Hollywood được mệnh danh là kinh đô điện ảnh của thế giới với lịch sử hơn 100 năm, thế nhưng Mỹ không hề kiểm duyệt nội dung của các bộ phim mãi cho đến cuối thập niên 1960, sau khi xuất hiện nhiều lời phàn nàn về các hình ảnh gợi dục và bạo lực tràn lan trên màn ảnh rộng.
Năm 1968, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America - MPAA) - đơn vị đại diện cho 6 studio lớn nhất của Hollywood - đã tung ra một hệ thống phân loại phim nhằm giúp khán giả có thêm cơ sở để lựa chọn xem phim nào trước khi vào rạp. Liệu nó có phù hợp với nhu cầu của họ hay những đứa trẻ được dắt theo hay không?
Hệ thống phân loại của MPAA không có giá trị về mặt pháp lý, thế nhưng nó có sức ảnh hưởng rất lớn do được ủng hộ bởi Hiệp hội các chủ sở hữu rạp chiếu phim quốc gia (National Association of Theater Owners - NATO).
Ước tính, các thành viên của NATO sở hữu khoảng 32.000 rạp chiếu phim tại 50 tiểu bang của Mỹ và 81 quốc gia khác. Họ thường sẽ từ chối chiếu những bộ phim chưa được MPAA thông qua hoặc dán nhãn NC-17. Tuy nhiên, nó chỉ được sử dụng cho lĩnh vực điện ảnh mà thôi.
"Avatar" (2009) là bộ phim có nhãn "PG-13" thành công nhất với doanh thu cán mốc 2,8 tỉ USD trên toàn cầu
Ngày 1.11 sắp tới là kỷ niệm 50 năm thành lập hệ thống phân loại. Nhằm ăn mừng sự kiện này, MPAA đã công bố một bản báo cáo chi tiết vào ngày 29.10, cung cấp bức tranh toàn cảnh về những bộ phim được trình chiếu từ năm 1968 đến nay.
Trong nửa thế kỷ qua, tổng cộng đã có 29.791 bộ phim được MPAA kiểm duyệt. 58% trong số đó (tương đương 17.202 bộ phim) được dán nhãn "R" tức là không dành cho những người dưới 16 tuổi vì chứa nhiều cảnh gợi dục, bạo lực hay lời thoại tục tĩu. Tại nhiều quốc gia châu Á, nhãn R tương đương với “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”.
"Deadpool" (2016) là bộ phim được dán nhãn "R" có doanh thu cao nhất mọi thời đại
Sau "R" là "PG" (Trẻ em xem cần có người giám sát) với 5.578 bộ phim, "PG-13" (Không phù hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi) với 4.913 bộ phim, "G" (Ai cũng xem được) với 1.574 bộ phim và sau cùng là "NC-17" (Cấm những người dưới 17 tuổi) với 524 bộ phim.
"NC-17" (trước là “X”) được xem là nhãn “nguy hiểm” nhất và sở hữu khả năng bị cấm chiếu rất cao.
“R” luôn vượt trội hơn so với các nhãn khác trừ trường hợp những năm đầu bị "PG" dẫn trước. Bởi vì khi ấy R có nghĩa là những người dưới 17 tuổi có thể xem nhưng phải có người trưởng thành đi kèm. Sự thống trị này không hề thay đổi dù "PG-13" đã được thêm vào năm 1984 và hệ thống phân loại cũng có nhiều thay đổi kể từ khi mới xuất hiện.
"Showgirl" của nền điện ảnh Pháp là bộ phim được MPAA dán nhãn "NC-17" có doanh thu cao nhất lịch sử với 38 triệu USD. Tuy nhiên, kinh phí sản xuất lên đến 45 triệu USD
Năm 2003 là năm có số lượng phim "R" ra rạp nhiều kỷ lục: 645. Thành công nhất trong số đó là hai bom tấn The Matrix Reloaded và Terminator 3: Rise of the Machines. Đây cũng là năm Hollywood sản xuất nhiều nhất với 940 bộ phim.
Năm ngoái, có 307 bộ phim được MPAA dán nhãn "R" bao gồm Fifty Shades Freed, It và Get Out. Con số này cao gần gấp đôi so với nhãn tiếp theo là "PG-13".
Hiện nay, dòng phim dán nhãn "R" mang lại doanh thu ít hơn "PG-13" và "PG". Chính vì thế, các studio luôn chuẩn bị ngay từ khâu kịch bản để bộ phim làm ra được dán đúng với cái nhãn mà họ mong muốn. Ví dụ như hạn chế sử dụng từ “fuck” hoặc “những từ ngữ thô tục” vốn chắc chắn dẫn đến nhãn "R" nếu xuất hiện nhiều hơn 3 lần. Chỉ có vài trường hợp ngoại lệ do nhận được sự đồng ý từ hơn 2/3 thành viên ban hội đồng.
Toàn bộ những bộ phim thuộc "vũ trụ điện ảnh Marvel" đều có nhãn "PG-13"
Đây chính là lý do Walt Disney không muốn "vũ trụ điện ảnh Marvel" của mình phải dán nhãn "R". Nhãn "PG-13" như hiện này đồng nghĩa với nhiều khán giả tới rạp hơn, nhiều lợi nhuận hơn. Chỉ có duy nhất một bộ phim siêu anh hùng gần đây phá vỡ được quy luật này là Deadpool của 20th Century Fox.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện gần đây bởi MPAA, 95% trong số 1.559 bậc phụ huynh được hỏi quen thuộc với hệ thống phân loại của MPAA và cảm thấy thật sự hữu ích. 84% thì tin tưởng vào tính chính xác của nó.
Mai Thảo