Những ngày qua, bản rap Mang Tiền Về Cho Mẹcủa Đen Vâu đã khiến hàng triệu trái tim đồng cảm xoay quanh những thông điệp bình dị, gần gũi mà nam rapper truyền tải trong lời hát, cộng hưởng với giọng hát tuyệt đẹp của Nguyên Thảo. Tất cả đã tạo nên một sản phẩm ấm lòng về tình mẹ trong những ngày năm hết - Tết đến.
Đen - Mang Tiền Về Cho Mẹ ft. Nguyên Thảo
Tuy nhiên, đã có không ít luồng tranh cãi rộ lên cũng xoay quanh lời bài hát Mang Tiền Về Cho Mẹ. Một bộ phận netizen đã cho rằng quan điểm "Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ" của Đen Vâu trong ca khúc là quá thực dụng, đi ngược lại sự tiến bộ cũng như thể hiện sự bất bình đẳng. Cũng đã có nhiều ý kiến công khai bênh vực Đen Vâu và cho rằng những suy diễn nói trên đã "đi quá xa", tiêu biểu có nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Chúng tôi đã liên hệ Đen Vâu và có cuộc phỏng vấn ngắn xoay quanh những tranh cãi về lời bài hát Mang Tiền Về Cho Mẹ.
Anh cảm thấy như thế nào khi nội dung ca khúc bị tạo ra nhiều luồng quan điểm tranh cãi lớn, trong khi ở các ca khúc trước đó lời bài hát đều nhận được đánh giá cao?
Đen cảm thấy rất bất ngờ về những góc nhìn đó sau khi được bạn bè cho nghe một vài ý kiến. Là một người viết nhạc, những gì Đen gửi gắm được hiểu theo cách khó lường như thế mang lại cảm giác khá là kì quặc.
"Mang tiền về cho mẹ", theo cách lí giải của Đen là như thế nào? "Tiền" ở đây nên hiểu theo nghĩa đen hay nên hiểu theo hàm ý nào nữa?
Đen đã nói hết trong lời nhạc rồi đấy, "tiền" ở đây là kết quả việc đứa con đang trưởng thành, lương thiện và đã có thể tự nuôi sống bản thân, minh chứng cụ thể để ba mẹ yên tâm khi con cái bước ra đời. 3 câu lặp lại chỉ để nhấn mạnh rằng nếu không mang được tiền về cho mẹ, thì ít nhất cũng đừng làm mẹ ưu phiền.
Những câu từ trong "Mang tiền về cho mẹ" được đúc kết từ chính cuộc sống gia đình của bạn, mà cụ thể chính là mẹ của Đen?
Đúng vậy. Một cuộc sống gia đình giống với rất nhiều gia đình khác. Một người mẹ cũng như bao người mẹ khác. Luôn quan tâm, lo lắng và ưu tư về con cái của mình.
Có một bài đăng được chia sẻ khá viral trên MXH, từ một tác giả cũng khá nổi tiếng, cho rằng không nên là "Mang tiền về cho mẹ" mà nên là "Mang yêu thương về cho mẹ", Đen có muốn nhắn gửi gì đến tác giả?
Đen chưa đọc, nhưng Đen nghĩ là chúng ta ai muốn mang gì về thì mang, chỉ là đừng mang ưu phiền về cho mẹ là được.
Một số ý kiến cho rằng Đen đã quy chụp người giàu có là "rỗng tuếch, ủ rũ" và tự hào mình "nghèo mà sống đẹp", bạn có thấy câu từ này trong đoạn rap có mang tính quy chụp như người ta nói? Vì rõ ràng người giàu đâu phải ai cũng rỗng tuếch hay ủ rũ?
Đen thấy những ý kiến đó mới có tính quy chụp và đầy "ác ý". Xin phép thanh minh rằng vài năm gần đây chỉ có 1 lần mình nhắc tới từ "người giàu" ở trong câu "mình sướng hơn những người giàu nhỉ, vầng trán mình chưa hề nhàu nhĩ". Đặt trong toàn bộ verse rap đó và bài nhạc đó (mà phần trước đó là kể về những mệt mỏi áp lực công việc văn phòng), nó như là một lời động viên bông đùa, rằng chúng mình vẫn còn thanh xuân, còn nhiều thời gian đi đây đi đó, đừng có vì áp lực công việc mà trở nên ủ rũ, vì áp lực, vì stress. Có vậy thôi mà!
Với những người chăm chăm hiểu ý nghĩa "Mang tiền về cho mẹ" theo hướng khá tiêu cực và "thực dụng", bạn có nghĩ do vốn sống và sự nhạy cảm của họ không quá nhiều, chỉ hiểu theo đúng nghĩa đen của câu từ mang đến?
Đen cũng không rõ họ nghĩ gì, họ sống thế nào, vì mỗi người một cuộc sống, một quan điểm nhìn đời khác nhau. Ý kiến trái chiều là một phần của cuộc chơi không chỉ âm nhạc mà còn trong tất cả mọi mặt của đời sống. Mình phải chấp nhận thôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng đã lên tiếng bênh vực và khẳng định rap thì phải "trần trụi, thực tế" như thế mới là rap, và không nên áp các quy chuẩn của một ca khúc ballad cho một bản rap, bạn có đồng ý với nhận định này?
Trước tiên Đen xin cảm ơn anh Nguyễn Văn Chung vì đã lên tiếng. Dù quan điểm có thế nào thì cứ được bênh là vui rồi (cười). Đen thì nghĩ rằng mỗi một loại hình nghệ thuật có những cách khai thác và phát triển chủ đề khác nhau. Chính nhờ điều đó mới tạo nên thế giới nghệ thuật muôn màu muôn vẻ.
Anh Chung dùng từ "quy chuẩn" là để cho mọi người hình dung, mình hiểu ý muốn nói là khi thưởng thức thể loại âm nhạc nào thì nên chuẩn bị tâm thế phù hợp với thể loại đó để lắng nghe. Có vậy mới dễ dàng thấu hiểu. Thực tế thì nghe kiểu gì vẫn là quyền của khán giả. Những điều trên chỉ là nỗi niềm mong mỏi của người sáng tác mà thôi.
Cảm ơn Đen Vâu vì những chia sẻ thẳng thắn này!
Ảnh: ekip sản xuất
Trí thức trẻ