Điệp viên hoàn hảo kỳ 8: Phạm Xuân Ẩn và “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại Việt Nam

02/09/2018 08:00
Điệp viên hoàn hảo kỳ 8: Phạm Xuân Ẩn và “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại Việt Nam

“Có cả tỉ đôla cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Việc hiểu địch đã giúp ta có kế hoạch chủ động đối phó, các đợt càn quét dữ dội của quân ngụy sau đó hầu hết chỉ nhằm vào chỗ trống… Thất bại hoàn toàn trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải chấm dứt theo đuổi kế hoạch chiến tranh đặc biệt và tìm kiếm một chiến lược mới”.

Hoạt động nổi dậy Miền Nam  gia tăng mãnh liệt

Vào nửa cuối năm 1959, mỗi tháng trung bình có hơn một trăm vụ tấn công do các đơn vị du kích nhỏ thực hiện nhằm vào trạm kiểm soát và tháp canh của chính quyền. Số vụ ám sát quan chức chính phủ, cảnh sát và chức sắc làng xã tăng hơn gấp đôi. Số vụ bắt cóc cao kỷ lục. Tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Mê Kông và Cao nguyên Trung phần, nhiều cuộc “đồng khởi” đã nổ ra tại những làng xã không được kiểm soát.

Bạo động và biểu tình lớn do Việt Công tổ chức lan rộng và thường châm ngòi cho các cuộc đàn áp khốc liệt của chính phủ. Một “Báo cáo tình báo đặc biệt” vào tháng 8 năm 1960 đưa ra nhận xét cho rằng đợt bùng nổ này “cho thấy sự gia tăng tâm lý bất bình đối với chính phủ của Diệm.”

Quân lực Việt Nam Cộng hòa không được chuẩn bị tốt để đối phó với đợt bùng nổ các hoạt động du kích này. Từ năm 1954 đến 1960, hai người đứng đầu của MAAG, tướng John W. “Iron Mike” O’Daniel và Trung tướng Samuel T. “Hanging Sam” Williams, chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn các cuộc tấn công chính quy từ bên kia vĩ tuyến 17 và không bao giờ cho rằng các cuộc nổi dậy nội tại có thể đe dọa ổn định ở miền Nam Việt Nam.

Bộ binh cơ động nhẹ của Việt Nam Cộng hòa đã được tổ chức lại thành các sư đoàn bộ binh để tương thích với nhiệm vụ và cơ cấu của các kế hoạch quốc phòng Mỹ. Quân lực Việt Nam Cộng hòa được trang bị các phương tiện cơ bản của lục quân, và các cố vấn Mỹ huấn luyện cho họ kỹ năng về chiến tranh chính quy, xuất phát từ lo ngại về viễn cảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc tấn công như họ đã từng thực hiện để đánh bại người Pháp vào năm 1954 hoặc cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên xuống Nam Triều Tiên vào năm 1950.

Tổng thống Eisenhower đã chỉ đạo xây dựng một kế hoạch chống nổi dậy toàn diện. Tháng 8 năm 1960, Trung tướng Lionel C. McGarr thay tướng Williams lãnh đạo MAAG. McGarr từng là sĩ quan chỉ huy tại Trường Sĩ quan Lục quân Mỹ và là tham mưu trưởng tại căn cứ Fort Leavenworth ở bang Kansas. Ông là một trong những sĩ quan được vinh danh nhiều nhất thời bấy giờ, với bảy lần nhận Huân chương Chiến thương. Ông coi công tác chống nổi dậy như là “những dạng thức khác thường của chiến tranh đòi hỏi phải phát triển những học thuyết và kỹ thuật đặc biệt.”Tổ chức của ông đã nhanh chóng hoàn tất xây dựng “Kỹ thuật và Chiến thuật dành cho các Chiến dịch chống nổi loạn (CIP).”

Tài liệu triển khai kế hoạch CIP được mang đến Sài Gòn đầu năm 1961. Gần như ngay lập tức, một bản sao của nó được chuyển tới cho bác sĩ Trần Kim Tuyến, và ông ta đưa cho Ẩn với yêu cầu phân tích tài liệu này để ông có thể nắm bắt được toàn bộ chiến lược mới. Tổng tham mưu trưởng quân đội, Tướng Trần Văn Đôn, cũng đưa cho Ẩn một bản báo cáo, cùng với các tài liệu bổ trợ như Cẩm nang chiến trường 100-5 mang tên Các chiến dịch, trong đó trình bày ý tưởng và hành động tương ứng của các cố vấn Mỹ cũng như cách mà MAAG hình dung Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ thực hiện cuộc chiến mới như thế nào.

Cẩm nang này được chỉnh lý và bổ sung vào tháng 2 năm 1962, cập nhật những công nghệ chiến tranh mới, như các chiến dịch không vận và chiến tranh phi chính quy. Thêm vào đó, Ẩn còn nhận được bản sao của Cẩm nang chiến trường 31-15, mang tên Chiến dịch chống lại các lực lượng phi chính quy, xuất bản tháng 5 năm 1961, cung cấp bốn mươi bảy trang gồm chữ viết và sơ đồ về việc xác định mục tiêu và tiêu diệt lực lượng Việt Cộng. Ẩn cũng thường liên lạc với những tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa trở về từ khóa huấn luyện đặc biệt về chiến lược chống quân nổi dậy tại Trung tâm Chiến tranh Đặc biệt của Lục quân Mỹ đặt ở căn cứ Fort Bragg.

Trên khoảnh sân bên hông nhà, ông Ẩn mở những chiếc tủ đựng tài liệu và lấy ra một chồng trong đống tài liệu rách nát ấy. “Giờ thì mấy thứ này đã có ở Trung tâm Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas rồi,”Ẩn cười lớn. “Sau khi tôi chết thì vợ tôi sẽ vứt hết. Chỉ có chúng ta mới quan tâm tới chúng.” Giám đốc của Trung tâm Việt Nam, ông Jim Reckner, là người bạn của cả hai chúng tôi, và đã giới thiệu chúng tôi với nhau mấy năm về trước. Jim và Lê Khanh, một người bạn khác cũng đang làm việc ở trung tâm, đã làm khách ở nhà Ẩn nhiều lần, và tôi biết họ đã đề nghị Ẩn xem xét việc chuyển các tài liệu của ông tới Phòng lưu trữ Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas để có thể bảo quản các tài liệu này cho mai sau.

Không có tài liệu nào trong số Ẩn cho tôi xem hôm đó hoặc bất cứ ngày nào khác được coi là bảo vật của tình báo hoặc chứa đựng các bí mật quân sự quan trọng, nhưng Cộng sản Việt Nam thời đó hiểu biết rất hạn chế về các chiến thuật đang được phát triển để phục vụ cho một loại hình mới của “chiến tranh đặc biệt.” Sự xuất hiện của trực thăng Mỹ và các trận càn của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã gây ra tổn thất nặng nề cho Việt Cộng.

Nhiệm vụ của ông Ẩn là phân tích các chiến thuật mới để những nhà lãnh đạo quân sự Cộng sản có thể xây dựng các đối pháp. “Họ tin tưởng tôi nên đưa cho tôi những tài liệu này, kể cả ông Tuyến,” ông Ẩn nói. “Vì thế tôi đọc tất cả, nói chuyện với các cố vấn Mỹ và bạn bè tôi vừa đi huấn luyện về, rồi tôi viết báo cáo, chỉ có vậy thôi. Khi mà tôi đã có tài liệu rồi thì mọi chuyện trở nên đơn giản… Tất cả những gì tôi làm là đọc tài liệu của họ, tham dự các buổi họp báo, lắng nghe người ta nói, đưa ra sự phân tích và sau đó gửi báo cáo vào rừng. Tôi không biết điều gì xảy ra tiếp sau đó cho tới mãi nhiều năm về sau.”

Máy bay trực thăng tấn công HU.1 của Mỹ bị bắn rơi trong trận Ấp Bắc.

Đóng góp quan trọng nhất của Phạm Xuân Ẩn trong chiến dịch Ấp Bắc

Trong giai đoạn 1961 – 1965, ông Ẩn đã gửi đi hầu như mọi tài liệu quan trọng liên quan đến kế hoạch quân sự và dân sự phục vụ các chiến dịch ở miền Nam. “Nhiệm vụ cho trận Ấp Bắc là cung cấp thông tin về chiến thuật,” ông Mai Chí Thọ, người đã huy động tiền để Ẩn đi Mỹ học, cho biết. “Ông Ẩn đã cho chúng tôi biết những chiến thuật mới mà người Mỹ đang triển khai, vì thế chúng tôi đã có thể phát triển phương án đối phó. Những người khác đã xây dựng kế hoạch mới để triển khai các phương án đối phó ấy, và sau đó những người khác nữa chiến đấu anh dũng tại Ấp Bắc, nhưng chính ông Ẩn là người cung cấp những tài liệu và báo cáo giúp thực hiện thành công chiến thuật.”

Ẩn cũng nói với tôi điều tương tự khi chỉ cho tôi bản sao luận thuyết năm 1732 của Saxe: “Phân tích chiến lược cũng đòi hỏi phải am hiểu chiến thuật.” “Nhiệm vụ của tôi trong giai đoạn này là giúp họ hiểu được phương thức mới của Mỹ về chiến tranh đặc biệt để họ triển khai chiến thuật mới. Tôi cung cấp bản phân tích; những người khác quyết định cách đánh và nơi đánh.”

Tổng thống đắc cử John Fitzgerald Kennedy tin rằng Edward Lansdale là một trong số ít người Mỹ đủ khả năng tham mưu cho ông về chiến tranh phi chính quy và vai trò của Mỹ ở Đông Dương. Lansdale đã rời Sài Gòn vào năm 1957, năm mà Ẩn đến California, để làm việc tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong vai trò phó trợ lý bộ trưởng phụ trách các chiến dịch đặc biệt. Trong giai đoạn chuyển giao ghế tổng thống năm 1961, Kennedy đã chỉ đạo Lansdale tới Việt Nam để đánh giá toàn bộ hoạt động nổi dậy. Có rất nhiều cuộc gặp cấp cao và thị sát chiến trường trong chuyến thăm đó, nhưng Ẩn nhớ ông và Lansdale có hai lần gặp.

Cuộc gặp đầu ít nghi thức hơn. Họ đã tán gẫu về thời gian hai năm của Ẩn ở Mỹ. Sau khi ca tụng vẻ đẹp của vùng duyên hải California, Lansdale hỏi Ẩn có cần gì không thì trong chuyến thăm California tới đây ông ta sẽ kiếm giùm. Ông Ẩn nói nếu tiện thì Lansdale ghé đâu đó trên xa lộ 17 Dặm chạy qua Pacific Grove và Pebble Beach kiếm cho ông vài viên tinh hoàn hải cẩu để ngâm rượu Black & White. Ông Ẩn nói với Lansdale rằng thứ rượu này là thuốc cường dương hiệu quả nhất! Lansdale sau đó đã trở lại tay không, giải thích với Ẩn rằng ông không thể tìm ra phương cách nào buộc lũ hải cẩu đứng yên để thực thi cái nhiệm vụ mà Ẩn giao.

Thiếu Tướng Edward Lansdale 

Cuộc nói chuyện thứ hai của họ nghiêm túc hơn. Lansdale, lúc này đã được biết Ẩn làm việc cho bác sĩ Tuyến, rất quan tâm tới đánh giá của Ẩn về tình hình nổi dậy. Ông Ẩn nói với Lansdale đúng những gì mà ông đã nói với Tuyến. “Tôi không có lý do gì để nói dối với Lansdale về điều này, đặc biệt là tôi biết chắc ông ta sẽ nói chuyện với Tuyến. Tôi cần phải nhất quán và khách quan trong phân tích của mình,” Ẩn nói. “Tôi quen Lansdale đã lâu. Ông ấy là bạn tôi, và việc chúng tôi nói với nhau mấy chuyện đó cũng là lẽ thường.

Tôi nói với Lansdale điều mà tôi nghĩ, còn ông ấy cũng chia sẻ những nhận định của ông ấy. Lansdale đã cung cấp cho tôi những thông tin quý giá. Ông ấy luôn chỉ vẽ cho tôi và tôi luôn lắng nghe. Lansdale bảo tôi nên đọc cuốn “Tâm lý chiến” của [Paul] Linebarger.Tôi học được từ Lansdale rất nhiều điều về chống nổi dậy, nhiều phương cách chiến đấu chống Cộng và về Sherman Kent.”

Điều mà Lansdale không biết đó là mọi thứ ông Ẩn nắm được đều sẽ được gửi ra Hà Nội. “Năm 1962, Hai Trung gửi ra hai mươi bốn cuộn phim của tất cả các kế hoạch liên quan tới chiến lược Chiến tranh Đặc biệt của Mỹ,”Mười Nho, cấp trên trực tiếp của Ẩn hồi đó, kể. “Trong đó bao gồm kế hoạch tổng thể của cuộc chiến, các tài liệu về xây dựng lực lượng quân sự, sự hỗ trợ của quân Mỹ, kế hoạch lập ấp chiến lược, kế hoạch tái chiếm vùng giải phóng và kế hoạch củng cố lực lượng ngụy quân bằng trang thiết bị quân sự của Mỹ.”

Ông Mười Nho tự tay rửa phim; và ông run lên khi thấy toàn bộ báo cáo của Staley và Taylor hiện ra trước mặt. “Có cả tỉ đôla cũng không thể mua được những tài liệu như vậy. Việc hiểu địch đã giúp ta có kế hoạch chủ động đối phó, các đợt càn quét dữ dội của quân ngụy sau đó hầu hết chỉ nhằm vào chỗ trống… Thất bại hoàn toàn trong trận Ấp Bắc đã buộc Mỹ phải chấm dứt theo đuổi kế hoạch chiến tranh đặc biệt và tìm kiếm một chiến lược mới”.

Khi tôi hỏi Mai Chí Thọ rằng ông ta đánh giá đóng góp nào của Phạm Xuân Ẩn là quý giá nhất, ông ta đã khiến tôi ngạc nhiên khi nói, “Ông Ẩn gửi cho chúng tôi mọi thứ về chương trình bình định hóa, ấp chiến lược, nhờ đó mà chúng tôi có thể lập đối pháp để đánh bại họ.” Nhưng ông Ẩn đã không nhận được huân chương nào cho các hoạt động đó, tôi bảo. Ông Thọ cười. “Còn rất nhiều công trạng mà ông Ẩn lập nên xứng đáng được thưởng huân chương nữa, nhưng tôi cho rằng đây là đóng góp quan trọng nhất bởi tầm chiến lược của nó.”

Hơn hai mươi năm sau, Lansdale đã cảm thấy rất khó chấp nhận thực tế rằng ông Ẩn làm việc cho phía bên kia. Năm 1982, Bob Shaplen viết thư cho Lansdale để kể về một bài báo của Stanley Karnow trong đó nhận diện Ẩn là một người có cuộc sống hai mặt. Lansdale hồi đáp, “Tôi không biết điều Karnow nói về Ẩn và Thảo. Nhưng tôi sẽ hoài nghi bất cứ thứ gì ông ta nói về những người Việt này. Tôi tin là ông biết rõ hơn.”

Cuối tháng 1 năm 1961, Lansdale trở về Washington để họp với Kennedy và các cố vấn cấp cao của tổng thống. Sau khi nói với JFK rằng “Cộng sản cho rằng 1961 là năm của họ,” Lansdale đã hối thúc chính quyền ủng hộ Diệm bằng cái mà ông gọi là “niềm tin bằng hữu.” Kennedy chấp thuận hầu hết các đề xuất của Lansdale bằng cách duyệt 28,4 triệu đôla để nâng quân số của Việt Nam Cộng hòa thêm hai mươi ngàn quân và 12,5 triệu đôla để cải thiện lực lượng bảo an. Kennedy đã phê chuẩn Kế hoạch chống nổi dậy cho Việt Nam, tài liệu mà sau này Ẩn đã có được.

Vào tháng 5, Phó tổng thống Lyndon Johnson thăm Việt Nam ba ngày, ông gọi Diệm là Winston Churchill của Việt Nam cũng như so sánh ông này với George Washington, Woodrow Wilson, Andrew Jackson, và Franklin D. Roosevelt. Sau này, khi Stanley Karnow hỏi rằng ông có thực sự tin vào điều mà mình từng nói hay không, LBJ đã đáp, “Hừm, Diệm là thằng nhóc duy nhất mà chúng ta có ở đó.”

Không phải Liên Xô, Trung Quốc, chính Phạm Xuân Ẩn giúp xây dựng chương trình đối phó

Thuật ngữ chiến tranh đặc biệt bao hàm các biện pháp và hoạt động quân sự cũng như bán quân sự liên quan tới chiến tranh phi chính quy, chống nổi dậy và tâm lý chiến. Theo lời của chính Kennedy thì, “Để thắng cuộc chiến, các sĩ quan và binh sĩ của chúng ta phải hiểu và kết hợp giữa hoạt động chính trị, kinh tế, và dân sự với những nỗ lực quân sự thuần thục trong khi thực thi sứ mệnh này.”

Chương trình chống nổi dậy cung cấp cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa thêm nhiều cố vấn, trực thăng và thiết xa để tăng tính cơ động trên chiến trường trong các chiến dịch chống nổi dậy, bao gồm cả vai trò quan trọng của công tác huấn luyện cho lực lượng Nam Việt Nam về chiến thuật mới. Chống nổi dậy còn được bổ sung các chương trình ấp chiến lược, rải hóa chất và chất gây rụng lá xuống các khu vực du kích đóng quân và thiết lập các doanh trại của lực lượng Đặc biệt vốn có vai trò được giới hạn trong hoạt động huấn luyện biệt kích cho Nam Việt Nam.

Với niềm tin rằng cần có những ý tưởng mới mẻ về Việt Nam, Kennedy đã cử sang một nhóm nghiên cứu kinh tế, dẫn đầu là Tiến sĩ Eugene Staley của Viện Nghiên cứu Stanford. Báo cáo của họ nhấn mạnh đến tác động không tách rời của viện trợ kinh tế và quân sự lên tình hình an ninh tại Việt Nam, nhận diện Việt Cộng là một kẻ thù “tàn bạo, tài giỏi và khó lường”, đòi hỏi phải “huy động toàn bộ nguồn lực kinh tế, quân sự, tâm lý và xã hội của đất nước này và sự giúp đỡ mạnh mẽ từ phía Mỹ.”

Ngay khi Staley từ Sài Gòn trở về, Tổng thống Kennedy đã thông báo rằng Tướng Maxwell D. Taylor sẽ thăm Việt Nam với tư cách là đại diện quân sự của tổng thống. Taylor được tháp tùng bởi Walt W. Rostow, Chủ tịch Hội đồng Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao. Đoàn tới Sài Gòn vào ngày 18 tháng 10 và dành một tuần tập trung vào vấn đề triển khai quân tại Việt Nam. “Ngay khi vừa đến, Taylor và Rostow đã nhận ra rằng tình hình tồi tệ hơn so với hình dung của họ.”Taylor cho rằng đây “là giai đoạn đen tối nhất kể từ những ngày đầu năm 1954… Không cường điệu khi nói rằng tinh thần của cả dân tộc đang suy sụp.”Các cuộc tấn công và đột nhập thành công trong thời gian gần đó của Việt Cộng khiến cho Taylor và các thành viên đoàn công tác nhận thấy rằng cách duy nhất để cứu Diệm là đưa quân Mỹ vào.

Máy bay trực thăng Mỹ tham gia một trận càn vào vùng giải phóng.

Bản báo cáo Taylor-Rostow cuối cùng, đề xuất một kế hoạch toàn diện về việc Mỹ hóa cuộc chiến, được trình bày trước Kennedy vào ngày 3 tháng 11. Mô tả một “cuộc khủng hoảng kép về niềm tin” trong cả quyết tâm của Mỹ lẫn năng lực của Diệm, Taylor đã thúc đẩy sự dấn thân sâu hơn của Mỹ bằng lời kêu gọi đưa tám ngàn lính lục quân, kỹ sư thiết yếu và nhân viên hậu cần, cùng các đơn vị lính chiến vào Đồng bằng sông Mê Kông để thiết lập nền tảng an ninh.

Lực lượng hỗn hợp tám ngàn người này sẽ hoạt động dưới vỏ bọc cứu trợ nhân đạo cho khu vực rộng lớn bị ngập lụt tại đồng bằng, nhưng thực ra là để tạo ra “một biểu tượng rõ ràng về sự nghiêm túc trong các ý định của Mỹ.” Taylor tin rằng những đội quân ấy có thể “được lệnh tham chiến để tự bảo vệ mình, bảo vệ cho các đối tác làm việc và cho khu vực họ đóng quân.”Taylor có vẻ không lo ngại về “những nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến lớn ở châu Á,”vốn là “món quà” nhưng “không ấn tượng.”

Theo cách nhìn của Hà Nội, những chuyến thăm công khai này gây ra quan ngại đặc biệt lớn. Đây là đánh giá trong một ấn phẩm của Cộng sản vào năm 1965: “Miền Nam đã trở thành nơi để quân đội Mỹ thực hành chiến thuật chống quân nổi dậy, một cuộc chiến thực nghiệm mà trước đây nước Mỹ chưa bao giờ triển khai.”

Ông Ẩn tiết lộ với tôi rằng Tướng Giáp rất lo ngại nên đã cử hai phái đoàn đến Moscow để bàn bạc với các lãnh đạo quân đội Liên Xô về phương cách chống chiến tranh đặc biệt của Mỹ, nhưng lúc bấy giờ người Nga chỉ biết tới chiến tranh chính quy. Ông Giáp sau đó đã cử một đoàn tới gặp các tư lệnh quân sự Trung Quốc từng chiến đấu chống lại quân Đồng Minh tại Triều Tiên, nhưng họ cũng chẳng giúp ích được gì nhiều. “Tôi là người đã làm việc đó. Tôi giúp họ hiểu về phương thức chiến tranh mới của Mỹ, và điều đó đã khiến ông Giáp rất vui mừng. Đã có hai kế hoạch thất bại, và rồi tôi giúp xây dựng chương trình đối phó.”

Ấp Bắc, cuộc đối đầu giữa Trung tá lục quân và viên tư lệnh Việt Cộng

Ngày 28 tháng 12 năm 1962, Sư đoàn 7 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa, đóng tại Đồng bằng sông Mê Kông, được lệnh thu giữ một máy truyền sóng vô tuyến của PLAF (Quân Giải phóng nhân dân) hoạt động gần làng Ấp Bắc, vốn đang được một đơn vị Việt Cộng nhỏ với chừng 120 tay súng bảo vệ. Cố vấn cấp cao người Mỹ của Sư đoàn 7 Quân lực Việt Nam Cộng hòa là John Paul Vann, người đã ở Việt Nam trong tám tháng và chưa từng giáp mặt kẻ thù. Trung tá lục quân Vann là một trong những nhân vật huyền thoại của Chiến tranh Việt Nam. Ông tử nạn trong một vụ rơi trực thăng tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 6 năm 1972.

Vann ngứa ngáy muốn tham gia trận đánh để ông ta có thể đánh giá xem các tư lệnh Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hấp thu các bài huấn luyện của ông tới mức nào. Ở phía bên kia, viên tư lệnh Việt Cộng cũng đã chuẩn bị giáng một đòn vào các máy bay trực thăng Mỹ.

Sự xuất hiện của đại đội trực thăng vận đầu tiên của Mỹ vào tháng 12 năm 1961 đã gây ra nhiều khó khăn cho du kích quân, tương tự như các “trận càn” bạo liệt do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện vào ban ngày quét qua các làng mạc để truy bắt Quân giải phóng. “Lúc bấy giờ chúng tôi không biết cách nào để chống lại trực thăng và thiết xa,” ông Mai Chí Thọ nói với tôi. “Ông Ẩn đã cung cấp các thông tin giúp chúng tôi xây dựng một lối đánh ở tầm chiến thuật.”

Giờ đây, được trang bị một kế hoạch chiến lược mới, Quân giải phóng đã sẵn sàng chọi lại trực thăng. Vài tuần trước, để tính toán tầm bắn hiệu quả nhất, họ đã tập luyện tại vùng Đồng Tháp Mười với mục tiêu là mô hình trực thăng Shawnee và Huey làm bằng giấy bìa gắn trên cọc tre để mô phỏng các đặc điểm bay của chúng. “Một trong những sự kiện hiếm hoi, trong cuộc xung đột với những chuỗi đụng độ dường như không bao giờ ngơi nghỉ vốn có vẻ như không có ý nghĩa thực chất nào, sắp sửa xảy ra – đó là một trận đánh quyết định có thể ảnh hưởng tới cục diện của cuộc chiến tranh,” Neil Sheehan viết. “Giờ đây Việt Cộng đang vùng dậy chiến đấu.”

Tin tức tình báo của Vann đã sai; không phải là một đại đội 120 người, ông ta đã đối mặt với Tiểu đoàn 261 chính quy của Việt Cộng với 320 quân được sự hỗ trợ của 30 dân quân. Nhưng Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn vượt trội về số lượng lẫn phương tiện. Một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 Bộ binh gồm 330 binh sĩ, được yểm trợ bởi hai tiểu đoàn bảo an và một đại đội gồm mười ba xe thiết giáp chở quân M-113, thêm vào đó là một đại đội bộ binh cùng xe bọc thép chở quân (APC) mười tấn được Việt Cộng gọi là “rồng xanh”. Tổng quân số lên tới hơn 1.000.

Mới bước vào trận, quân Việt Nam Cộng hòa ngay lập tức đã hứng chịu tổn thất về nhân mạng và các sĩ quan chỉ huy đã gọi quân tiếp viện từ làng Tân Hiệp gần đó. “Mười trực thăng Shawnee và năm trực thăng tấn công Huey thế hệ mới” bay đến. Khi chúng vừa tới Ấp Bắc, chiếc lưới đã được bủa ra với hàng loạt đạn được bắn lên từ dưới các hàng cây trên bờ đê. Trong vòng vài phút, mười bốn trong số mười lăm trực thăng bị bắn trúng, bốn chiếc rơi, trong đó có một chiếc Huey, và ba người Mỹ thiệt mạng.

Quân Việt Nam Cộng hòa vẫn còn cơ hội cứu vãn tình hình bởi Việt Cộng đã bị bao vây và lối rút quân duy nhất là băng qua cánh đồng phía đông. Vann vội điều động thiết xa nhưng Diệm trước đó đã ban lệnh rằng không ai được tham chiến nếu không được Sài Gòn trực tiếp chuẩn thuận. Ông cũng chỉ đạo tất cả tư lệnh các quân đoàn và sư đoàn là phải tránh tổn thất lớn về nhân mạng. Ai không tuân theo chỉ thị đơn giản này sẽ không được thăng cấp. Viên tư lệnh Việt Nam Cộng hòa ở đấy đã không chấp hành chỉ đạo của Vann về việc bít đường rút quân của Việt Cộng. Khi hoàng hôn xuống, quân Việt Cộng rút lui.

Vann coi trận này là bằng chứng cho thấy đội quân mà ông được giao nhiệm vụ huấn luyện kém năng lực một cách tệ hại. “Một thành tích quá tồi tệ. Những người này không chịu nghe lệnh. Bọn họ cứ lặp đi lặp lại những lỗi chết tiệt.” Trận đánh cho thấy những binh sĩ chiến đấu cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ chết uổng mạng nếu đặt họ dưới sự chỉ huy của mấy viên tướng bất tài và chuyên nịnh hót mà Diệm đã đưa vào các vị trí chủ chốt.

“Trận Ấp Bắc đã bộc lộ cái chính sách thăng tiến và bổ nhiệm vào thành phần lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hòa mà chỉ dựa vào lòng trung thành với Diệm chứ không dựa trên năng lực nghiệp vụ là hoàn toàn sai lầm,” ông Ẩn nói với tôi. Tướng Huỳnh Văn Cao, người được Diệm tin tưởng là nhân vật trung thành nhất với gia đình họ Ngô và đã được thăng cấp rất nhanh, đã bộc lộ cả sự bất tài và hèn nhát. “Ông Diệm có những vị tướng chưa bao giờ hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được thăng cấp bởi họ từng hôn tay Nhu và Diệm. Ấp Bắc là nơi những con gà trống đầu tiên về nhà,” Ẩn nói kèm theo nụ cười và nhìn vào bộ sưu tập chim của ông.

Báo cáo tổng kết trận chiến của Vann là bản cáo trạng đối với tư lệnh ở tất cả các cấp vì họ đã không hành động quyết đoán và không khích lệ binh sĩ của mình. Cố vấn cấp cao của Mỹ, Đại tá Daniel B. Porter, coi Báo cáo tổng kết này “có lẽ là bản nhiều tư liệu nhất, toàn diện nhất, có giá trị nhất và tiết lộ nhiều vấn đề nhất trong tất cả các bản báo cáo” từng được trình lên trong năm vừa qua.

Không thể đánh giá thấp ý nghĩa của trận Ấp Bắc đối với Quân giải phóng ở miền Nam và uy tín của Ẩn tại Hà Nội. Ấp Bắc trở thành một lời hiệu triệu, và Trung ương cục miền Nam đã phát động một phong trào “Thi đua Ấp Bắc” trên khắp miền Nam Việt Nam. Báo cáo đánh giá tình báo đặc biệt của CIA vào ngày 17 tháng 4 năm 1963 kết luận rằng “Việt Cộng đã cho thấy họ là một kẻ thù đáng gờm và là lực lượng du kích hiệu quả… Họ đã chứng tỏ sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến thuật để đối phó với mô thức chiến dịch kiểu mới của Nam Việt Nam… Một nhân tố quan trọng góp phần vào thành công này chính là hệ thống tình báo hiệu quả của họ. Những người mật báo và có cảm tình với họ có mặt khắp vùng nông thôn, và rõ ràng Việt Cộng đã duy trì được mạng lưới tình báo phủ sóng ở mọi cấp trong hệ thống quân sự và dân sự của Nam Việt Nam.”

Có lẽ đánh giá rõ ràng nhất là bản Báo cáo tổng kết sau trận Ấp Bắc của chính Quân giải phóng, thường được biết đến với tên gọi “Tài liệu Việt Cộng về Trận Ấp Bắc, ngày 2 tháng 1 năm 1963.” Tài liệu này thu được từ đối phương và được dịch ra tiếng Anh rồi lưu hành tại tổng hành dinh của MACV vào cuối tháng 4 năm 1963. Phía Việt Cộng coi “trận chống càn vào ngày 2 tháng 1 năm 1963” là một “thắng lợi to lớn của quân và dân ta… Chiến thắng trong trận chống càn Ấp Bắc cho thấy quân ta đã lớn mạnh về kỹ và chiến thuật… Thắng lợi này cũng cho chúng ta thấy rõ các lợi điểm về chiến thuật của kẻ thù.”

Tấm Huân chương chiến công dành tặng Phạm Xuân Ẩn

Với những đóng góp trong trận Ấp Bắc, Ẩn về sau đã nhận Huân chương Chiến công đầu tiên trong bốn huân chương loại này mà ông được trao tặng. Chỉ có hai tấm huân chương được trao tặng cho trận đánh vào thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh này, một được trao cho Nguyễn Bảy, một chỉ huy thuộc Quân giải phóng nhân dân, và tấm còn lại được trao cho phóng viên của Reuters, Phạm Xuân Ẩn, vì những báo cáo mà ông gửi về đã giúp thay đổi tính chất của cuộc chiến.

Thật trớ trêu là tấm Huân chương Chiến công đầu tiên của Ẩn, cũng như tấm thứ ba cho những đóng góp của ông vào Tổng tấn công Mậu Thân 1968, đều đánh dấu những thời điểm bước ngoặt trong hoạt động đưa tin về cuộc chiến. Trận Ấp Bắc là thời điểm bùng phát của cơn thù nghịch âm ỉ giữa báo chí và Phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn, vốn luôn khăng khăng phe mình đã thắng trận.

“Tôi không hiểu tại sao có người lại coi trận Ấp Bắc là một thất bại,” Tướng Paul Harkins, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV), nói. “Lực lượng của Chính phủ đã xác định mục tiêu (là máy truyền sóng vô tuyến), chiếm được mục tiêu đó, rồi Việt Cộng rút lui và thương vong của chúng lớn hơn tổn thất bên phía quân Chính phủ - Quý vị còn muốn gì nữa?” Khi Peter Arnett của hãng tin AP đặt một câu hỏi khó tại một cuộc họp báo sau trận Ấp Bắc, Đô đốc Harry D. Felt đã độp lại: “Trở về hàng ngũ đi.”

Trước trận Ấp Bắc,” Sheehan viết, “chính quyền Kennedy đã thành công trong việc ngăn dân chúng có một sự hiểu biết rõ ràng rằng đất nước này đã can dự vào một cuộc chiến tranh ở một xứ sở gọi là Việt Nam… Thế rồi trận Ấp Bắc đã đưa Việt Nam lên trang nhất các tờ báo và trong các bản tin truyền hình buổi tối nhiều tới mức không có sự kiện nào sánh bằng.” Các phóng viên như Neil Sheehan và David Halberstam đã tới Ấp Bắc và biết chuyện gì xảy ra ở đấy. “Ấp Bắc đã châm ngòi cho sự phân rã của chế độ Ngô Đình Diệm,” ông Ẩn nói. “Chúng tôi biết điều đó và chẳng bao lâu sau mọi người đều biết.”

Sếp của Ẩn là Nick Turner cùng với Sheehan có mặt tại chiến trường, tận mắt chứng kiến xác những chiếc trực thăng Mỹ bị bắn hạ và xác binh sĩ Việt Nam Cộng hòa. Halberstam được đưa đến hiện trường bằng một máy bay nhỏ. “Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt (của Ẩn) khi ông ấy lao vào phòng với những tin tức về Ấp Bắc,” Nick Turner hồi tưởng, “và nhấn mạnh tầm quan trọng của trận này, trước khi những bản tin đầu tiên được truyền về.”

Ông Ẩn cũng nhanh chóng đến Ấp Bắc bằng máy bay trực thăng dành cho báo chí vào ngày 3 tháng 1. “Tôi tới đó trong vai trò là phóng viên, giúp các đồng nghiệp hiểu điều gì đã xảy ra cũng như để chứng kiến tận mắt,” Ẩn, với vỏ bọc cho phép ông được coi là một thành viên phe này, kể lại.

“Những người bạn thân nhất của chúng tôi đều làm cho các báo như bản thân chúng tôi,” David Halberstam viết trong cuốn Tạo ra vũng lầy. “Phạm Xuân Ẩn của Reuters, Nguyễn Ngọc Rao của UPI, Võ Huỳnh của NBC và Hà Thúc Cần của CBS. Họ là những người xuất sắc… Họ đều có ý thức sâu sắc về công việc của một phóng viên… Họ đều kiêu hãnh; họ là những thành viên tự do hiếm hoi của một xã hội khép kín, và có lẽ họ còn cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn chúng tôi khi bất cứ ai đó tìm cách nhồi nhét cho họ những câu chuyện láo toét.”

👉 Điệp viên hoàn hảo Kỳ 9: Phạm Xuân Ẩn - nhà báo Việt Nam giỏi nhất làm việc cho báo chí phương Tây

Trích X6 Điệp Viên Hoàn Hảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024