Điều này khiến chị N.Y luôn tự ti, buồn bã và dần dần rơi vào trầm cảm. “Mọi người thường xuyên không nhìn thấy hết mọi việc mà đã vội soi mói, phán xét vào khuyết điểm của tôi, mặc dù tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng họ không hề nhìn thấy và công nhận nó, lâu dần tôi cảm thấy mệt mỏi và rất buồn với môi trường làm việc hiện tại”, chị N.Y chán nản.
Mọi sự việc đều có hai hoặc thậm chí nhiều khía cạnh, muốn hiểu thấu đáo, cần có góc nhìn đa chiều, lần lượt đứng ở từng góc độ khác nhau. Trong cuộc sống, chắc hẳn đã không thiếu những lần vì quá vội vàng, tin vào cảm nhận chủ quan, mà chúng ta đã đưa ra những lời phán xét vô tình làm tổn thương người khác.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An (Chuyên gia tâm lý) cho biết, nếu một người cứ mãi chú ý vào điều sai của người khác để bới móc, phán xét tất cả những khuyết điểm của người khác khiến người đó lâu dần hình thành một góc nhìn thiển cận. Đối với chính bản thân những người như vậy, họ luôn toát ra cảm xúc u ám, khiến mọi người xung quanh e dè khi tiếp xúc và làm việc.
Nhằm thay đổi thói quen hay phán xét người khác, chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng An khuyên: “Cần phải giảm đi cái tôi của bản thân khi thật sự lắng nghe những lời góp ý của mọi người xung quanh, hãy lắng nghe một cách tích cực những góp ý của mọi người để thay đổi bản thân. Hành trình thay đổi cần có sự kiên trì, nhẫn nại và thực hành mỗi ngày, thay vì cứ mãi chú ý vào những khuyết điểm của người khác, hãy làm ngược lại, chú ý vào những điểm tích cực của người khác để khỏa lấp đi những phát xét của chính bản thân”.
Mỗi người trong chúng ta đều trải qua cuộc sống với hoàn cảnh và số phận riêng biệt mà người khác khó có thể hiểu hết. Do đó chúng ta không nên phán xét người khác, nhất là khi chúng ta không hiểu rõ tình hình và hoàn cảnh thực tế của họ.