Lý giải về lựa chọn "ngược đời" này của Monster Box, nhà sáng lập Ngô Thanh Liêm chia sẻ: "Tôi không bán các giá trị của mình lấy tiền"
Tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội với chuyên ngành Công nghệ thông tin, Liêm vào TP.HCM làm việc và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như trưởng phòng, giảm đốc sản phẩm ở các tập đoàn, công ty lớn.
Mỗi khi kết thúc công việc, anh thường xem rất nhiều video của các kênh chia sẻ kiến thức nước ngoài như Ted Talks, Quora…để trau đồi kiến thức. Anh tự hỏi, tại sao Việt Nam chưa có một kênh nào có thể đem kiến thức khoa học và quan điểm của mình ra thế giới.
"Nếu như ở nước ngoài có rất nhiều kênh như Ted Talks để mọi người có thể chia sẻ những ý tưởng, nghiên cứu, quan điểm dù đúng, dù sai thì ở Việt Nam không có kênh nào. Đó là lý do tại sao kênh Monster Box được thành lập và chọn tiếng Anh là ngôn ngữ nền tảng. Nhiệm vụ lâu dài của Monster Box là kênh đăng tải những bài nói, nghiên cứu, quan điểm liên quan đến khoa học, kiến thức từ Việt Nam ra thế giới", Liêm chia sẻ.
Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Liêm cùng Lê Hữu Lâm (sinh năm 1992) làm một số video thử nghiệm rồi quyết định nghỉ việc, thành lập Monster Box vào giữa năm 2017. Công việc chính của Monster Box là truyền tải lý thuyết, kiến thức các ngành khoa học thành dạng video graphic motion (đồ họa chuyển động) với nội dung dễ hiểu nhất.
Tính đến nay, Monster box đã thực hiện 30 video graphic motion công phu, dịch và viết hơn 500 bài nghiên cứu khoa học bằng song ngữ Anh – Việt. Nội dung của video và các bài viết của Monster Box khá đa dạng, xoay quanh nhiều chủ đề như, y học, toán học, vật lý học, môi trường, khoa học máy tính....
Tương lai, Monster Box dự định xây dựng một hệ sinh thái từ "online" đến "offline", nơi những người yêu khoa học có thể quy tụ, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kiến thức khoa học.
Không chỉ làm video cho mình, Monster Box cũng tích cực hợp tác với các tổ chức tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ như WWF (Quỹ Thiên nhiên Quốc tế), Ruy Băng Tím, CHANGE, WildAid… hợp tác lan tỏa những thông điệp tích cực về bảo tồn động vật hoang dã, nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn nạn bắt nạt, căn bệnh ung thư, ngăn chặn rác thải nhựa….
Nổi bật nhất trong các dự án hợp tác này của Monster Box có thể kể đến là video "Loài Plastic" kết hợp với tổ chức cùng tên, đạt hàng chục ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội và được nhiều phương tiện truyền thông nhắc tới.
Các bước thực hiện một video graphic motion của Monster Box gồm: Nghiên cứu chọn đề tài, thẩm định đề tài, chọn người viết thích hợp, nhờ chuyên gia hiệu chỉnh nội dung. Sau đó, mới đến giai đoạn làm video bao gồm cách bước chọn cách làm "motion" (chuyển động), phân cảnh, đồ họa và thu thuyết minh Tiếng Anh.
Công phu là thế nên mỗi video graphic motion dài 5-12 phút mà Monster Box thực hiện có thể kéo dài từ ít nhất 3 tuần đến 2 tháng chỉ cho một video clip. Mỗi bài viết khoa học mà Monster Box đăng tải trên Fanpage cũng trải qua nhiều bước trong quy trình khắt khe tương tự. Các bài viết có độ dài từ 3.000-5.000 chữ, được dịch song ngữ Anh – Việt, ghi đầy đủ các nguồn tham khảo từ các báo cáo khoa học, bài báo uy tín.
"Niềm tự hào của Monster Box là chúng tôi không thỏa hiệp chất lượng trong bất cứ khâu nào. Thời gian đầu, có khá nhiều người không biết Monster Box là một kênh Việt Nam. Thậm chí, có một biên tập viên từng nhắn tin xin sử dụng tư liệu Monster Box theo cách liên hệ một đơn vị nước ngoài, khiến chúng tôi phải trả lời "chị ơi, em là người Việt Nam nè" ngay lập tức", Liêm kể.
Khi được hỏi về thu nhập của Monster Box từ Youtube, Liêm chỉ cười: "Ngay cả đến nay thì thu nhập của Monster Box trên Youtube chỉ đủ để uống cà phê".
Đồng sáng lập của Monster Box - Lê Hữu Lâm lý giải, Monster Box không nhận tài trợ, quảng cáo từ bất cứ tổ chức nào. Thay vào đó, nguồn thu nhập của Monster Box đến từ việc nhóm nhận thêm việc và làm "out-source" cho các dự án phù hợp. Tuy nhiên, việc nhận các dự án này cũng vô cùng "hạn chế", bởi như Lâm nói: "Thay vì sa đà kiếm tiền và rơi vào cám dỗ bên ngoài, chúng tôi chỉ kiếm đủ tiền nuôi anh em rồi lại nhảy sang cái mình thích. May mắn là đến bây giờ thu nhập vẫn ổn để duy trì."
Lý giải rõ hơn về hướng đi của Monster Box, Ngô Thanh Liêm nói: "Tôi không làm Youtube mà sử dụng Youtube để làm kênh đăng tải sản phẩm của mình. Tôi không nghĩ làm nội dung giáo dục, khoa học là một lựa chọn khó mà còn nghĩ đó là một lựa chọn hay".
"Thực tế, đã có rất nhiều bên liên hệ Monster Box, ngỏ ý hợp tác làm video trẻ em, "viral" nhưng tôi từ chối hết, bởi nếu mục đích là kiếm tiền thì ngay từ đầu tôi và Lâm đã làm rồi. Năm ngoái, việc kiếm tiền từ video trẻ em đã bị Youtube cấm. Đến nay, Trung Quốc cũng có lệnh hạn chế với những video phung phí thức ăn. Thực tế, tôi không thấy đây là những hướng làm nội dung bền vững. Tới một ngày người ta sẽ chán những nội dung này".
"Nhưng khi làm video về khoa học như chủ đề về plasma hay ung thư thì 10 năm sau những kiến thức này vẫn gần như đúng đắn và những người chưa biết vẫn có thể dùng nó để cập nhập kiến thức. Khoa học là niềm đam mê của tôi và việc giúp các nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam có thể chia sẻ ý tưởng của mình là động lực lớn nhất để làm Monster Box. Bằng video, những kiến thức khoa học hàn lâm sẽ trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều."
Ở Monster Box, văn hóa làm việc được quy định thành 3 điều:
- Làm việc từ 8h - 3h30, 5 ngày/tuần. Ngoại trừ những dịp hiếm hoi mọi người sẽ cùng ở lại hỗ trợ, phần này luôn được ghi nhận và trả ngoài giờ, thưởng.
- Không đem công việc về nhà, hết giờ làm là hết việc của công ty.
- Monster Box không đi theo chủ nghĩa "vừa làm vừa chơi" mà làm ra làm, chơi ra chơi. Sau giờ làm, mọi người có thời gian để cùng nhau đi bơi lội, bóng đá, chơi game…
Trong lúc nhiều công ty khuyến khích nhân viên tăng ca, làm ngoài giờ thì Monster Box quả là có một cách làm việc rất "dễ thở". Lý giải về những quy định này, nhà sáng lập Monster Box – Ngô Thanh Liêm nói: "Thông thường, mọi người thường hay làm việc theo lịch hằng ngày nhưng đối với tôi, nó là cái bẫy. Bởi nếu đợi đến cuối giờ mới làm thì mình dễ sinh ra cáu gắt, bực bội, làm không tốt.
Trước đây, Monster Box cũng như nhiều công ty khác có lịch làm việc 8 tiếng/ngày nhưng tôi và Lâm luôn đặt câu hỏi vì sao lại làm việc 8 tiếng/ngày mà không phải 6 tiếng/ngày và liệu 8 tiếng có thật sự hiệu quả hơn 6 tiếng hay không?
Ở Monster Box các thành viên tan làm lúc 3 rưỡi chiều. Vì vậy, họ có thời gian cho hoạt động thể chất hoặc đi học, nâng cao kiến thức. Được xả hơi sớm hơn, họ nạp nhiều năng lượng hơn. Như vậy có khi 6 tiếng làm việc/ngày còn hiệu quả hơn 8-10 tiếng/ngày".
Theo Liêm, "bất cập" duy nhất của chế độ làm việc này là thỉnh thoảng có đối tác liên hệ với Monster Box để làm việc, họ hẹn 5 giờ chiều thì 3 giờ 30, Monster Box đã ra về hết rồi. Tuy nhiên, đối với Monster Box đây là điều có thể chấp nhận được, bởi trên thực tế, hơn 3 năm qua ở Monster Box không có ai nghỉ việc - duy một trường hợp là vì lý do cá nhân.
Nói về hiệu quả và chất lượng công việc, anh Liêm trả lời ngắn gọn: "Có người từng hỏi Monster tại sao mỗi ngày lại có thể có một bài viết chất lượng, vẽ đẹp, làm video sáng tạo như vậy? Sản phẩm của Monster Box chính là câu trả lời cho câu hỏi này, bởi đó là chất lượng mà các công ty khác làm 8 tiếng - 10 tiếng chưa chắc đã làm ra được."
Theo Trí Thức Trẻ