Thế nhưng giữa cơn đại dịch, ví như một lúc hoạn nạn, lại có những người tìm cách trục lợi trên chính nỗi đau đồng loại.
Từ khi dịch viêm phổi do coronavirus gây ra, đến nay đã có nhiều nhà thuốc bị xử lý vì tăng giá khẩu trang. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo rút giấy phép những nơi vi phạm về tăng giá khẩu trang. Nó cho thấy sự ra tay mạnh mẽ của cơ quan chức năng - quyết không để tình trạng “làm giá”, tăng thêm nỗi bấn loạn với người dân, để xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Giữa bối cảnh đó lại xuất hiện kiểu toa rập, móc nối lẫn nhau không phân phối khẩu trang, đi ngược lại với chủ trương ngăn dòng dịch bệnh của Chính phủ. Thậm chí, nơi thì bù đầu tìm cách nhập khẩu trang bán cho dân, nơi thì ém hàng... xuất khẩu sang nước khác bán cho được giá!
Rất may, giữa cơn hoạn nạn, đâu đó trong xã hội vẫn còn những tấm lòng đượm nghĩa tình qua việc phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Hầu như ở tỉnh thành nào, cũng có những tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... đứng ra phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Chế tài sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, còn những tấm lòng thơm thảo sẽ đẩy lùi những hành vi của một số người mà “lương tri” đang bị bào mòn vì cái lợi trước mắt.
Nhưng trước hết, chính mỗi chúng ta cần bình tĩnh. Bởi không khéo, chính chúng ta tạo ra cơn sốt khan hiếm khẩu trang, giúp những kẻ gian thương trục lợi. Theo các bác sĩ, khẩu trang không phải là thứ hoàn toàn hiệu quả ngừa dịch Covid-19! Nó chỉ giúp bảo vệ bạn khỏi những tia nước bọt văng ra từ người khác khi giao tiếp, khi ho hoặc hắt hơi. Tức chỉ giúp ngăn giọt bắn từ người khác vào mũi hay miệng chúng ta chứ không phải ngăn virus vì chưa có một khẩu trang nào kể cả khẩu trang y tế có thể ngăn được virus.
Và nếu khẩu trang mắc tiền thì người dùng thường có xu hướng dùng lại, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh vì virus bám mặt ngoài lại có cơ hội nhiễm vào mũi miệng người dùng. Đeo khẩu trang còn có một ý nghĩa nhân văn, đó là tránh cho chúng ta ho, hắt hơi, nhảy mũi văng giọt bắn vào người khác. Và như đã nói, nó giúp người dân có niềm tin, thế thôi!
Vừa qua, chính phủ Singapore đã tuyên bố phát miễn phí khoảng 5,2 triệu khẩu trang cho người dân, kể từ ngày 1-9.2.2020, với mục tiêu tất cả 1,37 triệu hộ dân đều được nhận, bình quân mỗi hộ nhận 4 khẩu trang. Nhưng chính phủ nước này cũng khuyến cáo: những người cảm thấy không khỏe mới cần đeo, còn người khỏe mạnh không cần. Tức đừng ùn ùn đi nhận, hoặc mua khẩu trang tích trữ, khi chưa cần thiết, tạo nên cơn sốt khan hiếm hàng.
Với người dân bình thường, theo Bộ Y tế, mọi người có thể dùng khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế thông thường. Còn với người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus hoặc những người đi vào ổ dịch cần trang bị khẩu trang chuyên dụng N95 và các loại khẩu trang chuyên dụng đặc biệt khác.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam, cần xác định dịch bệnh ở mức độ nào, nguy cơ nào, lúc nào thì dùng khẩu trang. Bởi tại Việt Nam, những ngày qua, nhiều nơi ùn ùn đi mua khẩu trang, bất kể có cần hay không. Theo phong trào!
Và hệ quả là tạo nên khan hiếm - có thể chỉ là ảo, và cái đích cuối cùng mà những gian thương nhắm đến đã đạt được: tăng giá! Và chúng ta còn làm điều không đáng làm: giành khẩu trang của những người cần nó hơn, khi mua cả đống chất ở nhà mà chưa dùng tới, trong khi người cần dùng thì mua không được.
Giả sử, nếu ai cũng ùn ùn đi mua thực phẩm như mì gói, gạo... tích trữ, thì cơn sốt giá đối với những mặt hàng này còn kinh khủng hơn nữa. Chính ta sẽ hại ta! Và khi chưa cần thiết mà cứ ào ào đeo khẩu trang, thử hỏi mỗi ngày, lượng khẩu trang thải ra trên cả nước sẽ rất kinh khủng, tạo thêm nỗi lo về rác thải, về môi trường...
"Ví dụ như khẩu trang và nước rửa tay. Thật ra theo mức độ nhà máy và tốc độ sản xuất, nếu chúng ta mua đủ xài trong vài ngày, sau đó lại tiếp tục mua tiếp, bảo đảm sẽ không thiếu cho bất kỳ ai trong 90 triệu dân số hiện tại. Nhưng chỉ vì có rất rất nhiều người, tích trữ cả trăm hộp trong nhà nên mới tức thời xảy ra khủng hoảng. Và dự là qua cơn khủng hoảng này, lượng khẩu trang, nước sát trùng tích trữ đó có thể xài đến vài năm... Đừng tạo nên một cơn khủng hoảng dẫn đến chúng ta không bị diệt vì virus mà tự diệt lẫn nhau”, một người viết trên facebook...
Hồ Hùng