Khác với MV "Cúc ơi" được ra mắt vào tháng 7.2018, thì năm nay MV "Gửi vào thương nhớ" lại không hề có cảnh bom đạn ác liệt mà thay vào đó là một câu chuyện kể về tình cảm của người con gái đối với người cha đã anh dũng ngã xuống vì đất nước của mình.
“Gửi vào thương nhớ” là câu chuyện về tình phụ tử, tình yêu thương nơi hậu phương dành cho người lính Trường Sơn. Ngày lên đường làm nhiệm vụ, người lính mang theo tình thương yêu của vợ và cô con gái bé nhỏ làm hành trang để vững bước ra trận. Khi giấy báo tử gửi về, người vợ đã khóc lặng. Cô con gái bé nhỏ cũng không nguôi nỗi nhớ cha. Cô lớn lên, mang theo những ký ức đẹp về cha. Cô theo học ca hát chuyên nghiệp với tâm nguyện có thể mang tiếng hát làm đẹp cho đời, như lời cha căn dặn trước khi lên đường đi chiến đấu. Ngày tốt nghiệp, cô gái đã đề nghị thày, cô giáo cho phép được biểu diễn tại Nghĩa trang Đường 9, nơi cha cô và các đồng đội đã nằm xuống...
Nghệ sĩ Xuân Trường (vai người bố) và bé Thỏ (vai Nga thời nhỏ)
Đạo diễn Lam Hạ không xây dựng MV với hình ảnh của cuộc chiến với bom rơi, đạn nổ, bi thương, thay vào đó là câu chuyện về tình cha con, nhưng cũng đủ khiến người xem thấy sự khốc liệt, mất mát, đau thương của chiến tranh.
Thực hiện MV về chiến tranh, NSƯT Tố Nga không còn tiền làm liveshow kỷ niệm 25 năm ca hát của mình
NSƯT Tố Nga chia sẻ, sản phẩm có sự tham gia của 400 diễn viên không chuyên cùng dàn nhạc giao hưởng biểu diễn tại Nghĩa trang Đường 9. Cả ê-kíp phải mất 6 tháng để hoàn thành sản phẩm này. “Đó là nỗ lực và tâm huyết của không chỉ riêng tôi mà của rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên khi muốn thực hiện một sản phẩm âm nhạc tri ân những người lính đã ngã xuống. Chúng tôi hy vọng, sản phẩm âm nhạc này có thể chạm được tới khán giả trẻ để họ thêm hiểu và thêm trân trọng những gì đang có hôm nay”, NSƯT Tố Nga bày tỏ.
Ca khúc “Gửi vào thương nhớ” được nhạc sĩ Lê Trọng Lập phổ nhạc từ bài thơ “Viếng mộ ba” của tác giả Minh Ngọc viết cho người cha đã hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế. Bài thơ dung dị nhưng chất chứa yêu thương, mong chờ của tác giả dành cho cha mình.
Dạ Thảo - Ảnh: Hòa Nguyễn