Theo phản hồi của một số người dùng tại Việt Nam, đêm 25.3, ứng dụng xem phim trực tuyến Netflix đột nhiên dừng hoạt động. Trang chủ của trang web liên tục báo lỗi và việc xem phim của người dùng bị gián đoạn hoàn toàn. Tình trạng này không kéo dài lâu, thậm chí chỉ vài phút sau đó là người dùng đã có thể truy cập bình thường.
Trang theo dõi sự cố Down Detector cũng ghi nhận dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới này bị lỗi từ 23 giờ ngày 25.3 đến hơn 0 giờ ngày 26.3. Số lượng báo lỗi tăng vọt, trong đó 40% cho biết bị mất kết nối tới dịch vụ. Sự cố nặng nhất là ở Mỹ và các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức... Tại Anh, Netflix bị "sập" hoàn toàn, mọi truy cập tới web và ứng dụng trên smartphone hay smart TV đều bị từ chối. Việt Nam và các nước châu Á khác không bị ảnh hưởng nhiều. Sáng 26.3, tình trạng khó truy cập tại Mỹ và châu Âu vẫn còn.
Trước khi gặp trục trặc, Netflix tuyên bố hạ chất lượng video để giảm băng thông internet vì số lượng người dùng tăng đột biến trong thời gian châu Âu và Mỹ áp dụng lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân ở nhà chống dịch bệnh. Thống kê đến hết 2019, dịch vụ xem phim trực tuyến này đã có hơn 167 triệu thuê bao trên toàn cầu.
Youtube, dịch vụ video trực tuyến của Google cũng vừa phải giảm chất lượng video trong mùa dịch, nhằm giảm sức ép lên các cơ sở hạ tầng mạng internet. Chính sách này được áp dụng 30 ngày kể từ 25.3 trên toàn cầu. Độ phân giải mặc định của tất cả video sẽ xuống SD 480p thay vì HD hay Full HD như trước. Nếu muốn tăng chất lượng, người dùng phải tự điều chỉnh.
Theo dự đoán của Nielsen, công ty truyền thông và công nghệ hàng đầu thế giới, những căng thẳng về internet, tốc độ băng thông sẽ là mối quan tâm lớn của nhiều người trong mùa đại dịch COVID-19. Những người làm việc ở nhà, sinh viên học trực tuyến có thể khiến nhu cầu sử dụng internet tăng đến 60% so với bình thường.
Các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Prime Video và những nền tảng video khác như YouTube và Twitch, trò chơi trực tuyến đều bị ảnh hưởng.
Đan Thùy