Điệp viên hoàn hảo Kỳ 2: Chuyện nữ giao liên của Phạm Xuân Ẩn và vận may của phóng viên Mỹ

27/08/2018 12:08
Điệp viên hoàn hảo Kỳ 2: Chuyện nữ giao liên của Phạm Xuân Ẩn và vận may của phóng viên Mỹ

Từ năm 1961 tới 1975, bà Ba là giao liên duy nhất của ông Ẩn.“Mỗi tháng tôi gặp ông Ẩn ba hoặc bốn lần để nhận tài liệu,”. Ông Ẩn đã chọn bà Ba làm giao liên với niềm tin rằng chỉ có một nữ sứ giả mới bảo vệ được một người sinh nhằm cung Xử nữ trước những điều tà ác.

Hành trình sống sót của Bob Anson

Bob Anson còn sống nhưng trải qua một phen suýt chết. Anh kể mình đã bị một toán quân Bắc Việt bắt sống bên một dòng sông cách thị trấn Skoun vài cây số. Trên đường đi, anh không dừng lại tại hai hoặc ba trạm kiểm soát. “Cậu ấy quá bất cẩn,” sau này Ẩn nói với tôi. “Cậu ấy thường phóng xe rất nhanh, một người đàn ông đã có gia đình trẻ mà lại cứ lao vào quá nhiều rủi ro.”

Tường thuật chiến sự ở Việt Nam và Campuchia rất khác nhau. Ở Việt Nam, phóng viên di chuyển bằng phương tiện của quân  đội Mỹ hoặc Việt Nam Cộng hòa và họ luôn được các binh sĩ che chở, hỗ trợ. Tại Campuchia, phóng viên tự thuê các loại xe hơi như Ford Cortina hoặc xe Mercedes chạy dầu. Họ không được quân đội hỗ trợ. Nếu xe hỏng giữa đường thì phóng viên coi như chết dí. Sẽ không có ai tới đón.

“Mục tiêu trước tiên tại Campuchia là phóng xe tới điểm chiến sự lấy tin rồi về mà không dính đạn hoặc bị bắt. Để thực hiện điều này, anh phải lái xe từ Phnom Penh, vượt qua những con đường dài không có sự bảo vệ an ninh để tới nơi mà anh tin là chiến sự sẽ xảy ra. Anh sẽ không biết được khi đến nơi thì mình sẽ gặp điều gì, nếu như anh thực sự đến được nơi đó.”

 Anson bị bắt rồi bị đẩy xuống một cái hố đã đào sẵn, bị ấn vào tay một cái xẻng và bảo đào cho hố sâu hơn. Anh cảm thấy như  đang đào huyệt để chôn mình. Anh mong sẽ chỉ bị bắn vào ngực chứ không phải đầu, rồi cầu nguyện là người ta sẽ tìm thấy thi thể của anh. Rồi anh nghĩ về Diane: “Nàng còn trẻ và phải sống xa nhà, không có chút kỹ năng bươn chải nào, lại phải nuôi hai con nhỏ… Lạy Chúa, con rất hối tiếc về điều mà con đã gây ra cho gia đình nhỏ của con.”Anh nghĩ về hai đồng nghiệp mất tích là Sean Flynn và Dana Stone; anh nguyện cầu Đức Mẹ đồng trinh.

Rồi người ta lệnh cho anh đứng sang bên miệng hố. Một họng súng AK chĩa vào trán anh, tiếng mở khóa cò nghe lách cách, anh sợ đến mức đái ra cả quần. Anson hét lên những từ cuối cùng bằng tiếng Việt –“Hòa Bình, Hòa Bình.” Sự im lặng đột nhiên bao trùm, rồi có tiếng đáp lại “Hòa Bình.” Hôm đó Anson không chết.

Không khí kinh sợ bao trùm ngày kế tiếp. Những người bắt giữ không tin anh là nhà báo, mà cho rằng anh là một phi công Mỹ có máy bay bị bắn cháy. Lúc ấy Anson đang mang theo bên mình cuốn sổ có ghi lại cuộc phỏng vấn gần đấy với một lính đặc nhiệm Lục quân Mỹ. Trong đó, anh viết hoa USAF(viết tắt của United States Air Force, nghĩa là Không lực Mỹ) để đánh dấu các chi tiết nói về chiến dịch ném bom của Mỹ tại Campuchia. Nhóm người bắt giữ dễ dàng nhận ra những chữ viết ấy.

Những ngày đêm kế tiếp, người ta trói tay và dẫn Anson đi qua các vùng rừng rậm dọc Đường mòn Hồ Chí Minh, lúc thì chạy, lúc đi bộ. Anh nghĩ quân Bắc Việt có thể đang đưa anh ra Hà Nội để nhốt vào “Khách sạn Hanoi Hilton”(Là cách gọi mà quân Mỹ thường dùng để chỉ nhà tù Hỏa Lò, nơi thường giam giữ các phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh) cùng các phi công, nếu anh còn sống sót để đi đến nơi đó.

Cuộc hành quân cưỡng bách đưa Anson đến một khu làng nhỏ, để một sĩ quan biết tiếng Anh thẩm vấn. Anson được yêu cầu cung cấp mọi chi tiết liên quan tới đời tư cũng như nghề nghiệp của mình. Anh chẳng giấu giếm điều gì. Tất cả các chi tiết về cuộc đời, gia phả, học vấn của anh được phơi bày. Có lúc người thẩm vấn hỏi có phải con gái của Anson, cô bé Christian Kennedy Anson, được đặt theo tên của John Kennedy, vị tổng thống đầu tiên điều quân tới Việt Nam. Không phải, Anson nhanh trí đáp, con gái tôi được đặt theo tên của Robert Kennedy(em trai Tổng thống John Kennedy), người phản đối cuộc chiến.

Anson khai anh là phóng viên tờ Time, không phải là lính chiến, và cung cấp đầu mối liên hệ để kiểm chứng. “A,”người thẩm vấn nói. “Đấy là một ấn phẩm rất quan trọng của Mỹ. Có lẽ không quan trọng bằng New York Times, nhưng hơn hẳn Newsweek. Tôi nói vậy có đúng không?” “Đúng rồi.” Anson cười, và hình dung ra cảnh Arnaud de Borchgrave (Nhà báo nổi tiếng người Mỹ làm cho tờ Newsweek) sẽ phản ứng như thế nào nếu anh còn có cơ hội sống để kể lại với ông ta câu chuyện này.

Ảnh chụp trong ngày cưới của Thu Nhàn và Ẩn, ngày 25.2.1962

Người Phụ nữ vĩ đại bên cạnh cuộc đời Phạm Xuân Ẩn

Ở Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn trở về sau cuộc gặp đầy cảm xúc với Diane Anson. Đêm hôm đó, sau khi các con đã ngủ, Ẩn lấy ít cơm bỏ vào thìa nước rồi đun cho đến khi gạo nhão ra thành một thứ hồ sền sệt. Trong khi chú chó bẹc giê Đức và bà Thu Nhàn đứng xem, Ẩn nhúng đầu cây bút vào thứ chất lỏng đó rồi viết lên một tờ giấy thường dùng để gói. Trong chốc lát, vệt mực biến mất nhưng Ẩn vẫn viết, như ông đã từng làm vài tuần một lần trong suốt thập kỷ qua.

Ẩn gặp Thu Nhàn lần đầu khi bà đang làm việc tại một trung tâm hàng thủ công mỹ nghệ gần tiệm Givral. “Lúc mới gặp, tôi nghĩ anh chàng này rất thông minh, có học vấn và có phong cách lịch lãm,”sau này bà Thu Nhàn kể lại với tôi. “Anh cũng thích giao thiệp và hay đùa.” Sau sáu tháng tìm hiểu, họ kết hôn vào ngày 25 tháng 2 năm 1962. “Rất nhiều ký giả bạn bè đã đến dự đám cưới chúng tôi,” bà Thu Nhàn nhớ lại.

Sáu tháng sau, Ẩn thổ lộ với vợ rằng ông làm việc cho cách mạng, khiến con tim bà như rung lên.“Hồi tiểu học, tôi rất thích môn lịch sử và những bài học về các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm… Với tình yêu Tổ quốc sẵn có trong huyết quản, tôi rất thích và đã ghi nhớ cho tới tận hôm nay nhiều bài thơ ca về lòng ái quốc.”

Thu Nhàn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để hỗ trợ sứ mệnh của chồng. “Khi biết rằng chồng mình đang làm việc bí mật và lãnh nhận những nhiệm vụ rất nặng nề và nguy hiểm để phụng sự sự nghiệp giành độc lập cho đất nước, tôi ngay lập tức chấp nhận điều đó bằng cách giúp chồng làm việc hiệu quả và an toàn nhất, như chúng tôi thường nói ‘thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.’” Bà Thu Nhàn thường đi theo ông Ẩn để cảnh giới mỗi khi ông chuyển giao tài liệu và khi cần thì bà “thức suốt đêm cùng chồng để sao chụp tài liệu dưới những bóng đèn 500 watt, làm mọi việc để chồng khỏi bị phân tán tư tưởng bởi chuyện con cái gia đình.”

Bà Thu Nhàn kể với tôi rằng ông Ẩn đã dặn bà nếu ông bị bắt, thì bà đừng có cố chạy chọt xin xỏ, vì ông không bao giờ phản bội nguồn tin và đã sẵn sàng cho cái chết. “Anh ấy mang theo một viên thuốc độc,” bà Thu Nhàn kể, tái khẳng định điều mà ông Ẩn đã đề cập với tôi nhiều lần trước đó. “Là phụ nữ, tôi rất lo sợ. Tôi luôn sống trong tâm trạng sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất, khi nào cũng cảm giác như ‘cá nằm trên thớt’ vậy.”

Nữ tình báo viên B3 -Người giao liên duy nhất của Phạm Xuân Ẩn

Ông Ẩn tin vào vận may và đó là một ngày may mắn đối với Bob Anson, bởi Ẩn đã dự định sáng hôm sau sẽ gặp người giao liên của mình, bà Nguyễn Thị Ba, người về sau được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1976. Ông Ẩn đã chọn bà Ba làm giao liên với niềm tin rằng chỉ có một nữ sứ giả mới bảo vệ được một người sinh nhằm cung Xử nữ trước những điều tà ác.

Lớn hơn ông Ẩn mười hai tuổi và thường bỏm bẻm nhai trầu, bà Ba ít gây chú ý đối với mọi người. Trước khi chọn bà Ba thì ông Ẩn đã loại tới chín ứng viên khác. “Trước lúc tôi đi gặp ông Ẩn lần đầu, người ta bảo tôi rằng ‘cha này hổng giống ai’ nên có bị loại thì cũng đừng thất vọng,” bà Ba kể với tôi. “Ông ấy rất đặc biệt và luôn đòi hỏi cao.” Nhớ lại lần đầu gặp mặt, lúc đó bà Ba giả làm người mang hoa đi lễ chùa. Theo mật khẩu đã giao ước, ông Ẩn cất tiếng, “chào chị Bảy Ba,” và bà đáp lại, “chào anh Ba Ẩn.” Nếu hai con số trong các lời chào có tổng là mười, cả hai sẽ biết họ đều là người của cách mạng.

Tấm ảnh này được công bố với tên gọi "Nữ liên lạc viên tình báo của Điệp viên Anh hùng". 

Từ năm 1961 tới 1975, bà Ba là giao liên duy nhất của ông Ẩn.“Mỗi tháng tôi gặp ông Ẩn ba hoặc bốn lần để nhận tài liệu,” bà Ba, bí danh là Nữ tình báo viên B3, nhớ lại. “Khi tình hình khẩn cấp, ông ấy có thể gặp tôi năm tới sáu lần mỗi tháng. Khi đi gặp ông ấy để nhận tài liệu, tôi thường giả trang thành người bán hàng rong, khi thì bán rau, khi thì bán tạp hóa, nhằm dễ trà trộn vào đám đông. Nếu tài liệu ở dạng các cuộn phim, ông Ẩn sẽ cuộn thành từng cuộn rất nhỏ và cho vào bánh xà bông hoặc thỏi nem.” Bà Ba muốn tôi hiểu chính xác món ăn gọi là nem chua (thịt gói trong lá chuối) để hình dung rõ hơn cách ông Ẩn giấu phim.

Vận may của Anson chính là việc Hà Nội đang chờ đợi bản phân tích của Ẩn về kế hoạch tiến quân vào Campuchia của Nixon cũng như thông tin cập nhật về tinh thần và công tác huấn luyện của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông Ẩn quyết định chỉ gửi một bức thư và vài cuộn phim. Ông mô tả chi tiết về một phóng viên người Mỹ, một đồng nghiệp tại tờ Time và là một người bạn của nhân dân Việt Nam, bị bắt gần đây. Ẩn yêu cầu nếu Bob Anson chưa chết thì phải thả ngay, không hỏi thêm điều gì, ông giải thích rằng đây chính là người Mỹ đã cứu trẻ em người Việt ở Takeo. Ẩn đã chấp nhận đối mặt với rủi ro lớn, bởi nếu như bà Ba hoặc bất cứ ai trong đội ngũ giao liên bị bắt, vỏ bọc của ông sẽ bị lộ ngay tức thì.

Việc Ẩn đưa ra đề nghị này cho thấy ông đã tự thấy được giá trị của mình trong vai trò là một sĩ quan điệp báo. Trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, thượng cấp trực tiếp của ông là Tư Cang, người mới được đưa vào Sài Gòn để làm việc cùng Ẩn nhằm xác định các lộ trình xâm nhập vào thành phố, đã thông báo rằng ông vừa được trao huân chương đặc biệt vì những đóng góp trong chiến thắng Ấp Bắc vào năm 1963 và những báo cáo của ông được cấp trên đánh giá cao.

Chính Tư Cang là người đã viết đơn đề nghị tặng thưởng cho Ẩn. Ẩn đã giải thích với tôi, “Ông biết đấy, lần đầu tiên tôi nhận được phản hồi về các báo cáo của mình là lúc ông Tư Cang kể với tôi về huân chương liên quan đến Ấp Bắc. Tôi biết mình sẽ không có cơ hội đeo tấm huân chương đó cho đến khi cuộc chiến kết thúc, nhưng ngay lúc ấy tôi muốn tận dụng giá trị của nó.”

Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)

Ngày hôm sau, ông Ẩn dắt chú chó bẹc giê Đức tới chợ chim kiểng Sài Gòn. Ông nổi tiếng là người chơi chim kiểng và huấn luyện chó giỏi nhất Sài Gòn, và những con thú cưng này đã tạo ra một vỏ bọc tuyệt vời cho nhà tình báo. Ông thậm chí còn huấn luyện con chó chạy tới đái đúng vào cái cây được dùng làm hộp thư chết trong những lần trao đổi tin tức. Những lúc Ẩn bỗng nhiên biến mất một vài ngày thì ai cũng nghĩ rằng ông tới chợ chim kiểng hay đi huấn luyện hoặc mua chó.

Khu chợ luôn tấp nập, bán đủ thứ từ khỉ, cầy hương, mèo rừng, thỏ, chó, mèo, cá và đủ thứ chim. Ông Ẩn xem kỹ mấy chú cu cu châu Phi, bồ câu Pháp, sơn ca, gà lôi và chim yến. Biết rằng bà Ba sắp đến nên ông Ẩn đứng đợi ở quầy bán dơi. Một lát sau, bà Ba tới và hai người bắt đầu trò chuyện; họ nói về cách lấy tiết dơi pha với rượu đế để trị bệnh lao. Ẩn chỉ dẫn tỉ mỉ cho người quen của ông cách cắt cổ con dơi, lấy tiết để pha chế thuốc.

Trong lúc trò chuyện, ông Ẩn thỉnh thoảng mời bà Ba chút đồ ăn; bà Ba có vẻ như muốn để dành mang về bởi bà không thể ăn hết tất cả số nem cuốn gói trong giấy trắng này. Bà Ba cám ơn và cũng mời lại ông một vài thứ. Rồi hai người chia tay – ông Ẩn trở về tòa soạn Time còn bà Nguyễn Thị Ba xuống Củ Chi, một vùng đất ngoại vi Sài Gòn, nơi có một mạng lưới tinh vi đang chờ những miếng nem của bà.

Trong bọc tài liệu, ông Ẩn còn ghi thời gian và địa điểm cho cuộc gặp kế tiếp. Bà Ba kể với tôi rằng “mỗi tháng chúng tôi chọn một cuộc hẹn chính và hai cuộc gặp phụ, thường cách nhau mười ngày. Thường thì mọi thứ được định trước cho các ngày 10, 20 và 30 hằng tháng, nhưng mỗi tháng lại thay đổi nên không bao giờ có một khuôn mẫu nào. Nếu có chuyện khẩn cấp, tôi sẽ tới trường học đứng đợi cho tới khi ông ấy đưa bọn trẻ tới học. Không cần chào hỏi gì, chỉ cần thấy bóng tôi là ông ấy biết trên đang cần thông tin gấp, rồi sau đó ông ấy sẽ liên lạc với cơ sở.”

Thường thì bà Ba chỉ cần mang gói tài liệu của ông Ẩn tới Hóc Môn, khoảng nửa đường tới Củ Chi, rồi giao cho liên lạc viên khác. “Tôi chỉ tới Củ Chi một vài lần,” bà kể. Bà Ba và ông Ẩn không có kiểu liên lạc nào khác; không điện thoại, không vô tuyến sóng ngắn, không thư từ. Thời đó, bà Ba chưa biết chữ và cũng không biết ông Ẩn sống ở đâu. Họ thực sự là một trong những nhóm tình báo kỳ lạ nhất và hiệu quả nhất trong lịch sử.

Bob Anson được tặng hàng Mỹ, dày bốn lớp

Hành trình đến Củ Chi, cách Sài Gòn khoảng ba chục cây số về phía tây bắc, là cực kỳ nguy hiểm bởi quân Mỹ ở đây rất dày đặc với nhiều trạm kiểm soát. Dưới mặt đất là hệ thống đường hầm hình mạng nhện nối các làng xã, quận huyện với nhau và kéo dài từ Sài Gòn tới tận biên giới Campuchia. Hệ thống địa đạo này ban đầu được lực lượng Việt Minh đào làm nơi trú ẩn trong các trận đánh với quân Pháp, đến giữa thập niên 1960, Củ Chi trở thành một hệ thống tự túc liên hoàn với đầy đủ các cơ sở như khu dân cư, nhà kho, xưởng vũ khí, bệnh xá và sở chỉ huy quân báo.

Tình báo Mỹ biết về sự tồn tại của hệ thống địa đạo này và quận Củ Chi trở thành một trong những nơi bị dội bom, rải hóa chất phát quang và bị tàn phá nặng nhất. “Hầu như chẳng còn gì ở đấy. Vùng này bị rải hóa chất quá nhiều nên trông như vùng đất chết,” một nữ giao liên khác, bà Hà Thị Kiên (Tám Kiên), nhớ lại. Hầu như toàn bộ cư dân Củ Chi từ lâu đã bị gom vào nơi gọi là ấp chiến lược, ngoại trừ một số thôn ở khu vực rừng Hố Bò, từ lâu được coi là “vùng giải phóng” và nằm dưới sự kiểm soát của Việt Cộng. Sau năm 1969, với việc quân Mỹ gia tăng nỗ lực tìm diệt các căn cứ Việt Cộng ở Củ Chi, ông Ẩn hiếm khi tới vùng địa đạo. Tới khu vực này là rất nguy hiểm bởi ông có thể bị bắt hoặc bị giết trong một cuộc tấn công của quân Mỹ.

Tại Củ Chi, người ta bôi dung dịch iốt lên tờ giấy gói để có thể dễ dàng đọc được các lời chỉ dẫn của Ẩn. Bên trong các mẩu nem cuốn còn có nhiều cuộn phim cũng như các chi tiết về cuộc hẹn kế tiếp – ngày, giờ, địa điểm. Ông Ẩn luôn giữ quyền chủ động về vấn đề này. Phần quan trọng nhất trong báo cáo của Ẩn được chuyển tới Trung ương cục miền Nam bằng mật mã qua hệ thống liên lạc vô tuyến; các cuộn phim và bản tóm tắt báo cáo được một nhóm du kích Việt Cộng mang tới ban chỉ huy điệp báo vùng và cuối cùng được chuyển ra Hà Nội. “Nhiều người đã chết trên đường bảo vệ các báo cáo của tôi,” Ẩn nói với tôi. “Họ rất dũng cảm, và mãi sau chiến tranh tôi mới biết những điều đó.”

Lúc bấy giờ thì ông Ẩn chỉ có thể ngồi chờ tin tức về số phận của Bob Anson.

Sau vài tuần bị giam giữ vào lúc nửa khuya một đêm nọ, một người thẩm vấn dựng Bob Anson dậy, thông báo rằng lời khai về việc anh là nhân viên của Time đã được kiểm chứng. Có thể mất một vài ngày nữa, nhưng anh sẽ được phóng thích sớm. Người thẩm vấn muốn biết tại sao Anson lại không khai hết mọi thứ khi bị hỏi cung. Anson không biết mình đã che giấu điều gì, nhưng trước khi kịp mở miệng, người thẩm vấn đã hỏi anh tại sao không nhắc tới chuyện xảy ra ở Takeo. “Theo truyền thống của Việt Nam, hễ ai đã cứu sống con em chúng tôi là chúng tôi mang một món ân nợ bằng máu. Mặt trận xin ghi tạc ơn ông. Ông sẽ được trả tự do… Ông là người của chúng tôi; một chiến sĩ cách mạng.”

Bob Anson vô cùng vui mừng nhưng cũng hơi bối rối. Anh đã không nghĩ đến việc kể lại câu chuyện ở Takeo bởi có vẻ như nó chẳng liên quan tới nội dung lời khai của anh. Tuy nhiên, anh gác lại mọi thắc mắc để nghĩ đến ngày đoàn tụ với Diane và các con. Chín ngày sau, khi Anson rời nơi giam giữ, những người lính cách mạng tặng anh một đôi dép Hồ Chí Minh với đế làm từ lốp và quai làm bằng săm xe tải. “Chúng tôi xài toàn đồ xịn nhất. Hàng Mỹ đấy. Dày bốn lớp,” một người lính Việt Nam nói.

Bob Anson và Phạm Xuân Ẩn sau 17 năm

Mười bảy năm sau, Bob Anson trở lại Việt Nam vì lý do cá nhân. Ông đến thăm ông Ẩn vào một đêm đã khuya, khi đó chủ nhà mặc quân phục với hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và đeo huân chương trên ngực ra đón ông. “Khi nào anh cũng mặc thế này à?” Anson há hốc miệng vì kinh ngạc. “Ừ, lúc nào cũng thế,” Ẩn cười. Sau này Ẩn kể với tôi rằng hôm đó Anson bị hơn chục nhân viên an ninh theo đuôi. “Cậu ấy không hề biết mình bị bám đuôi, nhưng hôm sau bên an ninh cho người sang. Tôi đã kể với họ câu chuyện ở Takeo, thế là họ để tôi yên.”

“Này, Christian và Sam khỏe không? Diane thế nào?”, ông Ẩn hỏi khi vừa gặp lại bạn cũ. “Mười bảy năm trôi qua nhưng ông vẫn không quên chi tiết nào,” Anson nghĩ. “Sau mười bảy năm, ông vẫn biết cách làm cho tôi dễ chịu. Kỹ năng ấy đã khiến ông trở thành một bậc thầy trong sự nghiệp của mình.” Sau chín mươi phút trò chuyện thân mật, Anson cuối cùng đã hỏi làm sao những người bắt giữ mình ngày xưa có thể biết về câu chuyện Takeo. Lần đầu tiên, Ẩn thừa nhận với Anson rằng chính ông đã báo cáo với Mặt trận về trường hợp bắt giữ này cũng như mô tả chi tiết hành động anh hùng của Anson ở Takeo. Nhưng đêm hôm đó, ông chỉ nói với Anson một phần câu chuyện, rằng ngày trước một thành viên Mặt trận đã tới nhà riêng của ông ở Sài Gòn để xác minh về công việc của Anson ở tờ Time. Sau đây là một đoạn trích trong cuốn Tin chiến sự của Anson:

“Nhưng tại sao? Tôi và anh, chúng ta ở khác chiến tuyến mà.”

“Ẩn nhìn tôi ngẫm ngợi, dường như cảm thấy thất vọng khi sau bao lần ông giảng giải mà tôi đã không ngộ được bài học căn bản nhất. ‘Không, chúng ta là bạn bè.’”

Câu chuyện này còn có một đoạn cuối nữa. Năm 1988, ông Ẩn đã không được chuẩn bị để kể lại sự thật với Anson. Lúc bấy giờ vẫn còn quá nguy hiểm đối với ông nếu tiết lộ phương thức hoạt động của một điệp viên. Mười tám năm sau đó, ông Ẩn kể với tôi điều gì thực sự đã xảy ra. Không thành viên Mặt trận nào từng đến nhà riêng của ông cả, bởi như vậy rất dễ làm lộ bí mật. Thêm vào đó, hầu như không ai trong Mặt trận biết được sứ mệnh bí mật của ông và Mặt trận cũng không vì một người Mỹ nào đó mà để mất Ẩn.

Bob Anson được phóng thích là nhờ bản báo cáo bí mật về vụ Takeo được Ẩn viết rồi gửi qua bà Nguyễn Thị Ba cùng một giao liên khác tới Củ Chi. Đơn giản chỉ có thế. Anson sống sót là nhờ vào một vận may, khi ngay lúc ấy ông Ẩn đã có cuộc hẹn gặp với bà Ba, là nhờ anh đã kết bạn với Ẩn, và nhờ vào hành động dũng cảm của chính anh khi cứu các trẻ em Việt Nam ở Takeo cũng như sự hiệu quả của lưới tình báo H.63. “Cậu ấy không có nhiệm vụ phải cứu bọn trẻ, nhưng cậu ấy đã làm thế,” Ẩn chia sẻ với tôi. “Và sau đó cậu ấy còn giữ liên lạc với các nạn nhân, để biết rằng họ được an toàn, được chăm sóc tốt. Cậu ấy là người tốt, và cũng là người may mắn.

👉 Điệp viên hoàn hảo Kỳ 3: Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn - Điệp viên học nghề

Trích X6 Điệp Viên Hoàn Hảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024