Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL về việc đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, chợ Phong Lưu Khâu Vai (Chợ tình Khâu Vai) từ khi hình thành đến nay đã hơn 100 năm. Đây là chợ phiên đặc sắc nhất ở Hà Giang. Chợ không phải là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản hay nhu yếu phẩm mà là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày. Lễ hội thường diễn ra khoảng ba ngày, và phiên chợ chính diễn ra vào ngày 27/3 (Âm lịch).
Nơi đây không chỉ lưu giữ chuyện tình yêu đẹp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mà còn là không gian văn hóa sinh động, đặc sắc, phản ánh rõ nét đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá như: Dệt vải lanh truyền thống, giã bánh dày, các trò chơi dân gian; Lễ dâng hương, cầu duyên miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu mưa của người Lô Lô; giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống với nội dung trình diễn thổi khèn Mông, hát dân ca dân tộc Nùng, múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô; múa nón, múa khăn, múa kiếm của dân tộc Giáy; hát đối giao duyên qua ống dây, đánh yến, ném pao, tung còn, bắn nỏ...
Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút du khách nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày, phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3.
Việc Chợ tình Khâu Vai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là cơ hội để Hà Giang gìn giữ nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển du dịch trên vùng Cao nguyên đá nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung.
Nguyễn Hằng