Câu chuyện xúc động về một người Cha

15/06/2019 09:50
Câu chuyện xúc động về một người Cha

Tôi mắc nợ cha tôi một lời nói yêu thương và một cái ôm, nên bài viết chân thực này về ông như một lời tạ lỗi. Ông như một hạt giống, một niềm tin sống mãi, của một thế hệ những con người có lý tưởng sống, có dũng khí và nhân cách cao thượng nhất mà tôi từng hạnh phúc được sống.

Thấm thoát đã gần đến ngày giỗ Cha lần thứ 4. Tôi đã ko bao giờ nghĩ tôi sẽ phải vĩnh viễn rời xa cha tôi bất ngờ và nhanh đến như vậy, dù tôi đã làm hết cách. Sau đây là câu chuyện tôi thức viết vào một đêm sau đám tang ông, trong nước mắt, vì trước đó chưa từng có một tờ báo nào viết về một người trầm lặng như ông, dù là một cái ảnh - tôi chỉ muốn lưu lại một cái gì đó về ông, trung thực và thật lòng mình nhất - vào giờ phút cách biệt của chia ly sinh tử cha con. Bài viết được đăng trên báo Công an TP.HCM và chỉ trong vài ngày lượng share bài báo đã vượt 15.000 lần chia sẻ.

Sau khi báo đăng, tôi in bài báo ra, mang lên mộ ông và đốt cho ông đọc. Mục đích của tôi thực sự chỉ là vậy. Các bạn đọc đến cuối bài sẽ hiểu về lỗi lầm và ân hận của tôi:

‘Cha tôi tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, vào Đảng năm 20 tuổi, quãng thời gian đẹp nhất của đời người, ông đã cống hiến cho hai cuộc kháng chiến cứu nước, trên người ông còn giữ lại nhiều vết thương của một thời ác liệt bom đạn chiến tranh. Gần 40 tuổi, ông tốt nghiệp đại học và giảng dạy, là Phó chủ nhiệm khoa Vô tuyến Điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, đến Hiệu phó, Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy một vài trường đại học.

Thời chiến tranh Hà Nội thực phẩm tem phiếu khan hiếm, buổi sáng ông dậy sớm đi xếp hàng mua hai cái bánh mì ngọt cho mấy chị em ăn đi học rồi mới đi làm. Bữa cơm ít thịt nhiều rau, ông nhường hết phần thịt ít ỏi cho chị em tôi và ngồi nhìn các con ăn và cười hạnh phúc.

Có một lần chiều hè nóng nực, ông đi làm về sớm hơn mọi ngày, thì ra trên xe đạp ông chở một cục nước đá trong vắt như pha lê xin được ở phòng thí nghiệm khoa Hóa về cho chị em tôi vì sợ nước đá tan hết. Tôi lần đầu tiên được chạm vào nước đá: “Ôi đẹp và lạnh quá! Có ăn được không Ba?”. “- Ăn được chứ! Ngon lắm!”.

Thế là ông nói má tôi tìm chìa khóa mở tủ chạn bếp lấy ra lọ đường (rất hiếm khi chúng tôi được ăn đường) và đập đá trộn đường cho vào cái tô. Hai chị em nhai nước đá rau ráu và cảm nhận vị ngọt mát lạnh chưa từng có của nước đá, mắt sáng long lanh. Đó là ký ức cảm nhận đầu tiên của tôi về nước đá là rất ngọt và ngon. Sau này, cũng vì vậy, tôi đã bị điểm kém trong bài kiểm tra hồi cấp hai khi trả lời “Nước đá có vị rất ngọt”.

Sau này, thỉnh thoảng cuối tuần, ông đèo hai chị em tôi bằng xe đạp từ Bạch Mai lên Bờ Hồ xếp hàng mua kem Tràng Tiền. Cây kem hồi đó có hình khía, trên ngọt dưới mặn rất ngon. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông chỉ mua có hai que kem thôi. Tôi hỏi, ông nói :”Ba đã ăn hôm qua rồi”. Tôi vô tư ăn hết que kem ngon lành và sau này mới hiểu, ông chi có đủ tiền mua hai que kem cho chị em tôi thôi.

Trời Hà Nội mùa hè nóng nực, nhà có mỗi một cái quạt tai voi, ông nhường cho chị em tôi. Ông rất thích xem bộ phim “17 Khoảnh khắc của Mùa xuân”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Trên từng cây số “ được chiếu trên truyền hình Hà Nội mỗi tối thứ tư, thứ bảy.

Tôi còn nhớ năm 1972 những ngày khói lửa 12 ngày đêm bom B52 rải thảm cày xới Hà Nội, sau khi chở chị em tôi bằng xe đạp vượt gần trăm cây số đi sơ tán đến nơi an toàn, ông liền quay về Hà Nội ngay trong đêm để tham gia chống đê lũ lụt. Hai chị em ngồi trên nóc hầm chữ A nơi sơ tán nhìn về Hà Nội buổi tối thấy ánh chớp bom rền hòa cùng rừng đạn phòng không bay lên sáng rực như đêm hoa đăng tỏa sáng cả một vùng trời mà trong lòng chưa hề biết lo lắng gì cho cha mình đang ở giữa tâm điểm của cuộc thảm sát bom đạn dữ dội nhất chưa từng có của cuộc chiến tranh.

Cha tôi luôn sống quên mình vì mọi người, vui vẻ chấp nhận phần khó khăn, thiệt thòi nhất về mình cho tới tận cuối đời. Những người bạn của ông đến viếng đám tang đã xúc động kể lại những kỷ niệm, câu chuyện về ông mà tôi ít được biết.

Ông Nguyễn Hoàng tham dự ngày tốt nghiệp cao học của anh Phước ở AIT, Bangkok, 12.1993.

Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi làm Cha hạnh phúc là ngày tôi bảo vệ thành công Luận án Thạc sĩ ngành Công nghệ Thông tin đạt hạng xuất sắc tại Học viện Kỹ thuật Châu Á - AIT và được mời cha, mẹ tôi qua Bangkok dự lễ tốt nghiệp vào tháng 12.1993 và ở với tôi hơn một tháng tại học viện. Vào những năm đó, được đi Thái Lan rất khó và là một niềm vui, vinh dự không thua kém gì được đi Mỹ, Pháp, Anh. Thi TOEFL để có được học bổng đi học AIT lúc đó cũng vinh dự ngang với được đi học ở Harvard bây giờ (hồi đó làm visa đi Thái Lan rất khó, mất hơn nửa tháng và phải có thư mời, bảo lãnh của Học viện AIT và Đại sứ quán hai nước). Đó là kỷ niệm đẹp nhất và hạnh phúc nhất của tôi khi lần đầu có thể tự mình làm được chút gì đó báo hiếu khi mời cha mẹ đi "xuất ngoại" lần đầu tiên trong đời khi cha tôi 68 tuổi (mẹ tôi cũng tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, là nữ cứu thương trong quân đội thời chiến tranh và sau này là thương binh).”

Gần đây, sau lễ Thượng thọ đầu tiên, tôi tặng ông một cái iPad thay cho cái máy tính dùng lâu đã cũ, để ông đọc tin tức thay báo, từ đó ông đã tự tìm hiểu nhiều điều mà không in trên mặt báo. Ông luôn có một niềm tin sắt đá vào con đường ông đã chọn suốt cuộc đời, rất yêu nước, giàu lòng trắc ẩn, thương người. Trước kia, ông đã từ chối đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô vì cuộc chiến tranh chưa kết thúc, năm 1975 về Nam, ông đã từ chối nhận căn nhà được cấp mà ở lại văn phòng để nhường nhà cho các đồng chí khác. Có những lần bàn ghế ở cơ quan hư, ông xin kinh phí không được, đã tạm ứng lương để sửa lại bàn ghế.

Sau này, tiền lương hưu của ông luôn để dành để giúp những người đồng đội gặp khó khăn, có lúc ông không nói với tôi mà âm thầm đi mượn tiền để giúp. Cha tôi luôn cười, khôi hài và sống rất lạc quan, truyền cảm hứng cho mọi người, nhưng mỗi khi đọc hay biết tin về những người làm những việc có hại, những điều không tốt cho đất nước, cho người dân, ông luôn trầm ngâm, suy tư, vẻ đau lòng thể hiện rõ trên nét mặt.

Những đêm mưa, trở trời, ông thường khó ngủ, tôi hỏi, ông nói, vết thương do bom đạn không đau đớn bằng vết thương do con người tạo ra. Lần đọc lá thư 11 trang của anh Khôi viết về sự thay đổi lớn khi đọc cuốn Tìm Về Sức Mạnh Vô Biên trong nhà tù Đồng Găng gửi ra, ông đã khóc, hỏi thăm và lo lắng cho số phận người tù khác biệt này.

Khi xem đoạn clip Trung Quốc thảm sát dã man 64 chiến sĩ Gạc Ma trên Youtube, ông bàng hoàng xúc động, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má: “Con làm được gì thì con hãy làm cho các liệt sĩ đó đi con”.

Từ đó, vì cuốn sách Gạc Ma từ năm 2014 chưa được cấp phép, mà ông vừa bị tai biến nặng nhập viện cấp cứu. Tôi phải làm điều gì đó trong khi chờ cuốn sách đươc cấp phép - vì có thể ông không qua khỏi. Và biết đâu điều tôi làm có thể hồi hướng công đức giúp ông vượt qua được bệnh tật hiểm nghèo thì sao. Nên ý tưởng tổ chức vẽ và đấu giá bức tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” để giúp 64 gia đình Liệt sĩ Gạc Ma và những người lính bị Trung Quốc bắt ngày 14.3.1988 hình thành trong tôi.

Ngày đấu giá và tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Cầu siêu cho các liệt sĩ Gạc Ma ở chùa Vĩnh Nghiêm thành công, tôi chạy như bay vào phòng hồi sức bệnh viện, xin phép bác sĩ mở đoạn clip tường thuật Đại lễ của VTV cho ông nghe, dù đang thở máy, không nói được, nhưng gương mặt ông dãn ra, nhẹ nhàng hẳn và biểu lộ một niềm vui. Bàn tay ông xiết chặt tay tôi lạ thường, giọt nước mắt ứa ra trên đôi mắt tuổi già trên giường bệnh của ông đã lan qua tôi, sâu lắng, nín lặng, không lời. Vì tôi biết đó là lần cuối cùng, đó là niềm vui cuối cùng tôi có thể làm được cho cha tôi, để ông thanh thản phần nào đi về cõi vĩnh hằng.

Ông Nguyễn Hoàng thời tham gia kháng chiến chống Pháp

Lần đưa cha tôi đi thăm nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, Côn Đảo gần đây, ông đã nán lại khá lâu một mình lúc nửa đêm trước mộ chị Võ Thị Sáu và các bậc tiền bối Cách mạng, ông thành kính khấn xin điều gì đó khá lâu. Lúc ra về, người bạn tôi hỏi: “Bác xin các cô bác điều gì vậy?” Ông nói: “Bác xin hương hồn các cô bác công thần lập quốc minh anh, sống khôn thác thiêng giúp đất nước vượt qua khó khăn. Cái giá của hai cuộc chiến tranh là quá đắt và đau thương, hàng triệu người đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Đảng đã sẵn sàng hy sinh xương máu và mạng sống của mình để dân tộc giành được độc lập, tự do - không phải để kết cục đất nước ra như thế này được”.

Tôi còn nhớ rõ trong một lần uống trà, sau bữa ăn tối. Một người bạn tôi đã hỏi ông: “Bác đã cống hiến suốt cuộc đời cho đất nước, non sông, con nghĩ bác đã rất mãn nguyện. Bây giờ giả sử có một ông Bụt bà Tiên hiện ra và cho bác một điều ước, thì bác sẽ ước gì?”.

Sau một phút trầm ngâm suy nghĩ, câu trả lời của ông làm tất cả mọi người lặng đi trong bất ngờ: “Chưa! Bác chưa mãn nguyện. Dân mình còn rất nhiều người quá khổ. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Tổ Quốc và Nhân dân là một. Muốn phát triển chắc chắc phải trở lại đúng tinh thần như vậy - người dân mới có lòng tin và hạnh phúc được! Hãy nhớ giành được chiến thắng là nhờ sự hy sinh to lớn của nhân dân. Không được bao giờ quên! Nếu bác có một điều ước, bác sẽ ước luật nhân quả sẽ không để đến cuối đời hay kiếp sau mới báo ứng, mà linh nghiệm ngay từ bây giờ.”

Gương mặt ông chợt nghiêm và đanh lại, và giọng nói sang sảng, mạnh mẽ biểu lộ sự tức giận, cánh tay phải ông hướng thẳng lên khi phát nguyện điều ước:” Điều ước đó là: “Tôi ước, sau một đêm, luật nghiệp quả báo ứng nhãn tiền: Tất cả những người tham nhũng của đất nước Việt Nam này, nhận hối lộ của người dân sẽ ngay lập tức phải trả giá một cách sòng phẳng. Khi đó, các quan chức sẽ phải luôn nghĩ cách làm việc tốt cho nước, cho dân chứ không lo thu vén, bòn rút tiền của dân cho riêng mình. Một khi "Thượng bất chính - Hạ tất loạn", cho nên trước tiên "Thượng phải công chính" thì đất nước chắc chắn sẽ phát triển vượt bậc, người dân ai cũng ấm no, tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Khi đó bác mới mãn nguyện”.

Tôi và mọi người trong buổi uống trà đó lặng người đi vì sự sâu sắc, độ lượng của điều ước của ông - lời ước nguyện duy nhất và cuối cùng của ông không hề dành cho ông, mà cho tất cả mọi người, cho dân tộc này. Và có lẽ đó cũng là lời ước nguyện chân thành nhất của tất cả người dân Việt Nam.

Đó là điều ước cuối cùng của cha tôi, một người yêu nước, một người Cộng sản chân chính mà tôi mãi luôn sẽ khắc ghi trong tim.

Lúc ông mất đi, khi Quốc kỳ Tổ quốc được phủ lên quan tài và đọc điếu văn, tôi mới biết được ông được tặng thưởng nhiều Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Vì sự nghiệp Giáo dục… và mới biết bí danh hồi hoạt động cách mạng hồi đó của ông, điều mà ông chưa từng kể cho con cháu và mọi người nghe bao giờ.

Còn riêng tôi, từ ngày Cha lâm trọng bệnh và mất, tôi luôn mang theo mình một nỗi ân hận.

Là tôi luôn nghĩ Cha đang khỏe mạnh, minh mẫn, sáng suốt và đức độ, nên chắc sẽ sống lâu hơn, nên tôi dù quan tâm, trò chuyện với ông, đưa ông đi nơi này nơi khác, nhưng chưa một lần tôi ôm ông trong vòng tay và nói: “Ba ơi! Con yêu thương Ba lắm!”. Tôi chỉ kịp nói được điều đó trong phòng hồi sức cấp cứu khi ông đã rất yếu không còn nói được, và nói được lời xin lỗi Cha trước lúc hạ huyệt ông ở nghĩa trang thành phố. Các bạn ơi! Đừng chủ quan và mắc lỗi lầm như tôi – hãy nói lời yêu thương và ôm cha mẹ mình ngay khi còn có thể!

Tôi mắc nợ cha tôi một lời nói yêu thương và một cái ôm, nên bài viết chân thực này về ông như một lời tạ lỗi. Ông như một hạt giống, một niềm tin sống mãi, của một thế hệ những con người có lý tưởng sống, có dũng khí và nhân cách cao thượng nhất mà tôi từng hạnh phúc được sống.

Mong rằng ngày ông mãn nguyện sẽ không xa‘.

Nguyễn Văn Phước


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025