18 giờ 50’ (giờ Paris) ngày 15.4 hỏa hoạn bất ngờ bùng phát, nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng văn hóa của Pháp và nhân loại đã bị tàn phá nặng nề dưới ngọn lửa hung tàn. Sau khi đám cháy bị dập tắt, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã nhận được những thông điệp yêu thương và trân trọng từ khắp mọi nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, châu lục. Bên cạnh sự tiếc nuối, có một công trình mang tính biểu tượng thì cái tên Victor Hugo cũng được hàng triệu người nhắc đến.
Khói và lửa bốc lên từ Nhà Thờ Đức Bà Paris, Pháp, tối 15.4
Là biểu tượng của tôn giáo, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và của nhân loại nhưng không phải lúc nào Nhà Thờ Đức Bà Paris cũng được nhìn nhận và trân trọng như một di sản quý giá của nước Pháp, đã có một thời công trình độc đáo này bị chìm vào quên lãng.
Suốt 856 năm tồn tại giữa lòng thủ đô Paris, có nhiều giai đoạn Nhà Thờ Đức Bà Paris bị rơi vào quên lãng, bỏ hoang dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng. Tài liệu của Pháp cho thấy trong giai đoạn Cách mạng tư sản (1789) nhà thờ có nguy cơ bị phá hủy để lấy đá bán kiếm tiền…Bên cạnh đó, vào cuối thế kỷ 18, nước Pháp chìm trong thời kỳ được cho là tối tăm u muội của tệ nạn mê tín dị đoan, sự tồn tại của nhà thờ Đức Bà không được đánh giá cao, nhà thờ như một viên ngọc quý bị ẩn dưới những lớp bụi mờ trong sự thờ ơ của người Pháp đương thời.
Đại văn hào Victor Hugo
Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu hồi sinh và sống lại khi văn hào Victor Hugo cho ra đời cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) vào năm 1831.
Tác phẩm ra đời xuất phát từ việc tác giả muốn viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô Paris (Pháp) vào năm 1828. Ông đã nhiều lần đến nhà thờ Đức bà Paris để ngắm kiến trúc cổ của ngôi nhà thờ và nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết có tính chất lịch sử lấy bối cảnh Paris thời Trung cổ.
Suốt nhiều thế kỷ qua, nhà thờ Đức Bà Paris vẫn hiển hiện đầy kiêu hãnh giữa kinh đô ánh sáng
Với văn hào Victor Hugo, Nhà Thờ Đức Bà Paris không chỉ là một công trình kiến trúc mà nó hiện lên như một nhân vật có linh hồn và sống động. Nhà Thờ Đức Bà Paris tồn tại với nhiều cung bậc cảm xúc từ sự nhìn nhận của người đời với các thái độ khác nhau… Nhà thờ Đức Bà cũng là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc của người Pháp, uy nghiêm nhưng vô cùng gần gũi với tất cả mọi người.
Trong tác phẩm của mình, văn hào cũng gửi những thông điệp lên án mạnh mẽ sự coi thường khinh rẻ những giá trị văn hóa qua hành vi phá hoại công trình văn hóa lịch sử này từ cách dựng nhà thờ không đúng bằng cách cho thêm thắt các chi tiết của thế kỷ 19 vào kiệt tác kiến trúc trung cổ theo phong cách gothic.
Sử gia người Pháp-Anne-Marie Thiesse, khẳng định nhờ tác phẩm Nhà Thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo ra đời mà người Pháp đã được khám phá nhìn nhận lại một công trình kiến trúc gothic, không chỉ về nét đẹp thẩm mỹ mà còn cả về góc nhìn chính trị.
Tài liệu của của nhà nghiên cứu lịch sử Anne-Marie Thiesse, cũng hé lộ rằng Victor Hugo đã đấu tranh không mệt mỏi để chống lại sự phá hoại Nhà Thờ Đức Bà. Hành động của văn hào đã tạo thúc đẩy chính quyền Paris thời bấy giờ trân trọng và gìn giữ phục dựng nhà thờ Đức Bà trong những năm sau đó. Kể từ năm 1843 nhà thờ Đức Bà bắt đầu được xây dựng hoàn thiện và dần trở thành một công trình kiến trúc độc đáo của Pháp và thế giới.
Tạo hình thằng gù Quasimodo và nàng Esméralda trên sân khấu kịch
Nhắc đến tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris người ta cũng không bao giờ quên nhân vật “thằng gù” Quasimodo - một chàng trai mồ côi làm nhiệm vụ kéo chuông tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Dung mạo xấu xí trong một tâm hồn đầy thống khổ với nỗi cô đơn về tình yêu tuyệt vọng không có lối thoát, nhưng sự hi sinh cao cả của anh dành cho nàng Esmeralda - người con gái mà anh tôn thờ đã làm rung động trái tim của hàng triệu triệu người trên thế giới.
Mối tình câm lặng, tuyệt vọng, nhưng chính mối tình ấy là sự cứu rỗi vô cùng với tâm hồn Quasimodo trở nên thánh thiện hơn. Cái kết bi thảm ở cuối câu chuyện cũng chính là điều Victor Hugo muốn phản ảnh về xã hội nước Pháp đương thời, trong đó đầy số phận những con người khốn khổ như Quasimodo. Họ luôn bị xã hội ruồng bỏ khinh miệt và coi thường. Thông điệp đó vẫn còn nguyên giá trị trong xã hội hiện đại ngày nay.
Người Pháp cầu nguyện trong nước mắt khi Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy
Dường như có một sự màu nhiệm nào đó, trong hỏa hoạn, cấu trúc chính của nhà thờ vẫn không bị tổn hại, vẫn đứng vững dưới ngọn lửa hung tàn. Nỗ lực của 400 người lính cứu hỏa đã được đền đáp, các pho tượng quý, những thành tích quý giá được dời đi kịp thời, đặc biệt cấu trúc bằng đá của ngôi thánh đường hơn 850 tuổi vẫn còn nhiều cơ hội để phục dựng trở lại.
Nhà thờ Đức Bà tạm thời đang bị hư hại rất nặng. Có nhiều người may mắn từng được đến đây để thưởng ngoạn công trình lịch sử này, nhưng cũng có hàng triệu triệu người trên thế giới chưa từng đặt chân tới. Tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Victor Hugo sẽ là chiếc cầu nối hàng triệu người trên thế giới cũng đã đến đây qua những trang văn đầy cảm xúc của ông. Người ta vẫn có quyền hi vọng được trông thấy công trình này hồi sinh và đẹp đẽ hơn xưa.
Victor Hugo (sinh năm 1802 mất năm 1885), ông là nhà thơ, tiểu thuyết gia nhà biên kịch lừng danh của nước Pháp và thế giới. Victor Hugo cũng chính là cánh chim đầu đàn của phong trào Lãng mạn (the romantic movement) trong nền văn Pháp. Di sản văn học ông để lại cho hậu thế gồm 45 tác phẩm với hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trên thế giới là Nhà thờ Đức Bà Paris (The Hunchback of Notre Dame, 1831) và cuốn Những người khốn khổ (Les Misérables, 1862), với hai nhân vật trong truyện là anh gù Quasimodo trong cuốn tiểu thuyết trước và Jean Valjean trong cuốn sau.
Khả năng sáng tạo của Victor Hugo rất lớn lao, mỗi ngày ông có thể làm 100 câu thơ hay viết 20 trang tiểu thuyết và qua các tác phẩm của ông, đã phản ánh các phong trào chính trị và văn chương của thời đại, đã bộc lộ rõ niềm tin của ông với khoa học, dân chủ tự do.
Tiểu Vũ