Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà

Diệp Nguyễn01/06/2024 10:00
Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà

Đối với một cô bé 2 tuổi, sự nổi tiếng là vô tình đến. Nhưng đưa em đến mọi buổi chụp hình hay TVC quảng cáo để đáp ứng sự yêu thích của cư dân mạng, thì không phải vô tình mà là sự chủ động, là trách nhiệm của bố mẹ em.

Các bạn cảm thấy điều gì khi nhìn thấy group anti của Pamyeuoi với hơn 2k2 thành viên và vô số lời lẽ nặng nề? Thậm chí đấy không phải cái duy nhất. Phải là những kẻ tồi tệ và thiếu suy nghĩ đến thế nào mới có thể công khai dùng những từ ngữ như vậy về một đứa trẻ mới tròn 2 tuổi.

Group anti ấy không chỉ đáng phẫn nộ nhưng còn đặt một câu hỏi cho tất cả chúng ta: Pam mới chỉ nổi tiếng hơn một năm nhưng group anti đã xuất hiện. Vậy ở chặng đường dài hơn, mọi thứ có thể chuyển biến xấu như thế nào?

Và nếu tương lai là thứ vẫn quá xa xôi, hãy đặt câu hỏi ở thì hiện tại: Tại sao ở cái tuổi còn chưa nhận thức được về cuộc sống - em bé 2 tuổi ấy đã phải hứng chịu những lời lẽ mà ngay cả người lớn cũng khó mà chấp nhận? 

Tôi không nghi ngờ gì về tình yêu, về sự nâng niu và mọi điều kiện nuôi dạy, giáo dục mà cặp bố mẹ 9x dành cho cô con gái bé bỏng của mình. Nhưng liệu họ có đang đắm chìm trong bẫy hào quang của sự nổi tiếng, của truyền thông và sự săn đón, tung hô của mạng xã hội? Liệu cha mẹ em và cả những người lớn đang nói sẽ yêu thương em vô điều kiện - đã thật sự nghĩ đến việc làm thế nào để đứa trẻ ấy lớn lên một cách lành mạnh và vô tư như những em bé đồng trang lứa? 

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 1.

Khi nhắc đến việc bảo vệ trẻ em, chúng ta thường chỉ quan tâm đến việc đứa trẻ được ăn ngon mặc đẹp, được phát triển trong môi trường an toàn với sự yêu thương của gia đình - thế là đủ. Việc lo xa về những tác hại của sự nổi tiếng thường được nhiều người trấn an nhau bằng câu: “Trên clip em vẫn cười tươi khi máy lia hình đến” chứng tỏ em bé thích nổi tiếng và thích được ghi hình.” Tôi thì không nghĩ như vậy.

Một đứa trẻ có thể mỉm cười trước camera vì đấy là điều người ta vẫn làm với nó ngay từ khi nhận thức bắt đầu được hình thành. Nó không thể nói không vì bản thân nó còn chưa ý thức được những gì đang xảy ra. Nhưng điều đó không nói lên rằng sau này, đứa trẻ đó vẫn sẽ yêu thích công việc ấy. Gần như tất cả những đứa trẻ quanh tôi khi đến độ tuổi đi học hoặc bắt đầu có nhận thức và ý kiến riêng - đều khước từ việc bị người lớn liên tục chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội.

Chúng đơn giản là không thấy thoải mái vì bố mẹ hay người lớn cứ chĩa điện thoại vào chụp mọi khoảnh khắc khóc cười mếu nhè của mình; và trêu đùa khi xem lại những hình ảnh đó với nhau, chứ chưa nói đến việc bị đăng lên MXH cho người quen lẫn bạn bè của bố mẹ theo dõi và bình luận.

Bạn cũng hãy thử tự hỏi bản thân: Nếu những hình ảnh ngày bé, những khoảnh khắc từ đáng yêu đến xấu hổ nhất… xuất hiện ở khắp nơi trên Internet - bạn có cảm thấy thoải mái không? Tương tự, nếu một ngày kia Pam trưởng thành và có những mối quan hệ nghiêm túc của mình (bạn bè, người yêu, đối tác, đồng nghiệp) - cô bé có thật sự cảm thấy thoải mái với việc những hình ảnh ấu thơ riêng tư (bao gồm hàng nghìn những khoảnh khắc từ lúc ra đời cho đến lúc lớn, từ ăn cháo cho đến… ị đùn) được biết đến rộng rãi?

Nếu lúc đó cô bé muốn giấu kín hết những hình ảnh ấu thơ của mình - bao nhiêu tiền bạc mà em và bố mẹ đã kiếm được từ quãng thời gian này sẽ là đủ để bù đắp cho việc bất khả thi này?

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 2.

Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới có nhiều hơn những cuộc thảo luận về việc bảo vệ sự riêng tư của trẻ em trên mạng xã hội. Sẽ ra sao nếu mọi thông tin cá nhân, tên tuổi, sở thích, hình ảnh của các em bé trở thành điều mà ai cũng thuộc nằm lòng? Những kỷ niệm, những vấp ngã, những bước ngoặt - đều là những câu chuyện chung mà người mới gặp sẽ biết hết về em? Ai cũng có quyền được giữ cho mình những thông tin về cuộc sống riêng tư, và cho đến khi em bé có quyền được lựa chọn, điều cha mẹ có thể làm là hạn chế việc thay em công khai cuộc sống với cả thế giới.

Niềm vui khi chia sẻ hình ảnh con của cha mẹ có thể là vô hại với một nhóm người thân thiết, nhưng khi con số đó nhân ra hàng trăm, hàng nghìn, và với Pam là hàng triệu - sẽ thật khó để thoải mái khi lớn lên giữa một cộng đồng mà ai cũng biết rõ từng ngóc ngách về tuổi thơ của mình.

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 3.
Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 4.

Ở độ tuổi lên 2, các bạn nghĩ cuộc sống của một đứa trẻ nên diễn ra như thế nào? Ăn, ngủ, đi trường mầm non, chơi với ông bà bố mẹ?

Vậy ở tuổi lên 2, cuộc sống của một đứa trẻ có phải là đi đóng quảng cáo, đi event và học cách đọc tên các thương hiệu không? Nhiều người có thể cho rằng khi đi đóng quảng cáo hay event nhưng em vẫn đang như đi chơi với bố mẹ, tiếp xúc với nhiều người lạ để dạn dĩ hơn, nói thẳng ra - đó chỉ là sự bao biện của họ trong việc đang gián tiếp bóp méo cuộc sống lành mạnh và sự phát triển bình thường của một đứa trẻ.

Một đứa trẻ không cần phải ngồi chơi dưới ánh đèn studio nóng bức để quay đi quay lại những phân cảnh của một phim quảng cáo. Một đứa trẻ không cần phải xuất hiện trong những buổi event với ánh flash bao vây và sự săn đón của cả nghìn người. Một đứa trẻ không cần phải ngồi yên xem hoạt hình cả tiếng đồng hồ để mẹ ngồi bên cạnh quay hình, không cần update cuộc sống của mình lên mạng xã hội, không phải livestream hay làm mặt đáng yêu để thỏa mãn yêu cầu của hàng trăm nghìn người đang xem.

Cư dân mạng có thể vì yêu mến một em bé mà đòi hỏi những điều đó để mang đến nụ cười và sự “chữa lành” cho họ, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ đang ích kỷ tước đi quyền được lớn lên và phát triển một cách vô tư của đứa trẻ ấy. Không một người cha mẹ tỉnh táo nào lại muốn con của mình lớn lên như một thần tượng để phục vụ cho niềm vui của cư dân mạng - thay vì được sống cuộc sống như một đứa trẻ bình thường.

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 5.

Việc bỗng nhiên phải trở thành thần tượng từ khi chưa có nhận thức cũng đồng nghĩa với việc một đứa trẻ có thể không còn được ngây thơ và phát triển bình thường về mặt tâm lý. Hãy hiểu như thế này: Từ khi chưa có ý thức về bản thân và cuộc sống, đứa trẻ chẳng cần làm gì nhưng đã lớn lên trong sự săn đón của tất cả những người xung quanh, ở mọi nơi nó đến. Chỉ cười là có người phấn khích. Chỉ “chu chu” là có người xúm vào khen. Đứa trẻ sẽ coi sự săn đón đó là hiển nhiên, và lớn lên trong cái bong bóng rằng ai cũng ngưỡng mộ nó chỉ vì những nụ cười và cử chỉ đáng yêu ấy.

Rồi đến một ngày đứa trẻ trưởng thành, cư dân mạng nay đã có những thần tượng mới. Đứa trẻ ngày nào sẽ phải đối mặt với một khoảng trống rất lớn về mặt tâm lý khi nhận ra rằng chúng không còn là trung tâm ở mọi nơi mình đặt chân đến. Chiếc bong bóng vỡ tan khi nó hiểu rằng những thứ như nụ cười và sự đáng yêu đã không còn là điều khiến nó được mọi người mến mộ nữa. Cảm xúc hụt hẫng này là thứ không dễ gì lấp đầy với tâm hồn non nớt của tuổi vị thành niên, và có thể sẽ mất rất nhiều năm để vượt qua.

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 6.

Đối mặt với cảm giác trống trải khi mình không còn được nhiều người yêu mến như ngày nhỏ đã rất tồi tệ. Nhưng tồi tệ hơn việc đấy chính là giờ đây, áp lực từ sự nổi tiếng ngày bé mới thực sự đè nặng lên đôi vai đứa trẻ, khi nó dần phát triển những cá tính riêng và bắt đầu hành trình đi tìm danh tính của chính bản thân mình.

Một đứa trẻ nổi tiếng từ sớm mang đến cho nó một danh tính cụ thể trong mắt những người xung quanh. Pam sẽ lớn lên với hình ảnh “Xinh, ngoan, yêu”, ở trên thế giới chúng ta có thể kể đến Daniel Radcliffe là Harry Potter hay Miley Cyrus là Hannah Montana. Chẳng có vấn đề gì nếu chúng mãi là phiên bản “xinh, ngoan, yêu” của thời điểm ấy. Nhưng thời gian trôi qua, đứa trẻ lớn dần và trở thành một phiên bản trưởng thành của riêng nó, phát triển những nét tính cách riêng và góc nhìn độc lập về cuộc sống - có thể sẽ hoàn toàn là những thứ khác hẳn, không hề liên quan đến hình ảnh đã gắn liền với nó trong suốt tuổi ấu thơ.

Sự phát triển này vô tình khiến những đứa trẻ cảm thấy mâu thuẫn với những gì mà bố mẹ và cư dân mạng đã vẽ ra về chúng. Chúng hiểu rằng mình được yêu mến vì những gì người ta đang nhắc đến, nhưng chúng cảm thấy những điều ấy không còn đại diện cho con người mình hiện tại. Điều đấy khiến đứa trẻ có cảm giác không thật sự được yêu thương vì chính bản thân. Thậm chí, đứa trẻ có thể sẽ bất an và tự ti khi cảm thấy con người thật của mình không đáp ứng được sự kỳ vọng mà người lớn đã vẽ ra khi nó còn nhỏ.

Không phải ngẫu nhiên mà gần như tất cả những đứa trẻ nổi tiếng đều không hạnh phúc khi chạm ngưỡng trưởng thành, nếu không muốn nói là phải khốn khổ về mặt tinh thần. Daniel Radcliffe vĩnh viễn gắn liền với hình ảnh “cậu bé phù thủy”, Miley Cyrus đã mất hơn 10 năm để tìm cách thoát ra khỏi hình tượng Hannah Montana. Trong suốt khoảng thời gian đấy, Daniel thậm chí đã nghiện rượu và tuyên bố nổi tiếng là điều anh muốn giữ con cái của mình tránh xa. Cuộc lột xác dài hơi của Miley thì đánh đổi bằng rất nhiều cơn trầm cảm và sự nổi loạn, thậm chí có thời gian chạm đáy trước những công kích của truyền thông.

Chúng ta còn chưa nhắc đến Macaulay Culkin mãi mãi mắc kẹt trong hình ảnh cậu bé láu lỉnh của Ở Nhà Một Mình, để rồi sau này sa ngã đến mức bệ rạc trong suốt hàng chục năm. Drew Barrymore - sao nữ nổi tiếng từ năm 3 tuổi - thậm chí uống rượu từ năm 12 tuổi và sử dụng chất kích thích vào năm 13 tuổi. Việc đấu tranh giữa cái tôi cá nhân cùng những định danh của cộng đồng sẽ là một cuộc chiến không hề dễ dàng, thậm chí sẽ đòi hỏi đứa trẻ đó mất nhiều năm vật lộn để vượt qua.

Mà đấy là, cả Macaulay, Daniel lẫn Miley - ở một giai đoạn sớm hơn của cuộc đời - đều đã có quyền lựa chọn nhận vai diễn này và ít nhiều có giấc mơ trở thành ai đó. Hollywood của những thập kỷ trước chắc chắn là rất khác với showbiz Việt Nam bây giờ, nhưng có một điều dù ở thời kỳ nào hay đất nước nào cũng không thay đổi - đó là sự mong manh của tâm hồn con người.

Nổi tiếng cũng có nghĩa là phải chấp nhận lớn lên trong sự soi xét của xã hội. Mọi thứ sẽ rất dễ dàng khi đứa trẻ vẫn là một đứa trẻ, nhưng khi nó lớn lên, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể mang về những xì xào bàn tán, hoặc thậm chí là công kích cá nhân. Người ta sẽ phán xét mọi thành tựu của đứa trẻ dựa trên danh tiếng ngày bé của nó và có những kỳ vọng của riêng họ vào việc đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào, phải đạt được những gì, có xứng đáng với những gì nó đã nhận được ngày nhỏ hay không? Và sẽ chẳng phải rất tội nghiệp cho đứa trẻ, nếu nó không trở thành một ai đó xuất chúng hoặc có tài năng đặc biệt để thỏa mãn sự trông đợi của xã hội đó sao?

Mặt trái của danh tiếng lúc này đã phát huy hậu quả, khi không còn ai kiêng dè trong việc ném những hằn học và phán xét vào đứa trẻ nữa. Nó đã lớn lên và người ta mặc định nó trở thành một đối tượng để họ theo dõi và bình phẩm, không còn là một em bé để nựng nịu và yêu chiều.

Cha mẹ có thể nói rằng sự nghiêm khắc của người đời sẽ là áp lực tốt để con nỗ lực trở thành một phiên bản tốt hơn. Nhưng nói vậy cũng là cha mẹ đã tước đi quyền được phạm sai lầm của đứa trẻ, quyền được lựa chọn và vấp ngã - khi mà giờ đây, những người phán xét nó là hàng triệu người đã follow nó từ khi còn là bé con. Bạn cảm thấy thế nào khi lớn lên với lời bình phẩm từ họ hàng và những người thân xung quanh, khi đôi lúc họ không thật sự đồng tình với những lựa chọn của riêng bạn? Với những em bé lớn lên trong sự nổi tiếng, hãy nhân những lời bình phẩm ấy lên hàng triệu lần.

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 7.

Liệu cha mẹ nào lại muốn con phải lớn lên giữa những lời bình phẩm và phán xét khắc nghiệt của những người lạ - vốn chẳng hiểu gì về tính cách, khả năng, khát vọng của con mình? Sự nghiêm khắc của xã hội ấy - có thật sự cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc của con không? Cha mẹ bảo vệ con được khỏi những bình luận tiêu cực đến bao giờ khi đứa trẻ cũng sẽ đến lúc tự tiếp cận được với mạng xã hội? Và có gì đảm bảo được, những người đang nói yêu thương đứa trẻ ngày hôm nay sẽ không trở thành những người phán xét em sau này?

 

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 8.

Trên thế giới và thậm chí là ở Việt Nam, có rất nhiều các cặp cha mẹ nổi tiếng tìm cách giấu kín danh tính của con cái để những đứa trẻ có thể lớn lên một cách bình thường nhất. Ai đã từng nếm trải những cay đắng của danh tiếng đều hiểu rõ những cạm bẫy nó mang đến cho tinh thần con người. Tôi cũng không nghĩ, sẽ là công bằng với một đứa trẻ nếu người lớn đặt vào tay nó sự nổi tiếng, để rồi tự nó phải học cách lớn lên trong ánh mắt của hàng triệu người theo dõi, dù chưa chắc nó đã muốn điều này.

Một lập luận phổ biến của nhiều cư dân mạng lẫn các cặp cha mẹ mà tôi có dịp được nói chuyện về vấn đề này, đấy là họ cho rằng nổi tiếng là một món quà vô giá mà cha mẹ đã có cơ hội xây dựng cho con từ những năm đầu đời. Sự may mắn đó không phải ai cũng có được và nên tranh thủ để tạo một nền móng vững chắc cho tương lai của con. Tôi đồng ý về điều đó. Các em bé nổi tiếng sẽ có một cuộc đời giàu sang và được mọi người chú ý, nhưng từ bao giờ - hạnh phúc được định nghĩa bởi vật chất và danh vọng?

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 9.

Trong mắt nhiều cha mẹ, việc tìm kiếm sự nổi tiếng, duy trì nó như một sự nghiệp là một điều mà họ tận hưởng và lao động chăm chỉ để đạt được, một mục tiêu cả đời mà họ luôn hướng đến. Họ yêu thích việc được quan tâm và chú ý, bởi đấy là cuộc sống mà họ lựa chọn khi đã có đủ nhận thức và suy nghĩ về những quyết định cá nhân. Một cách vô thức, họ cũng muốn con mình trở nên nổi tiếng khi có cơ hội - bởi đấy là điều họ luôn khát khao. Nhưng nếu đứa trẻ không muốn điều đó? Nếu đứa trẻ lớn lên và cảm thấy nặng nề bởi việc ai cũng biết đến mình, ai cũng nhắc tên mình và chú ý đến mọi hành động của mình ở nơi công cộng? Nếu đứa trẻ muốn một cuộc sống trầm lặng và kín đáo, ghét việc bị lan truyền những hình ảnh cá nhân khi còn nhỏ, ghét phải chịu những áp lực vô hình mà danh tiếng khổng lồ mang đến cho người sở hữu? Hãy hiểu rằng việc có một danh tính vững chắc trong lòng cộng đồng, hoặc những hình ảnh đã được đăng tải trên Internet - mọi thứ sẽ tồn tại vĩnh viễn và không thể muốn mất đi là được.

Và khi sự nổi tiếng không phải đích đến trong cuộc đời trẻ, nhưng giờ đây nghiễm nhiên lại trở thành gánh nặng mà trẻ không có quyền được từ chối, một cái bẫy không thể thoát ra, nó sẽ cảm thấy khốn khổ và chán ghét chính những gì mình đang có. Đến lúc đấy, liệu cha mẹ có còn đủ tự tin để nói rằng: Sự nổi tiếng này là món quà mà cha mẹ đã dành cho con?

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 10.

Điều đó khiến tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của cha mẹ không chỉ là sự yêu thương và chăm sóc. Trách nhiệm đấy còn là việc tạo ra một môi trường an toàn để con có thể lớn lên, trưởng thành một cách vô tư và hạnh phúc.

Việc đưa hình ảnh cô bé 2 tuổi vào rất nhiều booking quảng cáo lẫn việc update liên tục hình ảnh cuộc sống mỗi ngày của bé để chiều lòng cư dân mạng đang dần đi quá giới hạn của việc giữ sự an toàn cho một đứa trẻ được phát triển bình thường. Ban đầu, mọi thứ có thể xuất phát từ niềm vui khi chia sẻ hình ảnh cô con gái và nhận được sự yêu mến của cộng đồng mạng, nhưng càng ngày, cặp bố mẹ trẻ và ekip của mình đều đang tận dụng mọi cơ hội để cô bé có thể nổi tiếng hơn nữa và viral hơn nữa. Nó vô tình khiến chính tuổi thơ của cô bé bị mất đi sự vô tư cần có như mọi đứa trẻ khác, mất đi sự riêng tư tất nhiên nên được hưởng - khi mà cuộc sống và mọi hoạt động của em đều gắn liền với chiếc máy quay và điện thoại, livestream và diễn hoạt trước ống kính.

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 11.

Các nhãn hàng sẽ book ngày một nhiều hơn với chi phí cao hơn để có được Pam trong quảng cáo của mình - họ cần bán thật nhiều hàng và được phủ sóng thương hiệu thật rộng. Cư dân mạng sẽ đòi hỏi nhiều hơn những hình ảnh và video của Pam để ngắm nhìn mỗi ngày - họ cần niềm vui và sự “chữa lành”. Với người ngoài, sẽ luôn chỉ có thêm chứ không bớt đi - bởi họ không phải người sinh ra Pam để nghĩ xa hơn về những tác hại mà sự nổi tiếng đem lại.

Đứng trong vòng xoáy vũ bão từ sự yêu thích tưởng như không dừng lại của cư dân mạng, của tiền bạc và sự nổi tiếng đến quá dễ dàng - tôi thật sự nghĩ, những người cha mẹ đủ tỉnh táo nên vạch ra những ranh giới rõ ràng để bảo vệ sự phát triển của con, chứ không để bản thân chạy theo danh tiếng nhất thời mà hủy hoại sự bình yên và quyền được tự do lựa chọn cuộc sống của con trong tương lai.

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 12.

Mới ngày hôm trước, tôi có dịp đọc lại Harry Potter và Hòn đá phù thủy. Lần đầu tiên tôi đọc nó là cách đây hơn 20 năm, nhiều chi tiết tôi đã không còn nhớ. Sau này, tôi cứ mãi thắc mắc về việc tại sao Harry lại phải khổ sở lớn lên ở nhà dì dượng thay vì được sống trong thế giới phù thủy - nơi cậu là một người anh hùng từ khi sinh ra.

Câu hỏi của tôi đã có lời giải đáp, khi cô McGonagoll cũng thắc mắc điều này với thầy Dumbledore, và nhận được câu trả lời: “Nhiêu đó cũng đủ hại đầu óc bất cứ đứa trẻ nào. Nổi tiếng trước cả khi biết đi biết nói! Nổi tiếng về những điều mà nó cũng không thể nhớ được! Bà không thấy là tốt cho nó hơn biết bao nếu nó lớn lên ngoài vòng bao phủ của tiếng tăm, lớn lên một cách bình thường cho đến khi nó đủ lớn để làm chủ được điều đó sao?”.

Với tất cả cư dân mạng, tôi không nghi ngờ tình cảm nồng ấm và trong trẻo các bạn dành cho Pam - vì tôi cũng vậy. Pam quá đáng yêu, những em bé khác cũng thế và chuyện đâu có gì để phải nghĩ mọi thứ xấu đi? Ai đó sẽ nói: Chúng ta chỉ ngắm nhìn và lan tỏa những năng lượng tích cực thôi mà? Nhưng chẳng phải, mọi thứ đang xấu đi rồi đó hay sao?

Một group anti 2k thành viên mới chỉ là sự khởi đầu và ai biết được rằng sẽ còn những gì tồi tệ hơn nhắm đến đứa trẻ ấy trên mạng xã hội nữa? Em bé xinh xắn và trong sáng đó có đáng phải chịu những lời lẽ kinh khủng ấy không? Tình yêu thương chúng ta dành cho bé đã thật sự đúng đắn chưa khi vô tình khiến em phải hứng chịu sự ghét bỏ của một bộ phận nhan nhản trên mạng xã hội? Hay thật sự tình yêu thương ấy mới chỉ là những thứ bề mặt, khi ta vẫn đang nhận được niềm vui từ Pam nên ta cho phép mình vô tri và nhắm mắt, bịt tai khỏi những sự tiêu cực tiềm tàng sẽ đến với em - chỉ để tiếp tục ngắm nghía và bình luận về em mỗi ngày? Liệu ta có đang ích kỷ đón nhận những sự tích cực từ em mang đến cho mình, thay vì nghĩ đến em như một đứa trẻ cần được bao bọc theo đúng những ý nghĩa của từ đó?

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 13.

“Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” - Trách nhiệm bảo vệ Pam không chỉ thuộc bố mẹ của em, mà còn là cả của những người đang ngày đêm nói rằng mình dành tình cảm cho bé. Tôi nghĩ, chúng ta đều hiểu rằng yêu thương một em bé cũng có nghĩa là chúng ta cần bớt đi rất nhiều sự vô tư của chính mình. Bởi điều người lớn tạo ra ngày hôm nay sẽ là tiền đề cho cuộc sống những ngày sau của đứa trẻ.

Suy cho cùng, việc của người lớn không chỉ là lo cho trẻ được sống trong đủ đầy, mà còn là lo xa hơn, sâu sắc hơn, thấu đáo hơn - để ngừng thật sự nghĩ về cách bảo vệ trẻ tối đa khỏi những áp lực tinh thần sẽ ngày một tăng trong sự khó lường của thời đại này, cũng như hiểu điều gì là tốt nhất để một đứa trẻ lớn lên trong niềm hạnh phúc, và được phát triển đúng với những tiềm năng của chính mình.

Bé Pam bị lập group anti: Khi sự nổi tiếng chưa chắc đã là món quà - Ảnh 14.

Bài viết: Diệp Nguyễn, Minh họa: Huytengmeng, Thiết kế: Tuan Maxx


Gửi bình luận
(0) Bình luận
1

Nếu dám "chia tay" với 3 kiểu người này, cuộc sống tuổi trung niên sẽ ngày càng tốt đẹp hơn

Trong cuộc sống, việc lựa chọn kết giao với những người phù hợp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, việc tiếp xúc với những nguồn năng lượng tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và cuộc sống của chính chúng ta.
2

"Đổi mạng" lấy tiền: Cái giá quá đắt cho một cuộc đời

Cuộc sống là hành trình không ngừng nỗ lực, nhưng đừng đánh đổi sức khỏe lấy tiền tài.
3

Nguyên tắc dụng quân của Sếp giỏi: Trọng ‘Nhân tài’ - không cần tìm ‘Nô tài’

Nhìn chung, ở nơi làm việc, giữ quy tắc, mới có được sự tin tưởng; có nguyên tắc, mới đáng để giao phó. Cho dù là công việc hay cuộc sống, việc "làm cho người khác cảm thấy yên tâm" là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một cá nhân.

Từ chuyện chàng trai 'đào mỏ' bạn gái bát phở, bộ quần áo, nhận diện 5 dấu hiệu của đàn ông tồi

Nếu không muốn đau khổ trong tình yêu thì bạn cần tránh xa đàn ông có những dấu hiệu này.

12 câu giúp người đang lạc lối tỉnh ngộ ngay lập tức

Trong cuộc sống vốn dĩ danh vọng và ảo ảnh, có những lời nói tỉnh táo lay chuyển tâm hồn, lại bình dị như giọt sương mai rơi xuống lá non. 12 câu nói sâu sắc này sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình trưởng thành.

5 nguyên tắc tư duy ‘vàng’ của người thông minh: Ai cũng có thể áp dụng để thay đổi cuộc đời

Biết cách áp dụng những lối tư duy “vàng” này, cuộc sống của bạn, ắt sẽ khác.

Người "tay không dựng cơ đồ" hơn những người bình thường ở 1 việc

Rất nhiều khi, không phải mọi việc trên đời quá phức tạp mà là suy nghĩ của chúng ta quá phức tạp.

Chuông kêu thử tiếng, người khôn thử lời

Dù đang ở trong hoàn cảnh nào, hãy nhớ cẩn thận với lời nói và hành động của bản thân, đừng bao giờ để bản thân bị hủy hoại chỉ vì một lời nói.

4 kỹ năng giúp người có EQ cao dễ dàng chinh phục mối quan hệ

Có 4 điều này, bạn chắc chắn không hề tầm thường!

Làm được 3 điều này, cuộc sống mới thật sự nhẹ gánh

Nếu sống với kiểu suy nghĩ này thì chắc chắn cuộc đời bạn sẽ là một chuỗi bi kịch.

80 danh ngôn của Victor Hugo sẽ truyền cảm hứng cho bạn

Cho dù bạn đang tìm kiếm những câu nói về tình yêu, cuộc sống, tôn giáo hay hơn thế nữa, những câu nói sau của Victor Hugo sẽ truyền cảm hứng cho bạn.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

5 câu nói người EQ cao không bao giờ "treo" cửa miệng

Kỹ năng - Đông - 18/01/2025 12:00
Đây chính là "bí quyết" giúp người EQ cao luôn được lòng mọi người.

Cùng bị đánh lén, vì sao Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng phản ứng trái ngược?

Thư giãn - Chi Chi - 18/01/2025 11:00
Liệu sự khác biệt này của Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng có đến từ thực lực hay còn nguyên nhân nào khác?

Vì sao ông chủ shop không nhận cậu bé xin việc để mua quà sinh nhật cho em?

Truyền cảm hứng - Nguyễn Duy - 18/01/2025 10:00
Cậu bé học lớp 6 ở xã Nghi Phong, thành phố Vinh (Nghệ An) đạp xe ra phố, vào một shop (cửa hàng) thời trang xin việc. Hành động đẹp của ông chủ sau đó khiến câu chuyện cuối năm kết lại ấm áp.

Từng chê bai phim Sex Education, tôi bật ngửa về cách dạy con sai lầm của mình

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 18/01/2025 09:00
Tin nhắn chỉ vỏn vẹn 3 từ của con trai nhưng khiến tôi thao thức cả đêm.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Từ sách - Phim - Đan Thanh - 18/01/2025 08:00
Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

Không nên chia sẻ quá nhiều với chatbot AI

Kỹ năng - PL - 17/01/2025 12:00
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dùng không nên chia sẻ quá nhiều thông tin với chatbot AI, đặc biệt là những dữ liệu riêng tư.

Vì sao Giang Nam Thất Quái mất 10 năm không bằng Hồng Thất Công dạy Quách Tĩnh chỉ 1 tháng?

Thư giãn - Nguyệt Phạm - 17/01/2025 11:00
Vì sao 10 năm khổ luyện cùng Giang Nam Thất Quái lại không hiệu quả bằng 1 tháng học nghệ với Hồng Thất Công?

Nhiều người Việt trẻ lướt mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày

Phong cách sống - Ngọc Hiền - 17/01/2025 10:00
Báo cáo "Cuộc sống số của người Việt Nam" của Q&Me cho thấy, có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.

Trong 'Tây Du Ký' 4 đồ đệ của Đường Tăng đều phạm luật trời vì sao Bồ Tát vẫn chọn?

Từ sách - Phim - Tùng Lâm - 17/01/2025 09:00
Trong "Tây Du Ký", Đường Tăng đã thu nhận 4 đệ tử. Cả 4 người này đều phạm luật trời và được Quan Âm "chỉ điểm" trước khi theo Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Sếp tồi - 3 cách để bạn không còn cảm thấy vội vã, hối hả mỗi dịp cuối năm

Từ sách - Phim - TĐ - 17/01/2025 08:00
Bạn có thấy gần cuối năm và lịch làm việc của bạn không một khoảng trống?  Cuối tuần rồi mà bạn vẫn không được nghỉ ngơi? Bạn có cảm thấy áp lực khi phải hoàn tất mọi việc trước khi kết thúc năm không?

Lo ngại TikTok bị cấm ở Mỹ, người dùng đổ xô tải app 'bản sao': Xiaohongshu

Kỹ năng - Vũ Anh - 16/01/2025 12:00
Đây một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc nhưng ít được biết đến bên ngoài đất nước.

Nhà khoa học cấp cao Nvidia ngỡ ngàng vì video robot hình người của Engine AI

Thư giãn - Sơn Vân - 16/01/2025 11:00
Engine AI hy vọng tận dụng được sự quan tâm với các robot hình người của mình bằng cách giảm giá trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt tại Trung Quốc.

Nguyên tắc dụng quân của Sếp giỏi: Trọng ‘Nhân tài’ - không cần tìm ‘Nô tài’

Suy ngẫm - Diệu Đan - 16/01/2025 10:00
Nhìn chung, ở nơi làm việc, giữ quy tắc, mới có được sự tin tưởng; có nguyên tắc, mới đáng để giao phó. Cho dù là công việc hay cuộc sống, việc "làm cho người khác cảm thấy yên tâm" là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một cá nhân.

Xem phim Sex Education, tôi đúc rút bài học quý báu để dạy con trai

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 16/01/2025 09:00
Bộ phim Sex Education đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong việc dạy dỗ con cái.

Con đường chuyển hóa - Để không trở thành nạn nhân của vọng tưởng

Từ sách - Phim - Quìn - 16/01/2025 08:00
Khi đối diện một vấn đề, ta thường hay tự mình suy diễn, tưởng tượng đủ thứ, để rồi phiền não, đau buồn vì cái tưởng của mình. Nhưng ít ai nhận ra rằng, cái mà ta thấy chỉ là ảo ảnh do tâm tạo nên chứ không phải cái biết chân thật của mình.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025