Anh Thưởng, nhân viên ngành đường sắt, ở quận Tân Phú, TP.HCM, lấy vợ được mấy năm. Sống cảnh nhà trọ mãi cũng chán, vợ chồng anh lên kế hoạch tích lũy tài chính để mua nhà ra riêng. Bấy lâu nay gom góp được bao nhiêu, anh Thưởng đem gửi tiết kiệm để chờ thời điểm thích hợp thực hiện ước mơ đổi nhà.
Một người quen rỉ tai với anh nên mua cổ phiếu ngân hàng X, vì sắp tới cổ phiếu sẽ tăng giá rất cao. Họ còn sốt sắng giúp anh Thưởng cách làm các thủ tục, kèm theo lời khuyên: ''Muốn mua nhà sớm cần có nhiều tiền càng sớm càng tốt, đừng trông chờ vào tiền gửi tiết kiệm, biết đến bao giờ mới có được nhà”.
Nghe cũng có lý, anh Thưởng giấu vợ rút hết tiền vốn lẫn lời bấy lâu nay để đầu tư vào cổ phiếu người bạn giới thiệu. Thế nhưng, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra như ý vì mấy khi ông trời biết chiều lòng người. Giá cổ phiếu ngày càng sụt giảm do nhiều biến động về kinh tế.
Chỉ một thời gian ngắn thu mua cổ phiếu, anh Thưởng đã thua lỗ gần vài chục triệu. Cũng vào lúc này, chị Kiều, vợ anh hối thúc chồng đưa tiền để đặt cọc lô đất được công ty ưu tiên bán cho công nhân viên trong cơ quan. Tính đi tính lại nhiều lần, tiền mặt chẳng còn bao nhiêu trong khi giá trị cổ phiếu nắm trong tay cứ ngày một giảm.
Cảm thấy không thể giấu được vợ, anh Thưởng quyết định nói hết mọi chuyện với vợ. Sau khi nghe chồng kể chuyện, chị Kiều phát hoảng. Chị vừa giận chồng lại vừa thấy tiếc khoản tiền vợ chồng dành dụm bao lâu nay. Giá như cứ để tiền nằm yên trong ngân hàng, tính đến nay tiền lời cũng được một khoản kha khá. Cơ hội mua nhà xem như vuột khỏi tầm tay của đôi vợ chồng trẻ.
Cuối cùng, chị Kiều đưa ra “tối hậu thư” với chồng: ''Kể từ bây giờ, mọi việc trong nhà không cần anh nhúng tay vào”. Cũng vì chuyện đó mà tình cảm vợ chồng họ ngày càng có khoảng cách. Anh Thưởng cảm thấy hối hận vì sự nhẹ dạ, cả tin của mình. Phần chị Kiều, sự tin tưởng dành cho chồng bấy lâu nay cũng bớt dần đi.
Chuyện của vợ chồng chị Hân, sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, lại khác. Chị hiện là chủ một tiệm bán hàng gia dụng đang làm ăn rất khấm khá. Nhưng khi nghe cô bạn góp ý: ''Mình cùng góp vốn mở tiệm mỹ phẩm đi. Tha hồ đếm tiền, vì mỹ phẩm bao giờ cũng được ưa chuộng, không sợ ế khách. Có người quen đồng ý cung cấp hàng tận nơi, chẳng phải đi xa lấy hàng. Chị có nhiều vốn thì cứ làm chủ”.
Chồng chị biết chuyện, anh tỏ ý không bằng lòng vì công việc của chị đang ổn, cớ sao lại bày vẽ buôn bán thứ khác cho rủi ro. Anh muốn chị hài lòng với công việc hiện tại, thay vì bon chen này nọ với người ta. Vả lại, mỹ phẩm là ngành khó kinh doanh nếu chẳng may có chuyện gì, không khéo đi cả vốn lẫn lời.
Nhưng khi chồng quyết liệt ngăn cản, chị Hân càng muốn thử sức ở lĩnh vực kinh doanh mới. Chị tìm cách liên hệ bạn bè quen biết để tìm thuê mặt bằng, lẳng lặng “qua mặt” chồng vì nghĩ đơn giản là: ''Cứ đặt chồng vào chuyện đã rồi. Sau này, vợ có giàu lên anh ấy sẽ thôi không cằn nhằn mình nữa. Không chừng đến lúc đó, anh còn phục mình sát đất”.
Sau khi tạm giao cửa tiệm cho đứa em chồng quản lý, chồng chị mới hay biết việc làm của vợ. Đến lúc này, anh chỉ còn biết nhìn vợ bằng ánh mắt bực bội và tức giận. Anh còn hăm he, nếu không làm nên trò trống gì thì đừng nhìn mặt chồng nữa.
Kinh doanh mỹ phẩm được vài tháng, chị Hân cứ từ thất bại này sang thất bại khác. Do tay nghề còn non, kiến thức về mỹ phẩm không nhiều, khách đến tiệm chủ yếu để xem chứ không mua bao nhiêu. Người quen của chị cũng rút vốn rồi xuất cảnh, giống như “đem con bỏ chợ” mặc chị tính toán ra sao thì tùy. Đến lúc này, chị Hân sa vào nợ nần chồng chất do hàng không bán được, chủ cho thuê mặt bằng đòi tăng giá. Bao nhiêu chuyện dồn dập xảy đến khiến chị Hân càng thêm hoảng.
Về phần chồng chị, mặc dù rất giận vợ nhưng anh cũng ép bụng trích một khoản tiền của hai vợ chồng dành để dưỡng già sau này, trả cho xong món nợ của vợ nhằm giúp chị giải tỏa tâm lý căng thẳng. Cũng kể từ đó, chồng chị Hân xem chị như một “tội đồ”.
Anh buộc chị bất kể việc gì, phải hỏi ý kiến của anh, mua sắm món gì cũng gói gọn một số tiền nhất định. Đồng thời, chị Hân cũng không được quyết định hay có ý kiến về chuyện gia đình, công việc của chồng nữa. Cũng may là còn cái cửa tiệm đồ gia dụng, nhưng vai trò người quản lý của chị Hân giờ đây cũng chuyển sang cho chồng.
Có nhiều yếu tố giúp đem lại tình yêu và hạnh phúc vợ chồng, trong đó sự cảm thông, niềm tin là một trong những nền tảng cơ bản quan trọng, cũng là chất keo gắn kết giữa hai vợ chồng. Khi người chồng/vợ chẳng may mắc phải sai lầm, đừng vì sự thành bại của bạn đời mà nảy sinh tâm lý ngờ vực, mất lòng tin, làm chia rẽ tình cảm vợ chồng.
Cho dù lỗi lầm thuộc về ai, mức độ trầm trọng như thế nào, sự cảm thông lẫn nhau là điều rất cần thiết. Nếu không, vợ chồng tự nhiên chia thành hai phe, một bên là quan tòa phán xét lỗi lầm, phế truất quyền hạn của người kia. Bên còn lại trở thành bị cáo, mang tâm lý tiêu cực của người mắc lỗi phải phục tùng và chịu đựng.
Có không ít cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa vì cứ sống mãi trong cảnh chồng/vợ không dám hoặc không có quyền can thiệp vào những quyết định quan trọng trong nhà. Trong khi đó, một số cặp đã tìm mọi cách vượt qua tình trạng trên bằng chính những nỗ lực của hai người. Đó là sự cảm thông, chia sẻ thương yêu, khó khăn và cả lỗi lầm của nhau.
Tú Uyên