Tất cả những người có mặt đều chia sẻ thông tin này nhưng không ai đưa ra đề nghị rút lui, và quyết định lựa chọn “Sẵn sàng thay Thiệu dù chỉ để cầm cờ trắng đầu hàng1”.
Lý Quý Chung cũng cho biết trong buổi họp để dự kiến danh sách thành phần chính phủ này “hầu như không ai hiện diện trong buổi họp ngày đó xem việc phân phối các chiếc ghế trong chính phủ Dương Văn Minh như một thành đạt của cá nhân mình, cái ghế chức tước giờ đây đã trở nên hết sức nặng nề, có thể mang lại nhiều phiền toái hơn là quyền lực và danh vọng2”.
Cựu Tổng trưởng Thông tin của Chính phủ Dương Văn Minh cũng khẳng: “Thật sự ông Minh chẳng có ảo tưởng gì về cái ghế tổng thống vào lúc này. Nó không còn là quyền lực và địa vị. Nhưng nó vẫn còn có tác dụng nhất định để góp phần đưa miền Nam đi đến một kết thúc bớt được những đổ máu vô ích3”.
Sau khi Trần Văn Hương đã chấp nhận trao quyền ngày 26.4.1975, bác sĩ Hồ Văn Minh thuật lại: “…Sau buổi cơm trưa, tôi hỏi tướng Minh: “Theo đại tướng, tình hình đã đến thế này, còn có thể làm gì được?”. Tướng Minh trầm ngâm một lát rồi nói: “Tình hình tuy đen tối nhưng vẫn phải làm chính trị; tôi nghĩ bên kia cũng cần mình4”.
Nguyễn Hữu Thái trong bài Dương Văn Minh và tôi cho biết những ngày cuối tháng 4.1975, ông Dương Văn Minh đã gặp ông đưa ra hai mảnh giấy báo cáo mật cho thấy ngân hàng trỗng rỗng và quân sự nguy ngập, và nói ông không vụ lợi “vì lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến quốc trưởng là cùng; ông chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc5”.
Ông Dương Văn Minh là người biết rõ hơn ai hết bởi trước đó, ngày 24.4, lúc 11 giờ trưa, Dương Văn Minh lên nhà Thủ tướng Trần Thiện Khiêm để gặp Trần Văn Hương. Trần Văn Hương ngỏ ý mời ông Minh làm thủ tướng khi ông Hương làm tổng thống. Tuy nhiên, đại tướng Dương Văn Minh nói rõ ông chỉ nhận quyền lãnh đạo (tức làm tổng thống). Trần Văn Hương đã chua xót nói rằng “em đảo chánh qua (qua tức là tôi - NV) đi6”. Tướng Minh nói “thầy đã hy sinh nên hy sinh luôn7”.
Vào lúc 3 giờ ngày 24.4, Dương Văn Minh đã gặp Thượng tọa Thích Trí Quang tại chùa Ấn Quang. Thượng tọa Thích Trí Quang hứa ủng hộ ông Minh nhưng khuyến cáo “coi chừng đại tướng phải là người cầm cờ trắng…8”. Đại tướng Dương Văn Minh đã trả lời Thượng tọa Thích Trí Quang: “Thầy có thể thả chim phóng sanh… tại sao tôi lại ngại phải cầm cờ trắng vì vấn đề nhân đạo9”. Đánh giá về quyết định này của ông, một người trong nhóm của ông là Hồ Ngọc Nhuận cho rằng nếu theo quan niệm của người Công giáo, Chúa Jesus đã giáng thế làm người để uống chén đắng thế cho tất cả chúng ta, thì từ giờ phút quyết định này, đại tướng Dương Văn Minh đã quyết định sẽ uống chén đắng cho đến giọt cuối cùng. Quyết định ra nhận chức tổng thống vào thời điểm này chính là uống chén đắng, thứ mà ông đã cố xua đi nhưng rồi lại nhận về: “Ông đã từng muốn xua đi chén đắng, để rồi cuối cùng vẫn chấp nhận uống chén đắng cho tới cặn10”.
Khi thành lập chính phủ, ông Dương Văn Minh đã lựa chọn hầu như tất cả những người có quan hệ với phía Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Luật sư Nguyễn Văn Huyền trong bài Bao dung và chung thủy cho biết ông và luật sư Nguyễn Hữu Thọ quen biết nhau từ khi học bên Pháp, sau này khi về Việt Nam họ thân nhau “là bạn thân với nhau nên tôi biết khá rõ những hoạt động yêu nước của anh từ khi anh lên Sài Gòn (1947)11”. Luật sư Nguyễn Văn Huyền cũng chính là người đã bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Thọ tại phiên tòa ngày 27.3.1950. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ cũng xác nhận luật sư Nguyễn Văn Huyền “là một trí thức yêu nước12”.
“Chọn một phó tổng thống là bạn của người đứng đầu bên phía Chính phủ Cách mạng lâm thời, điều ấy cũng có thể gợi lên nhiều suy nghĩ. Sau này, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã mời cụ Nguyễn Văn Huyền tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (cụ Nguyễn Văn Huyền có một người em gái cũng là một cán bộ cộng sản). Luật sư Vũ Văn Mẫu, người được chọn làm thủ tướng có những người em cũng là cộng sản như dược sĩ Vũ Thị Sửu, GS-TS Vũ Như Canh. Luật sư là người quyết liệt chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm (…) Ngoài các nhân vật nêu trên, nhìn vào thành phần nội các Vũ Văn Mẫu, chúng ta thấy có rất nhiều nhân vật là những người thuộc thành phần thứ 3 và không dính líu đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Tổng trưởng Quốc phòng được chọn là một giáo sư đại học với mong muốn đây là chính phủ hoàn toàn dân sự. Sau này, nhiều người của chính phủ Vũ Văn Mẫu đã tham gia vào chế độ mới13”.
Giải thích với Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung về việc lựa chọn Giáo sư Bùi Tường Huân làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Dương Văn Minh cho biết “Chính phủ của mình đâu có mục đích tiếp tục chiến tranh. Một bộ trưởng dân sự và là một giáo sư đại học làm Bộ trưởng Quốc phòng thể hiện cụ thể ý muốn hòa bình của anh em mình…14”.
Trước khi quân giải phóng miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn, ngoài xã hội đã có những lời rỉ tai nhau về một Sài Gòn sẽ có cuộc “tắm máu”. Lý Quý Chung trong Hồi ký không tên cho biết: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger nói với quốc hội Mỹ rằng nếu cộng sản chiến thắng sẽ có 200.000 người Việt Nam bị giết15”. Thế nhưng, một Sài Gòn đã được giữ gần như hoàn toàn không đổ nát, người dân Sài Gòn hồ hởi đón chào quân giải phóng và tham gia ngay vào việc lập lại trật tự, giữ gìn trật tự cho Sài Gòn sau ngày 30.4.1975. Tất nhiên, kết quả này là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố, đặc biệt là khát vọng thống nhất đất nước của người dân Việt Nam, trong đó có vai trò của cả hai phía, phía quân giải phóng và phía chính phủ Dương Văn Minh và bản thân Tổng thống Dương Văn Minh.
Có hai việc rất quan trọng, quyết định đến việc giảm tối đa thiệt hại cho các bên trong cuộc chiến, đó là việc ông Dương Văn Minh đã cử chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, một cơ sở nòng cốt của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, và thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, một đảng viên cộng sản nằm vùng được ông Dương Văn Minh bổ nhiệm nắm Bộ Chỉ huy Cảnh sát Sài Gòn-Gia Định. Trên cương vị chỉ huy Cảnh sát đô thành, theo chỉ đạo của Tổng thống Dương Văn Minh, ông Triệu Quốc Mạnh đã ra lệnh thả hết tù chính trị. Triệu Quốc Mạnh còn giải giáp toàn bộ lực lượng cảnh sát đô thành Sài Gòn-Gia Định với 17.000 quân, một con số mà ông sửng sốt vì “không ngờ lớn như vậy16”.
Nếu so sánh tất cả những đánh giá, nhận định nêu trên về ông Dương Văn Minh, có thể thấy ông là người đã chủ trương hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc từ rất sớm, được thể hiện ở những việc làm cụ thể như đã nêu: Phá ấp chiến lược, không đồng ý bỏ bom phá đê điều miền Bắc; tập hợp xung quanh mình những người đã quan hệ với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam như Nguyễn Hữu Hạnh, Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Văn Diệp, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung… Danh sách các thành viên chính phủ cuối cùng của chế độ Sài Gòn đã thể hiện rất rõ tư tưởng nhất quán mong muốn hòa bình của chính phủ Dương Văn Minh.
[1] Lý Quý Chung, sđd, tr. 339
[2] Lý Quý Chung, sđd, tr. 369
[3] Lý Quý Chung, sđd, tr. 339
[4] Trần Bạch Đằng (1993), sđd, tr. 827
[5] Nguyễn Hữu Thái (2015), Sài Gòn: Sự kiện và đối thoại của một gia đình, NXB Thế giới, Hà nội, tr. 77
[6] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.597
[7] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.597
[8] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1598
[9] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 1.598
[10] Hồ Ngọc Nhuận “Những lựa chọn không dễ dàng”, Tạp chí Hồn Việt, số 49, tháng 8.2011, tr. 18
[11] Nguyễn Văn Huyền (1995), “Bao dung và chung thủy” in trong sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Cả nước tôn vinh anh, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 315
[12] Nguyễn Văn Huyền, sđd, tr. 317
[13] Vũ Trung Kiên (2019), “Bài diễn văn cuối cùng của chế độ Sài Gòn”, Tạp chí Lao động Bình Dương số 2 từ ngày 15 - 30.4.2019, năm thứ 17, tr. 22
[14] Lý Quý Chung, sđd, tr. 371
[15] Lý Quý Chung, sđd, tr. 380
[16] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, sđd, tr. 416