Điệp viên hoàn hảo Kỳ 5: Phạm Xuân Ẩn và mộng mơ Cali

30/08/2018 09:07
Điệp viên hoàn hảo Kỳ 5: Phạm Xuân Ẩn và mộng mơ Cali

Trong cuộc đời mình, tôi đã tận hưởng trọn vẹn hai năm bình yên ở California.

Cuộc đời điệp viên Phạm Xuân Ẩn hòa lẫn với Trùm mật vụ Sài Gòn Trần Kim Tuyến

Tối thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 1957, người đàn ông 30 tuổi Phạm Xuân Ẩn đặt chân xuống California. Đến được đây đối với ông thật là may mắn sau khi hồ sơ của ông từng nằm chết dí trong các văn phòng quan liêu của cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam. Trong tuyệt vọng, Ẩn gọi điện thoại tới một người anh em họ làm việc cho người em út của Ngô Đình Diệm là Ngô Đình Cẩn, lãnh chúa miền Trung, để hỏi xem có giúp giải quyết được không.

Hồ sơ của Ẩn được chuyển lên bác sĩ Trần Kim Tuyến kèm chỉ thị phối kiểm với phía Mỹ về tính cách và lòng trung thành của Ẩn. Chỉ cần sự tiến cử của Lansdale cũng đủ để Tuyến sắp xếp giải quyết hồ sơ cho Ẩn, khai thông hành trình tới nước Mỹ. Từ giờ phút này, cuộc đời của điệp viên Cộng sản Phạm Xuân Ẩn và một trong những nhân vật chống cộng kịch liệt nhất, bác sĩ Trần Kim Tuyến, vĩnh viễn hòa lẫn vào nhau. Bác sĩ Trần Kim Tuyến - Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội VNCH, được mệnh danh là “Trùm mật vụ Sài Gòn".

Bác sĩ Trần Kim Tuyến - Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội VNCH, được mệnh danh là “Trùm mật vụ Sài Gòn".

Tuyến là Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và Xã hội thuộc Phủ Tổng thống, được gọi tắt theo kiểu James Bond là SEPES. Đóng trong tòa nhà nằm ngay khuôn viên Phủ Tổng thống và báo cáo trực tiếp cho người em trai của Diệm, cố vấn Ngô Đình Nhu, cơ quan này có quan hệ gần gũi với CIA và nhân viên chỉ bao gồm toàn những người trung thành với Nhu và Tuyến. Cơ quan tình báo và an ninh thuộc Phủ Tổng thống này là một đội cảnh sát mật vụ có thể vươn vòi bạch tuộc ra mọi ngõ ngách ở Nam Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình Công giáo chống Cộng nổi trội tại Phát Diệm, một giáo xứ ở miền Bắc, Tuyến là một người được anh em họ Ngô thu nạp từ sớm. Nhu đã sớm đánh giá Tuyến là “một con người có đầu mối liên lạc ở mọi ngóc ngách của xã hội Việt Nam để có thể thành công trong mọi chiến dịch, dù lớn hay nhỏ.”

Nếu có điểm gì đó khả dĩ được coi là tích cực trong vụ rắc rối về thị thực thì đó chính là vấn đề gia đình. Việc phải trì hoãn ngày rời Sài Gòn đã giúp Ẩn được ở bên cha khi người cha trút hơi thở cuối cùng trên đôi tay của Ẩn vào ngày 24 tháng 9 năm 1957, nhằm ngày 1 tháng 8 âm lịch, ở tuổi năm mươi bảy. Mất mát ấy đã đặt một gánh nặng lên vai Ẩn bởi phần lớn trách nhiệm gia đình giờ đây sẽ do ông, vốn là con trai cả, gánh vác, đặc biệt là trong thời gian chịu tang ba năm theo truyền thống Việt Nam. Khi thân phụ qua đời, Ẩn không nghĩ rằng ông sẽ có thể tiếp tục tới Mỹ để học.

Tại ngã rẽ đầu tiên của cuộc đời Ẩn, thì nhiệm vụ công tác được đặt lên trên hết. Mai Chí Thọ, em trai của ông Lê Đức Thọ, đã tham gia vào việc hoạch định nhiệm vụ của Ẩn. “Thời đó chúng tôi vẫn còn hoạt động bí mật,” ông Thọ giải thích với tôi. “Tôi phải bí mật gây quỹ cho hoạt động bằng cách sử dụng một phần ngân sách tình báo và phần còn lại thì đi vay.” Tôi hỏi ông Thọ vì sao Ẩn được chọn cho nhiệm vụ quan trọng này, ông đáp: “Ông ấy nói tiếng Anh giỏi hơn tất cả những người khác và được trời ban cho những phẩm chất nghề nghiệp. Một trong những điểm mạnh nhất của điệp viên là luôn bình tĩnh và có nhiều bạn bè; phải luôn duy trì quan hệ với mọi người để tránh gây chú ý. Ẩn có thể làm điều đó với mọi người, và đó là lý do tôi coi ông ấy là một trong những nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước.”

Ông Mười Hương, cấp trên trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn.

Cấp trên trực tiếp của Ẩn, ông Mười Hương, là người chịu trách nhiệm về việc liệu có thể hoãn nhiệm vụ của ông Ẩn hay không. Nhận thấy không còn ai khác cho sứ mệnh đặc biệt này, Mười Hương trấn an Ẩn rằng đảng sẽ chăm lo cho gia đình ông. “Tôi biết rằng mình sẽ phải đi Mỹ, nhưng tôi cũng xin phép được giải thích lý do cho má tôi bởi lúc ấy vẫn còn trong thời gian chịu tang,” Ẩn nói. “Má anh ủng hộ con hết mình, bà không can dự vào công việc của anh,” bà Thu Nhàn, vợ của Ẩn, kể với tôi. “Bà chỉ cần biết anh làm việc cho cách mạng là đủ.” Với sự chấp thuận của mẹ, Ẩn bước lên chiếc máy bay bốn động cơ cánh quạt của hãng Pan Am để đi Mỹ vào tối 10 tháng 10 năm 1957, vài tuần sau khi năm học mới ở Trường Orange Coast bắt đầu.

Những ngày tháng đáng nhớ của Phạm Xuân Ẩn với các bạn Sinh viên Mỹ

Trường Orange Coast được thành lập năm 1948 tại một căn cứ quân sự bỏ không từ thời Thế chiến II ở thành phố Costa Mesa. Trong khóa học đầu tiên vào tháng 9 năm 1948, tổng số học sinh là năm trăm người. Khi Ẩn tới vào chín năm sau, nó vẫn là một trường bán trú bé nhỏ. Ban quản lý trường cho rằng Ẩn không nhập học vào mùa thu nên đã chuyển phòng ký túc xá của ông cho một sinh viên khác.

Người quản lý ký túc xá, ông Henry Ledger, lúc bấy giờ tình cờ đi ra ngoài nên đã gặp và đón Ẩn. “Chúng tôi đợi cậu cả tháng trời rồi – cậu đã ở nơi quái quỷ nào vậy?” người đàn ông lực lưỡng Ledger cằn nhằn. Khu ký túc xá là một dãy nhà quân đội từ thời nơi đây còn là Căn cứ Không quân Santa Ana được sửa sang lại. Bởi không còn phòng trống nào, Ledger đã dọn kho chứa chăn nệm cũ để Ẩn ở, dù thế nhưng đối với Ẩn vậy là quá xa xỉ rồi. Ẩn nhanh chóng lôi năm bộ áo quần cùng đồ dùng cá nhân từ chiếc va li mà Mills Brandes đã mua tặng. “Cậu đói chưa?”Ledger hỏi. Rồi không chờ trả lời, ông khui một hộp thịt bò hầm – đấy là lần đầu tiên Ẩn ăn thịt hộp. Ông thấy món này rất ngán nhưng để phục vụ cho hoạt động của mình, đây cũng là một kiểu học tại chỗ để hiểu văn hóa Mỹ.

Là một cựu chiến binh Thế chiến II và cùng tuổi với cha của Ẩn, Ledger ngay lập tức trở thành người chăm lo cho sinh viên mới. Ledger thích chơi ghi ta và ăn mặc giống như một gã cao bồi. Thứ tư hằng tuần, ông và Ẩn xem đấm bốc trên truyền hình còn tối chủ nhật thì xem đánh bowling. Ledger có một chiếc xe bán tải cũ và một nhà thùng di động; về sau ông đã dạy cho Ẩn lái xe. “Tôi yêu ông như cha vậy,” Ẩn kể. “Ông đã giúp tôi vượt qua thời gian đau khổ sau khi cha tôi mất. Ông là người luôn mong muốn tôi thích thú nơi ở mới, hòa nhập vào gia đình mới ở đây. Lúc mới đến tôi rất đơn độc, và ông đã giúp tôi cảm thấy mình được chào đón tại vùng đất mới.”

Kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên của Ẩn ở Trường Orange Coast diễn ra sự kiện khiêu vũ mùa thu. Ledger đã khích lệ Ẩn tham dự để có thể gặp người này người kia. Khi Ẩn bước vào phòng nhảy, mọi cặp mắt đều dồn đến sinh viên Việt Nam đầu tiên học tại Trường Orange Coast và cũng là người Việt duy nhất tại Quận Cam vào thời điểm đó. Mấy người bạn học lập tức trêu ông bằng cách gán cho biệt danh “Khổng Tử”, và Ẩn cũng đứng ngoài gần suốt buổi tối hôm ấy bởi ông là dân châu Á và một phần do bộ vét và cà vạt ông vận không phù hợp với buổi khiêu vũ có chủ đề Viễn Tây hôm đó.

Giữa lúc đang đinh ninh rằng mình sẽ chỉ ngồi dựa tường suốt cuộc vui, Ẩn cảm thấy rất bối rối khi một nữ sinh đột nhiên mời ông nhảy. Ông gần như đứng chôn chân tại chỗ, bởi vì ông chưa từng khiêu vũ hay cầm tay một phụ nữ lạ khi còn ở Việt Nam. Cô bạn học khích lệ, bảo cầm tay phụ nữ lúc nhảy không vấn đề gì. Cuối buổi hôm đó, cô gợi ý Ẩn tham gia lớp khiêu vũ thay cho tín chỉ thể dục bắt buộc. Tám tháng sau, Ẩn đã trở thành một người khiêu vũ điệu nghệ, khi tổng kết năm học thứ nhất tại Orange Coast, trong một bài báo cho tờ báo của trường, tờ Barnacle, Ẩn viết rằng lớp học khiêu vũ xã giao “đã giúp tôi thoát khỏi sự bẽn lẽn do khác biệt văn hóa.” Trong cuốn lưu bút thời học Trường Orange Coast, mang tên Nhật ký, Roberta Seibel viết, “Bạn là một người khiêu vũ tuyệt vời. Cứ mãi dễ thương như thế nhé.” Khi tôi hỏi chuyện Judy Coleman, người bạn nhảy của Ẩn trong buổi vũ hội chào đón cựu sinh viên về thăm trường vào năm sau đó, bà cho biết, “Cậu ấy là một người nhảy cừ khôi và chúng tôi đã nhảy suốt đêm. Cậu ấy rất quyến rũ.”

“Tôi đến từ Việt Nam,” Ẩn thường nói với những người mới quen. Vài sinh viên nhớ lại mới vài tháng trước, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã thăm Mỹ, nhưng ít người biết về xứ sở xa xôi này, đặc biệt là khi mà các bản đồ cũ của nước Pháp được sử dụng tại trường học đều ghi đất nước của Ẩn là một phần Đông Dương thuộc Pháp. Vấn đề càng trở nên rắc rối khi trong ngày học đầu tiên của lớp báo chí, ông Maurice Gerard, người bảo trợ của Ẩn, giới thiệu Ẩn với những phóng viên đầy nhiệt huyết của lớp.

Pete Conaty, người về sau phục vụ tại Việt Nam trong vai trò là một sĩ quan tình báo kỹ thuật/chiến lược đóng tại Huế và trở thành bạn thân của Ẩn tại Orange Coast, ngẫu hứng bình luận, “Ồ, vậy là cậu đến từ nơi xảy ra trận đánh Điện Biên Phủ kinh hoàng.”Ẩn đáp ngay, “Điện Biên Phủ là một phần của Việt Nam. Bản đồ nước Pháp trên tường này đã lỗi thời rồi. Chúng ta cần thay cái mới.” Hơn bốn thập kỷ sau, Ẩn nhắc lại vụ này trong một thư điện tử gửi tới Lee Meyer, một cô bạn thân cùng lớp năm xưa, “Bây giờ tôi đoán bạn đã nhận ra cảm giác của tôi như thế nào khi tên đất nước tôi không có trên bản đồ đó, nó chỉ là một thuộc địa của Pháp.” Người bạn tên Ross Johnson nhớ lại Ẩn “thể hiện mình là một người chống chủ nghĩa thực dân quyết liệt.”

Vài năm sau, Ẩn và Pete ở cách nhau vài trăm cây số tại Việt Nam, cả hai đều làm trong lĩnh vực tình báo nhưng cho các phe khác nhau. Khi tôi đề cập chuyện này với Ẩn, ông có vẻ thất vọng thực sự. “Tôi đã không biết rằng Pete Conaty từng ở Việt Nam. Rất tiếc là ông ta đã không tới Sài Gòn thăm tôi. Tôi đã bảo tất cả họ nếu đến Sài Gòn thì ghé chỗ tôi. Lẽ ra ông ta nên ghé.”Khi tôi hỏi Ẩn liệu ông có cảm thấy bất tiện khi tiếp đón một sĩ quan tình báo, ông đáp, “Không hề. Chúng tôi là bạn tốt khi làm cho tờ Barnacle. Tôi có thể giới thiệu ông ta với bạn bè của tôi như Bob Shaplen và những người ở Time. Tất cả chúng tôi đều là nhà báo.”

Ẩn dự một buổi chiêu đãi dành cho sinh viên quốc tế tại Trường Orange Coast. 

Một trong những mặt đáng kinh ngạc trong thời gian Ẩn ở California là mức độ mà ông lĩnh hội được tất cả mọi mặt của cuộc sống học đường, nói một cách văn vẻ là ông đã thẩm thấu vào nền văn hóa Mỹ. Trong khi rất nhiều điệp viên không muốn mình nổi bật, Ẩn đã chọn cách thâm nhập vào cuộc sống để củng cố vỏ bọc. Ông thường xuyên đi xem bóng đá và dự các bữa tiệc trên bãi biển, cũng như được biết đến như là một người hay đùa. Ông thường nằm dài đợi cho anh bạn cùng phòng Ross Johnson tắm xong để đến lượt mình. Trong các tòa nhà ọp ẹp đó, bơm nước luôn trục trặc, mỗi khi Ẩn xả nước bồn cầu thường phá lên cười bởi lúc ấy chắc hẳn Johnson đang hứng một luồng nước lạnh như băng trong phòng tắm. “Cậu ta nghĩ vậy là vui,” Johnson nói. “Tôi thích cậu ấy. Không ai nghi ngờ rằng cậu ta có một cuộc sống bí mật. Tôi từng cho rằng mình biết cậu ta rất rõ.”

Phút xao lòng của chàng trai Phạm Xuân Ẩn

Ngay trước lễ Tạ ơn năm 1957, tờ Barnacle đăng một bài viết về sự kiện Ẩn gia nhập trường kèm một tấm hình Ẩn ngồi với cuốn từ điển tiếng Anh và dòng chú thích: “Bạn nói điều đó như thế nào trong tiếng Anh?”Bài báo này đã tạo ra nền tảng cho vỏ bọc của Ẩn:

 “Một tân sinh viên ngoại quốc vừa đến Trường Orange Coast vào ngày 12 tháng 10 và hiện sống trong khu ký túc xá. Phạm Xuân Ẩn, tên anh, là một người Việt Nam, một người châu Á đến từ Viễn Đông. Anh muốn hoàn tất khóa học trong hai năm tại Orange Coast và trở lại Sài Gòn, thành phố quê hương của anh, để làm việc cho đất nước mình trong vai trò một nhà báo… Ẩn giờ đây đang tiếp tục tiếp thu những điều mới mẻ về cuộc sống trong ký túc xá và trên đất nước này. Bằng cách ấy, anh có thể tìm ra những gì mà anh muốn mang về xứ sở của mình.”

Ẩn nhanh chóng ổn định chuyện học hành và cuộc sống sinh viên của mình tại Orange Coast. Trong vở kịch Ba Tư do sinh viên dàn dựng mang tên Quý bà và Omar Khayyam, Ẩn đóng vai một vũ công Xiêm La, nhảy điệu “rồng phòng thủ”, mà tờ Barnacle miêu tả là “pha nhu đạo tự phạt.” Ông đặc biệt thích tham dự các bữa tiệc ngoài trời của sinh viên ngay trong khuôn viên trường với món heo quay tại chỗ, nhảy điệu hula, màn múa kiếm do anh bạn người Samoa, Tualua Tofili, biểu diễn. Những dòng lưu bút do Paula Jacoby đề tặng cho thấy Phạm Xuân Ẩn là một người chu đáo: “Rất vui khi được biết bạn. Mong năm tới bạn tiếp tục ở lại đây chứ không hồi hương. Cảm ơn khi đã lấy áo len choàng cho tôi đỡ lạnh trong ngày hội trường. Mong gặp lại vào năm tới. (Bảo trọng.) Thân mến, Paula Jacoby.”

Khoảng thời gian thú vị nhất trong ngày của Ẩn là lúc ở tòa soạn Barnacle. Ông trở thành bạn thân của Rosann Rhodes, Rich Martin, Pete Conaty, Ross Johnson và Lee Meyer. Ông chính là người đã làm mai Rosann cho Rich, và sau đó hai người đã đính hôn. Năm 1961, Rosann Martin viết thư cho Ẩn ở Sài Gòn, bảo rằng rất tiếc khi Ẩn không thể đi dự đám cưới của hai người, nhưng cô muốn Ẩn biết rằng “tấm hình của bạn đã được đưa vào bộ ảnh đám cưới ở trong mục ‘chúng tôi đã gặp nhau như thế.’”

Khi tôi nói chuyện với Rosann vào tháng 10 năm 2006, bà cho tôi biết Ẩn luôn “rất dễ chịu và có khiếu hài hước tuyệt vời.” Sau đó bà làm tôi sửng sốt khi kể, “Anh ấy từng cầu hôn với tôi. Tôi nhớ khoảnh khắc đó rất rõ. Lúc ấy chúng tôi đang ở trong lớp báo chí, đột nhiên anh ấy tiến đến và nói một cách trịnh trọng, ‘Rosann, anh đã phải lòng em trong năm nay. Anh muốn cưới em, nhưng anh lo em sẽ không hạnh phúc khi đến nước anh sinh sống bởi ở đấy rất xa lạ. Mọi người chỉ đi xe đạp, bận đồ ngủ ra ngoài đường và treo quần áo ở cửa sổ. Anh thực sự muốn em nghĩ về điều đó.’ Tôi bị sốc nặng – bởi chúng tôi chưa từng hẹn hò. Hôm sau tôi bảo anh ấy rằng tôi không thể lấy anh ấy, thế rồi năm sau anh ấy giới thiệu tôi với Rich.”

Bên cạnh Rosann, Ẩn còn có tình cảm đặc biệt với Lee Meyer. Học trước Ẩn một năm tại Trường Orange Coast và đã có một năm làm cho tờ Barnacle, Lee trước đó từng làm phóng viên tại Trường trung học Pasadena và vào Đại học Thành phố Pasadena trước khi chuyển tới Trường Orange Coast. Cô cũng từng làm cho hai tờ Sierra Madre News và Garden Grove Daily News. Ẩn ngay lập tức bị hút hồn trước một cô gái mà như ông miêu tả, “tóc vàng nhạt, đôi mắt xanh thông minh sau cặp kính dày, đầu óc nhanh nhạy với sự suy xét sắc sảo và tư duy sâu sắc.”

Tháng 1 năm 1958, Lee bắt đầu làm chủ bút tờ Barnacle. Ẩn được cất nhắc từ người viết phóng sự lên làm biên tập viên trang 2, có nghĩa rằng ông và Lee sẽ làm việc cạnh nhau trong suốt học kỳ mùa xuân 1958. Ẩn đã đưa vào một chi tiết quan trọng trong bản tin thông báo việc ông được thăng chức trên tờ Barnacle: “Ẩn Phạm, một sinh viên ngoại quốc đến từ Việt Nam, sẽ đảm nhận chức vụ biên tập viên trang 2. Trước đây Ẩn là phóng viên viết bài cho tờ Barnacle và là thành viên một ban kiểm duyệt tin tức tại quê hương anh ta.” Chi tiết này chứa đựng cả một sự trớ trêu khi vào năm 1976, Ẩn đã từ chối lời đề nghị làm công việc tương tự cho chế độ mới.

Trong năm đó thì Ẩn và Lee thực sự không rời xa nhau nửa bước. Lee mời Ẩn tới nhà vào dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Kể từ đấy, cứ đến mỗi mùa nghỉ lễ, gia đình Meyer lại gửi một món quà tới Hội Tim nước Mỹ với tên người gửi là Phạm Xuân Ẩn. “Tôi đoán là bạn không thể hình dung tôi xúc động thế nào trước tấm chân tình của bạn khi bạn luôn tạo cho tôi có cảm giác như ở nhà trong những ngày xa quê hương,” Ẩn đã viết cho Lee những lời như thế.

Thế rồi Ẩn phải lòng Lee. “Cô ấy biết tình cảm của tôi,”Ẩn kể với tôi. “Tôi yêu cô ấy. Tôi không thể tỏ tình, nhưng tôi biết cô ấy cảm nhận được tình cảm của tôi.”Bằng chứng duy nhất về tình cảm của Lee mà chúng ta có được đó là những thư điện tử hai người gửi cho nhau trong năm 2001, hai năm trước khi bà qua đời. “Tôi thường xuyên nghĩ tới bạn, lo lắng không biết bạn có an toàn hay không và làm sao để tôi có thể biết được bạn bình an,” Lee viết. “Tôi rất vui khi nhận thấy rằng khiếu hài hước của bạn vẫn còn vẹn nguyên trong những thư điện tử này. Bạn có nhớ một buổi tối khi bạn tới thăm gia đình tôi và sau đó tôi lái xe đưa bạn trở về cái khu ký túc xá nghiêm mật tại Trường Orange Coast, lúc ấy sương mù quá dày đặc đến nỗi bạn phải ra khỏi xe rồi đi bộ phía trước để tôi có thể lái xe theo sau? Vì một lý do nào đó mà tôi nhớ rất rõ, chứ không mù mờ như đám sương kia, về cái sự kiện ấy. Tôi ngưỡng mộ bạn vô cùng vì khả năng thích nghi và việc có thể sống trong khu ký túc xá vốn được thiết kế cho những người vị thành niên, chứ không phải cho một gã đàn ông đã trưởng thành như bạn. Được học chung với một tâm hồn lịch lãm và có học thức như bạn đã giúp tôi làm giàu thêm những trải nghiệm của mình. Việc chúng ta được làm bạn tốt của nhau là một món quà đầy kinh ngạc đối với tôi.”

Những bài báo viết về văn hóa Việt Nam được khích lệ trên đất Mỹ

Dưới sự dẫn dắt của Lee, Ẩn tỏa sáng trong vai trò một phóng viên, và cũng với sự cầm trịch của Lee, tờ Barnacle được Hiệp hội Báo chí Học đường xếp hạng nhất. Lee khuyến khích Ẩn viết những bài báo so sánh Việt Nam với Mỹ để các học viên tại Orange Coast có thể hiểu thêm về đất nước và văn hóa Việt Nam. Bài báo đầu tiên của Ẩn dưới thời Lee làm chủ bút nhan đề “Thi tốt nghiệp – Vài điều về nỗi cực nhọc thi cử của sinh viên ở miền đất xa xôi”, đã đưa ra sự so sánh tâm trạng căng thẳng mùa thi khiến sinh viên tại Việt Nam mất ăn mất ngủ với không khí học dồn mùa thi của sinh viên tại Orange Coast. “Mỗi năm, khi những hàng phượng nở hoa đỏ rực tại Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam, sinh viên lại bắt đầu bàn luận về mùa thi,”Ẩn viết bằng một bút pháp khá vụng về mà rồi đây ông nhanh chóng khắc phục. Để giải tỏa căng thẳng mùa thi, sinh viên Sài Gòn thường uống nhiều cà phê, trà đặc và những thứ mà Ẩn gọi là “thuốc tỉnh táo” rất phổ biến tại “Pháp và các xứ thuộc địa.”

Tháng sau đó, Ẩn viết một bài báo bảo vệ cho những yêu cầu bắt buộc về chuẩn tiếng Anh hội thoại trình độ X tại Trường Orange Coast. Từ kinh nghiệm hành chính và quân sự trong thời gian làm việc cho TRIM và CATO, Ẩn thấy rằng những điều kiện về tiếng Anh hội thoại cơ bản, vốn bị chế nhạo là chỉ dành cho “lũ đần”, là một công cụ kỳ diệu cho vai trò lãnh đạo của Mỹ. “Đặc biệt là tại những nước mới độc lập ở châu Á, châu Phi và Trung Đông,” Ẩn viết. Ông giải thích rằng người Việt Nam “rất khát khao học tiếng Anh và luôn nỗ lực để trở nên thành thạo” nhưng lại không có điều kiện để học. “Bất cứ trường tiếng Anh tư thục nào muốn thuê bất kỳ người Mỹ nào vào dạy hội thoại cho học viên trung cấp đều phải trả 3 đôla mỗi giờ”. Ẩn dẫn ra một câu chuyện mà mình từng chứng kiến: “Có lần tôi đang tham gia tuyển chọn các sĩ quan tốt nghiệp từ Hội Việt Mỹ để đưa sang Mỹ tu nghiệp. Đại tá Jameson bước vào, chìa ra một ngân phiếu ghi 7.500 đôla rồi bảo, ‘Ẩn, anh xem tấm séc này để thấy chúng tôi đã trả cho giáo viên của những học viên sĩ quan này bao nhiêu tiền, và sau đó hãy trả lời tôi là có bao nhiêu trong số những người đến phỏng vấn ở đây đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh?’”Trên thực tế, rất ít người nói tiếng Anh giỏi như Ẩn bởi giáo viên của họ không có phương pháp sư phạm tốt để có thể dạy hiệu quả. Chính “phương pháp học vẹt” trong các giờ tiếng Anh đã khiến các sĩ quan Việt Nam chán nản và thất vọng.

Người Việt ít có cơ hội để đọc sách giáo khoa của Mỹ hoặc gặp giảng viên chuyên nghiệp như trong các lớp tiếng Anh trình độ X tại Orange Coast, nơi mà hội thoại và ngữ cảnh luôn được chú trọng. Ẩn đã tiến tới đề nghị Cơ quan Thông tin Mỹ (USIS) và các tổ chức đào tạo của Mỹ tại Việt Nam đưa chuẩn tiếng Anh X vào dạy cho người Việt “bởi vì nó giúp người Mỹ ở Việt Nam xóa tan định kiến nói trên cũng như nâng cao uy tín cho tiếng Anh của Mỹ.”

Tháng sau, Ẩn viết về các biện pháp ăn kiêng để giảm cân và sự mê muội điên cuồng của những phụ nữ trẻ về việc giữ dáng. “Phụ nữ trẻ ở Sài Gòn, Việt Nam, rất sợ bị béo. Quan niệm truyền thống về vẻ đẹp của người Á Đông là phụ nữ phải mảnh mai như cành liễu. Người ta cho rằng thể hình lý tưởng là những bộ xương khẳng khiu như cành mai, còn da thịt thì ép sát vào xương như con hạc, như người ta thường nói ‘mình hạc xương mai.’ Phụ nữ Sài Gòn chẳng những bỏ bữa hoặc ăn kiêng mà họ còn sử dụng các biện pháp nguy hiểm như uống giấm và các loại chất a xít để giảm cân. Nhiều cô nàng gầy gò đến mức nếu họ tới Orange Coast để học thì những cơn gió Santa Ana sẽ thổi họ bay về Sài Gòn mất.” Ẩn kết thúc bằng lời khuyên hãy tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng và khoa học đồng thời kêu gọi các sinh viên tham gia “Câu lạc bộ kiểm soát calori” dưới sự giám sát của y tá Martha Buss tại Trường Orange Coast.

Ẩn thích bơi thuyền ra ngoài khơi Newport và dự các buổi tiệc trên bãi biển. 

Có lẽ đóng góp cho tờ Barnacle mà Ẩn tâm đắc nhất chính là bài viết về phim Người Mỹ trầm lặng sản xuất năm 1958. Trong phim, Audie Murphy đóng vai một người Mỹ tự do đầy lý tưởng đã đến Đông Dương vào năm 1952 để đề xuất “giải pháp thứ ba” bên cạnh nền thực dân của Pháp và sự nổi dậy của Cộng sản. Edward Lansdale được cho là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim, Alden Pyle. Lansdale cũng là cố vấn của bộ phim, vốn khác xa nguyên bản cuốn sách của Graham Greene. Bộ phim được đề tặng Ngô Đình Diệm. Trong trường hợp này, Ẩn dường như đang làm xiếc trên dây, bởi ông vừa viết về bộ phim, vừa nghĩ về người bạn Lansdale, và có lẽ cũng có chút lo lắng rằng người ta có thể quy chụp ông thân Cộng vì những điều ông viết ra.

Bộ phim chỉ trích phe Cộng sản về những vụ đánh bom ở Sài Gòn. “Sau thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ vào tháng 7 năm 1954,” Ẩn viết, “sự tồn tại và phát triển của quốc gia tự do Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chứng minh rằng khái niệm ‘Lực lượng thứ ba’ mà ‘Người Mỹ trầm lặng’ này đã xả thân để bảo vệ, lẽ ra nên được công nhận sớm hơn.”

Ẩn tin rằng không thể nào có một sự dàn xếp ổn thỏa giữa Cộng sản và người Pháp, và rằng “về mặt chính trị, ‘Người Mỹ trầm lặng’ có thể khiến khán giả hiểu nhầm về chính sách ngoại giao của Mỹ. Một bộ phận người Việt Nam đã tiêm nhiễm tuyên truyền của Cộng sản và trong cuộc chiến ở Đông Dương, người Mỹ đã tìm cách thay thế người Pháp.” Ẩn cho rằng bộ phim này không nên chiếu ở Việt Nam.

Người Mỹ trầm lặng một lần nữa lại được dựng thành phim vào năm 2002, với các ngôi sao Michael Caine và Brendan Fraser. Phillip Noyce, đạo diễn người Úc của bộ phim, trung thành với nguyên tác của Greene, ngoại trừ hai thay đổi lớn, trong đó có “việc nhập hai nhân vật thành một để tạo ra người trợ lý của Fowler, tên là Hinh (do Tzi Ma thủ vai) – lấy cảm hứng từ điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn.” Trong phim Hinh là sát thủ cực kỳ nguy hiểm và là điệp viên theo chủ nghĩa dân tộc dưới vỏ bọc là một trợ lý vô dụng của Caine. Bộ phim đã được chiếu ra mắt ở Việt Nam để báo chí viết bài ca ngợi.

Có lẽ bài báo dí dỏm nhất của Ẩn trong năm ấy là bài viết về căn phòng ký túc xá của người bạn thân và là đồng nghiệp tại tờ Barnacle, Ross Johnson. Phòng của Ross được bài trí theo kiểu nhiệt đới, với hàng rào bằng sậy, mái lợp tranh và tre bao quanh tường. Có ba tấm ảnh treo trên tường, chụp cảnh hươu và cọp ở trong rừng. Để làm cho căn phòng có vẻ giống thật, Ross nuôi một chú gà con. Cậu mở nhạc xứ nhiệt đới suốt ngày. “Tôi rất nhớ nhà mỗi lúc bước vào phòng của Ross,” Ẩn viết. Nhưng căn phòng này còn thiếu một thứ, đó là một người bạn chung phòng: “Ross, cậu hầu như có mọi thứ ở đây, nhưng cậu vẫn cần thêm một ai đó để chia sẻ giấc mơ này với cậu. Mong rằng nội quy của Trường Orange Coast sẽ được nới lỏng trong một tuần để người bạn này có thể tới thăm căn phòng của Ross.”

Ẩn là một sinh viên giỏi, học kỳ nào cũng được tuyên dương và tham gia nhiều chương trình học khác nhau, như lịch sử, chính trị học, kinh tế, tâm lý, và khoa học xã hội. Lúc còn học tại Orange Coast, ông đã vận động để lập một câu lạc bộ du học sinh, với các thành viên đến từ Philippines, Trung Quốc, Nicaragua, Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Canada và Ba Lan. Ông là một trong chín sinh viên được Trường Orange Coast chọn đi dự Hội thảo các vấn đề thế giới nhân Ngày Thế giới tại Los Angeles. Một trong những chủ đề được thảo luận trong ngày này là “Liệu Cộng sản có chiến thắng tại Đông Nam Á?” Ông là một trong sáu đại biểu từ Câu lạc bộ Quốc tế của Trường Orange Coast tham dự Diễn đàn Khu vực Long Beach thuộc Câu lạc bộ Quan hệ Quốc tế về chủ đề “Nước Mỹ đóng góp vào sự tiến bộ thế giới.” Ẩn cũng dự một hội nghị báo chí tại Đại học Redlands và có mặt trong đoàn đại biểu của Barnacledự Đại hội các Nhà xuất bản quốc gia tiểu bang California ở San Francisco.

Bằng cách nào đó, Ẩn còn tham gia vào các hoạt động chính trị của sinh viên tại trường. Đầu tiên ông đã từ chối lời đề nghị tranh cử chức phó chủ tịch hội cựu chiến binh, trong đó chủ yếu là các cựu binh thời Chiến tranh Triều Tiên, vốn muốn có một đại diện chống Cộng người châu Á tham gia. Sau đó, ông đã cùng với năm thành viên khác của tờ Barnacle, trong đó có Pete Conaty và Ross Johnson, ký vào một lá thư gửi tới toàn thể hội sinh viên với tựa đề, “Cần nhân tố mới.” Đây là nỗ lực nhằm vận động một ứng viên chạy đua với Fred Thomas để tranh cử chức chủ tịch hội sinh viên. “Chúng tôi muốn ủng hộ người phù hợp với chức vụ này,” nhóm kiến nghị tuyên bố. Và nỗ lực của họ đã thành công.

Orange Coast là một trường bán trú, và cứ mỗi dịp cuối tuần thì hầu hết mọi người đều về nhà hoặc đi đâu đó chứ không ở lại ký túc xá. Bruce Nott, sống ở ký túc xá một thời gian ngắn, nhớ lại rằng hồi ấy chẳng ai muốn để Ẩn ở lại một mình vào dịp cuối tuần. Bruce là một trong những người đầu tiên mời Ẩn về nhà. Cha mẹ anh này ngay lập tức bị Ẩn mê hoặc, và trong suốt hai năm sau đó, cha của Bruce thường dẫn Ẩn đi chợ hoặc về nhà chơi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Bruce còn dẫn Ẩn đi Disneyland, rồi Ẩn tới nói chuyện về tình hình đất nước mình tại trường của Barbara, em gái Bruce. “Đấy là một chàng trai dễ mến, luôn thích ngồi nói chuyện và chọc cười,” Nott nhớ lại. “Anh ta luôn muốn tìm hiểu mọi thứ, và anh ta luôn khiến chúng tôi thích thú khi nói đủ thứ chuyện về cuộc sống ở Mỹ.”Tháng 8 năm 2005, tôi chuyển thông điệp sau của Ẩn tới cho Bruce: “Tôi rất nhớ bạn và cha mẹ bạn, cũng như cô em gái Barbara. Tôi rất vui mừng khi được tin bạn thành công trong cuộc sống. Ước gì tôi có được may mắn đến thăm bạn và gia đình trước khi đi gặp Diêm Vương.”

Ẩn thích nấu nướng và giới thiệu món ăn Việt Nam cho những người bạn mới, nên vào các buổi tối cuối tuần, đám bạn bè thường tụ tập ở nhà ai đó để thưởng thức tài nghệ của Đầu bếp Ẩn. Bruce Nott nhớ lại một vụ náo nhiệt khi các sinh viên ở ký túc xá thấy Ẩn đi bắt châu chấu, bởi hầu như ai cũng biết rằng Ẩn sẽ đem loài côn trùng này về để làm món ăn, như ông thường làm ở Việt Nam. “Anh ta thường mang về nhà mấy con bọ để mọi người ăn, mở đầu bằng một nụ cười, ‘Nào, tối nay ai đói bụng đây?’”

Judy Coleman nhớ lại rằng Ẩn là một người tốt bụng và nhiệt tình, một mẫu người rất phù hợp với đời sống ký túc xá. Hai người gặp nhau trong một lớp học nhiếp ảnh, và rồi Ẩn đã mời cô làm bạn nhảy trong một dịp lễ hội khiêu vũ chào đón các cựu sinh viên về thăm trường vào năm 1958. Mấy gã trai ở ký túc xá đã tìm cách chọc Ẩn khi nói với ông rằng vào các dịp khiêu vũ thế này thì mỗi người con trai phải mời từ ba tới bốn cô gái làm bạn nhảy. Không muốn phá vỡ truyền thống, Ẩn đã mời tới ba cô gái khác nhau tới cùng một buổi dạ vũ. Khi có mấy ông bạn thân bảo rằng đấy chỉ là trò đùa, Ẩn đã tìm cách hủy hẹn với hai cô gái kia, chỉ còn lại mình Judy.

Là người tử tế, Ẩn khăng khăng phải gặp cha mẹ Coleman trước để xin phép dẫn con gái của họ tới đêm hội. Cha của cô gái, ông Herbert Coleman, lúc bấy giờ là trợ lý đạo diễn thứ nhất và trợ lý giám đốc sản xuất cho Alfred Hitchcock và đang làm bộ phim Vertigo. Ẩn tới căn nhà rất đẹp của họ để xin phép “theo cách của người Việt Nam,” và hứa sẽ đưa cô con gái về nhà trước nửa đêm. Ông Coleman chấp thuận Ẩn và nói rằng bởi đây là một dịp đặc biệt nên cái giới hạn nửa đêm là không cần thiết.“Không, cháu xin hứa,” Ẩn nói. Judy nhớ lại đêm đó không khí rất tưng bừng, đầy tiếng cười vui và những vũ điệu – và cô gái đã về nhà trước nửa đêm. Ẩn không gặp Judy nhiều kể từ sau đêm vũ hội bởi sau đó bà chuyển sang Đại học Tiểu bang tại San Jose, nhưng ông vẫn thường tới thăm gia đình Coleman để dự tiệc nướng và trò chuyện với cha mẹ Judy. “Cha tôi rất thích trò chuyện với Ẩn. Anh ấy rất thú vị, là một người đàn ông trẻ tuổi nhưng chững chạc và rất hòa đồng. Cha tôi và anh ấy thường nói chuyện hàng giờ liền,” Judy kể.

👉 Điệp viên hoàn hảo Kỳ 6: Phạm Xuân Ẩn và chuyến đi vòng quanh nước Mỹ

Trích X6 Điệp Viên Hoàn Hảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024