Mới đây, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã tổ chức lễ trao kỷ lục mô hình nón lá bằng hoa loa kèn lớn nhất cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.
Theo đó, chiếc nón hoa được thiết kế bằng vật liệu bê tông, thép, vải dầu và sơn. Toàn bộ phần thân của nón được trang trí bằng hơn 20.000 đóa hoa loa kèn trắng (hoa bách hợp).
Nón hoa có đường kính 6m và chiều cao 4m, được các nghệ nhân cắm phủ và trang trí trong thời gian gần 6 giờ đồng hồ.
Ngay sau khi hình ảnh nón lá hoa loa kèn lập kỷ lục được đăng tải đã nhận về nhiều bình luận trái chiều của cộng đồng. Nhiều người nhận xét, chiếc nón lá không có gì đặc biệt ngoài hình dáng "to", "khủng".
Thậm chí không ít ý kiến bức xúc chế giễu danh hiệu là "vớ vẩn", cho rằng "cứ cái gì siêu to khổng lồ" là sẽ xác lập kỷ lục ở Việt Nam.
"Đáng lẽ kỷ lục phải là những gì thật độc đáo, không ai làm được, đằng này chỉ là một chiếc nón to được kết từ hoa loa kèn. Giờ tôi làm một cái tương tự từ hoa hồng, hoa ly, hoa cúc hoặc bất kỳ dạng nào khác "to, khủng" cũng được xác lập kỷ lục sao?", tài khoản H.K bình luận.
"Hết nồi cơm to nhất, màn múa xòe to nhất, chiếc bánh kem hoành tráng nhất... giờ lại đến kỷ lục nón lá loa kèn khủng nhất. Những kỷ lục đua nhau được xác lập nhưng đáng buồn nó lại chẳng có bất cứ ý nghĩa văn hóa, lịch sử gì?", tài khoản M.H cảm thán bình luận.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên, dư luận phản ứng với các kỷ lục được xác lập tại Việt Nam. Chưa bao giờ, phong trào chạy theo chuyện "to nhất, dài nhất, khủng nhất" rầm rộ như thế này.
Các địa phương, doanh nghiệp ganh đua nhau, làm ra những chiếc bánh "càng to càng tốt", nhiều ngôi chùa, tượng phật cũng thi nhau xây dựng "chùa to, tượng khủng" để lập kỷ lục lấy thành tích.
Năm 2016, chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 2,5 tấn được các nghệ nhân ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (TP.HCM) gói làm lễ vật dâng cúng các vua Hùng lập kỷ lục là Chiếc bánh có kích thước lớn nhất.
Tuy nhiên, chiếc bánh không chỉ bị đánh giá là "không giống bánh chưng" mà phía UBND tỉnh Phú Thọ cũng lên tiếng từ chối nhận vì cho rằng vật phẩm trái với thực tế đời sống ngày xưa. Vị đại diện của Phú Thọ khẳng định "sẽ không có chuyện bánh chưng, bánh dày khủng tồn tại trong Lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương".
Chưa hết, hàng loạt danh hiệu cốc cà phê khổng lồ, chai bia to nhất... cũng liên tiếp xác lập kỷ lục và cũng là để tranh thủ làm quảng cáo thương hiệu.
Hài hước nhất là mới đây, đầu năm 2021 một bộ phim được đánh giá là "thảm họa" của điện ảnh Việt, nội dung sơ sài, hời hợt, mắc nhiều lỗi sơ đẳng và tràn ngập sạn nhưng vẫn được chọn để trao kỷ lục cho Bộ phim điện ảnh Việt đầu tiên quay bằng kỹ thuật One Shot.
Ngay đến quyển sách viết theo bộ phim này cũng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Quyển sách đầu tiên viết theo một bộ phim điện ảnh quay bằng kỹ thuật One Shot.
Xem lại hàng loạt các kỷ lục được xác lập ở Việt Nam, nhiều người không khỏi ngao ngán cảm thán "không biết các kỷ lục này có phải xét duyệt theo tiêu chí nào hay chỉ cần càng to, càng khủng thì càng lập kỷ lục"?
Chia sẻ với PV Dân trí, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển đánh giá, những kỷ lục này không có ý nghĩa gì, ngoài việc thể hiện tâm lý thích chạy theo hư danh, hình thức và "chơi trội".
"Tôi không thích và cũng không ủng hộ trào lưu chạy theo việc xác lập kỷ lục với đủ loại nào 'to nhất', 'khủng nhất', 'dài nhất'... như hiện nay. Nó không có ý nghĩa về mặt văn hóa, cũng chẳng mang lại lợi ích thực sự gì cho xã hội.
Thậm chí không ít kỷ lục còn rất vớ vẩn. Tôi lấy ví dụ những chiếc bánh chưng, bánh dày, nồi cơm xác lập kỷ lục to nhất thời gian qua... Chúng chẳng có ý nghĩa gì. Họ không tổ chức thi thố, thể hiện kỹ năng, hay phô diễn tinh hoa ẩm thực mà ai cũng có thể xin lập kỷ lục. Chỉ cần nồi cơm năm nay nấu to hơn năm ngoái, doanh nghiệp này làm bát phở to hơn bát phở của doanh nghiệp kia là có thể tự 'vỗ ngực'... xin kỷ lục", ông Vịnh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc lập kỷ lục phải có quy trình xét duyệt, có những tiêu chí rõ ràng, nghiêm túc nhằm mục đích tôn vinh hoặc mang những ý nghĩa nhất định, làm sao để người nhận danh hiệu thấy tự hào, người theo dõi cũng phải thấy "ngưỡng mộ", "trầm trồ". Đằng này các danh hiệu kỷ lục chủ yếu là được thương mại hóa, quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp và thỏa mãn sự "thích phô trương", "khoe mẽ".
"Nếu là ẩm thực xác lập kỷ lục thì phải thể hiện sự tinh tế, phô diễn tài năng mà chưa ai đạt được, ở lĩnh vực thể thao là những kỷ lục thành tích thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của VĐV. Hoặc với nghệ thuật trình diễn thì phải là âm nhạc, giọng hát có tính nghệ thuật cao chứ cứ lấy cái "đông người trình diễn nhất", món ăn to nhất để trao thì chẳng mang lại lợi ích gì ngoài sự háo danh, viển vông, không thực tế", ông Vịnh thẳng thắn.
Hiệp Nguyễn