Các rạp chiếu phim ở Trung Quốc đang mở cửa trở lại, nhưng các vấn đề tiềm ẩn trong ngành điện ảnh dự kiến sẽ đè nặng lên sự tăng trưởng - ảnh: AFP
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến quỹ đạo tăng trưởng chung của Trung Quốc và tổng doanh thu rạp chiếu phim sẽ giảm trung bình 4,8% mỗi năm cho đến 2024, theo một báo cáo được công bố trong tháng này của PwC.
Công ty tư vấn có trụ sở ở Anh dự báo rằng Mỹ sẽ vẫn là thị trường rạp chiếu phim lớn nhất trong ít nhất 5 năm tới với tổng doanh thu đạt 10 tỉ USD vào 2024, so với 8,1 tỉ USD của Trung Quốc.
Dù đại dịch COVID-19 làm giảm doanh thu của các thị trường điện ảnh ở cả hai quốc gia, nhưng Mỹ sẽ khắc phục thiệt hại tốt hơn Trung Quốc vì tăng trưởng ở thị trường Mỹ được thúc đẩy bởi các dự án phim lớn. Trong khi ở Trung Quốc, nó được thúc đẩy bởi việc mở rộng các rạp chiếu phim thực, theo PwC.
Nền kinh tế Trung Quốc suy giảm (6 tháng đầu năm suy giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái - PV), đại dịch COVID-19 và kiểm duyệt thắt chặt gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp điện ảnh nước này.
"Khi chúng ta nhìn Trung Quốc trong đại dịch, họ không chỉ đối phó với những điều tương tự đang xảy ra ở Mỹ (nơi có ít rạp mở hơn và giảm công suất) mà các công ty rạp chiếu phim đã giảm vốn đầu tư. Họ không có cùng một số tiền để tài trợ cho các khoản vốn đầu tư cơ sở hạ tầng", CJ Bangah, nhà phân tích tại PwC, nói với trang Nikkei.
Theo trang CGTN, đợt bùng phát COVID-19 khiến hơn 13.000 công ty điện ảnh và truyền hình Trung Quốc ngừng kinh doanh.
CJ Bangah cho biết PwC ban đầu dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vì các rạp chiếu mới mở liên tục và nhanh chóng ở nước này, bên cạnh doanh thu phòng vé vốn đã khổng lồ. Thế nhưng, nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 có thể không cho phép các công ty giải trí Trung Quốc tiếp tục mở rộng với tốc độ như trước.
“Tôi nghĩ những gì chúng ta thấy đang diễn ra trên thị trường là tất cả công ty ưu tiên cố gắng và bảo vệ càng nhiều càng tốt việc kinh doanh hiện tại của họ, đặc biệt với các công ty giải trí và tổ chức điện ảnh. Điều này đồng nghĩa là có thể đưa các kế hoạch mở rộng vào tầm ngắm trong khi họ cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh và tránh phá sản", CJ Bangah nhận định.
Ngoài yếu tố kinh tế, sự siết chặt của Chính phủ Trung Quốc với lĩnh vực giải trí đang khiến các công ty điện ảnh càng khó tồn tại. Các nhà sản xuất và nhà đầu tư trở nên cẩn thận hơn rất nhiều trong việc lựa chọn dự án của mình song vẫn có một số phim từng bị ngưng công chiếu vào phút chót ở Trung Quốc, chẳng hạn The Eight Hundred, One Second hay The Hidden Sword.
Muốn lách qua "ranh giới đỏ" của kiểm duyệt dẫn đến việc nhiều phim thể hiện lòng yêu nước được phát hành trong những năm gần đây ở Trung Quốc. Những bộ phim như vậy có xu hướng thương mại hóa và hầu như luôn thành công.
Khi bộ phim sử thi The Eight Hundred (Bát Bách) trong Thế chiến II được phát hành cuối tháng 8.2020 sau một năm bị ngưng chiếu, đã có sự kỳ vọng nó sẽ giúp lấp đầy chỗ ngồi trong các rạp chiếu mới mở lại gần đây của Trung Quốc.
Quả thật vậy, The Eight Hundred đã thu về hơn 8 triệu USD nội địa trong tuần đầu công chiếu và được chấm 7,7/10 điểm trên trang web đánh giá phim Douban (Trung Quốc), theo Box Office Mojo. Box Office Mojo là trang web chuyên theo dõi doanh thu phòng vé.
Từ đó, The Eight Hundred đạt được sự bùng nổ về doanh thu phòng vé, thu về gần 430 triệu USD trong tháng đầu tiên công chiếu để trở thành phim có doanh thu cao nhất thế giới đến nay trong năm 2020.
My People, My Country, bộ phim thể hiện lòng yêu nước ra mắt năm 2019, cũng đạt rating 7,7/10 điểm trên Douban, có doanh thu phòng vé cuối tuần mở màn hơn 101 triệu USD chỉ tính riêng ở Trung Quốc. Tổng doanh thu phòng vé trên toàn thế giới của bộ phim này khoảng 450 triệu USD.
Dù vậy, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc vẫn gặp khó khăn về tài chính trong một năm mà nền kinh tế đang “hạ nhiệt” và cải tổ các công ty vướng vào vụ bê bối thuế. Đại dịch COVID-19 chỉ làm trầm trọng thêm những điều ngại với ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Khi nhiều công ty sụp đổ, sự đa dạng của nội dung phim cũng bị thu hẹp.
Aynne Kokas, tác giả của cuốn sách Hollywood Made in China và là giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự phân phối lại trên thị trường phim, nơi rất nhiều công ty nhỏ hơn đang thất bại vì đại dịch. Các hãng phim lớn hơn của Trung Quốc có xu hướng thận trọng hơn trong các lựa chọn của họ. Tuy nhiên, do mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, phim nội địa là yếu tố cần thiết cho sự phát triển lâu dài của phòng vé Trung Quốc".
Khi đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2021, nhiều bộ phim yêu nước dự kiến sẽ ra rạp. Song vẫn còn phải xem, liệu những lời chào mời làm hài lòng khán giả như vậy có đủ để đưa thị trường điện ảnh Trung Quốc trở lại ánh hào quang trước đây hay không.
Nhân Hoàng