Chuyện người giàu nhất thế giới: Truyền cảm hứng hay bài học làm giàu bằng đạp lên tất cả?

10/07/2020 08:00
Chuyện người giàu nhất thế giới: Truyền cảm hứng hay bài học làm giàu bằng đạp lên tất cả?

Jeff Bezos là con của người mẹ vị thành viên, nhà phát minh nhí, từng nghĩ trở thành nhà vật lý lý thuyết nhưng lại rẻ ngang khởi nghiệp ở tuổi 30 từ hai bàn tay trắng và lần đầu trở thành người giàu nhất thế giới vào năm 2017. Mới đây, Jeff Bezos tự phá kỷ lục là người giàu nhất của chính mình.

           

Jeff Bezos - Câu chuyện truyền cảm hứng hay bài học khi làm giàu?

Từ đầu năm 2020 đến nay, tài sản của ông chủ Amazon đã tăng 56,7 tỉ USD và cán mốc hơn 171 tỉ USD. Qua đó, doanh nhân công nghệ 56 tuổi chính thức vượt qua kỷ lục 167,7 tỉ USD hồi năm 2018 trước khi ông ly hôn vợ.

Nguồn thu chính của Jeff Bezos đến từ Amazon, sàn điện tử lớn nhất thế giới.

Năm 1994, Jeff Bezos nhận ra được sự tăng trưởng của internet nên thành lập và trình làng Amazon tại gara của gia đình. Trong tháng đầu tiên sau khi ra đời, Amazon bán sách cho người đọc ở 50 bang của Mỹ, sau đó không ngừng phát triển và mở rộng danh mục sản phẩm. Đến nay, Amazon bán hầu hết mọi thứ, từ quần áo cho tới dịch vụ điện toán đám mây.

Năm 2017, Jeff Bezos lần đầu tiên vượt qua Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, để trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản hơn 90 tỉ USD. Ngày 1.7 vừa qua, Jeff Bezos tự phá kỷ lục của chính mình khi tài sản đạt mốc 171 tỉ USD.

Trong mùa dịch COVID-19, đa phần các doanh nghiệp lao đao, còn Amazon làm ăn phát đạt đến mức thuê thêm 200.000 nhân công nhưng lại dính tai tiếng không đảm bảo an toàn chống dịch do nhân viên thiếu đồ bảo hộ. Rộ tin có 1.600 nhân viên hãng này mắc COVID-19. Dù vậy, Amazon tuyệt nhiên không công bố số ca mắc bệnh.

Ngoài cáo buộc bóc lột nhân công bằng điều kiện làm việc khắc nghiệt, trấn áp công đoàn và theo dõi người dùng qua các sản phẩm thông minh, Amazon đang bị điều tra hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép những người bán hàng bên thứ ba trên chính nền tảng của mình.

Jeff Bezos và MacKenzie Tuttle lúc còn mặn nồng.

Hơn 1 năm trước, Jeff Bezos li dị vợ là bà MacKenzie Tuttle và đặt dấu hết cho cuộc hôn nhân 25 năm với 4 đứa con.

Jeff Bezos phải chia cho vợ cũ số cổ phiếu trị giá 38 tỉ USD. Đây là bệ phóng đưa MacKenzie Tuttle trở thành người phụ nữ giàu thứ hai thế giới với tổng tài sản 56,9 tỉ USD, chỉ đứng sau Françoise Bettencourt Meyers - cháu gái của nhà sáng lập L'Oréal và thừa kế hãng mỹ phẩm này.

Câu chuyện về Jeff Bezos sẽ truyền cảm hứng về con người một tay làm nên tất cả, hay bài học cho việc làm giàu bằng cách đạp lên tất cả tùy cách nhìn và bạn đang là ai.

8 bài học quan trọng nhất đằng sau thành công của Jeff Bezos

1. Theo đuổi triết lý “ngày đầu tiên”

Jeff Bezos đưa ra triết lý “ngày đầu tiên” từ những ngày đầu hoạt động của Amazon. Triết lý này có nghĩa rằng Amazon sẽ luôn cố gắng giữ tinh thần của một công ty khởi nghiệp – chống lại sự tự mãn có thể giết chết thành công. Jeff Bezos định nghĩa “ngày thứ hai” là sự ngưng trệ và tiếp đó sẽ là suy giảm. Do đó, ông luôn cố gắng giữ công ty ở trạng thái “ngày đầu tiên”.

Jeff Bezos đã từng đề cập triết lý “ngày đầu tiên” trong bức thư gửi tới cổ đông năm 1997. Ông bắt đầu bằng việc liệt kê các sự kiện mà công ty đã đạt được trong năm đó, như là phục vụ 1,5 triệu khách hàng và đem về doanh thu 147,8 triệu USD. Tiếp đó, Jeff Bezos nói về cách công ty phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội để phát triển trong thị trường đầy cạnh tranh. Amazon đang phục vụ hơn 310 triệu khách hàng với doanh thu năm 2017 đạt 178 tỉ USD.

Triết lý “ngày đầu tiên” kết hợp với tầm nhìn, cùng sự quyết tâm và những bước đi táo bạo có tính toán đã trở thành kim chỉ nam cho Amazon.

2. Lấy khách hàng làm trung tâm

Ngay từ những ngày đầu, Jeff Bezos đã bị ám ảnh với việc luôn đổi mới theo nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Ông tin rằng việc tập trung vào khách hàng là cốt lõi, chứ không phải đối thủ cạnh tranh. Theo Jeff Bezos, đừng lãng phí thời gian để nâng cao vị thế, thay vào đó hãy tập trung vào việc đi trước thị trường, tìm cách để khách hàng cảm thấy hào hứng và đòi hỏi nhiều hơn.

“Một điều tôi yêu thích ở khách hàng là họ luôn bất mãn. Kỳ vọng của họ không bao giờ đứng yên. Đó là bản chất con người… Chúng ta không thể ngủ quên trên chiến thắng ở thế giới này”, Jeff Bezos viết trong thứ gửi tới cổ đông vào năm 2017.

Bạn cần hiểu rõ thị trường của mình và những gì mà khách hàng đang tìm kiếm. Nếu bạn mang lại cho khách hàng những gì mà họ muốn, họ sẽ tiếp tục quay trở lại. Jeff Bezos coi đây là cách duy nhất để tồn tại và phát triển trong một thị trường luôn có sự thay đổi. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất đằng sau tất cả những thương vụ đầu tư của Amazon.

3. Bạn sẽ hối hận điều gì khi 80 tuổi?

Trong thế giới kinh doanh khốc liệt, thật khó để biết cơ hội nào là phù hợp và cơ hội nào nên bỏ qua. Làm thế nào để bạn có thể xác định được con đường đi đúng đắn?

Đây là tình huống mà Jeff Bezos phải đối mặt khi ông nảy ra ý tưởng thành lập cửa hàng sách trực tuyến. Thời điểm đó, Jeff Bezos đã có công việc tuyệt vời tại một quỹ đầu cơ, song ông đã nhận thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của internet và biết được rằng ý tưởng của mình thực sự có tiềm năng. Vậy bằng cách nào mà Jeff Bezos có đủ can đảm rời bỏ một công việc ổn định với mức lương cao để khởi nghiệp?

Trong thời khắc đó, Jeff Bezos đã tưởng tượng mình 80 tuổi và tự hỏi rằng liệu bản thân có hối hận khi không nắm lấy cơ hội này? Câu trả lời chắc chắn là “có”.

“Trong hầu hết mọi trường hợp, sự hối tiếc lớn nhất của chúng ta hóa ra là việc bỏ qua cơ hội. Đó là những con đường đã không lựa chọn và nó sẽ ám ảnh chúng ta”, Jeff Bezos cho biết. CEO Amazon luôn cảm thấy tự hào rằng ông đã làm thử, ngay cả khi có thể thất bại.

4. Xây dựng đội ngũ tốt nhất cho doanh nghiệp

Sự thành công của doanh nghiệp phần nhiều phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Jeff Bezos rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ nhân viên. Triết lý của ông là tập trung vào việc đưa đúng người vào đội ngũ quản lý, sau đó cho họ hưởng thành quả trong sự thành công của công ty, nhằm thúc đẩy động lực cống hiến.

Trong thư gửi cổ đông năm 2017, Jeff Bezos có viết: “Chúng tôi biết thành công của Amazon phần lớn nhờ vào khả năng thu hút và giữ chân đội ngũ nhân viên có động lực, mỗi người đều phải nghĩ rằng mình là chủ công ty và thực sự đúng như vậy”.

Để làm được điều này, Amazon có chế độ thưởng quyền chọn mua cổ phiếu hậu hĩnh dành cho nhân viên. Đó là động lực giúp nhân viên cống hiến vào thành công chung của công ty.

Amazon thậm chí còn thực hiện việc trả 5.000 USD cho những nhân viên muốn nghỉ việc. Điều này cho phép công ty có thể loại bỏ những nhân viên bất mãn hoặc không muốn làm việc, từ đó tiết kiệm chi phí nhiều hơn trong dài hạn. Những nhân viên ở lại sẽ cam kết hơn với công việc.

5. Hãy táo bạo và luôn đổi mới

Jeff Bezos cho biết mục tiêu của Amazon là “lấy khách hàng làm trung tâm nhất thế giới”, do đó gần như tất cả mọi hoạt động của công ty đều hướng tới mục tiêu này.

Thế nên, Amazon liên tục tối ưu hóa hệ thống hậu cần và phân phối, nhằm giúp dịch vụ được trơn tru và hiệu quả nhất có thể. Hãng đã đầu tư lượng lớn tài nguyên vào phát triển cơ sở hạ tầng. Các khoản đầu tư này đã được đền đáp xứng đáng với danh hiệu nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới.

Trong việc phát triển Amazon, Jeff Bezos sẵn sàng thực hiện những bước đi mạo hiểm trong ngắn hạn, miễn là có thể giúp công ty đạt được các mục tiêu trong tương lai và gia tăng thị phần.

6. Đưa doanh thu trở lại đầu tư vào công ty

Tiết kiệm là một trong những nguyên tắc cơ bản của Amazon. Chi phí thấp, sự hiệu quả và cực kỳ cạnh tranh đã đem về hàng tỉ USD cho Amazon. Jeff Bezos luôn tập trung vào việc duy trì năng suất cao và đảm bảo tiết kiệm ở tất cả các cấp – từ lãnh đạo trở xuống. Website Amazon đã đưa tiết kiệm làm nguyên tắc cốt lõi: “Đạt được nhiều hơn với chi phí thấp hơn. Sự ràng buộc tạo ra tính tháo vát, tự túc và sáng tạo”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng Jeff Bezos không chi tiền đầu tư nhưng ông tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực có ích cho khách hàng. Theo ông Bezos, cắt giảm chi phí không cần thiết sẽ giúp giá giảm và tiết kiệm cho khách hàng.

Dẫu có vốn hóa gần 900 tỉ USD song lợi nhuận tích lũy của Amazon chỉ đạt 5,7 tỉ USD. Nguyên nhân do Amazon liên tục tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và gia tăng thị phần.

7. Chấp nhận rủi ro thất bại để thành công

Một trong những chiến lực chính để thành công của Jeff Bezos đến từ cách tiếp nhận sự thất bại. Ông tin tưởng vào việc thử một loạt các ý tưởng, dù rằng một số dự án sẽ thất bại. Ông cho rằng chấp nhận những rủi ro đã được tính toán là cần thiết. Thực tế, chấp nhận khả năng thất bại đã giúp Jeff Bezos có đủ can đảm để khởi nghiệp.

Khi mới thành lập Amazon, Jeff Bezos tin rằng mình chỉ có 30% cơ hội thành công. Ông đã xây dựng công ty bằng cách chấp nhận rủi ro và đôi khi làm như vậy có nghĩa là mất tiền để được bài học. Ông chủ Amazon cũng từng đùa về việc tạo ra “hàng tỉ USD từ thất bại”.

8. Luôn luôn hướng về phía trước

Jeff Bezos luôn tập trung vào tư duy và chiến lược dài hạn khi nói về Amazon, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho mọi người luôn hướng về tương lai phía trước. Điều này được thể hiện qua nhiều dự án mà ông đang thực hiện.

Năm 2000, Jeff Bezos thành lập hãng hàng không vũ trụ Blue Origin, phát triển công nghệ nhằm tạo ra các chuyến bay vào không gian với giá cả phải chăng cho mọi người. Đó là một phần ước mơ dài hạn của ông trong việc đưa con người định cư ngoài vũ trụ. Jeff Bezos cũng đang làm việc với Long Now Foundation để xây dựng đồng hồ vạn niên – biểu tưởng của tư duy dài hạn.

Hướng tới tương lai với mục tiêu dài hạn từ lâu đã luôn được ấp ủ trong cách nghĩ và quan điểm của Jeff Bezos. Đối với Jeff Bezos, hành trình này không bao giờ kết thúc.

Tiểu sử Jeff Bezos

Theo Wikipdia, Jeff Bezos sinh ra vào tháng 1.1964. Sau đó ít năm, bà Jackie, mẹ ông, tái hôn với người đàn ông di cư từ Cuba tên Mike Bezos. Jeff Bezos không hề biết Mike không phải cha đẻ của mình cho đến khi ông 10 tuổi, nhưng chính việc biết mình phải bắt đầu đeo kính lại khiến ông bị “choáng” hơn cả.

Jeff Bezos thời nhỏ

Trong khoảng thời gian từ 4-16 tuổi, Jeff Bezos trải qua những kì nghỉ hè tại trại nuôi súc vật của ông bà ở bang Texas (Mỹ), nơi ông làm những công việc như sửa chữa cối xay gió hay biến những chú bò đực thành “thái giám”.

Ông của Jeff Bezos, Preston Gise, chính là nguồn cảm hứng cho nhà sáng lập này và cũng giúp ông kiên trì theo đuổi con đường tri thức. Trong một bài diễn văn năm 2010, Jeff Bezos cho biết Preston Gise đã dạy ông rằng “làm một người tốt thì khó hơn là làm người thông minh”.

Ông đặc biệt yêu thích bộ phim Star Trek (Du hành giữa các vì sao) và cũng là fan những phiên bản sau của bộ phim này. Ông đã từng nghĩ về việc đặt tên trang web của mình là MakeItSo.com thay vì Amazon. “Make it so” là lời thoại nổi tiếng của nhân vật thuyền trưởng Jean-Luc Picard trong Star Trek.

Sau khi dành một mùa hè làm việc khổ sở ở McDonald’s, Jeff Bezos cùng bạn gái thành lập trại hè 10 ngày cho trẻ em mang tên DREAM Institute. Dẫu họ tính phí 600USD/trẻ nhưng đã có 6 người đăng kí. Trong chương trình của trại hè này thì series Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) nằm trong những cuốn sách cần phải đọc.

Jeff Bezos trở thành sinh viên của đại học Princeton, ngành Khoa học máy tính. Sau khi tốt nghiệp, ông đã từ chối lời mời từ Intel và Bell Labs để tham gia một công ty công nghệ mới khởi nghiệp tên Fitel.

Jeff Bezos rời khỏi Fitel, đến làm ở Banker Trust, sau đấy là công ty quỹ đầu cơ D.E. Shaw và trở thành phó giám đốc chỉ sau 4 năm.

Năm 1993, Jeff Bezos kết hôn với MacKenzie Tuttle, nhân viên của D.E. Shaw. Hiện bà đã chuyển sang viết tiểu thuyết.

Năm 1994, tốc độ tăng trưởng 2300%/năm của internet đã khiến Jeff Bezos rất bất ngờ và ngay lập tức nắm bắt cơ hội này. Ông lập ra 1 danh sách gồm 20 mặt hàng dễ bán qua mạng nhất và quyết định sách báo là lựa chọn số 1.

Jeff Bezos quyết định rời khỏi D.E. Shaw mặc dù đang có một công việc tuyệt vời. Ông cảm thấy bản thân sẽ rất hối tiếc nếu không tham gia vào cuộc cách mạng internet này. Amazon ra đời từ đó. MacKenzie và Jeff Bezos đã bay về Texas để mượn ô tô của bố, sau đó lái đến Seattle.

Jeff Bezos ngồi lập kế hoạch doanh thu trong suốt quãng đường, nhưng cặp vợ chồng vẫn dành thời gian dừng xe để ngắm bình minh trên dãy Grand Canyon.

Trong những ngày đầu, mỗi khi có người mua bán thì chiếc chuông trong văn phòng sẽ reo lên. Chỉ ít tuần sau, vì chuông kêu quá nhiều nên họ đã phải khiến nó ngừng lại.

Trong tháng đầu hoạt động, Amazon đã bán sách cho người dân ở khắp 50 bang của Mỹ và 45 quốc gia khác nhau. Amazon tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong số rất ít các công ty khởi nghiệp không bị phá sản bởi “Bong bóng Dot-com”.

Jeff Bezos là ông sếp khó tính và rất dễ nổi cáu với nhân viên. Họ đồn rằng ông đã phải thuê chuyên gia tâm lý để giúp mình kiềm chế việc này.

Năm 1998, Jeff Bezos đã sớm đầu tư cho Google. Ông đã đầu tư 250.000 USD, tức là khoảng 3,3 triệu cổ phiếu khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu năm 2004.

Vào năm 2012, Jeff Bezos đã quyên góp 2,5 triệu USD để bảo vệ kết hôn đồng tính ở Washington. Ông cũng đã quyên góp 42 triệu USD và 1 phần đất ở Texas cho công trình The Clock of the Long Now, một chiếc đồng hồ dưới lòng đất được thiết kế để hoạt động trong 10.000 năm.

Tháng 8.2013, Jeff Bezos chi 250 triệu USD để mua lại tờ báo The Washington Post.

Ông đầu tư cho một công ty tư nhân chuyên về hàng không vũ trụ tên Blue Origin. Công ty này đang phát triển các kỹ thuật phục vụ cho các chuyến du hành vũ trụ cá nhân.

Năm 2003, ông đã suýt chết vì rơi trực thăng khi đang tìm địa điểm cho các chuyến phóng thử của công ty ở vùng hẻo lánh tây Texas.

Công ty Blue Origin lúc đó có 300 nhân viên và đang chờ cấp phép cho một trong những động cơ tên lửa của họ.

Cuối 2013, Jeff Bezos đã gây xôn xao dư luận bằng việc tuyên bố trên chương trình 60 Minutes rằng Amazon đang có dự án chế tạo những chiếc máy bay không người lái có khả năng chuyển phát đồ trong vòng 30 phút.

Ông sở hữu căn nhà ở hồ Washington cùng khu đất trị giá 24,25 triệu USD ở Beverly Hills.

Nhân Hoàng (tổng hợp)


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024