Nam diễn viên hài nổi tiếng trào nước mắt khi nghe các đồng nghiệp tâm sự về mẹ trong phần "Gánh con, gánh cả cuộc đời" tại tập cuối Ký ức vui vẻ.
Vốn là người ít chia sẻ về đấng sinh thành, Tiến Luật cho biết, anh rất run khi kể về mẹ, nhớ lại quãng tuổi trẻ ngông cuồng của mình. Với anh, những ký ức về mẹ đi cùng sự day dứt và hối hận của một đứa con hư. Tuổi trẻ của anh đi qua những giọt nước mắt không ngừng rơi của mẹ…
"Hơn chục năm rồi, tôi mới có lại cảm giác run rẩy như vậy. Tôi không thường nói về mẹ, thường tôi muốn giữ trong lòng. Nhưng hôm nay, tôi xin phép được chia sẻ…
Tôi là một đứa trẻ hư, chưa có thứ gì trên cuộc đời này mà tôi chưa trải qua hết. Từ lúc nhỏ, tôi đã khiến mẹ khóc nhiều, khóc nhiều đến nỗi có cảm giác mắt của mẹ bị mù. Mẹ rất thương tôi mà tôi thì quậy lắm.
Tôi bỏ nhà đi bụi, ra ngoài sống. Mẹ nói: "Mẹ lạy con, con đừng đi". Tôi trả lời: "Lạy đi". Tôi không biết vì sao mình lại nói như thế?
Tôi với mẹ thường xuyên khắc khẩu, tôi cứ hay gây sự với mẹ. Cách đây một tháng, tôi có lớn tiếng với mẹ. Vừa lớn tiếng với mẹ xong, thấy mẹ buồn, tôi đang đứng trên lầu 2, chỉ muốn nhảy xuống để chết.
Tôi tự hỏi: "Trời ơi, mày 40 tuổi rồi sao mày còn mất dạy vậy Luật? Sao mày lại cãi mẹ mày?"", ông xã của diễn viên hài Thu Trang nghẹn giọng kể lại.
Theo nam diễn viên phim Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, anh biết chắc mẹ sẽ xem chương trình này. Anh bày tỏ: "Chắc chắn mẹ tôi sẽ xem chương trình này. Con muốn nói với mẹ là: giờ con hơn 40 tuổi rồi, không còn là thằng Luật ngày xưa. Và mẹ phải khỏe, phải đi khám sức khỏe định kỳ, đừng sợ tốn tiền, con làm ra tiền. Mẹ đừng lo cho con nữa…"
Câu chuyện của Tiến Luật khiến cả trường quay sững sờ. Trong khi đó, chứng kiến giây phút hối hận của Tiến Luật, MC Lại Văn Sâm đã không thể nói nên lời. Đây không phải lần đầu tiên các nghệ sĩ nói về mẹ, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên nam diễn viên hài run rẩy, không thể kiểm soát cảm xúc của mình…
Trước Tiến Luật, MC Quyền Linh cũng rơi nước mắt khi nhắc đến mẹ. Anh xúc động chia sẻ: "Mẹ tôi vừa là cha vừa là mẹ của 6 đứa con, đúng ra là 7 đứa nhưng một em của tôi đã mất. Nhà tôi nghèo lắm. Tôi nhớ những đêm mưa, nhà bị dột, mẹ phải dùng thau, ca để hứng nước mưa cho các con ngủ ngon. Nhiều đêm, tôi thấy mẹ vừa hứng nước mưa vừa khóc. Nhiều đêm, mẹ ngồi quạt, đuổi muỗi cho con.
Tôi hay chọc mẹ: "Sao mẹ cứ ăn xương và chân gà hoài vậy?" Mẹ nói: "Tao thích", nhưng mà không phải như vậy. Mẹ ăn xương là vì nhường thịt cho các con.
Tôi từng ước, lớn lên kiếm được tiền mua cho mẹ bộ áo dài thật đẹp. Nhưng khi tôi đủ sức mua bộ áo dài thật đẹp để tặng mẹ thì lưng mẹ đã gù, không mặc được. Mỗi lần nghe bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi khóc hoài. "Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con/ Mẹ ơi, con đã già rồi…""
Được biết, Quyền Linh là anh cả trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Sau khi cha mẹ ly dị một thời gian, cả gia đình anh chuyển vào vùng kinh tế mới ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang để sinh sống. Năm 1976, cha dượng anh qua đời vì tai nạn giao thông, cuộc sống gia đình thời đó khó khăn, thậm chí phải chạy ăn từng bữa vì nghèo. Năm 1988, Quyền Linh bắt đầu cuộc sống tự lập tại TP HCM.
Đây cũng không phải lần đầu Quyền Linh chia sẻ về người mẹ tần tảo, về tuổi thơ nghèo khó.
Nam MC từng bộc bạch: "… Ba bỏ má đi từ lúc tôi chưa biết gì, hai đứa em còn khóc cười ngơ ngác. Bận đó có chú trong làng, chắc nhà cũng neo đơn. Đầu mùa, chú qua phụ má bơm nước, rải phân, cuối mùa lại đỡ dùm bao lúa, cào mớ rạ khô. Công cán bao nhiêu chú đều không lấy, chỉ cười cười bảo: "Thôi, chị cho ngồi chung vài bữa cơm là được". Rồi chú thành cha dượng tôi...
Tôi lên thành phố, cũng chưa bớt dãi dầu. Cái mùng má gói theo lúc đi, tôi chưa bao giờ dám mắc lên, bởi không thể đếm hết bao nhiêu mảnh vá, bao nhiêu màu vải. Thằng thanh niên nào ở tuổi đó mà không sĩ diện.
Tôi thiếu ăn, người ốm nhách, bạn bè gọi chết tên là Linh ống hút. Tôi để dành tiền mua cái ống bơm làm nghề bơm xe đạp dạo. Sau, thấy không làm ăn được lại chuyển sang lượm ve chai, lông vịt. Nhiều lúc nuốt miếng cơm chan với nước vịt quay xin ở mấy tiệm bên Cầu Bông mà thấy chát..."
Nguyễn Hằng