Điệp viên hoàn hảo Kỳ 7: Phạm Xuân Ẩn, điệp viên cô đơn

01/09/2018 08:31
Điệp viên hoàn hảo Kỳ 7: Phạm Xuân Ẩn, điệp viên cô đơn

“Điệp viên là người cô đơn. Tính chất hoạt động không cho phép anh ta tiết lộ thân phận, bởi làm thế thì anh ta có thể gián tiếp tiết lộ ý đồ của mình… Anh ta phải hoàn toàn kiểm soát bản thân mình cũng như đặt các bản năng và phản ứng của mình theo một nguyên tắc nghiêm ngặt.”

Phạm Xuân Ẩn đào tạo vỏ bọc cho các điệp viên chống Cộng

Trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 9 năm 1959 sau hai năm sống ở Mỹ, nỗi sợ lớn nhất của Ẩn là vừa ra khỏi máy bay đã bị bắt đưa đi và rồi vĩnh viễn biến mất. Ẩn sắp xếp để cả gia đình ra đón ông tại phi trường, bởi ông tính toán rằng trong trường hợp mình bị bắt, nếu có nhân chứng thì sẽ tốt hơn. “Khi gia đình ra đón ở sân bay, ít nhất má tôi cũng biết được việc tôi biến mất,” ông Ẩn nói với tôi. Rất nhiều đồng đội của ông đã bị bỏ tù. Ẩn không biết là liệu những người kia có khai ra tên ông hay không.

Đáng lo nhất là việc cấp trên trực tiếp của ông là Mười Hương đã bị bắt vào năm 1958 và đang nằm bóc lịch trong nhà lao Chín Hầm. Mười Hương là người sáng lập mạng lưới tình báo chiến lược của Cộng sản ở miền Nam. Ông chính là người đã chiêu mộ Ẩn vào mạng lưới này và sau đó điều Ẩn sang Mỹ.

Giữa lúc người nhà chạy tới chạy lui, Ẩn nhìn quanh để xem có cảnh sát hay không, nhưng không thấy ai tiến tới bắt ông cả. Bởi không nắm bắt được tình hình nên Ẩn ở nhà suốt một tháng, sợ rằng nếu ra ngoài một mình, ông có thể bị bắt. Phần lớn thời gian trong ngày, Ẩn đứng nhìn qua cửa sổ để xem có ai theo dõi hay không, sau một thời gian, ông thận trọng lên một kế hoạch để thăm dò.

Ông gửi một lời nhắn tới bác sĩ Trần Kim Tuyến, người đã giúp ông làm thủ tục thị thực hai năm về trước và là đồng minh thân cận của Ngô Đình Nhu, em trai ông Diệm: “Tôi vừa kết thúc khóa học ở Mỹ trở về và đang cần việc làm. Ông có gì cho tôi làm không?”Theo tính toán của Ẩn, nếu ông là mục tiêu bắt giữ, bác sĩ Tuyến sẽ không bao giờ bố trí việc làm cho ông bởi Tuyến chính là người giữ sổ đen Việt Cộng.

Thân hình nhỏ bé với cân nặng chưa đầy một trăm cân, Tuyến “luôn có vẻ điềm tĩnh và e dè của một nhà nho,” như miêu tả của William Colby. Tuy nhiên, dưới bề mặt trầm lặng ấy, Tuyến là một người chống Cộng hăng hái, một nhà hoạch định và là kẻ bày mưu đảo chính bậc thầy. Tuyến từng học ngành y nhưng chưa bao giờ làm bác sĩ, dù vậy, quyền lực ông ta lớn tới mức ai cũng phải gọi ông ta là “Bác sĩ.” Ông ta chỉ tin tưởng một số ít những người bạn chống Cộng trung thành trong tổ chức của mình.

Bác sĩ Tuyến thấy rằng chiêu mộ một người học hành ở Mỹ như Ẩn cho chính quyền Diệm là rất đáng giá. Ông ta liền bố trí cho Ẩn một chân nhân viên trong văn phòng tổng thống, vị trí mà Ẩn có thể tiếp cận các hồ sơ của quân đội, Quốc hội và hầu như của mọi tổ chức tại miền Nam Việt Nam. Nhưng chẳng bao lâu sau, Tuyến tìm ra một cách sử dụng tốt hơn đối với nhân vật thân tín mới của ông ta, người cũng vừa xin Tuyến bố trí một công việc phù hợp với ngành học báo chí của mình. Tuyến liền cho Ẩn tới gặp Nguyễn Thái, Tổng giám đốc Việt Tấn xã, cơ quan báo chí chính thức của chính quyền.

Trong số hàng ngàn bản tin được các hãng thông tấn quốc tế lớn cung cấp mỗi ngày, Việt Tấn xã chọn những thứ phù hợp về mặt chính trị để dịch sang tiếng Việt và đăng tải, coi như là quan điểm chính thức của chính quyền Diệm. “Việt Tấn xã hoạt động như một bộ máy kiểm duyệt các tin tức quốc tế được chọn lựa cho người đọc trong nước,” Thái giải thích. “Các bản tin của Việt Tấn xã được sử dụng trong tất cả các chương trình của mạng lưới phát thanh quốc gia.”

Tương tự Ẩn, Thái học ở Mỹ, và tại đây ông đã lần đầu tiên gặp Ngô Đình Diệm vào tháng 6 năm 1952 tại một hội nghị dành cho sinh viên Công giáo. Thái là chủ tịch Hội Sinh viên Công giáo tại Mỹ và sau cuộc gặp, Diệm thường xuyên gửi thư cho Thái để phân tích tình hình chính trị tại Việt Nam cũng như đánh giá cơ hội nắm quyền của chính mình. Sau đó Thái tới thăm Diệm tại Tu viện Marknoll ở Lakewood, New Jersey, và sắp xếp để Diệm có một buổi thỉnh giảng tại Chương trình Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell. Khi Diệm trở về Sài Gòn vào năm 1954, ông đánh một bức điện tới Đại học bang Michigan mời Thái về Việt Nam để giúp xây dựng một miền Nam độc lập. Thái nhanh chóng trở thành chủ bút và tổng biên tập của tờ Thời báo Việt Nam, và vào tháng 5 năm 1957, Diệm bổ nhiệm ông làm Tổng giám đốc Việt Tấn xã.

Ở vị trí này, Thái nắm được nhiều bí mật của chính quyền Diệm. “Gần như mỗi ngày, Tổng thống đều trực tiếp yêu cầu tôi theo sát các thông tin đặc biệt và sau đó ‘chế biến’ theo cách này hoặc cách khác vì những lý do chính trị đặc biệt. Thông tin là quyền lực, và nó phải được sử dụng để phục vụ những người độc quyền về thông tin.”

Một trong những người tìm cách kiểm soát thông tin là bác sĩ Tuyến. “Không hiếm khi tôi nghe Tuyến nói rằng một phiên tòa chính trị quan trọng nào đó sẽ được tòa án tại Sài Gòn xét xử và tuyên mức án nào hoặc là một sự kiện nào đó sẽ xảy ra trong một ngày cụ thể nào đó (chẳng hạn xảy ra biểu tình hoặc lục soát trụ sở một tờ báo đối lập hoặc một cuộc bầu cử) và sẽ là ‘thích hợp’ để Việt Tấn xã đăng tải những thông tin liên quan theo chiều hướng này hoặc chiều hướng khác, nhằm phục vụ cho lợi ích của chính quyền Diệm,” Thái nhớ lại.

Trần Kim Tuyến muốn Ẩn làm việc cho Việt Tấn xã để ông ta có thể kiểm soát Nguyễn Thái, nhưng Nguyễn Thái cũng muốn Ẩn làm việc cho mình: “Ông ấy là nhân viên đầu tiên của Việt Tấn xã được đào tạo báo chí tại Mỹ và thông thạo tiếng Anh. Bên cạnh đó, tôi cần một phóng viên có thể phụ trách mảng tin tức văn phòng tổng thống và đây là một nhiệm vụ rất nhạy cảm. Tôi cũng nhận thấy Ẩn rất thạo tin và có quan hệ rộng,” ông Thái kể.

“Dường như ông ta quen tất cả các nhân vật quan trọng tại Nam Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ khoe khoang về điều đó. Khiếu hài hước và đầu óc dí dỏm khiến cho ông ta rất dễ mến. Ẩn là bồ ruột của cánh nhà báo quốc tế tại Sài Gòn, những người cũng đánh giá rất cao ông ta và luôn sẵn sàng coi Ẩn là một người Nam Việt Nam vĩ đại. Nhưng rồi ông ta không ở lại lâu bởi có những đề nghị hấp dẫn hơn từ các hãng thông tấn và tờ báo nước ngoài. Tất cả họ đều đánh giá cao kiến thức bách khoa của ông ta về chính trị Việt Nam và các mối quan hệ rộng rãi trong nước.”

Ẩn trong một bữa tối công vụ tại Việt Tấn xã 

Thời gian làm việc cho Việt Tấn xã, Ẩn đã thể hiện một “phong cách chuyên nghiệp” mà theo ông đã trở thành đặc điểm xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp của ông. Bác sĩ Tuyến có kế hoạch sử dụng Việt Tấn xã làm vỏ bọc cho các điệp viên của ông ta xuất ngoại. Ông ta chỉ đạo cho Thái huấn luyện những điệp viên này một vài kỹ năng báo chí trước khi cử họ đi New Delhi, Djakarta và Cairo để làm gián điệp. Thái phản đối kịch liệt nhưng Tuyến bảo rằng đây là mệnh lệnh của Nhu nên Thái chẳng còn lựa chọn nào khác. Thái quyết định cử Ẩn phụ trách công tác đào tạo cho điệp viên của Tuyến. Lựa chọn này không chỉ bởi Ẩn tốt nghiệp trường báo chí, mà ông còn là người có quan hệ tốt với Tuyến.

Khi thấy mấy nhân viên của Tuyến học tập không nghiêm túc, Ẩn đã tới gặp trực tiếp Tuyến: “Ông xem đấy. Tôi sẽ không huấn luyện họ nữa trừ khi ông chỉ cho họ thấy tầm quan trọng của việc tạo ra vỏ bọc, bởi vì họ sẽ bị bắt ngay nếu không học nghề này cho đàng hoàng,” sau này Ẩn nhớ lại. “Họ cần phải chú ý chi tiết, biết cách thức nộp một bài viết, phỏng vấn và phát triển nguồn tin. Nếu họ không học nghề này, họ sẽ bị bắt và lúc đó thì ông cũng mệt đấy.”

Những điệp viên kia lập tức quay trở lại Việt Tấn xã theo mệnh lệnh của Tuyến là phải tham gia chương trình huấn luyện báo chí một cách nghiêm túc. Thế là Phạm Xuân Ẩn, bản thân vốn là điệp viên Cộng sản, giờ lại đang huấn luyện cách thức tạo vỏ bọc cho các điệp viên chống Cộng của bác sĩ Tuyến. Tại Việt Nam, đây là chuyện vô tiền khoáng hậu.

Những ngày đầu làm điệp viên

Như Thái dự đoán, Ẩn không ở lại Việt Tấn xã lâu, mà chuyển tới hãng tin Anh Reuters, cộng tác với phóng viên người Úc Peter Smark, người có văn phòng làm việc đặt ngay trong khu tổng hành dinh của Việt Tấn xã. “Peter Smark thực sự hiểu Việt Nam. Ông cần đọc các bài báo của ông ấy,” Ẩn nói, với chất giọng gợi ý rằng chúng tôi sẽ có nhiều chuyện để thảo luận sau khi tôi tìm đọc thêm tài liệu. Buổi tối hôm đó tôi vào mạng để tìm kiếm các bài viết của Smark và đã bắt gặp bài “Chết và nôn mửa: Ý nghĩa thực sự của chiến tranh” được viết năm 1990, nhưng nhắc lại những trải nghiệm của ông ta tại Việt Nam vào năm 1961.

Bài viết giúp tôi thấy rõ vì sao Ẩn muốn tôi tìm hiểu thêm về Smark: “Chúng tôi đi xuyên qua những cánh đồng xanh đến ngôi làng kế bên Mỹ Tho. Trên bờ ruộng lúa, những cây dừa đung đưa theo gió. Dưới ánh mặt trời như thiêu đốt giữa trưa, ba bé gái nói líu ríu như dế kêu và lấy tay che miệng cười khi thấy những gã đàn ông ngoại quốc nặng nề và vụng về đang xông vào thế giới của chúng. Nằm chỏng chơ như rác trên đất bùn là những xác người. Tôi vẫn còn nhớ và sẽ không bao giờ quên được con số xác chết, 82. Trận đánh xảy ra vào ngày hôm trước và bấy giờ lũ ruồi đã bu đầy. Tôi đã lường trước cảnh máu me, màu xám khủng khiếp của những xác chết lòi ruột, và mùi hôi thối. Tuy nhiên, tôi đã không hề tính tới tình huống đụng đầu với lũ ruồi. Không rõ tại sao tôi chưa từng nghĩ về ruồi nhặng. Hoặc chuột. Và thế là, ở tuổi 24, tôi đã khám phá ra chiến tranh thực sự là cái gì. Khi tôi nôn mửa và mồ hôi vã ra như tắm trong cái ngày ấy vào năm 1961, những ý nghĩ chẳng ăn nhập gì với nhau đột nhiên cuộn xoáy trong đầu tôi…,” Smark viết.

Một trong rất nhiều thẻ nhà báo của Ẩn. 

Khi trở lại nhà Ẩn vào ngày hôm sau, tôi đã đưa cho ông bài báo nọ. “Tôi đã nói chuyện với ông ấy khi ông ấy trở về từ Mỹ Tho. Ông ấy đã biết những gì mà chiến tranh đang gây ra cho đất nước này và bắt đầu quan tâm tới chương trình chống quân nổi dậy mới được triển khai. Ông ấy là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng chiến tranh sẽ có quy mô lớn. Rồi chúng tôi trở thành bạn thân. Ông ấy đã đến dự đám cưới của tôi. Và tôi đã cung cấp cho ông ấy nhiều thông tin quan trọng,” Ẩn nói.

Như vậy, trong vòng một năm sau khi từ Mỹ trở về, Ẩn đã kết thân với bác sĩ Trần Kim Tuyến, làm nhân viên trong khu vực văn phòng tổng thống, trở thành bạn của Nguyễn Thái tại Việt Tấn xã, rồi chuyển tới làm việc cho Reuters. Nick Turner, phóng viên người New Zealand đã thay thế Smark làm trưởng văn phòng Reuters vào tháng 5 năm 1962, về sau đã viết: “Một trong những lợi thế nữa mà tôi có được đó là người trợ lý Việt của tôi, ông Phạm Xuân Ẩn. Tất cả chúng tôi đều phải dựa dẫm rất nhiều vào các trợ lý người Việt, họ làm biên dịch, thông dịch về tình hình chính trị Việt Nam cũng như những diễn tiến của cuộc chiến quân sự. Người trợ lý của tôi được đánh giá là xuất sắc nhất Sài Gòn, rất thạo tin và sắc sảo. Ông ta là sĩ quan tình báo của tôi. Sau này thì người ta mới biết được ông ta cũng là sĩ quan tình báo của Việt Cộng, với cấp hàm đại tá. Làm việc cho Reuters tạo cho ông ta một vỏ bọc hoàn hảo để đi lại lấy thông tin.”

Trên thực tế, nhiệm vụ của ông với tư cách là một điệp viên chiến lược khi ấy mới sắp sửa bắt đầu. Ông sẽ sử dụng tất cả những mối quan hệ với các nhân vật chống Cộng nổi trội cũng như tất cả các kỹ năng xã hội từng học được tại Trường Orange Coast để có thể tiếp cận được các tài liệu, các buổi thông báo tin tức qua đó nắm được chìa khóa để đối phó với chiến thuật mới của Mỹ tại Việt Nam.

Bắt đầu những ngày tháng làm tình báo chiến lược

Việt Nam không hề có trường đào tạo tình báo, và điều trớ trêu là, hành trang bước vào lĩnh vực tình báo của ông Ẩn lại được tích lũy từ một cuốn sách xuất bản năm 1963, Mổ xẻ nghề tình báo: Điệp viên và kỹ thuật của điệp viên từ Roma cổ đại đến sự kiện U-2,mà Ẩn cho biết là ông được phóng viên trẻ David Halberstam làm việc tại Sài Gòn tặng để Ẩn trau dồi kỹ năng viết phóng sự.

Ẩn lôi cuốn sách ấy từ thư phòng nhà ông và chỉ cho tôi những phần quan trọng, đầu tiên là điệp viên huyền thoại Richard Sorge của Liên Xô, phóng viên chính thức của bốn tờ báo trong thời gian làm việc dưới vỏ bọc tại Nhật Bản từ năm 1933 tới 1942. Vỏ bọc của Sorge giúp ông có thể vào Đại sứ quán Đức, nơi ông tạo dựng được những mối quan hệ đầy giá trị với nhiều đời đại sứ liên tiếp và những người này đã trở thành nguồn tin quan trọng của ông. “Điều đó rất quan trọng,” Ẩn nói với tôi. “Nhưng còn quan trọng hơn đó là Sorge đã sơ suất, bị bắt và rồi bị người Nhật treo cổ. Đó là kết cục mà tôi luôn sợ mình sẽ gặp phải.” Vào ngày 5 tháng 11 năm 1964, Richard Sorge đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

“Nghề tôi có hai cái kỵ,” Ẩn nói với người Việt Nam viết hồi ký cho ông. “Nếu bị bắt, không trốn được (nếu trốn được thì tốt), nhưng nếu không sống được thì phải kể là chết. Cái cần giữ không phải xác anh. Xác anh kể là chết, nhưng không được tiết lộ nguồn tin. Không khai báo đã đành, ngay khi những gì địch đã biết, anh có thể nhận, nhưng tuyệt đối phải bảo vệ người cung cấp tin. Thứ hai là cái gì lấy được rồi, giấu tuyệt đối.”

Cuốn sách của Ẩn chứa đầy những ký hiệu đánh dấu các đoạn văn viết về việc gặp gỡ với liên lạc viên tình báo. “Vì lý do an ninh, các cuộc gặp nên diễn ra nơi công cộng có khá đông người. Hai người mà hẹn gặp ở những nơi ít người qua lại thì dễ bị theo dõi, và nếu một người bị hại thì người kia cũng tự động lâm nguy. Ở những nơi đông đúc – trong quán rượu, nhà hát, địa điểm thi đấu thể thao, nhà ga chính – hai bên có thể dễ dàng liên lạc mà không gây chú ý. Thông tin có thể được trao đổi hai chiều theo nhiều cách mà cả hai người chẳng cần nói chuyện với nhau.” Một phần khác nói về loại mực mất dấu và các kỹ thuật ngụy trang.

Ẩn chọn cách giấu các cuộn phim bên trong các miếng chả trứng cuốn hoặc nem chua (thịt sống được gói trong lá chuối), nhưng các điệp viên khác thì chọn phương cách khác. “Đối với tài liệu viết bằng nước trà trên những tờ giấy dầu màu vàng thì dùng những tờ giấy đó... gói đồ, hoặc dán lại thành cái túi đựng đồ. Còn phim thì làm theo hai cách. Một là mua một đôi dép cao su xốp, lột lớp phía trên ra, rồi lấy dao cắt rỗng miếng xốp trong đế dép, phim cắt ra từng khúc nhét vào đó rồi dán lại,” con trai ông Ba Quốc kể. “Một chiếc dép chứa được một phần tư cuộn phim, một đôi được nửa cuộn; nửa cuộn còn lại cũng cắt ra, cuộn nhỏ lại, nhét vào đồ chơi trẻ em. Tất cả đựng vào cái túi bằng giấy dầu màu vàng nói trên, cả vỏ cả ruột đều là tài liệu. Ông đem cái túi đó để vào cốp xe Vespa rồi mang đi gặp giao liên nội đô.”

Nỗi nguy hiểm thường gặp của các điệp viên là liên lạc viên có thể bị bắt giữ cùng tài liệu, sau đó được đưa tới Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp (CDEC), nơi đây một người phiên dịch thạo nghề sẽ truy tìm nguồn gốc. “Tài liệu không chỉ là tin tức mật, tài liệu chính là điệp viên. Mất tài liệu tức là mất điệp viên.”.

Trước tháng 10 năm 1965, công tác phân tích tài liệu (gọi là “khai thác”) được giao chủ yếu cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ẩn nhớ có lần một đầu mối bên trong tổ chức này cho ông xem một tài liệu thu giữ được từ kẻ thù, trong đó có bản tóm tắt báo cáo do chính ông soạn về kế hoạch truy quét du kích quân do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện. “Tôi đã nổi xung và vào rừng để nói với họ khi tóm tắt báo cáo nên cẩn thận, đặc biệt đây là những thứ tôi viết hồi năm 1961 và tôi biết rõ là của mình; tài liệu cũ nhưng có thể truy nguồn được.”

Ẩn luôn ví mình như một con sói cô đơn bởi không có một ai giám sát các hoạt động hằng ngày của ông. Ẩn chính là trường hợp mà trong ngành tình báo Mỹ gọi là điệp viên đơn độc hoạt động trong vùng cấm. Do hoàn cảnh quá nguy hiểm nên việc tiếp xúc trực tiếp bị cấm; mọi bước đi đều do Ẩn tự nghĩ ra. Ông có một loạt cấp trên trực tiếp, đầu tiên là Mười Hương. Nếu Trung ương cục miền Nam cần gì đấy đặc biệt, Ẩn sẽ nhận được yêu cầu thông qua mật thư của bà Ba hoặc bà này có thể gây chú ý cho Ẩn lúc ông đưa con đến trường.

“Tôi là nhà tình báo chiến lược, không phải tình báo chính trị, vốn thường chuyên về các hoạt động như tổ chức các nhóm đảo chính hoặc thực hiện các hoạt động gián điệp chính trị,” Ẩn thường nhấn mạnh. “Tôi là học trò của Sherman Kent, công việc của tôi là giải thích và phân tích thông tin.” Kent đã viết một trong những cuốn sách đầu tiên của mình để hệ thống hóa lại chủ đề phân tích thông tin tình báo, cuốn sách nhan đề Tình báo chiến lược phục vụ chính sách toàn cầu của Mỹ. Ẩn biết được thông tin về Kent thông qua Lansdale cũng như từ các đồng nghiệp ở CIO khi họ vừa tu nghiệp ở Mỹ về theo các chương trình mà sách của Kent là tài liệu huấn luyện chính.

Phạm Xuân Ẩn – Điệp viên cô đơn

Sau chuyến thăm lịch sử của Richard Nixon tới Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972, cách thức làm việc của Ẩn đã có sự thay đổi quan trọng. “Tôi buộc phải thay đổi mọi thứ sau chuyến thăm của Nixon bởi có rất nhiều gián điệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam. Mọi việc đều rất nguy hiểm, ngoại trừ báo cáo, vì thế tôi phải dành nhiều thời gian hơn để đọc và phân tích tài liệu sau đó ngồi gõ những bản báo cáo dài. Chỉ có một lần vào năm 1974 là tôi có làm một chuyện ngoại lệ, nhưng lúc đó thì người Mỹ rút rồi. Tôi nói với cấp trên rằng tôi là người phân tích, nếu họ muốn lấy tài liệu thì các điệp viên sẽ làm; họ có rất nhiều phương cách để có tài liệu nhưng không phải lấy từ tôi nữa. Mang tài liệu về nhà rồi sau đó đem trả lại rất dễ bị tóm.”

Ẩn cho tôi biết rằng cuốn Mổ xẻ nghề tình báo đã giúp ông chuẩn bị một cuộc sống đơn độc, cho thấy tầm quan trọng của tự chủ và tinh thần kỷ luật: “Điệp viên là người cô đơn. Tính chất hoạt động không cho phép anh ta tiết lộ thân phận, bởi làm thế thì anh ta có thể gián tiếp tiết lộ ý đồ của mình… Anh ta phải hoàn toàn kiểm soát bản thân mình cũng như đặt các bản năng và phản ứng của mình theo một nguyên tắc nghiêm ngặt.”

Cuốn sách cũng gieo rắc nỗi sợ, một cảm giác đeo đuổi rằng bất cứ lúc nào sứ mệnh của ông cũng có thể kết thúc và tính mệnh của ông cáo chung: “Thời chiến cũng như thời bình – đặc biệt là trong chiến tranh – anh ta phải cảnh giác với kẻ thù. Mọi bàn tay đều chống lại anh ta; một khoảnh khắc bộc lộ bản thân cũng đủ để khiến anh ta bị tấn công. Điệp viên biết điều đó. Ngay từ đầu anh ta ý thức được đòn thù mà kẻ địch sẽ tung ra một khi họ bắt được anh ta. Mối nguy đến tính mạng, thậm chí nếu không mất mạng (trong trường hợp những người bắt giữ muốn tra tấn để khai thác thông tin), thì mối nguy bị cắt tay chân là điều mà mỗi điệp viên phải tiên lượng.”

“Điệp viên may mắn là điệp viên không bị bắt” là cách mà Ẩn luôn nói về bản thân. Ẩn có nhiều phen thoát hiểm trong gang tấc, nhưng ông đặc biệt nhớ hai lần.

Lần thứ nhất là trong giai đoạn đầu sự nghiệp khi ông vừa ở Mỹ về và đang làm việc cho bác sĩ Tuyến. Lúc bấy giờ, Minh Cồ đang là trung tá của Sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Ẩn giới thiệu một nữ quân nhân (WAC) vào làm việc trong văn phòng của Tuyến. Ẩn không hề biết cô này đã bí mật làm việc cho Mặt trận ở ngay trong văn phòng của Minh Cồ, và giờ đây, với sự tiến cử của Ẩn, cô ta vào làm cho Tuyến.

Bên quân báo hỏi Tuyến ai đã tiến cử cô này. Khi bị chất vấn, Ẩn lập tức đáp, “Làm sao tôi biết con nhỏ là Việt Cộng? Tôi chưa vợ, mà con nhỏ thì đẹp và lại biết đánh máy nên tôi giới thiệu. Tôi chả biết gì ngoài chuyện đó.” Ẩn ngưng câu chuyện ở đấy và lật sang trang 30 cuốn Mổ xẻ nghề tình báo, “hành động và ứng khẩu mau lẹ, hai phẩm chất gần như song hành trong nghề, có thể giúp anh ta thoát hiểm.” Với vẻ hài lòng, Ẩn châm thêm trà và nói,“Ông thấy đấy, trong nghề của tôi thì chẳng có gì là quá nhỏ nhặt, không đáng để phân tích và ứng dụng. Hy vọng ông cũng sẽ viết theo cách như thế.”

Bà Thu Nhàn và cô con gái Thanh Bình

Ẩn còn có một vụ thoát hiểm khác, trong đó nhờ nhanh trí ông đã kiểm soát được một tình huống có thể dẫn tới thảm họa. Sau khi các con đã đi ngủ, và với chú chó bẹc giê Đức cùng người vợ đứng canh, Ẩn thường chuẩn bị báo cáo và phim để chuyển cho bà Ba. Một buổi sáng nọ, Ẩn nghe cô con gái của mình kể với anh trai rằng hồi đêm tỉnh giấc, cô bé thấy cha mình viết bằng một loại mực đặc biệt, cứ viết xong là chữ biến mất. Ẩn thất kinh. Ông đã không hay biết cô bé đến bên cạnh, còn vợ ông đã đi ngủ, con chó thì thấy người quen nên chẳng sủa.

Ẩn sợ con gái sẽ đến lớp kể với bạn bè về loại mực đặc biệt này. Thế nên ông nghĩ ra một trò để đánh lừa cô bé. Tối hôm đó, ông đặt một ngọn đèn sáng ngay trước mặt cô bé. Rồi ông bảo cô bé nhìn vào tờ giấy mà ông vừa viết bằng mực thông thường. Tất nhiên là trong vài phút đầu cô bé chẳng thấy gì cả do mắt còn bị chói sáng, rồi thì sau đó cô mới thấy mực. “Con nè, đây là nguyên nhân khiến tối qua con thức giấc và thấy ba viết nhưng không thấy chữ. Con đi từ trong tối ra chỗ sáng và tưởng là tờ giấy không có chữ. Lúc đó con bị hoa mắt nên mới như vậy, và do mệt quá nên sau đó con quên hết.” 

Thế là từ đó cô bé không còn nhắc tới loại mực đặc biệt nữa. Con trai của Ẩn là Hoàng Ân sau này kể với tôi rằng cậu ta thường tỉnh ngủ và thấy cha làm việc rất khuya nhưng không hề suy nghĩ gì về chuyện đó.

Ẩn luôn nhấn mạnh vai trò của vận may trong nghề tình báo. Ông thường đi xem bói và nếu thầy phán hôm đó là ngày xấu thì ông không ra ngoài. Ẩn thậm chí còn coi số xe của mình “NBC 253” là số xui vì đó là số bù, con số rất xấu theo quan niệm tướng số của người Việt Nam. “Tôi nhớ lúc bà Nhu cấm đánh bạc, chúng tôi thường ngồi ở góc đường và cá độ biển số mấy chiếc xe chạy qua. Không ai muốn ngồi gần xe tôi vì đấy là số xui.”

Vai trò của vận may có lẽ được minh họa rõ nhất trong câu chuyện của Ba Quốc, với tên gọi và chức danh trong hồ sơ của đảng là Thiếu tướng Đặng Trần Đức. Làm việc cho lưới tình báo H.67 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam, Ba Quốc hoạt động hơn hai mươi năm tại miền Nam Việt Nam, nhưng không giống Ẩn, cuối cùng Ba Quốc đã bị lộ tẩy. “Chuyện của ông ấy cho thấy tôi rất may mắn cũng như cho thấy mạng sống của tất cả chúng tôi hồi đó nguy hiểm như thế nào,” Ẩn nói.

Ba Quốc bị lộ rất tình cờ. Ông vừa gặp liên lạc viên lâu năm của mình là Bảy Anh (người làm việc cho riêng Ba Quốc từ năm 1966 tới 1974) tại một khu chợ và chuyển mấy chục cuộn phim, nhưng hôm đó Bảy Anh đã chuyển phim cho một nữ liên lạc viên trẻ để mang lên Củ Chi. Không may cho cô gái là cảnh sát đã dừng xe để kiếm một người nào đó, nhưng họ đã quyết định bắt hết tất cả để đảm bảo rằng không để lọt thành viên Việt Cộng nào trên xe.

Thế là cảnh sát tìm thấy tài liệu trong túi xách của cô gái, và sau vài ngày điều tra, họ lần ra được Ba Quốc, nhưng ông ta đã nhanh chóng trốn vào rừng trước khi cảnh sát kịp tới gõ cửa. “Chỉ là tình cờ thôi. Và tôi luôn sợ những kiểu tình cờ như vậy,”Ẩn thổ lộ. “Biết đâu một liên lạc viên bị bắt và rồi đến một ngày tôi bị lộ, họ sẽ đến tìm tôi tại tờ Time, hoặc xấu hơn nữa, họ tìm gặp tôi ở những chỗ mà không ai thấy, tôi có thể bị tra tấn trước lúc bị giết.”

Khi thực hiện các bài viết cho Time, Ẩn chủ yếu dựa vào tài liệu mà các phóng viên khác có được – đó là tài liệu thu giữ của đối phương, bài của hãng thông tấn, bài viết trên các báo, thêm vào đó là các nguồn tin cấp cao của ông. Điều này có nghĩa là ông không sử dụng mọi thứ có được để phục vụ các bài viết cho tờ Time. Mặt khác, là một điệp viên chiến lược, Ẩn dựa vào các tài liệu lấy được nhờ vào đầu mối bên trong các cơ quan như CIO, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Quốc hội và các đầu mối trong cộng đồng tình báo Mỹ, Pháp và Trung Quốc. “Tôi sử dụng các tài liệu do đầu mối ở CIO cung cấp để viết báo cáo gửi vào rừng,” Ẩn giải thích cho tôi. “Nguy cơ sơ suất và bị bắt là rất lớn, thế nên tôi phải tỉnh táo để đảm bảo rằng không sử dụng hiểu biết thực sự của mình vào việc viết báo.”

Vỏ bọc nào giúp Phạm Xuân Ẩn thoát chết nhiều lần

Làm phóng viên giúp nâng cao tay nghề cho Ẩn trong lĩnh vực tình báo chiến lược bởi vì một phần việc của phóng viên giỏi là trích xuất những sự thật từ bên trong các tin đồn. Ông thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai nghề. “Khác biệt duy nhất là ai sẽ đọc bài viết của bạn,” ông nói. Trong cuốn Mổ xẻ nghề tình báo, ông đã gạch chân đoạn “hoạt động tình báo thành công khi biết chắp nối các mẩu thông tin nhỏ bé, mà bản thân chúng có vẻ chẳng có gì quan trọng cả, nhưng khi xếp hàng chục mẩu cạnh nhau, chúng sẽ tạo nên một bức tranh để từ đó các cấp chỉ huy có thể lên kế hoạch.” Các đoạn đề cập đến việc tạo vỏ bọc cũng được gạch chân rất đậm: “Thực ra, cái công việc vỏ bọc mà điệp viên chọn cũng quan trọng không kém câu chuyện vỏ bọc của anh ta. Một cách lý tưởng thì nó sẽ giúp anh ta tiếp xúc trực tiếp với nguồn thông tin mà anh ta tìm kiếm; nhưng nếu điều này không thể, thì nó sẽ cung cấp cho anh ta thời gian và cơ hội để thực hiện việc tiếp xúc gián tiếp.”

Điều này cho thấy tại sao Ẩn cho rằng các điệp viên của bác sĩ Trần Kim Tuyến cần phải coi trọng việc tạo vỏ bọc: “Nếu anh coi vỏ bọc chỉ là một nghề giả, một nghề mà anh không thực sự thông thạo, một công việc mà anh không thực sự làm, thì anh sẽ chết, bởi như vậy anh chẳng có vỏ bọc nào cả.”

Ẩn không chỉ giỏi kỹ năng phân tích dữ liệu; ông còn rất giỏi về tổng hợp sách, như cuốn Chiến tranh Hiện đại: Một cách nhìn của Pháp về chống quân nổi dậy (Modern Warfare: A French View of Counterinsurgency, 1961), cuốn sổ tay hướng dẫn cách đối phó với các chiến thuật lật đổ chính quyền mà quân cách mạng áp dụng. Ông cũng thường xuyên tham khảo bản xuất bản năm 1940 của cuốn Cội rễ của chiến lược: 5 bài học quân sự kinh điển vĩ đại nhất mọi thời đại (Roots of Strategy: The 5 Greatest Military Classics of All Times) do Chuẩn tướng T. R. Phillips soạn. Bộ sưu tập những tài liệu quân sự kinh điển có ảnh hưởng lớn nhất trước thế kỷ 19 còn có Binh pháp của Tôn Tử; Thiết chế quân sự của người La Mã (The Military Institutions of the Romans) của Vegetius; Mộng tưởng của tôi về nghệ thuật chiến tranh (My Reveries Upon the Art of War) của Đại thống chế Maurice de Saxe; Chỉ thị của Frederick Đại đế dành cho các tướng của ông ta (The Instruction of Frederick the Great for His Generals); và Châm ngôn quân sự của Napoleon (The Military Maxims of Napoleon).

Lấy cuốn sách nhàu nát từ trên kệ ở thư phòng, Ẩn hướng sự chú ý của tôi tới các sách của Tôn Tử và Maurice de Saxe. Mở một mục trong cuốn của Tôn Tử, Ẩn bảo tôi đọc đoạn văn sau đây: “Ta ngụy trang thật khéo khiến địch không tìm ra tung tích thì dù gián điệp có vào sâu trong đội hình cũng không biết rõ được quân ta, kẻ địch khôn ngoan mấy cũng chẳng biết cách đối phó với quân ta. Căn cứ vào sự thay đổi tình hình của địch mà vận dụng linh hoạt chiến thuật, dù có bày sẵn thắng lợi trước mắt chúng cũng không nhận ra sự ảo diệu của nó. Người ngoài chỉ biết ta dùng phương kế thắng địch chứ không biết ta đã vận dụng phương kế đó thế nào… Dựa vào biến đổi của địch mà chiến thắng thì gọi là dụng binh như thần vậy.”

Trước khi Mỹ tăng cường lực lượng ở khu vực xung quanh Củ Chi, Ẩn thường tới căn cứ của Việt Cộng để thảo luận về các báo cáo của ông và nhận nhiệm vụ mới. Ẩn thực hiện các chuyến đi này theo một cách rất lạ. Ông để ria mép và tóc khá dài nhằm che giấu diện mạo cũng như tạo vỏ bọc cho sự vắng mặt của mình. Ông nói với các đồng nghiệp ở Time rằng “giáo sư tình dục học” sẽ đi nghỉ ba ngày ở Huế, nơi có nhiều gái đẹp mê vẻ ngoài nghệ sĩ và phong cách lập dị.

Ẩn để ria mép. Tấm hình của Frank McCulloch được gắn trên tấm báo tường phía bên trái, trông khá giống Hòa thượng Thích Trí Quang. 

“Chuyện để ria mép là tôi học được từ CIO, không phải kỹ thuật để ria mà là nghiệp vụ phát hiện Việt Cộng,” Ẩn giải thích. “CIO thường tới Củ Chi dò hỏi người dân xem họ có thấy người lạ nào tới đây không. Nếu người ta thấy tôi rồi miêu tả lại cho CIO thì họ cũng không nhận ra, vì nhân viên CIO khi đó sẽ ghi chú là có một người lạ để ria mép. Trên đó không ai biết tên tôi, nên họ chỉ miêu tả hình dáng.”

Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó ở Sài Gòn nhớ ra rằng ông đã để ria mép, tôi hỏi. Ông cười lớn và nói rằng đến lúc thông tin đó được chuyển xuống Sài Gòn cho CIO và họ đi tìm một ai đó phù hợp với miêu tả, thì ông có thể đã từ Huế về lâu rồi và chẳng ai nghi ngờ chuyện này cả, nhưng nếu thực sự họ nhớ ra chuyện để ria, thì ông có thể đáp: “Các ông nói gì thế? Tôi không có ria mép. Nhìn xem này, có đâu? Tôi ra Huế để kiếm gái đẹp, chứ đâu có lên Củ Chi tìm Việt Cộng. Rồi tôi có thể bảo họ tới hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ xem – ông ta cũng để ria mép đấy, có lẽ ông ta đã tới Củ Chi!” Chứng cứ ngoại phạm này ông chưa bao giờ phải dùng tới.

Tôi hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu nhân viên CIO phát hiện ông ở Củ Chi, Ẩn đáp, “Vậy thì tôi chết chắc.” Khi tôi đọc tài liệu miêu tả Ẩn của William Prochnau, tôi đã thấy rõ tính hiệu quả của vỏ bọc mà Ẩn tạo ra. “Ẩn có thể tinh giản các thủ tục, xử lý nhanh thông tin để có thể vừa nói chuyện thi ca và triết học vừa hoàn tất bài báo đúng hạn. Có một trợ tá người Việt là rất quan trọng, và Ẩn là trợ tá xuất sắc nhất, ngay cả khi Ẩn biến mất một vài ngày thì ai cũng nghĩ rằng ông này đang có cuộc tình vụng trộm ở đâu đó.”.

Điều vẫn còn bí ẩn đối với tôi là trong khi rất nhiều người biết được những lần biến mất có tính chu kỳ của Ẩn thì bằng cách nào mà ông lại không bao giờ bị cảnh sát hay lực lượng an ninh, vốn luôn sục tìm những người như ông, bắt gặp. Có lẽ là ông cực kỳ may mắn hoặc câu chuyện vỏ bọc của Ẩn như là một người huấn luyện chó, dân chơi chim quý, hay thậm chí là một gã đào hoa lãng tử cũng đủ để thuyết phục mọi người không dõi theo hành tung của ông.

👉 Điệp viên hoàn hảo kỳ 8: Phạm Xuân Ẩn và “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại Việt Nam

Trích X6 Điệp Viên Hoàn Hảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024