Trái ngược với hình ảnh của những bà hoàng điện ảnh sang trọng và quý phái thường được miêu tả trên báo chí, Hollywood vẫn luôn là một nơi trọng nam khinh nữ giống như phần còn lại của thế giới. Sự nghiệp của các nữ diễn viên thường rất ngắn ngủi và nó gắn chặt với nhan sắc của họ.
Vào thời kỳ hoàng kim của Hollywood, những cái tên đã đi vào huyền thoại như Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor, Bette Davis hay Joan Crawford cũng chỉ là những mỹ nhân tô điểm thêm vẻ kiêu hùng của các nhân vật nam chính.
Katherine Hepburn nổi tiếng với phong cách sống tách biệt cùng thời trang khá nam tính của mình
Katherine Hepburn (1907-2003) là một ngoại lệ hiếm hoi. Cùng với tài năng và cá tính mạnh mẽ đi trước thời đại của mình, bà đã mang về 4 tượng vàng Oscar cho hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” – kỷ lục tới nay chưa ai phá vỡ được. Điều thú vị là bà chưa từng xuất hiện tại lễ trao giải Oscar mỗi khi tên của mình được xướng lên.
Katherine Hepburn có thể đã mất. Tuy nhiên, thông điệp tôn vinh nữ quyền mà bà luôn đề cao trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 7 thập kỷ đã được lưu truyền cho thế hệ kế tiếp. Và Meryl Streep có lẽ là cái tên nổi bật nhất trong số đó.
Sinh năm 1949 tại tiểu bang New Jersey, Meryl Streep có cha là một nhà biên tập nghệ thuật và mẹ là bác sĩ dược. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã yêu thích diễn xuất và luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ gia đình. Bà tốt nghiệp đại học Yale với tấm bằng Thạc sĩ nghệ thuật. Hilary Clinton cũng có mặt ở Yale khi đó nhưng là ở khoa Luật.
Meryl Streep thời sinh viên
Không giống như nhiều cô gái trẻ khác bị choáng ngợp bởi sức hút của làng giải trí, Meryl Streep nghiêm túc xem diễn xuất là một nghề nghiệp danh giá. Bà từng tham gia vào rất nhiều vở kịch khi còn là sinh viên nhưng chỉ chính thức bước chân vào Hollywood khi đã 28 tuổi. Một cái tuổi quá “già” so với mặt bằng chung.
Năm 1977, Meryl Streep có một vai nhỏ trong bộ phim điện ảnh Julia do Fred Zinnemann đạo diễn. Bà đồng ý là vì được đóng chung với đàn chị Jane Fonda. Cơ hội này đã giúp cho bà nhận được nhiều sự chú ý từ các đạo diễn.
Meryl Streep trong 'Julia'
Meryl Streep không đẹp theo tiêu chuẩn của thời đại đó như tóc vàng, mắt xanh, ngực to và gương mặt hoang dại bốc lửa. Thậm chí, bà từng bị nhà sản xuất người Ý Dino De Laurentiis miệt thị là “thứ xấu xí” khi tham dự buổi casting cho bộ phim King Kong (1976) và thua về tay Jessica Lange.
Mặc dù vậy, Meryl Streep luôn khiến cho người khác tin tưởng do sở hữu khả năng hóa thân tuyệt vời cùng tinh thần làm việc nghiêm túc, luôn hết mình vì vai diễn. Bà về sau đã được trao cho rất nhiều vai diễn có chiều sâu, có tính cách mạnh mẽ hay nội tâm phức tạp.
Đặc biệt, Meryl Streep còn nổi tiếng với khả năng biến đổi giọng nói của mình sao cho phù hợp với yêu cầu của kịch bản, bất kể đó là tiếng Anh giọng Pháp hay là một người Ý phát âm tiếng Pháp.
Meryl Streep và Dustin Huffman trong 'Kramer VS Kramer'
Với vai bà mẹ đơn thân buộc phải đấu tranh với chồng cũ để giành quyền nuôi con trong Kramer VS. Kramer, Meryl Streep đã chiến thắng giải Oscar đầu tiên. Đây cũng là bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1979. Thành công này đã chính thức đưa tên bà vào hàng ngũ những nữ diễn viên chính.
Sau đó, hầu như bộ phim nào có sự góp mặt của Meryl Streep cũng đều lọt vào mắt xanh của các nhà phê bình nghệ thuật. Họ tò mò một nữ diễn viên thực lực, đầy tài năng như bà sẽ lựa chọn những kịch bản như thế nào. Và khi đó là một tác phẩm hay, họ sẽ đưa tên bà vào danh sách đề cử của các lễ trao giải danh giá nhất.
Năm 1982, Meryl Streep gây chấn động với vai diễn Sophia trong bộ phim Sophia’s Choice lấy bối cảnh chiến tranh thế giới lần hai. Ban đầu, đạo diễn Alan J. Pakula đã lựa chọn nữ diễn viên Magdaléna Vášáryová. Thế nhưng, Meryl Streep sau khi đọc kịch bản đã quỳ xuống năn nỉ ông giao vai diễn cho bà. Cảm động trước quyết tâm của ngôi sao mới nổi, Alan J. Pajula đã đồng ý và đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Meryl Streep và Jessica Lange tại lễ trao giải Oscar 1983
Nhân vật Sophia của Meryl Streep trong Sophia’s Choice được đánh giá là một trong những màn thể hiện xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh và được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường đại học. Nó mang về cho bà tượng vàng Oscar thứ 2 và lần này là cho hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”.
Những năm còn lại của thập niên 1980, Meryl Streep liên tục gặt hái nhiều thành công với các bộ phim như Out of Africa (1985), Ironweed (1987), Evil Angels (1988)… và chiến thắng hàng loạt giải thưởng danh giá.
Meryl Streep trong 'Out of Africa'
Sang thập niên 1990, sự nghiệp Meryl Streep bị chựng lại. Bà buộc phải đối diện với một sự thật là bản thân vừa bước sang tuổi 40 – cái giới hạn vô hình mà Hollywood đã đặt ra cho các nữ diễn viên. Kịch bản đưa đến thưa dần và có ít lựa chọn hơn trước. Thậm chí, bà còn buộc đưa ra một tuyên bố là không đóng những vai phù thủy xấu xí sau khi nhận được không ít lời mời giống như các nữ diễn viên lớn tuổi khác.
“Khi một nữ diễn viên bước sang tuổi trung niên, sẽ chẳng còn ai hứng thú với họ nữa. Và nếu còn muốn sinh con đẻ cái nữa thì bạn buộc phải quyết định cực kỳ cẩn thận”, Meryl Streep nói.
'Death Becomes Her' là một trong những bộ phim hài hiếm hoi của Meryl Streep
Trong một hội thảo được tổ chức vào năm 1990, Meryl Streep đã chỉ trích định kiến tại Hollywood dành cho phụ nữ. Cơ hội việc làm của họ bị giảm sút cũng như bị các nhà sản xuất hạ thấp tầm quan trọng cả trước và sau ống kính máy quay.
Bộ phim thành công nhất của Meryl Streep trong thập niên 1990 là The Bridges of Madison County (1995) đóng chung với Clint Eastwood. Ông cũng đảm nhận vai trò đạo diễn. Với kinh phí 22 triệu USD, bộ phim đã mang về 182 triệu USD tiền vé và thêm một đề cử Oscar cho Meryl Streep.
Một cảnh trong phim 'The Bridges of Madison County" (1995)
Với những đóng góp lâu dài và to lớn cho điện ảnh, Meryl Streep đã được vinh danh giải thưởng Thành tựu trọn đời của Viện phim Mỹ vào năm 2004 khi chỉ mới 55 tuổi. Trong buổi lễ nhận giải, bà đã nhìn vào bức tượng vừa được trao và đùa rằng: “Tôi hi vọng đây không phải là kết thúc”. Sự thật đã diễn ra đúng như thế.
Meryl Streep không bỏ cuộc. Bà chờ đợi, suy xét và nắm bắt cơ hội khi nó đến. Theo bà, mọi thứ vẫn tiếp diễn nếu bạn không chịu khuất phục trước những luật lệ và quy tắc.
'The Devil Wears Prada' thành công cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật bất chấp chủ đề thời trang thường bị đánh giá thấp
Năm 2006, Meryl Streep tham gia bộ phim The Devil Wears Prada dựa trên một cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lauren Weisberger. Vai diễn tổng biên tập Miranda xấu tính trong phim vốn được lấy cảm hứng từ tổng biên tập Anna Wintour của tạp chí Vogue Mỹ.
Tuy nhiên, thù lao trả cho bà rất thấp. Ai có thể ngờ rằng một cái tên như Meryl Streep lại chưa từng đưa ra yêu cầu về tiền lương? Sau khi bàn luận với 20th Century Fox, thù lao của Meryl Streep được tăng lên cho xứng đáng với công sức bà bỏ ra.
The Devil Wears Prada đã thành công vang dội và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong sự nghiệp của Meryl Streep tính đến thời điểm đó (326 triệu USD). Đặc biệt, nó khiến cho thế hệ khán giả trẻ biết đến bà với tư cách là một minh tinh điện ảnh đang đương thời chứ không phải là một cái tên lạ lẫm xa xăm nào đó từ những bộ phim cổ điển rối rắm và khó hiểu.
Ekip phim Mamma Mia! tại buổi công chiếu
Hai năm sau, Meryl Streep tham gia vào bộ phim ca nhạc Mamma Mia! với chất liệu là những ca khúc của ban nhạc huyền thoại ABBA. Đây là bộ phim có doanh thu cao thứ 5 trong năm 2008 và chiếm trọn trái tim của hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Các nhà phê bình đã đùa rằng “đến sau cùng Meryl Streep cũng trở thành ngôi sao điện ảnh đích thực”.
Cùng năm đó, vai diễn trong Doubt mang về cho bà đề cử Oscar lần thứ 15. Kỷ lục 14 lần trước đó của Katherine Hepburn thế là đã chính thức bị lật đổ.
Năm 2012, Meryl Streep chiến thắng giải Oscar lần thứ 3 cho vai diễn bà đầm thép Margaret Thatcher trong The Iron Lady. Bà đã quyên góp toàn bộ thù lao tương đương 1 triệu USD cho một viện bảo tàng phụ nữ ở Anh.
Meryl Streep cười mãn nguyện trên sân khấu Oscar năm 2012 sau nhiều năm đề cử nhưng tay trắng ra về
Vậy là sự nghiệp của Meryl Streep đã không hề kết thúc như dự đoán của nhiều người mà ngược lại, nó bước sang một trang hoàn toàn mới. Đây là lần đầu tiên kể từ thời của Katherine Hepburn, một phụ nữ trung niên mới có sức hút lớn đến như thế tại Hollywood. Không phải là những vai diễn trong các bộ phim truyền hình hay những bộ phim kinh phí thấp mà là đứng giữa trung tâm của sự chú ý và liên tục được nhắc đến.
17 đề cử Oscar với 3 chiến thắng tưởng chừng đã là đủ. Một kỷ lục khó ai bì kịp, ít nhất là trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, Meryl Streep không hề dừng lại để nghỉ ngơi hay tự thỏa mãn với chính mình mặc dù đã gần sang tuổi thất thập cổ lai hy. Bà tiếp tục gây ngạc nhiên với đề cử lần thứ 18, 19, 20 và 21! Rõ ràng bạn không thể khước từ một tài năng xuất chúng chỉ vì người đó đã được vinh danh quá nhiều lần.
Colin Firth từng nói, Meryl Streep đã đẩy tiêu chuẩn lên từng chút một thông qua những bộ phim của mình. Bà khiến cho những người khác phải chạy hụt hơi để theo sau.
Meryl Streep và Cher tại buổi công chiếu phim 'Mamma Mia! Here We Go Again' vào tuần trước
Năm nay, Meryl Streep ở tuổi 68 vẫn có 2 bom tấn được công chiếu ngoài rạp: Mamma Mia! Here We Go Again và Mary Poppin Returns. Ngoài ra còn có một series phim truyền hình đóng chung với Nicole Kidman là Big Little Lies phần 2 trên kênh HBO.
Có thể nói, Meryl Streep đã trở thành một tượng đài bằng cách phá bỏ những giới hạn và trung thành với đam mê của mình. Violas Davis tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2017 đã nói rằng “Meryl Streep đã giúp tôi, một người phụ nữ trung niên, nhận ra rằng cơ thể và tuổi tác của mình là hoàn toàn đủ!”.
Hay nói theo cách khác, Meryl Streep đã dọn đường cho những nữ diễn viên trẻ tự tin theo đuổi ước mơ và tin rằng giá trị của bản thân không hề được định nghĩa bởi người khác. Dường như bà cũng chưa có ý định dừng lại.
Mai Thảo