Ngày 27/8/1576, danh họa Titian (tên thật Tiziano Vecellio) qua đời vì bệnh dịch tại Venice. Khi ấy, ông đang ở tuổi gần 90, người ta không thể biết chính xác tuổi của ông bởi năm sinh của ông không còn được lưu lại rõ ràng.
Vài tuần sau khi Titian qua đời, người con trai mà ông yêu thương và đánh giá cao nhất, người mà ông kỳ vọng sẽ có thể kế nghiệp mình, cũng ra đi vì bệnh dịch.
Trong cuộc đời của vị danh họa bậc thầy người Ý, ông và xưởng vẽ do ông đứng đầu đã thực hiện nhiều siêu phẩm hội họa, đáng kể trong số này phải nói tới bộ 7 bức tranh trong chùm tranh "Poesie" (Những bài thơ) được thực hiện và hoàn tất trong khoảng thời gian từ năm 1551 tới 1562.
Chùm tranh này được vị danh họa lấy cảm hứng từ bài thơ được sáng tác từ hồi thế kỷ thứ nhất bởi nhà thơ Ovidius - bài thơ "Metamorphoses", trong đó, những câu chuyện thần thoại về sự hình thành và biến đổi của thế giới được khắc họa qua những câu thơ.
Bộ tranh "Poesie" được đặt hàng thực hiện bởi nhà vua Philip II của Tây Ban Nha. Nhà vua cho phép vị danh họa - người đang được xem là họa sĩ nổi tiếng nhất Châu Âu thời bấy giờ - được tự do sáng tạo trong quá trình thực hiện tác phẩm.
Tính đến nay, chùm tranh này đã có lịch sử tồn tại hơn 440 năm và vẫn tiếp tục được hậu thế đánh giá cao, coi như những siêu phẩm hội họa vô giá. Trải qua thời gian, chùm tranh này đã phân tán, xé lẻ, thuộc về các viện bảo tàng, các bộ sưu tập khác nhau.
Những chủ đề mà Titian lựa chọn khắc họa trong chùm tranh rất bạo liệt, như cưỡng bức, sát hại, như lừa dối, bắt cóc...
Trong bức "Danae" (thực hiện từ năm 1554 tới 1556), người con gái của vua Acrisius xứ Argos đang tình tự với thần Jupiter - vua của các vị thần, thần Jupiter đã hóa thân thành một cơn mưa vàng tìm đến gặp nàng Danae được vua cha giấu kín trong hậu cung.
Trong bức "Venus và Adonis" (thực hiện năm 1554), nữ thần Venus khẩn nài người tình Adonis đừng đi săn, bởi nàng biết Adonis sẽ chết trong lúc đi săn. Adonis không nghe theo, chàng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi vòng tay của nàng, sau đó, Adonis đã bị đâm chết bởi một con lợn rừng.
Bức "Diana và Actaeon" (thực hiện từ năm 1556 tới 1559) khắc họa chàng thợ săn trẻ tuổi Actaeon vô tình lạc vào nơi nữ thần Diana và các tiên nữ của nàng đang tắm.
Diana đáp trả lại ánh nhìn của Actaeon bằng một ánh nhìn dữ dội tựa một tia sét giáng xuống chàng trai trẻ, Actaeon giơ tay lên chống đỡ để kháng cự lại sự trừng phạt kinh hoàng dành cho mình, nhưng không thể nào, bởi nữ thần Diana đã biến chàng trở thành một con hươu và chàng sẽ bị chính bầy chó săn của mình... xé xác.
Bức họa đặc tả cái chết bi kịch của Actaeon cũng nằm trong chùm tranh này, tác phẩm bắt đầu được thực hiện từ năm 1559 nhưng được tiến hành suốt nhiều năm mà không thể hoàn tất, và cũng không thể giao tới tay nhà vua.
Chính danh họa Titian lúc sinh thời cũng chưa từng được nhìn thấy bộ tác phẩm hội họa của mình được xuất hiện cạnh nhau. Khi ông hoàn thành xong một tác phẩm, tác phẩm ấy sẽ nhanh chóng được giao tới nhà vua Philip II của Tây Ban Nha. Cho tới khi ông qua đời, bộ tranh "Poesie" còn bức "Cái chết của Actaeon" là chưa được hoàn tất và giao đi.
Bức "Diana và Callisto" (thực hiện từ năm 1556 tới 1559) một lần nữa đặc tả cơn giận của nữ thần Diana, tiên nữ Callisto đã bị thần Jupiter lừa gạt, tình tự dẫn tới có thai. Nữ thần Diana nghiêm cấm điều này xảy ra đối với các tiên nữ đi theo mình, khi biết chuyện của Callisto, nữ thần Diana đã rất giận dữ.
Bức "Perseus và Andromeda" (thực hiện từ năm 1554 tới 1556) khắc họa nàng Andromeda bị giam bên một vách đá, nàng sẽ bị quái vật biển nuốt chửng, nhưng sau cùng, Andromeda được Perseus, con trai của nàng Danae giải cứu.
Bức "Cưỡng bức Europa" (thực hiện từ năm 1560 tới 1562) khắc họa thần Jupiter hóa thành một con bò hiền lành để lừa nàng Europa.
Loạt tranh "Poesie" khắc họa những câu chuyện thần thoại qua nét vẽ của một thiên tài hội họa. Titian lúc sinh thời được đánh giá là một danh họa khôn ngoan, không chỉ bởi tài năng, mà còn bởi ông rất hiểu các khách hàng quý tộc của mình muốn gì.
Đối với những nam quý tộc giàu có thời bấy giờ, thứ mà họ yêu thích và quan tâm nhất chính là tình ái và săn bắn, vì vậy, Titian đã lựa chọn "lẩy" ra những câu chuyện thần thoại có chứa đựng những yếu tố này để làm thỏa mãn sở thích riêng của khách hàng đặt tranh.
Sinh thời, ông được giới mỹ thuật nhìn nhận là "mặt trời giữa những vì sao", ông là một trong những danh họa người Ý tài hoa bậc nhất, đặc biệt ông có ưu thế với tranh chân dung khắc họa trên nền phong cách, phảng phất những câu chuyện thần thoại - tôn giáo.
Phong cách hội họa của ông có ảnh hưởng đối với các họa sĩ trong thời kỳ hội họa Phục hưng tại Ý và cả trong nhiều thế hệ họa sĩ phương Tây sau này.
Sự nghiệp của ông thành công ngay từ bước khởi đầu, ông được các quý tộc săn đón, bảo trợ và đặt hàng tác phẩm, Titian chắc chắn không chỉ tài năng mà còn là một đầu óc khôn ngoan để giới quý tộc vừa trân trọng tài năng vừa ưa chuộng phong cách của ông.
Trong cuộc đời trải dài của mình, phong cách hội họa của Titian cũng có những thay đổi mạnh mẽ qua thời gian, nhưng trước sau gì, người ta vẫn nhận thấy sự hứng thú lớn lao của ông đối với các gam màu, để biểu đạt được những sắc thái tình cảm sinh động của chính tác giả và nhân vật mà ông khắc họa.
Nhưng cũng có nhiều điều ẩn ý đáng nói đến ở đây, qua cách lựa chọn đề tài phản ánh trong chùm tranh "Poesie" của Titian, có thể thấy vị danh họa lựa chọn cách khắc họa những vị thần qua lăng kính chân thực nhất, nghĩa là họ cũng có những tật xấu, cũng có lỗi lầm, có những xúc cảm giận dữ, có những hành động mâu thuẫn với nhau.
Trải qua hàng trăm năm, những tác phẩm của bậc thầy hội họa Phục hưng - Titian vẫn tiếp tục mê hoặc hậu thế, cho thấy nghệ thuật khắc họa chân dung sống động hút hồn của ông.
Trong 26 năm cuối cùng của cuộc đời (1550-1576), Titian chủ yếu vẽ tranh cho vua Philip II của Tây Ban Nha và ông được nhắc tới chủ yếu với vai trò họa sĩ đặc tả chân dung.
Lúc này, ông càng trở nên nghiêm khắc với chính mình, Titian là một họa sĩ cầu toàn đến mức gần như không bao giờ cảm thấy thỏa mãn trước những gì mình đã thực hiện, có khi ông giữ tác phẩm lại trong xưởng vẽ đến cả thập kỷ để sửa đi sửa lại những chi tiết không ưng ý.
Ông có thể gửi trả lại tranh cho khách hàng, chỉ để rồi yêu cầu nhận lại tranh để tiếp tục sửa, thêm vào những chi tiết mới chính xác, tinh tế hơn.
Chùm tranh "Poesie" được giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là bộ tác phẩm xuất sắc hàng đầu trong sự nghiệp của vị danh họa.
Bích Ngọc
Theo Frieze