Treo những bức ảnh gia đình
Tiến sĩ tâm lý Susan Newman, đồng tác giả quyển sách Little Things Long Remembered chia sẻ: ''Thường xuyên cùng chia sẻ những câu chuyện, truyền thống gia đình hoặc những tấm hình gia đình giúp thắt chặt mối thâm tình giữa những thành viên trong gia đình. Nhờ đó, mọi người có thể cảm nhận sự gần gũi và mãn nguyện về cuộc sống gia đình hiện tại”.
Chọn nuôi thú cưng
Theo kết quả khảo sát trên 70% gia đình của trường Đại học Texas A&M, nuôi một con vật cưng trong gia đình giúp các thành viên gia đình giảm bớt căng thẳng và không khí trong gia đình vui vẻ hẳn lên.
Nghiên cứu còn cho biết thêm, trẻ em nuôi nấng hoặc thường xuyên chơi đùa cùng thú vật cưng trong nhà có khuynh hướng phát triển lòng tự tin cao hơn và thích tham gia những hoạt động thể thao, hoạt động ngoài trời, cũng như những công việc gia đình.
Hơn nữa, trong số 22% gia đình đang gặp căng thẳng, thì sau khi nuôi thú cưng, cuộc sống của họ cũng được cải thiện hơn.
Đừng sạch sẽ quá
Việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa tuy rất cần thiết, nhưng nếu như người phụ nữ quá tập trung việc chăm sóc nhà cửa, dẫn đến việc thường xuyên la mắng con cái khi chúng không làm theo ý mình. Điều này khiến gia đình phải sống trong bầu không khí không thoải mái, dễ gây gổ nhau. Từ đó, sẽ tạo thêm căng thẳng, khiến cho cha mẹ lẫn con cái đều cảm thấy mệt mỏi.
Sưu tầm những món đồ
Khi có thời gian rảnh rỗi, những thành viên trong gia đình hãy cùng nhau lập ra một bộ sưu tập mang tính cách gia đình, như sưu tập tem, tiền xu cổ hay bất cứ thứ gì khác. Điều này thắt chặt tình đoàn kết của mọi thành viên, khi được cùng nhau làm chung một việc, cùng một ý tưởng, ghi dấu những khoảnh khắc tình cảm sâu đậm khi ở bên nhau.
Ăn bữa tối đúng giờ
David Niven, giáo sư tiến sĩ và cũng là tác giả quyển sách The 100 Simple Secrets of Happy Families, cho biết: ''Khi gia đình biết duy trì bữa ăn tối đúng giờ, luôn có mặt trong những bữa ăn tối, có kế hoạch cho những công việc nhà và những hoạt động gia đình khác, sẽ giúp mọi người có một định hướng đúng về hạnh phúc gia đình, và quen dần với thói quen tốt này”.
Biết quan tâm lẫn nhau
Khi hỏi con cái những câu đơn giản như: ''Hôm này con có khỏe không?” hoặc “Ngày mai, con có đến lớp không”, câu trả lời bạn nhận được từ con trẻ là: “Có!”. Nhưng với những câu hỏi đại loại như: ''Hôm nay công việc của con có gì thú vị không?”, bạn không chỉ nhận được câu trả lời thật lòng của trẻ mà còn khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc hơn vì sự quan tâm đó.
Cũng theo ý kiến của tiến sĩ Susan Newman: ''Sự quan tâm của mỗi thành viên gia đình dành cho nhau tạo nên tình cảm tích cực, khuyến khích mọi người biết tập trung vào những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống”.
Có niềm tin
Nghiên cứu của trường Đại học Bắc Carolina cho biết: ''Gia đình có lòng tin vào một tôn giáo nào đó là nền tảng của một gia đình trong ấm ngoài êm hơn, so với những gia đình không có thói quen này. Lòng tin mang đến cho mọi người trong gia đình một niềm vui chung, mà mỗi người có thể tâm sự với nhau. Niềm tin giúp con trẻ tôn trọng cha mẹ hơn và cảm thấy vui thích khi dành thời gian bên gia đình hơn.
Tú Uyên (nguồn Woman’ s World)