Khởi hành Kỳ 14: Phương pháp học tập ‘đa phương tiện’

03/10/2018 08:29
Khởi hành Kỳ 14: Phương pháp học tập ‘đa phương tiện’

Học bằng cách đọc, bằng cách viết tay, bằng cách đặt câu hỏi và học theo nhóm, mới là phương pháp học tích cực giúp người học tự giác tìm kiếm, tự mình tổ chức và xử lý thông tin thay vì lệ thuộc vào bài giảng của giáo viên.

1. Học bằng cách đọc

Có một khảo cứu về khả năng đọc của sinh viên đại học khá thú vị. Khảo cứu này cho thấy rằng có khoảng 1/3 sinh viên tới lớp nhưng không đọc trước tài liệu. Trong số những sinh viên này, 62% gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hay giải quyết vấn đề. Nhiều người không thể diễn giải được các sơ đồ đơn giản, không biết thay đổi cách tiếp cận để giải quyết vấn đề, không có khả năng làm việc độc lập và không tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp.

Khảo cứu này kết luận rằng việc không có thói quen đọc tốt khiến cho sinh viên không thể phát triển các kỹ năng cần thiết cho sự thành công của họ trong cuộc sống sau này.

Lý do sinh viên không đọc trước tài liệu khi đến lớp là vì họ cho rằng giảng viên sẽ trình bày các thông tin quan trọng ngay trong lớp. Họ hỏi: “Việc đọc có chắc chắn giúp tôi thi đậu môn học này không?”. Nếu câu trả lời là “không” thì họ sẽ nghĩ việc đọc là không cần thiết và phí thời gian. Thêm nữa, nhiều người trong số họ không có thói quen đọc tốt khi còn học ở bậc phổ thông. Họ không đọc nhiều, khi học ở trường tiểu học và trung học nên họ không coi việc đọc là việc quan trọng.

Khảo cứu này còn đi xa hơn và cho thấy phần lớn sinh viên thành công thường là những người thích đọc và biết cách lọc ra những ý quan trọng từ văn bản. Họ biết phần nào là cần thiết và phần nào không. Họ là những người có tâm trí cởi mở với các ý tưởng và kiến thức mới. Họ học cách giải quyết vấn đề thông qua nhiều cách tiếp cận sáng tạo chứ không khăng khăng bám theo lối mòn của những quy ước truyền thống.

Những sinh viên này thường chủ động đọc, mở rộng cũng như đào sâu thêm tri thức. Họ dễ dàng tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp và học được nhiều hơn nữa khi chia sẻ kiến thức với mọi người xung quanh.

2. Học bằng cách viết tay

Có một khảo cứu đã kết luận rằng, khi sinh viên viết tay, họ sẽ tiếp thu bài hiệu quả hơn, học tốt hơn và có khả năng ghi nhớ thông tin lâu hơn. Vài nghìn sinh viên đã tham gia khảo cứu này nhằm xem xét hai kiểu học khác nhau của sinh viên đại học. Sinh viên được cho nghe bài giảng, sau đó được chia thành hai nhóm: một nhóm được yêu cầu “nghĩ về bài giảng” trong 5 phút; một nhóm được yêu cầu “viết bài giảng ra giấy” trong 5 phút. Sau 10 phút nghỉ giải lao, tất cả sinh viên tham gia sẽ làm một bài kiểm tra trắc nghiệm nhằm đánh giá khả năng tiếp thu của hai nhóm.

Kết quả cho thấy sự khác biệt lớn giữa hai nhóm này: 92% sinh viên “viết bài giảng ra giấy” đạt điểm số cao hơn nhóm sinh viên “nghĩ về bài giảng”. Nghiên cứu này cho thấy việc ghi chú bằng tay giúp cải thiện hiệu quả tiếp thu bài giảng của sinh viên.

Đó chính là lý do tôi luôn động viên sinh viên ghi chú các ý chính và nội dung bài giảng ngay trong lớp. Sinh viên được yêu cầu đọc tài liệu trước khi lên lớp và được khuyến khích in slide bài giảng mang theo. Trong suốt quá trình theo dõi bài giảng, sinh viên có thể vừa lắng nghe bài giảng vừa trực tiếp ghi chú những điểm quan trọng hoặc cần lưu ý vào tài liệu. Sau đó, sinh viên có thể sử dụng những bản ghi chép này để ôn tập lại trong lúc học nhóm hoặc tự học ở nhà.

3. Học bằng cách đặt câu hỏi

Phương pháp học tích cực thường được bắt đầu bằng việc tự đặt câu hỏi cho bản thân. Tự đặt câu hỏi giúp sinh viên cảm thấy tò mò và dẫn tới nhu cầu tìm hiểu. Để trả lời những câu hỏi, sinh viên có thể thảo luận với nhau. Tôi luôn khuyến khích sinh viên tự mình giải quyết các câu hỏi, thắc mắc với bạn bè trước khi tìm tới sự giúp đỡ của giảng viên.

Thông qua việc đặt câu hỏi, sinh viên có thể có thêm ý tưởng và thông tin từ tài liệu. Thông qua việc đặt câu hỏi, sinh viên có thể tiếp nhận nhiều luồng ý kiến, nhiều quan điểm khác nhau và nảy sinh thêm nhiều câu hỏi thực tiễn cho từng tình huống. Quá trình học bằng cách đặt câu hỏi và theo đuổi câu trả lời giúp sinh viên có thêm cơ hội mở rộng hiểu biết cá nhân, tương tác với nhiều người và nhiều cách nghĩ khác nhau.

4. Học theo nhóm

Ưu điểm của việc học theo nhóm là ở chỗ nhóm có thể giúp các thành viên trong nhóm cập nhật kiến thức mới nhanh chóng hơn, học hiệu quả hơn khi học một mình. Vì các thành viên trong nhóm học tập có cùng mục đích, chỉ cần một thành viên trong nhóm học được thêm kiến thức mới, kiến thức này sẽ nhanh chóng lan sang các thành viên còn lại.

Việc học theo nhóm không diễn ra một cách tự nhiên mà cần được lập kế hoạch chu đáo để thu được hiệu năng và kết quả tốt. Một khi nhóm đã thiết lập được các quy tắc ứng xử và trao đổi nội bộ, quá trình học nhóm sẽ trở nên đơn giản.

Trong quá trình học và làm việc nhóm, có 4 điều kiện sinh viên phải tuân thủ:

a. Các thành viên trong nhóm phải cùng nhau làm việc để đạt tới mục đích chung. Nếu thành viên nào không làm phần của họ, mọi người trong nhóm có khả năng sẽ phải gánh chịu hậu quả.

 b. Mọi thành viên trong nhóm đều phải chịu trách nhiệm cho cả hai phần việc: Một là phần việc cá nhân được nhóm giao cho; Hai là đảm bảo cho công việc chung được thuận lợi. Thành viên trong nhóm phải có ý thức chịu trách nhiệm cho sản phẩm cuối cùng của nhóm chứ không chỉ chịu trách nhiệm cho phần việc được giao phó.

c. Thành viên nhóm phải thảo luận với nhau để đặt mục đích nhóm, mục đích của từng cá nhân; thường xuyên cùng nhau kiểm điểm và rút kinh nghiệm để có thể làm việc với nhau hiệu quả hơn.

d. Trong quá trình học và làm việc nhóm, sinh viên phải thường xuyên hoán đổi vai trò và trách nhiệm cho nhau để mọi thành viên trong nhóm có thể phát triển đồng đều tất cả các kỹ năng mềm cần thiết như kỹ năng trao đổi, trình bày, lãnh đạo, giải quyết xung đột,...

>> Khởi hành Kỳ 15: Nhận ra 'thất bại' là một phần của quá trình học tập


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 2, 28/10/2024