Cận cảnh dự án bom tấn Mulan – canh bạc mạo hiểm trị giá 200 triệu USD của Disney (Phần 1)
Niki Caro phải vật lộn để tìm một nữ diễn viên đóng vai Hoa Mộc Lan. Cuộc săn lùng bắt đầu vào 10.2016, bà đã cử một nhóm giám đốc casting đến từng châu lục và mọi ngôi làng nhỏ ở Trung Quốc. Họ tìm kiếm một nữ diễn viên có thể đóng vai Hoa Mộc Lan qua ba giai đoạn, từ một cô gái trẻ không chắc chắn về vị trí của mình cho đến một người lính giả trang thành đàn ông và cuối cùng là một chiến binh ngoan cường. Cô nàng này phải thông thạo tiếng Anh, xử lý tốt các yêu cầu về thể chất của võ thuật và có thể diễn tình cảm.
Lưu Diệc Phi
Mặc dù Disney đã tạo ra một mạng lưới đa quốc gia rộng khắp nhằm tìm kiếm nữ diễn viên chính, Bill Kong - một trong những nhà sản xuất của Mulan khuyên Niki Caro rằng để bộ phim này có thể thành công ở Trung Quốc thì đừng nên chọn bất kỳ cô gái gốc Á nào mà đó phải là một cô gái Trung Quốc, không phải Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Các nữ diễn viên đã vượt qua buổi casting đã được đưa đến Los Angeles, nhưng sau khi xem xét một số ứng viên đầy triển vọng trong nhiều tháng, Niki Caro đã quyết định làm lại từ đầu. Cuộc tìm kiếm kéo dài lâu đến nỗi Disney đã trì hoãn ngày phát hành ban đầu vào tháng 11.2018. Cuối cùng, Lưu Diệc Phi - người không có mặt trong buổi casting đầu tiên vì bận một chương trình truyền hình ở Trung Quốc đã có thể tham gia.
Niki Cao và Lưu Diệc Phi
Niki Caro sau đó đã hoàn thành nghiên cứu sâu rộng của riêng mình. Bà đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Trung Quốc và nói chuyện với hàng chục chuyên gia - bao gồm cả chuyên gia hàng đầu thế giới về chiến lược quân sự của nhà Đường. Bà cũng đã nghiên cứu bài thơ gốc. Truyền thuyết về Hoa Mộc Lan, bắt nguồn từ thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6, là một câu chuyện quen thuộc ở Trung Quốc như Joan of Arc hay Paul Bunyan ở phương Tây, và đã được chuyển thể nhiều lần thành kịch, vở opera và phim.
Ngay sau khi trailer đầu tiên ra mắt, những lời phàn nàn về độ chính xác lịch sử đã dấy lên. Ví dụ như kiến trúc căn nhà của gia đình Hoa Mộc Lan thuộc về miền nam Trung Quốc, thuộc tỉnh Phúc Kiến ngày nay (Hoa Mộc Lan được cho là từ phía bắc), và không tồn tại vào thời điểm cô sống.
"Tôi đã nói với [Caro] đừng quá quan tâm đến độ chính xác lịch sử", Bill Kong nói. "Hoa Mộc Lan, mặc dù rất nổi tiếng, là nhân vật hư cấu. Cô ấy không phải là một nhân vật lịch sử''.
Disney đã thử nghiệm bộ phim một cách kỹ lưỡng với khán giả Trung Quốc, bao gồm cả các giám đốc điều hành địa phương. Trong phiên bản đầu tiên, Hoa Mộc Lan đã hôn người yêu trên một cây cầu khi họ chuẩn bị chia tay. "Nó rất đẹp, nhưng văn phòng đại diện tại Trung Quốc đã nói ‘Không. Điều đó không đúng với người dân Trung Quốc", Niki Caro nói. "Vì vậy, chúng tôi đã lấy nó ra”.
Niki Caro và đội ngũ biên kịch đã tham khảo rất kỹ phản ứng của những người hâm mộ phiên bản hoạt hình năm 1998. Hầu hết các phim live-action remake của Disney như Beauty and the Beast, Aladdin và The Lion King, vẫn trung thành với bản gốc hoạt hình.
"Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc trò chuyện về nó. Cuối cùng, các fan trung thành muốn câu chuyện này được kể theo một cách chân thực hơn, dễ hiểu hơn, không cần phải dùng những câu đùa để che lấp cho những dụng ý cần truyền đạt hay phải lấy nhạc để lấp vào”, biên kịch Rick Jaffa nói.
Đội ngũ biên kịch đã loại bỏ yếu tố âm nhạc và các động vật phụ vui nhộn cho phiên bản anh hùng ca lần này. "Đó là câu chuyện của một người phụ nữ đã được kể trong nhiều thế kỷ nhưng không bao giờ bởi phụ nữ và chúng tôi cảm thấy như đã đến lúc phải để phụ nữ làm điều đó", Jaffa nói.
Câu hỏi đặt ra là liệu Thế hệ Z và millennials, những người yêu thích những câu chuyện hoạt hình này khi còn nhỏ và đã giúp Aladdin đạt được doanh thu toàn cầu trị giá 1 tỉ USD, sẽ nắm bắt được thông điệp của Disney?
Khi tin rò rỉ cho thấy Mushu, con rồng ngốc nghếch (ban đầu được lồng tiếng bởi Eddie Murphy), sẽ không được đưa vào phim, một số người hâm mộ bày tỏ sự thất vọng trên mạng xã hội. Thế nhưng, đây là điều cần thiết. "Mushu rất nổi tiếng ở Mỹ, nhưng người Trung Quốc ghét điều đó", Rosen nói. "Loại rồng thu nhỏ này tầm thường hóa văn hóa của họ''.
Không giống như các bộ phim mang thương hiệu Marvel, các bộ phim live-action của Disney phải thu hút khán giả trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên, Niki Caro muốn làm một bộ phim chiến tranh thực sự. "Bạn phải khắc họa một cuộc chiến," bà nói, "và làm thế nào để bạn làm điều đó dưới thương hiệu Disney, nơi bạn không thể thể hiện bất kỳ bạo lực, vô cớ hay cách khác?".
Niki Caro đã tận dụng các địa điểm tuyệt đẹp của bộ phim, như thiết lập một chuỗi trận chiến trong một thung lũng địa nhiệt, nơi hơi nước có thể che giấu cuộc chiến. "Tôi tự hào về những cảnh quay đó. Chúng thực sự rất đẹp và hoành tráng - nhưng bạn vẫn có thể mang con đi xem. Không có máu đổ. Đây không phải Game of Thrones”, bà nói.
Các phim live-action remake trước đây của Disney tại Trung Quốc không phải đều thành công. The Lion King và Jungle Book lần lượt mang về 120 triệu USD và 148 triệu USD. Thế nhưng, Beauty and the Beast chỉ mang về 84 triệu USD. Tất nhiên, kỳ vọng cho Mulan cao hơn nhiều nhưng dịch Covid-19 sẽ là thử thách.
Mai Thảo