Theo The Guardian, Terrence McNally đã qua đời tại nhà riêng vào 24.3 (giờ địa phương) vì những biến chứng của nCoV. Ngoại trừ tuổi cao, nhà biên kịch kỳ cựu này từng trải qua căn bệnh ung thư phổi với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khiến ông thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19.
Chồng của Terrence McNally - nhà sản xuất kịch và hoạt động xã hội Tom Kirdahy (56 tuổi) – là người đã ở bên cạnh ông vào những giây phút cuối đời. Cả hai quen nhau đã nhiều năm và kết hôn tại Washington D.C vào năm 2010. Sau đó, cặp đôi này đã tổ chức đám cưới lần nữa tại New York City Hall ngay sau khi Tòa án tối cao Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên phạm vi liên bang vào năm 2015.
Sinh năm 1938, Terrence McNally đã luôn là một người đồng tính công khai đầy tự hào ngay cả trong thời kỳ xã hội Mỹ vẫn còn kỳ thị gay gắt cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Với sự nghiệp sáng tác kéo dài hơn nửa thế kỷ, ông được dân trong nghề mệnh danh là “nhà thơ của sân khấu Mỹ” và “một trong những nhà viết kịch đương đại xuất sắc nhất”.
Sau 3 giải Tony danh giá, Terrence McNally được vinh danh giải Tony Thành tựu trọn đời vào năm 2019 và cuộc đời của ông cũng được làm thành phim tài liệu chiếu trên kênh PBS cùng năm đó với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Meryl Streep, Bryan Cranston, F. Murray Abraham, Christine Baranski… Ông cũng sở hữu một giải Emmy cho phim truyền hình Andre's Mother (1990) ở hạng mục “Biên kịch xuất sắc nhất”.
Năm 2018, Terrence McNally được ghi danh vào American Academy of Arts and Letters - sự công nhận cao nhất về thành tích nghệ thuật tại Mỹ. Các vở kịch của ông được diễn ở nhiều rạp hát trên toàn thế giới. Đặc biệt, chúng được giới chuyên môn đánh giá cao vì khai thác nhiều vấn đề gây tranh cãi trong xã hội nhưng vẫn đề cao tính nhân văn và mối liên kết giữa người với người.
Chia sẻ về tầm quan trọng của kịch, Terrence McNally từng chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng nhà hát dạy chúng ta biết mình là ai, xã hội hiện nay ra sao và chúng ta sẽ đi về đâu. Tôi không nghĩ nhà hát có thể giải quyết các vấn đề của xã hội. Các vở kịch không thể làm điều đó. Nhiệm vụ ấy thuộc về chúng ta. Tuy nhiên, chúng cung cấp một diễn đàn tràn ngập những ý tưởng và cảm xúc có thể khiến xã hội tự thay đổi và chữa lành chính nó”.
Mai Thảo