Nên biết cách cân đối trong chi tiêu hằng tháng để tránh trường hợp 'rỗng túi' vào cuối tháng - Ảnh: Internet
Cất giữ tiền lẻ
Những đồng tiền lẻ đôi khi bị vứt bừa bãi hoặc ít được quan tâm đến. Tuy nhiên, hãy thử cho hết số tiền lẻ không dùng đến vào lợn tiết kiệm, sau một thời gian có thể chúng ta sẽ bất ngờ với số tiền mình để dành được.
Mang theo tiền có mệnh giá nhỏ
Hãy mang theo tiền có mệnh giá nhỏ, vừa đủ ra đường với những nhu cầu cơ bản. Đừng mang tất cả những gì mình có ra đường để rồi trở về với một chiếc ví "xẹp lép".
Mua đồ giảm giá
Hãy tận dụng những chương trình giảm giá cuối năm hoặc sale trên mạng để mua sắm. Chúng ta sẽ tiết kiệm được khoản tiền kha khá so với việc trả giá gốc. Một gợi ý khác là hãy đi mua đồ đông/hè khi hết mùa, như vậy cũng dễ dàng kiếm được những món hời.
Từ bỏ một số thói quen không tốt
Nếu không muốn ví rỗng hãy từ bỏ những thói quen như đi ăn uống nhậu nhẹt khi buồn, hút thuốc, rượu bia, chè chén hoặc quà vặt. Hãy thử từ bỏ thói quen này trong 30 ngày, sau khoảng thời gian thử thách này, chúng ta sẽ thấy, chỉ cần quyết tâm thì bỏ đi thói quen xấu là không quá khó.
Sống trong một ngôi nhà nhỏ
Ở trong một ngôi nhà nhỏ, chúng ta không có không gian để bày bừa, vừa đỡ tốn thời gian dọn dẹp và phí sửa chữa bảo trì cũng sẽ ít hơn. Ngoài ra thuê nhà với diện tích không gian hẹp cũng giúp chúng ta tiết kiệm tiền thuê.
Thay vì bỏ đi hãy sửa chữa
Khi một món đồ bị hư hỏng, hãy cố gắng sửa chữa nó trước khi quyết định thay cái mới. Đương nhiên chúng ta nên xem xét việc sửa chữa so với mua mới có lợi nhiều hay không.
Tự nấu ăn
Giảm bớt bữa ăn tại các quán ăn, nhà hàng sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được một khoản kha khá. Hơn nữa việc tự nấu ăn cũng đảm bảo các bữa ăn đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh.
Lên danh sách khi đi mua sắm
Lên danh sách mỗi khi đi mua sắm sẽ giúp bạn chi tiêu có mục đích hơn, không bị vượt kế hoạch.
Trước khi đi mua sắm bạn nên viết ra những món đồ cần mua, và khi tới siêu thị thì chỉ nên đến đúng khu vực bày những mặt hàng đó để lựa chọn món đồ cần mua.
Bởi đôi khi nếu không “lập trình” sẵn kế hoạch trong khi đi mua sắm, bạn sẽ dễ dàng bị hút hồn bởi những băng rôn, quảng cáo, những lời mời chào ngọt ngào nghe rất lọt tai, và bạn lại muốn “rinh” ngay món hàng đó về, như vậy kế hoạch chi tiêu của bạn lại bị đổ bể, và bạn sẽ chẳng thể tiết kiệm cho những mục đích và tham vọng đã đề ra.
Nên biết cách cân đối trong chi tiêu hằng tháng
Bạn hãy tạo cho mình thói quen tốt bằng cách mỗi tháng bạn nên dùng một quyển sổ để ghi ra mức lương mà bạn có trong tháng đó. Bạn dự định sẽ tiêu hết bao nhiêu? Và khoản dành dụm được của bạn sẽ là chừng nào?
Trên cơ sở đó bạn hãy luôn nhớ những định mức mà mình đã đặt ra và hãy chi tiêu đúng theo những con số đã định.
Quỳnh An (t/h)