Ken, đứa con thứ sáu trong gia đình tôi, mắc bệnh bại não bẩm sinh. Không chỉ vậy, em còn bị khiếm thính và hơi chậm phát triển.
Tuy sống rất tình cảm, mẹ tôi không bao giờ nuông chiều Ken. Mẹ trông đợi em làm được những điều mà các anh chị em trong nhà đều làm được.
Giáng sinh đáng nhớ
Tôi nhớ Giáng sinh năm nọ, cha tôi mua chiếc xích đu tích hợp cầu trượt và đặt trong sân. Ken, lúc đó chín tuổi, thích mê trò cầu trượt nhưng vì đôi chân đeo nẹp, em không thể trèo lên cầu thang để trượt xuống như chúng tôi.
Vậy nên Giáng sinh năm đó, Ken phải ngồi dưới đất nhìn các anh chị của mình chơi cầu trượt.
Ngày đầu tiên chúng tôi trở lại trường học sau kỳ nghỉ đông, mẹ đưa Ken ra sân, lần này thằng bé không đeo nẹp chân, và đứng nhìn em bò đến cầu trượt.
Trong hơn ba tiếng đồng hồ sau đó, Ken cứ leo lên những bậc thang rồi ngã xuống đất hết lần này đến lần khác. Chiếc quần dài em mặc rách hết hai đầu gối. Khủyu tay của em trầy xước đến chảy cả máu.
Người hàng xóm thấy vậy liền mắng mẹ tôi: "Cô làm mẹ kiểu gì vậy? Đưa thằng bé xuống ngay". Mẹ tôi nhẹ nhàng nói nếu cảnh này khiến bác không thoải mái thì bác có thể kéo rèm lại để không phải nhìn thấy.
Cuối cùng Ken cũng leo được đến đỉnh cầu trượt và trượt xuống. Sau vài ngày trầy trật, cuối cùng em cũng thành thạo trò trượt cầu trượt như chúng tôi.
Trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân
Ngày nay, Ken - đứa bé mà bác sĩ dự đoán là không sống nổi đến sinh nhật lần thứ mười - đã là người đàn ông bốn mươi hai tuổi sống độc lập và có việc làm ổn định.
Em tiếp cận mọi chuyện theo cách mà năm xưa em tập chơi trò cầu trượt. Ngày đó mẹ tôi đã tặng Ken một món quà - đó là trông đợi em trở thành phiên bản tốt nhất của mình và không bao giờ thỏa hiệp với những gì kém hơn phiên bản đó.
Tuy nhiên, đôi khi mẹ cũng khiến mọi việc dễ dàng hơn với Ken. Một buổi sáng cuối tuần, mấy người bạn của mẹ đến nhà chơi và uống cà phê trò chuyện với mẹ trong phòng khách.
Ken - khi ấy mười lăm tuổi - thức dậy và đi xuống bếp ăn sáng. Mẹ tôi xin phép các bạn một lát để vào bếp dọn cà phê và bánh mì ra cho Ken rồi trở lại phòng khách.
Ken thưởng thức bữa sáng và cà phê, nhưng khi vừa cầm ly cà phê đưa lên miệng, cánh tay của em bất ngờ bị co cứng và kết quả là em làm vương vãi cà phê khắp bàn, đổ vào người và bắn cả lên tường.
Mẹ tôi vội vàng chạy vào bếp thì thấy em mặt đỏ như gấc, luôn miệng xin lỗi vì đống hỗn loạn mình vừa gây ra. Lúc đó mẹ tôi nhìn xuống ly cà phê trên bàn, trong ly vẫn còn sót lại một chút cà phê.
Thế là mẹ hất ly cà phê đó lên mảng tường duy nhất còn sạch và nói với Ken bằng ngôn ngữ ký hiệu: "Con bỏ lỡ mảng tường này rồi".
Ken bật cười và quên mất nỗi xấu hổ của mình. Sau đó, hai mẹ con cùng nhau dọn dẹp mớ hỗn độn đó.
Mặc dù tự nhận thấy mình thua kém mẹ trong vai trò làm mẹ, nhưng tôi cảm thấy biết ơn vì được mẹ truyền lại tinh thần dịu dàng mà cứng rắn, để từ đó tôi có thể tạo ra phép màu cho những đứa con của mình.
Trích sách Hạt giống tâm hồn 4 - Từ những điều bình dị