Noelle Martin (hiện 25 tuổi) đã tốt nghiệp trường luật và hiện đang sinh sống, làm việc tại Úc. Năm 17 tuổi, cô từng phát hiện ra những bức ảnh của mình đã bị chỉnh sửa thành ảnh khiêu dâm để đăng tải trên một số trang web đen.
Khi ấy, vẫn còn là một nữ sinh trung học, cô đã quyết định lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình xung quanh hành động gây tổn hại danh dự, xúc phạm nhân phẩm người khác như thế này. Việc này đã khiến cô Noelle trở thành đối tượng bị nhắm tới của nhiều hành động tấn công online khác trong những năm tháng về sau.
Cách đây hai năm, những clip "nóng" ghép gương mặt của Noelle vào đó bắt đầu xuất hiện như một hành động tấn công online tiếp theo nhắm vào cô.
Dù vậy, Noelle không nản lòng và vẫn tiếp tục những hoạt động của mình trong lĩnh vực luật để chống lại hành vi phát tán những nội dung nhạy cảm khi không nhận được sự cho phép, bất kể đó là nội dung có thật hay nội dung giả mạo.
Hành động của cô gái trẻ đã giúp thúc đẩy những đạo luật được áp dụng tại Úc nhằm góp phần ngăn chặn việc phát tán những hình ảnh và clip nhạy cảm tại Úc. Từ đó, cô Noelle Martin đã trở thành một nhân vật được giới trẻ tại Úc biết đến và ngưỡng mộ. Cô được tôn vinh tại những giải thưởng ghi nhận sự nỗ lực và cống hiến vì cộng đồng.
Dưới đây là bài viết của cô Noelle Martin dành cho tạp chí Elle (Anh) để chia sẻ về trải nghiệm của chính cô khi trên mạng xuất hiện những clip "nóng" giả mạo, trong đó, gương mặt của Noelle bị ghép vào nhân vật nữ trong những clip phát tán trên mạng:
Clip "nóng" của những ngôi sao nổi tiếng một khi xuất hiện sẽ bị lan truyền chóng mặt trên mạng, chỉ có điều những clip ấy là giả, dù vậy, chúng cũng có vẻ khá thuyết phục về mặt hình ảnh. Bản thân tôi cũng từng phải xem những clip "nóng" trong đó nhân vật nữ... chính là tôi.
Tôi bàng hoàng nhìn thấy đôi mắt mình trong clip đang nhìn thẳng vào ống kính, những chuyển động trên gương mặt khá tự nhiên, khá thuyết phục, ngay cả với... chính tôi. Tôi nghĩ làm sao những người khác lại không thể bị đánh lừa chứ? Những ai quen biết tôi rất có thể tưởng rằng đó chính là tôi.
Mọi việc bắt đầu từ khi tôi 17-18 tuổi, tôi tình cờ phát hiện ra ảnh trên tài khoản mạng xã hội của mình bị lấy lại, bị chỉnh sửa thành ảnh khiêu dâm và bị đăng tải trên những trang web đen, những bức ảnh được chỉnh sửa rất... thuyết phục, có cả những thông tin cá nhân, có những câu chuyện được thêu dệt nên về tôi, khiến tôi hiểu rằng mình đã trở thành một nhân vật bị theo dõi và bị nhắm đến từ lâu.
Thoạt tiên, tôi sợ hãi tới mức chỉ dám kể cho một vài người bạn thân thiết, sợ hãi rằng một ngày câu chuyện này lộ ra và bố mẹ tôi sẽ cảm thấy ê chề, đau khổ, như những gì mà tôi đã cảm thấy.
Ở thời điểm ấy - năm 2012, vẫn chưa có những điều luật quy định về hành vi xâm hại hình ảnh của người khác trên không gian mạng. Còn giờ đây, công nghệ "deepfake" khiến những hành động tấn công vào một cá nhân có thể còn trở nên khủng khiếp hơn cả việc chế ảnh, bởi những clip "nóng" ghép mặt đã đạt tới mức độ chân thực, có thể đánh lừa người xem.
"Deepfake" là một công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, nó nghiên cứu các chuyển động gương mặt của một người rồi đưa gương mặt của người ấy vào trong một video clip mà người đó thực ra không hề xuất hiện trong đó. Những người khác không biết, khi xem qua, có thể cảm thấy hình ảnh khá chân thực và thuyết phục, nên dễ dàng tin ngay.
Kể từ khi công nghệ "deepfake" xuất hiện, bắt đầu có những clip "nóng" lồng ghép gương mặt của người nổi tiếng trôi nổi trên mạng, bởi khi một nhân vật có tần suất xuất hiện nhiều, trí tuệ nhân tạo sẽ có nhiều hình ảnh và clip để "nghiên cứu", tạo nên clip "deepfake" rất thuyết phục.
Giờ đây, khi các ứng dụng "deepfake" trở nên dễ tiếp cận, những clip giả mạo càng dễ được thực hiện. Trên không gian mạng, người ta đã quen với việc ý thức rằng một bức ảnh có thể đã bị chỉnh sửa và không phản ánh đúng sự thật, nhưng vẫn chưa nhiều người có ý thức cảnh giác với video clip.
Kể từ lần đầu biết mình bị ghép ảnh và đăng tải lên web đen, tôi đã không ngừng liên hệ với các bên sở hữu những trang web ấy để tìm cách xử lý vấn đề triệt để, yêu cầu họ tháo gỡ nội dung, tôi cũng liên hệ với nhà chức trách, với các chuyên gia về luật để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, nhưng những điều này đều không thể diễn ra một cách dễ dàng, thuận lợi.
Chúng ta hiểu rằng các điều luật luôn đi sau thực tế một khoảng thời gian. Kể từ lần đầu biết mình bị chế ảnh hồi năm 17-18 tuổi, cho tới giờ, tôi vẫn tiếp tục trở thành mục tiêu bị nhắm tới của những nội dung xấu, độc, nhưng tôi cũng không ngừng hành động theo cách của mình, với những nỗ lực suốt gần một thập kỷ qua. Không thể nói rằng tôi chưa từng cảm thấy đau đớn...
Dù vậy, tôi hiểu rằng nếu tôi không hành động, điều đó giống như thể tôi âm thầm chấp nhận những nội dung xấu, độc đó. Cho dù tôi không bao giờ có thể tìm cách xóa bỏ hết mọi bức ảnh và video chế kia, thì ít nhất tôi đã có thể làm rõ ràng vấn đề và tự mình đưa lại sự trong sạch cho tên tuổi và hình ảnh của chính mình.
Giờ đây, tôi đang làm việc trong lĩnh vực luật, tôi đã đạt được những kết quả nhất định trong hành trình chống lại việc chế ảnh của người khác để trở thành những nội dung gây xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một người. Ít nhất, giờ đây, hành vi này đã chính thức bị xem là hành vi vi phạm pháp luật tại Úc.
Đối với tôi bây giờ, hàn gắn bản thân chính là không cho phép những nội dung ấy được quyền tác động tới mình theo những cách tiêu cực. Tôi đã mất gần một thập kỷ để đạt được điều đó, giờ đây, tôi đã nhìn nhận mọi chuyện nhẹ nhàng, tích cực hơn.
Bích Ngọc
Theo Elle