Là lễ hội đầu xuân nhưng hội gò Đống Đa lại có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi đây là một lễ hội lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của cả một dân tộc và được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung - người Anh hùng “áo vải, cờ đào” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Từ sáng sớm hôm nay (29.1), mặc dù thời tiết lạnh nhưng đã có hàng ngàn du khách thập phương đổ về dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung. Trên khắp các ngả đường hướng về gò Đống Đa đông kín dòng người trẩy hội. Ngoài ra, để giúp khách thập phương thuận tiện cho việc về dâng hương, Ban Tổ chức đã bố trí lực lượng an ninh làm công tác phân luồng và hướng dẫn nơi gửi xe nên đã không xảy ra hiện tượng ùn tắc tại khực vực diễn ra buổi lễ.
Tại buổi lễ, các đại biểu và nhân dân thủ đô đã ôn lại truyền thống hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, bày tỏ lòng tri ân với người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và khơi dậy niềm tự hào về chiến thắng lẫy lừng của Quang Trung trong việc đánh đuổi giặc xâm lăng
Trong khoảng thời gian trước khi diễn ra phần chính hội (từ 6 - 8 giờ sáng), các nghi lễ như: Tế lễ, rước kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân, dâng hương đã được các cụ cao niên, đoàn Tế lễ đễn từ các tỉnh (Quảng Ninh, Nam Định…) tiến hành sớm.
Hội Gò Đống Đa được tổ chức trang trọng, thành kính với các nghi thức dâng hương, tế lễ, rước kiệu Vua Quang Trung
Lễ kỷ niệm 231 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ kéo dài đến 16 giờ với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, múa tứ linh, múa quạt, múa sênh tiền, thi đấu cờ tướng - cờ người, các trò chơi dân gian... Lễ hội Gò Đống Đa sẽ chỉ diễn ra trong ngày hôm nay (29.1) từ 6 giờ đến 16 giờ tại Công viên văn hóa Đống Đa (số 4 phố Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội).
Trong dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt “Gò Đống Đa” cho thành phố Hà Nội. Sự kiện này là một khởi đầu mới cho sự bảo tồn, phát triển di tích lịch sử gò Đống Đa trong thời đại mới.
Dạ Thảo