Theo Công ty Cổ phần Waka, đơn vị hiện có 3,2 triệu độc giả trên các nền tảng ứng dụng, doanh thu của công ty này tăng trưởng hơn 40% trong năm 2020. Waka đang tăng cường mua bản quyền sách mới và phát triển sách nói.
Còn Fahasa thì đang ứng dụng công nghệ để khách đặt hàng trên sàn thương mại điện tử; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích thói quen, nhu cầu của khách.
Ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM sau gần 2 năm ra mắt có hơn 300.000 người dùng, 2.000 đầu sách, hơn 15 triệu phút được người dùng trả tiền để nghe, mỗi tháng có khoảng 2-3 triệu phút nghe được trả tiền.
Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy, nếu năm 2018 có 213 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký, thì năm 2020 có 2.050 xuất bản phẩm với 1,5 triệu lượt truy cập; từ 5 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử vào năm 2019, thì hiện đã tăng lên con số 9.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng có 3 giai đoạn trong chuyển đổi số.
Các nhà xuất bản Việt Nam đang bước tới giai đoạn 2 khi một số nơi đã bắt đầu sử dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, chứ chưa chuyển đổi hoàn toàn thành một nhà xuất bản số.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Alpha Books, các đơn vị xuất bản hiện nay chỉ sản xuất về nội dung và còn yếu kém về công nghệ.
“Việc phát triển một nền tảng thương mại đủ lớn, có tầm vóc thì phải trông cậy những nhà phát hành hay những đơn vị công nghệ, còn phía xuất bản chỉ nên giữ vai trò liên kết”, ông Bình nhận định.
Theo ông Nguyễn Nguyên, nhìn từ xuất bản toàn cầu, có thể nhận diện các chuyển biến chính của ngành trước tác động của cách mạng 4.0.
Đầu tiên là chuyển biến về mô hình và quy trình xuất bản: sẽ xuất hiện những mô hình mới mà trọng tâm của nhà xuất bản không chỉ còn là bản thân sản phẩm, mà là các quy trình định hướng khách hàng.
Các nhà xuất bản chuyển từ vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa người đọc với tác giả. Ngược lại, một số công ty cung cấp dịch vụ thông tin sẽ lấn sân, trở thành “bà đỡ” cho mỗi ấn phẩm.
Thị trường ghi nhận có 3 mô hình hoạt động xuất bản song hành tồn tại là mô hình truyền thống, tập trung vào in ấn, tác phẩm in (dành cho thương hiệu lớn); mô hình giữa các phương tiện truyền thông về việc tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau (dành cho các tập đoàn nắm giữ Big Data và mạng lưới phân phối); mô hình tạo ra các dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng số và mạng lưới khách hàng (mô hình của tương lai - mô hình 4.0).
Sự phát triển của các công ty biên tập ở Nhật, Hàn Quốc trong vai trò trợ giúp các nhà xuất bản và tác giả đã cho thấy những dấu hiệu của sự chuyển dịch bước đầu sang mô hình 4.0.
Ngoài ra, còn có quy trình xuất bản trực tiếp của các cá nhân. Với định dạng điện tử, thông qua các công ty nắm giữ hạ tầng Big Data, tác giả đưa tác phẩm của mình đến thẳng người đọc mà không qua nhà xuất bản. Điều này đồng nghĩa trung tâm của quy trình xuất bản lúc này chính là các tập đoàn truyền thông nắm giữ hạ tầng Big Data.
Bên cạnh đó, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập, một dòng sách điện tử mới trên các kho ứng dụng smartphone trên Apple Store hay Android Store.
Cuộc cách mạng 4.0 mở ra bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm thiểu để sản phẩm đến tay nhiều độc giả nhất, trong thời gian nhanh nhất. Các công việc thường xuyên hiện nay của biên tập viên được thay thế bằng những phần mềm chuyên dụng.
Cuộc cách mạng cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí lưu thông dẫn đến hạ giá thành xuất bản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không gian lưu trữ.
Theo Nhịp cầu đầu tư