Nghề custom trang phục nói chung và custom giày nói riêng trở thành xu hướng thịnh hành của các bạn trẻ tầm khoảng 3-4 năm trở lại đây. Nói một cách dễ hiểu thì custom trang phục là biến tấu những đồ đã cũ theo một phong cách mới mẻ, khác lạ. Có thể pha màu, đính kèm phụ kiện, cắt sửa, thậm chí là chỉ cần làm sạch sẽ như ban đầu cũng được coi như custom.
Theo như chia sẻ của nhiều bạn trẻ đam mê với nghề custom trang phục, thu nhập của công việc này khá tốt, xuất phát từ nhu cầu làm mới diện mạo của đông đảo khách hàng. Nhưng phải làm sao để từng đường nét trên trang phục trở nên độc đáo, không giống ai thì cũng là một vấn đề chẳng đơn giản chút nào.
Hiểu được mấu chốt của sự phát triển trong công việc này, La Quốc Bảo đã lựa chọn cho mình một hướng đi cực mới mẻ mà cũng chẳng kém táo bạo: Vẽ hoa văn truyền thống lên giày Converse. Cùng đi tìm hiểu về cậu bạn 9X trẻ trung luôn mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết với công việc thú vị này nhé!
Chàng trai chuyên Anh đổi hướng theo đuổi kiến trúc và hành trình phát hiện đam mê trong chính truyền thống của gia đình
Cậu bạn 23 tuổi quê Kiên Giang này có xuất phát điểm là một dân chuyên Anh chính hiệu. Sau này, La Quốc Bảo lại lựa chọn theo học ngành kiến trúc của Đại học Monash (Melbourne - Úc). Để được bước chân vào ngôi trường danh tiếng đó, Bảo đã có thời gian miệt mài cọ vẽ trong các lò luyện để từng ngày chắc tay hơn.
Nói về đam mê văn hóa dân tộc, Quốc Bảo chia sẻ: "Nó xuất phát từ gia đình, cụ thể là ông nội. Văn hóa dân tộc dường như ảnh hưởng cả tới con đường học lẫn công việc sau này. Từ nhỏ, Bảo đã được tiếp xúc với các loại hí kịch và mỹ thuật truyền thống nên chất liệu kể trên ăn sâu vào máu."
Thời gian trước đây, Bảo là hiện tượng gây bão trên MXH bởi cậu chia sẻ hình ảnh đôi giày có vẽ lên chiếc áo Nhật Bình thời nhà Nguyễn. Bài đăng đó được đông đảo mọi người hưởng ứng, ngay chính Bảo cũng chẳng ngờ lại lan tỏa đến thế.
Cảm hứng bắt nguồn từ áo Nhật Bình thời Nguyễn. (Ảnh NVCC)
Ngoài cảm hứng từ áo Nhật Bình nói riêng và thời nhà Nguyễn nói chung, La Quốc Bảo còn tìm thêm nhưng thăng hoa nghệ thuật ở nhiều nơi khác, chẳng hạn thời nhà Thượng của Lưu Cầu với album tên "Splendor of Ryukyu" hay vùng Tây Tạng, tên “The Celestial Tibet”.
"Đặc biệt Bảo vẫn đang làm nhiều sub-collection (BST phụ) khai thác hoa văn triều Nguyễn trên cả nội thất, kiến trúc và áo dài luôn. Nhật Bình là bộ đầu tiên và cũng gây tiếng vang nhất. Tất cả những mẫu của nhà Nguyễn đều nằm trong BST lớn là “Annam Heritage”." - cậu bạn cho biết.
Có thể nhiều người sẽ tò mò vì sao Bảo chọn giày Converse làm chủ thể để sáng tạo nghệ thuật. Lý giải điều này, chàng trai trẻ chia sẻ "Converse là loại giày mình thích nhất, cũng là mặt hàng chủ đạo mảng kinh doanh riêng của mình. Bảo làm bên reseller chuyên sưu tầm các thiết kế hiếm và có hoa văn độc đáo (đặc biệt liên quan đến Á Đông hoặc thổ cẩm) và phân phối ngược lại ở Việt Nam."
Trước mắt, La Quốc Bảo ấp ủ làm một dòng thời trang lấy cảm hứng cổ truyền/dân tộc của riêng mình nên tạm thời chưa nghĩ đến việc hợp tác các hãng khác. Với lại custom phong cách riêng sẽ giá trị hơn về mặt sưu tầm, vì số lượng rất giới hạn.
Vấp phải chỉ trích "đú đởn" nhưng vẫn không chùn lòng vì muốn đem văn hóa dân tộc đến gần hơn với công chúng
Sẽ có một số ý kiến trái chiều, cho rằng việc làm của Bảo là đi ngược thuần phong mỹ tục và không phù hợp để vẽ họa tiết lên giày. Đáp trả điều này, chàng trai 23 tuổi chia sẻ thật lòng:
"Ngày xưa giày cũng thêu đầy rồng phụng và mỹ tự như phúc thọ đấy thôi. Theo cái nhìn của Bảo, một vài người bị "đứt gãy" văn hoá sau chiến tranh nên vô tình cảm thấy thiêng liêng hoá các motif trang trí cung đình, dần thành một nỗi sợ có hơi tiêu cực.
Mục tiêu của mình là góp phần xoá bỏ nỗi sợ đó, để họ có cái nhìn thoáng và dễ đón nhận hơn thay vì cứ thần thánh thái quá như vậy."
Trở lại câu chuyện tình hình sản xuất kinh doanh của Bảo, được biết mỗi mẫu cậu sẽ làm nên 15-20 đôi giày. Tất nhiên mỗi đôi sẽ giữ sự giống nhau lẫn khác biệt tùy vào tính cách, yêu cầu của khách hàng cũng như để đảm bảo tính giá trị của đồ thủ công. Đặc biệt mỗi đôi giày vẽ thủ công có giá dao động 9-12 triệu đồng, hàng tháng Bảo nhận khoảng chục đơn hàng.
"Nếu chỉ lướt ngang thì rất dễ nhận định giày có giá "cắt cổ". Nhưng khi khách bắt gặp và tìm hiểu từ ý tưởng hình thành, lịch sử liên quan đến thiết kế, ý nghĩa mà BST truyền đạt cũng như số lượng giới hạn thì đa số đều cho rằng đáng giá. Cảm thụ nghệ thuật và việc có kinh tế lẫn nhu cầu sưu tầm không phải lúc nào cũng đi đôi." - Bảo nói lên quan điểm của mình.
Loạt sản phẩm nhìn bắt mắt và thú vị về chiều sâu từ La Quốc Bảo. (Ảnh: NVCC)
Chúc La Quốc Bảo sẽ luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với nghề và ngày càng thành công hơn trên con đường đã chọn nhé!
Pháp luật & Bạn đọc