Không rõ rượu xuất hiện từ khi nào nhưng đã từ rất lâu rượu trở thành một thứ không thể thiếu trong “công to việc lớn” với các đám hiếu hỉ, hội họp…rượu cũng là thức uống hiện diện trên ban thờ để cúng mời thần linh tổ tiên. Rượu không chỉ được uống trong các dịp lễ tết, hội hè, giỗ chạp, cưới hỏi… mà ngày thường rượu cũng được len lỏi vào nhà hàng, quán ăn, vỉa hè, mâm cơm gia đình.
Không thể phủ nhận những lợi ích từ rượu mang lại khi cơ thể uống một lượng vừa phải để kích thích, hưng phấn và bồi bổ cơ thể. Nhưng dường như ranh giới giữa “có lợi” và “có hại” khá mong manh và nhiều người đã lạm dụng để bước qua, hoặc vô tình bước qua, bị ép bước qua.
Ở nhiều làng quê hiện nay “chúc rượu” đã trở thành “nỗi ám ảnh” của không ít đàn ông từ nơi khác đến. Chỉ cần một đám cưới, người ta có trăm ngàn lý do để “chuốc rượu”. Nào là để kỷ niệm ngày đầu gặp nhau, ngày đầu làm quen, chén này tỏ lòng hiếu khách, chén này chúc sức khỏe, chén này vì mối thân tình bền vững, chén này vì lần đầu đến quê hương… chưa kể người này một chén thay mặt gia đình được chào đón, chúc mừng khách, người kia thay mặt dòng họ chào đón, chúc mừng, bạn bè lâu ngày gặp nhau mừng hội ngộ… tính sơ sơ cứ đi hết một lượt như vậy cũng không dưới chục chén rượu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích uống rượu và có khả năng uống rượu. Có người vì bệnh tật như nóng trong người, dạ dày… không muốn uống rượu hoặc đã từng uống muốn “gác chén”, có người cơ địa không thích ứng với rượu và cũng có người đơn giản chỉ vì “không thích” uống rượu nên đã từ chối. Từ chối gì có thể không khó khăn nhưng từ chối rượu trong bữa cơm, mâm cỗ vô cùng khó khăn, khó xử và thậm chí dẫn đến những hậu quả nặng nề.
Trong không khí đám vui, ai cũng phừng phừng khí thế và lòng hiếu khách tràn trề, việc ai đó từ chối chén rượu mừng sẽ nhận lấy đủ những lời kích bác từ nhẹ đến nặng: nào là “nam vô tửu như kỳ vô phong”, không uống được rượu nhưng nể và tôn trọng mọi người cũng phải làm một chén, đàn ông đàn ang ai lại đi uống thứ nước ngọt, nếu không khinh thì phải uống, cứ uống thử xem có làm sao không, nếu không uống là từ chối tấm lòng, tấm chân tình, cả mâm đều uống còn mình ông không uống là mất vui, thiếu đoàn kết, chỉ có sợ vợ mới không uống rượu… khiến người được mời rượu rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Nếu “từ chối” rượu mời dù vì lý do sức khỏe thì rất hiếm khi nhận được sự cảm thông, dù rằng đây là lý do chính đáng nhất. Phần lớn sự từ chối này sẽ bị quy kết là “không tôn trọng” , “coi thường”, khinh thường, mất vui. Chỉ vì từ chối một chén rượu nhỏ mà “quy kết” thành cái tội to đùng đã khiến những cuộc hội ngộ vui vẻ có lời ra tiếng vào, mặt nặng mày nhẹ, kích bác dẫn đến ẩu đả.
Không uống thì vậy, còn nếu đã trót uống thì phải uống “đủ lượt mời”, chứ uống nửa chừng, người này uống, người kia không thì tình trạng cãi nhau, đánh nhau càng có nguy cơ xảy ra cao. Cách đây khoảng một năm, trong dịp tết cổ truyền đã có đến hơn 5000 vụ đánh nhau xảy ra được xác định có liên quan đến rượu bia, đó là một con số đáng xấu hổ.
Còn “nể” nhau, sĩ diện mà uống, cố uống cho đẹp mặt thì hậu quả nặng nề không ai khác phải gánh chịu là chính bản thân người uống. Có người uống rượu dẫn đến say lướt khướt, gây ra những vụ tai nạn giao thông thương tâm, gây tàn tật suốt đời, thậm chí nặng hơn là đánh đổi tính mạng. Chưa kể người say rượu còn có nguy cơ trúng gió, dễ bị cảm. Còn nhẹ hơn thì nôn mửa thiếu kiểm soát gây khó chịu cho người khác.
Đấy là tác hại trước mắt, còn về lâu dài, uống nhiều rượu từ những cuộc tụ tập, đám thứ cũng dẫn đến nguy cơ nghiện rượu, gây tổn hại sức khỏe và có những hành vi lệch chuẩn. Thực tế, đã có không ít tình trạng người uống rượu say triền miên hết ngày này qua ngày khác, rồi sinh ra đánh đập, chửi mắng vợ con, hàng xóm… và rượu cũng là thủ phạm các bệnh về gan rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
Bộ Y tế từng công bố một con số khiến không ít người giật mình, khi tính trung bình, một nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất. Việt Nam tiêu thụ 10 triệu lít rượu trong 5 năm, trong đó 80% đàn ông sử dụng rượu bia và thuộc top cao nhất thế giới.
Nhu cầu người uống rượu lớn, những món lợi từ rượu đem lại khiến tình trạng rượu giả, kém chất lượng trà trộn, len lỏi vào từng ngõ ngách và dẫn đến nhiều hậu quả mà từ đầu năm đến nay báo chí đã nhắc đến.
Uống rượu đã trở thành một nét văn hóa “khách đến nhà không trà thì rượu” đáng trân trọng, thể hiện sự hiếu khách, thậm chí trở thành yếu tố không thể thiếu trong một số nghi lễ văn hóa. Nhưng cách “ép rượu”, “chuốc rượu” như hiện nay ở một số nơi đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nét văn hóa này. Có nhiều người còn tỏ ra “ác cảm” và sợ sệt với rượu, mỗi lần bị ép rượu là kinh hoàng, tìm mọi cách để “đối phó” với rượu. Thiết nghĩ, việc uống rượu phụ thuộc vào nhu cầu và mang tính cá nhân, không nên ép phải uống rượu mới là đẳng cấp, thể hiện mình, tỏ lòng quý mến. Hãy biết dừng đúng lúc và biết từ chối đúng lúc để cuộc vui trọn vẹn và chén rượu không ảnh hưởng đến bản thân cũng như người khác.
Theo Nhị Xuân/Báo Tổ Quốc