, trống, phách, xênh…", Mỵ cho biết.
Theo Mỵ, Xẩm khó với người trẻ ở chỗ phải hát sao cho đúng điệu, để không lẫn với các dòng nhạc khác, hát rõ lời.
"Điều mình mong mỏi nhất là làm sao các bạn nhỏ, bạn trẻ sẽ cùng ý thức hành động việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếng Xẩm cũng là một góc cái hồn của đất nước mình, làm giàu thêm văn hóa. Đó là những giá trị tốt đẹp, dạy con người trở nên tử tế.
Đã bảo tồn Xẩm được rồi thì các thế hệ trẻ phải trở thành nhân tố lan truyền Xẩm. Mình vẫn còn nhiều thứ phải làm lắm. Dạy cho học trò phải giỏi hát Xẩm hơn hoặc bằng mình, chứ kém mình là mình thất bại", Sơn trăn trở.
Bài, ảnh, video: Quang Trường