Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ và câu chuyện đáng buồn sau đó

03/06/2020 15:00
Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ và câu chuyện đáng buồn sau đó

Sứ mệnh giải cứu em bé 18 tháng tuổi đã thành công vang dội, khiến hàng triệu người xúc động. Nhưng sau đó, cả bố mẹ của đứa trẻ lẫn một nhân viên cứu hộ đều gặp phải những bước ngoặt đáng buồn do sự nổi tiếng bất ngờ.

Ngày 14/10/1987, bé gái Jessica McClure 18 tháng tuổi đã rơi xuống một cái giếng cạn ở thành phố Midland, bang Texas. Đứa bé đang chơi trong sân nhà dì ruột của mình, đồng thời là một nhà giữ trẻ thì tai nạn bất ngờ xảy ra. Mẹ của em, Cisssy, chứng kiến toàn bộ sự việc và nhanh chóng gọi điện cầu cứu. Người mẹ thậm chí không đủ bình tĩnh và can đảm để theo dõi hết những gì xảy ra sau đó.

Sứ mệnh giải cứu 58 giờ chấn động nước Mỹ

Cái giếng nơi đứa bé rơi xuống sâu khoảng 6,7 m trong khi đường kính chỉ có 20 cm. Cuộc giải cứu Jessica kéo dài suốt 58 tiếng đồng hồ, được hàng loạt báo đài Mỹ cập nhật sát sao gây chấn động thế giới. Mức độ căng thẳng, nghẹt thở có thể so sánh với nhiệm vụ giải cứu đội bóng nhí "Lợn Hoang" ở hang Tham Luang (Thái Lan) vào năm 2018.

Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ: Bé gái được bế ra khỏi giếng hẹp khiến hàng triệu người vỡ òa và câu chuyện đáng buồn sau đó - Ảnh 1.

Hiện trường cứu hộ (Ảnh: Getty)

Nhiệm vụ của đội cứu hộ năm 1987 thật sự khó khăn. Sau khi bàn bạc kĩ lưỡng, họ quyết định sử dụng máy khoét lỗ sâu - loại thiết bị thông thường dùng để thiết lập trụ viễn thông trên mặt đất.

Đầu tiên, đội cứu hộ khoan 1 hố sâu song song với giếng, tiếp đó khoan đường ống theo chiều ngang nối qua giếng. Trên thực tế, khoan lỗ sâu khá dễ, nhưng điều khó khăn nhất là khoan đường ống nằm ngang vì các thiết bị không được thiết kế với mục đích như vậy.

Đội cứu hộ cần thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng, song cũng vô cần cẩn thận để không làm tổn hại nạn nhân nhỏ tuổi. Đồng thời, oxy đều đặn bơm xuống giếng và một nhân viên đã túc trực dỗ dành đứa trẻ quấy khóc trong sợ hãi.

Toàn bộ quá trình giải cứu được truyền hình trực tiếp trên CNN - đài truyền hình đầu tiên, và khi đó là duy nhất ở nước Mỹ phát sóng 24/7. Đây cũng là lần thứ 2 mà khán giả Mỹ được chứng kiến một sự kiện nghẹt thở diễn ra ngay trước mắt mình (sau vụ Thảm họa tàu con thoi Challenger xảy ra năm trước đó, 1986). Nhiều người còn cho rằng câu chuyện "Em bé Jessica" là một bước ngoặt trong lịch sử truyền thông, đánh dấu sự bùng nổ của dịch vụ truyền hình 24/7.

Đến chiều ngày 16/10/1987, bé gái Jessica được nhấc lên khỏi miệng giếng một cách an toàn. Hàng loạt bức ảnh đã chụp được khoảnh khắc em bé nằm yên bình trong vòng tay của nhân viên giải cứu, đầu và thân người quấn băng, cánh tay phủ đầy bùn đất và đôi mắt gần như khép chặt... Một trong số các bức ảnh đã đoạt giải báo chí Pulitzer.

Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ: Bé gái được bế ra khỏi giếng hẹp khiến hàng triệu người vỡ òa và câu chuyện đáng buồn sau đó - Ảnh 2.

Em bé được giải cứu sau 58 giờ nghẹt thở (Ảnh: David Woo/Sygma via Getty)

Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ: Bé gái được bế ra khỏi giếng hẹp khiến hàng triệu người vỡ òa và câu chuyện đáng buồn sau đó - Ảnh 3.

Bức ảnh đạt giải Pulitzer của tác giả Scott Shaw.

Di chứng để lại cho những người liên quan trong vụ tai nạn hi hữu

Trong những năm tiếp theo, bé gái phải trải qua 15 cuộc phẫu thuật khác nhau. Phần chân do chống đỡ cả thân mình trong thời gian quá dài, đã khiến ngón chân cái bị hoại tử và phải cắt bỏ, đồng thời tái cấu trúc toàn bộ bàn chân. Ngoài ra, em bé có một vết sẹo nhỏ từ đường chân tóc đến sống mũi.

Hơn 2 năm sau vụ tai nạn, bố mẹ của Jessica đã li dị. Họ chỉ mới 18 tuổi khi đón con gái chào đời. Và ngay sau khi cuộc giải cứu thần kỳ diễn ra, sự nổi tiếng đột ngột giống những cơn lở tuyết kéo đến nhấn chìm cặp đôi trẻ. Cuộc ly hôn này tốn không ít giấy mực của báo chí, sau đó mỗi người đều tiến thêm bước nữa.

Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ: Bé gái được bế ra khỏi giếng hẹp khiến hàng triệu người vỡ òa và câu chuyện đáng buồn sau đó - Ảnh 4.

"Bé gái mọi người Mỹ đều biết đến" Jessica, bên cạnh mẹ Cissy và bố Chip (Ảnh: People TV)

Ngoài việc trải qua cuộc phẫu thuật và chuyện bố mẹ chia tay, tuổi thơ của Jessica đã phát triển bình thường. Đến lúc 5 tuổi, em mới biết về chuyện năm xưa một cách tình cờ. Jessica hỏi mẹ kế rằng, em bé mắc kẹt trong tập phim tài liệu "Rescue 911" là ai, sau đó mới biết mình đã trải qua những chuyện chấn động đến vậy.

8 năm sau cuộc giải cứu, Robert O'Donnell - nhân viên cứu hộ đưa bé gái lên mặt đất an toàn - đã tự sát. Anh được ca ngợi như một anh hùng, thế nhưng không thể trở về một cuộc sống bình thường như trước. "Từ sau cuộc giải cứu Jessica, cuộc đời anh ấy đã tan rã dần" - em trai của Robert cho biết.

Vài ngày trước khi mất, Robert đã cùng mẹ xem một cuộc cứu hộ các nạn nhân trong vụ nổ bom ở Oklahoma. Và anh ấy từng nói: "Khi nhiệm vụ hoàn thành, những nhân viên cứu hộ cần rất nhiều sự giúp đỡ. Không phải trong vài ngày hay vài tuần, mà là nhiều năm". Các chuyên gia tâm lý nhận định Robert đã gặp phải hậu chấn tâm lý (PTSD) sau khi tham gia cứu hộ em bé Jessica.

Về đứa bé, sau này em không tiếp xúc nhiều với truyền thông. Năm 2002, ở tuổi 15, Jessica nói rằng lần đầu tiên em "cảm thấy buồn" do tai nạn là lúc bắt đầu mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Năm 2006, ở tuổi 19, Jessica kết hôn với Daniel Morales. Cặp đôi có với nhau hai đứa bé. Khi Jessica 25 tuổi thì con út vừa tròn 18 tháng tuổi (bằng tuổi người mẹ lúc xảy ra tai nạn). Khi ấy, gia đình đã được sử dụng nguồn quỹ được thành lập năm xưa do khán giả xem đài và các nhà hảo tâm quyên góp.

Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ: Bé gái được bế ra khỏi giếng hẹp khiến hàng triệu người vỡ òa và câu chuyện đáng buồn sau đó - Ảnh 5.

Bé gái sống sót thần kỳ năm xưa giờ đã là bà mẹ hai con 34 tuổi, có cuộc sống giản dị bình thường.

Về sau, trong lúc làm trợ giảng ở trường dành cho trẻ em khuyết tật, Jessica đã dùng chính câu chuyện của mình để khuyên nhủ các em nhỏ về sự khiêm tốn, đừng bao giờ quên mỗi sinh mạng đều vô cùng quý giá. Sự sống không phải là điều dĩ nhiên có sẵn, mà mỗi người luôn phải đấu tranh và phấn đấu tiến lên trong mỗi ngày.

"Khi trưởng thành và trở về nhìn lại cái giếng năm xưa, tôi cảm thấy hơi khó chịu nhưng không phải là nỗi ám ảnh. Đối với tôi, cái giếng là biểu tượng nhắc nhở rằng nó có thể cướp đi mạng sống của tôi năm xưa nhưng mọi chuyện lại không xảy ra như vậy. Tôi đã được Chúa phù hộ vào ngày hôm ấy" - Jessica cho biết.

Miệng giếng luôn được đóng kín suốt bao nhiêu năm nay, trở thành khu vực kỉ niệm và thu hút khá đông khách du lịch. Trên nắp giếng có dòng chữ: "Vì Jessica, ngày 16/10/1987, với tình yêu thương của tất cả chúng tôi".

Cuộc giải cứu nghẹt thở trên truyền hình Mỹ: Bé gái được bế ra khỏi giếng hẹp khiến hàng triệu người vỡ òa và câu chuyện đáng buồn sau đó - Ảnh 6.

Miệng giếng được đóng kín, nó rất hẹp, đường kính chỉ 20 cm (Ảnh: Getty)

(Theo Time, Mamamia)

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 2, 16/09/2024