Với những người mộ âm nhạc ở Sài Gòn vào những năm trước 1975 thì ban nhạc Phượng Hoàng là cái tên không hề xa lạ. Nhóm nhạc được mệnh danh là “The Beatles của Sài Gòn” với những nhạc sĩ nổi tiếng như Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang....
Phượng Hoàng nổi lên như một hiện tượng lạ trong đời sống âm nhạc miền Nam thời bấy giờ với phong cách biểu diễn sôi động trẻ trung khác hẳn với dòng nhạc Bolero êm đềm dịu dàng mà khán giả vẫn thương nghe.
Trong một tài liệu, nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa mô tả: “Sự xuất hiện của ban nhạc Phượng Hoàng vào tối 15.6.1971 tại Đêm Màu Hồng đã gây một bất ngờ cho giới yêu nhạc trẻ. Các ban nhạc trẻ thường lấy tên Mỹ, hát những bản nhạc nước ngoài, ca sĩ và nhạc công tóc dài, ăn mặc theo kiểu hippy với khoen vòng lúc lắc. Ban nhạc này mang một cái tên rất Việt: Phượng Hoàng và chơi toàn nhạc Việt Nam do chính những nhạc sĩ trong ban này sáng tác như Yêu người yêu đời, Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa và Yêu em... trở thành những điển hình về tình ca trong làng nhạc”.
Ban nhạc Phượng Hoàng mang đến một làn gió mới trong thưởng thức âm nhạc của Sài Gòn đến năm 1975 thì tan rả. Từ đó đến nay Phượng Hoàng ít được nhắc đến và xung quanh ban nhạc này có những lời đồn thổi nghi ngờ bằng những thông tin không kiểm chứng.
Tuy nhiên khi cuốn sách Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn (NXB Hội Nhà văn) được phát hành vào tháng 1.2021 thì những nghi ngờ nói trên dần được sáng tỏ. Sách tập hợp những bài viết từng được phổ biến và những bài viết mới về ban nhạc Phượng Hoàng đã cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn tập trung hơn về ban nhạc nổi tiếng này.
Cuốn sách không trực tiếp làm công việc “đính chính” những hiểu lầm của công chúng về ban nhạc Phượng Hoàng nhưng ít nhất cũng cung cấp các dữ liệu riêng rẽ để độc giả có thể hiểu nhiều hơn về Phượng Hoàng chỉ đơn thuần là một ban nhạc trẻ.
Mặt khác sau những hiểu lầm không có, tên tuổi của hai thành viên chủ chốt trong nhóm Phượng Hoàng là nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã dần được phục hồi, những ca khúc của họ năm xưa giờ đã được nhiều ca sĩ chọn hát trong các chương trình âm nhạc lớn nhỏ tại Việt Nam. Điều đó đã chứng minh sức sống và giá trị nghệ thuật của những bài hát Phượng Hoàng từng hát đã công nhận một cách chính danh.
Nghe lại những ca khúc của nhóm Phượng Hoàng như Yêu người yêu đời, Phiên khúc mùa đông, Tôi muốn, Thương nhau ngày mưa, Yêu em chúng ta sẽ thấy được ýniệm trẻ trung, sức khai phóng về ca từ và sự tự tôn tiếng Việt của Phượng Hoàng. Và hiển nhiên nhạc của họ đã để lại nhiều dấu ấn với nhạc trẻ Việt Nam thời bấy giờ và về cả sau này.
Các cứ liệu trong cuốn sách cho thấy, tiền thân của ban nhạc Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu do nhạc sĩ Lê Hựu Hà thành lập năm 1963 - ban nhạc với cái tên rất “Việt Nam”. Theo ghi nhận, vào thời đó tại Sài Gòn, với nhạc trẻ nói chung mà đặt tên tiếng Việt cho một ban nhạc đã khó, hát ca khúc tiếng Việt càng khó khăn hơn. Không đủ tự tôn, sẽ không dám làm, nhưng Lê Hựu Hà đã làm được điều đó. Tinh thần này càng nhận ra rõ hơn khi Lê Hựu Hà và nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang lập ban nhạc Phượng Hoàng.
Các thành viên chính của Phượng Hoàng gồm Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nguyễn Trung Vinh, Như Khiêm, Elvis Phương. Thời gian đầu họ còn có Hoài Khanh (giọng nam) và Mai Hoa (giọng nữ), nhưng sau khi rời phòng trà Đêm Màu Hồng đến hát tại Queen Bee và Maxim’s, hai giọng ca kia phải rời nhóm, Elvis Phương gia nhập, rồi tạo dấu ấn dài lâu. Thỉnh thoảng vì thiếu người, Phượng Hoàng còn có vài thành viên không thường xuyên khác, như Văn Hiển - em trai của Nguyễn Trung Vinh. Họ chính thức nghỉ hoạt động như là một ban nhạc thường xuyên, hoàn chỉnh vào giữa năm 1975, về sau này, dù có những lúc tái hợp, nhưng rất ngắn ngủi, manh mún.
Chỉ khoảng 4 năm hoạt động thường xuyên, với hơn 40 ca khúc tiếng Việt được sáng tác, phổ biến, Phượng Hoàng đã bước đầu vẽ nên tâm tư, triết lý và hành vi của một ban rock Việt thực thụ. Họ cũng đã kịp đặt vài viên gạch làm nền tảng cho nhạc trẻ Việt Nam, cùng làm cuộc cách tân sau tân nhạc/tiền chiến và nhạc vàng nói chung.
Dù về quy mô, tầm vóc và sức ảnh hưởng là rất khác nhau, không thể và không nên so sánh, nhưng về ý nghĩa với đời sống âm nhạc địa phương, nơi họ hình thành, thì Phượng Hoàng là "The Beatles của Sài Gòn". Đặc biệt về ca từ - cũng giống như The Beatles (1960-1970) trong tiếng Anh - Phượng Hoàng đã có dấu ấn quan trọng trong tiếng Việt. Cả hai đều hòa trộn nhuần nhị mấy yếu tố tưởng chừng khó dung hòa: sự tự do về ý niệm sáng tác; sự thu hút công chúng; sự ảnh hưởng đến các thế hệ và trào lưu sáng tác âm nhạc kế cận.
Phượng Hoàng còn dấn thêm một bước khó khăn, đó là thử hát rock bằng tiếng Việt. Mấy năm đầu của thập niên 1960, khi The Beatles bắt đầu chơi nhạc theo lối riêng tại Liverpool và Hamburg, họ cũng bị những phê phán nặng nề. Điều này cũng xảy đến với Phượng Hoàng, nhưng nặng nề hơn, vì họ “dám hát rock” bằng tiếng Việt, nhiều nơi đã tẩy chay, phản ứng ra mặt. Mà những tranh luận rằng tiếng Việt có khả năng viết/hát nhạc rock hay không vẫn âm ỉ hoặc ầm ĩ đến tận những năm đầu của thế kỷ 21. Chỉ khi tinh thần toàn cầu hóa và triết lý “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” phổ biến cùng các tiện ích từ mạng Internet, thì những tranh luận, kỳ thị kia mới giảm bớt đáng kể.
Nhà báo Lý Đợi - một trong những người thực hiện cuốn sách chia sẻ: “Cuốn sách được in với tinh thần bất vụ lợi, vì được nhiều anh em, bạn bè trợ giúp thực hiện. Việc bán sách, nếu có kết quả nào đó, thì phần thu về sẽ dành cho việc hỗ trợ anh Nguyễn Trung Vinh - tay trống chính của Phượng Hoàng. Sau tai biến, Nguyễn Trung Vinh hiện đang gặp nhiều khó khăn và bất tiện trong đời sống. Tuy nhiên, xin nói rõ, đây chỉ là ý nguyện của những người làm sách, chứ không phải là chủ ý của anh Nguyễn Trung Vinh. Cho đến khi cuốn sách đi nhà in, anh Nguyễn Trung Vinh cũng không hề biết chuyện này.
Những thiếu sót và sai sót trong sách này, nếu có, tôi - người tổ chức bản thảo - xin chịu trách nhiệm và cuối đầu xin lỗi quý độc giả. Tôi không phải là ngòi bút có thẩm quyền về âm nhạc, lại trưởng thành khi mà tư liệu, hình ảnh về Phượng Hoàng bị tản mác, nhiễu lệch, nên việc kết tập gặp không ít khó khăn…”