Khi lớn lên, ngoài tình yêu thương của mọi người trong gia đình, tôi còn may mắn có được một vị trí xã hội mà nhiều người hằng mơ ước. Rồi tôi lập gia đình, sống hạnh phúc cùng chồng và hai đứa con kháu khỉnh. Không còn gì hơn thế, tôi cảm thấy cuộc đời tôi như một cỗ máy hoàn hảo. Tất cả các quy trình của cuộc đời tôi đều diễn ra một cách thuận lợi và may mắn.
Bước sang tuổi 40, tôi là một trong số ít phụ nữ thành đạt trọn vẹn trong công việc lẫn cuộc sống. Nghề nghiệp bước vào giai đoạn đỉnh cao, tôi liên tục ký được các hợp đồng mua bán trị giá hàng triệu đô la. Các con tôi chăm chỉ và ngoan ngoãn, và chồng tôi luôn có trách nhiệm với gia đình. Thế nhưng, trong chính thời điểm này, bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư vú.
Bạn cứ thử tưởng tượng xem, nếu có một con thuyền đang trôi trên dòng sông phẳng lặng, bất ngờ bị lao xuống một con thác, người trên thuyền sẽ hốt hoảng thế nào! Tôi cũng ở trong trạng thái đó. Tôi thật sự bị sốc - cảm giác sợ hãi bao phủ cả cuộc sống của tôi.
Tôi sợ mình không qua khỏi. Tôi sợ mình phải vĩnh viễn rời xa chồng và các con. Tôi sợ phải nói lời tạm biệt với cuộc sống tươi đẹp. Tôi sợ tất cả những gì xấu nhất sẽ xảy đến với mình. Nhưng rồi tình yêu thương và sự sẻ chia của chồng con và những người thân trong gia đình đã giúp tôi trầm tĩnh lại. Dù gì bệnh của tôi cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu nên khả năng điều trị là rất khả quan.
Vào một đêm sau bốn tuần xạ trị, tôi bỗng có một giấc mơ thật lạ. Tôi thấy xung quanh bàn làm việc của tôi ở văn phòng treo đầy những bức tranh biếm họa tôi với từng bộ dạng khác nhau, theo từng giai đoạn điều trị của tôi, từ lúc phát hiện bệnh cho đến khi xuất viện. Và từ giấc mơ đó, tôi nảy ra một ý tưởng: sao tôi không thuật lại toàn bộ quá trình điều trị bệnh thành một cuốn sách và có kèm theo những bức tranh minh họa? Với vốn kiến thức hội họa học được từ thời trung học, tôi nghĩ sẽ không quá khó nếu tôi biết thực hiện công việc này.
Và thế là, trong suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, viết và vẽ trở thành mối quan tâm chủ yếu của tôi. Chính ý nghĩa hài hước trong những bức tranh biếm họa đã giúp tôi quên đi phần nào nỗi đau bệnh tật. Tôi để ý thấy rằng, nếu tôi càng cố gắng tìm kiếm những niềm vui thì tôi lại càng có được nhiều sức mạnh đối đầu với bệnh tật. Cuối cùng cuốn sách cũng hoàn tất cùng lúc với sự phục hồi sức khỏe của tôi. Tôi đã đẩy lui được căn bệnh hiểm nghèo ấy trong cơ thể mình.
Một năm sau, tôi đã ngồi tại chính chiếc bàn trong phòng làm việc của mình để ký hợp đồng xuất bản quyển sách đó. Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn được chia sẻ cùng các bạn một điều rằng: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là những gì đã xảy ra cho bản thân ta, mà là ở cách ta phản ứng với những điều đã xảy ra như thế nào!
Trích Hạt giống tâm hồn