Quảng Ninh đang được xem là một trong những "ổ dịch" lớn hiện nay khi liên tiếp những ngày qua phát hiện nhiều trường hợp nhiễm COVID-19. Đến nay, tỉnh đã ghi nhận 27 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện Quảng Ninh đang phải thành lập các tổ truy vết COVID-19 đến tận thôn, khu, tạm dừng toàn bộ các hoạt động vận tải khách đường bộ, đường thủy liên tỉnh, nội tỉnh, tạm dừng hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ giải trí. Các cơ quan công sở thực hiện làm việc theo hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, bất chấp dịch bệnh đang bùng phát trở lại và nhiều khu vực tại Quảng Ninh phải thực hiện giãn cách xã hội như: tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long), các xã: Thủy An, An Sinh, Bình Dương, Nguyễn Huệ (thị xã Đông Triều), huyện Vân Đồn... UBND TP.Hạ Long vừa cho biết sẽ vẫn tổ chức Hội chợ hoa xuân 2021 và bắn pháo hoa đêm giao thừa.
Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu của thành phố, Hội chợ hoa xuân - Trưng bày sinh vật cảnh xuân Hạ Long 2021 sẽ được tổ chức tại 3 địa điểm là: Quảng trường 30/10 (phường Hồng Hải); Quảng trường Sun Carnival (phường Bãi Cháy); 2 bên vỉa hè tuyến phố Tây Sông Trới và khu vực mặt bằng chợ tạm phía đông chợ Trới (khu 10, phường Hoành Bồ).
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND thành phố Hạ Long quyết định thu hẹp quy mô tổ chức. Theo đó, Hội chợ hoa xuân – Trưng bày sinh vật cảnh xuân Hạ Long 2021 sẽ được tổ chức tại 1 điểm duy nhất là Quảng trường 30/10. Thời gian tổ chức dự kiến từ ngày 2.2.2021 đến ngày 11.2.2021 (tức từ ngày 21.12 âm lịch đến ngày 30 Tết). Các gian hàng cũng sẽ được mở rộng diện tích và bố trí giãn cách để đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, TP.Hạ Long cũng rà soát lại nguồn nông sản của người dân tại các phường, xã để kết nối tại các điểm chợ trung tâm trên địa bàn. Theo đó, từ sáng nay 1.2, thành phố đã bố trí 10 điểm bán hoa tập trung cho người dân phường Hoành Bồ tại chợ Hạ Long 1. Để người dân vẫn đón xuân vui, TP.Hạ Long sẽ tổ chức từ 2-3 điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa.
Ông Vũ Văn Diện - Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định: "Thành phố sẽ quyết tâm, chủ động nắm chắc thông tin, hành động mau lẹ, kịp thời, bước đi phù hợp, linh hoạt; xử lý trách nhiệm, đồng bộ mọi vấn đề phát sinh. Đợt cao điểm chống dịch này không chỉ tập trung khoanh vùng, khống chế, dập dịch thành công, mà còn phải đảm bảo tạo môi trường thuận lợi cho nhân dân mua, bán hàng hóa trong dịp Tết".
Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, nhiều địa phương đã chủ động hoãn hủy nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội.
Cụ thể, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành công văn số 37 ngày 26.1 về việc dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần, phường Lộc Vượng, TP.Nam Định. Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định cũng dừng tổ chức lễ hội chợ Viềng (huyện Nam Trực) để phòng, chống COVID-19.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động văn hóa mừng Xuân Tân Sửu 2021 tại Hà Nội đã bị hoãn để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Sự kiện khánh thành Không gian cộng đồng tại tổ 16, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 31.1. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mọi người trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, quận Hoàn Kiếm quyết định lùi lại vào một thời điểm khác.
Theo kế hoạch, ngày 30.1 diễn ra sự kiện Chợ Tết quê em 2021 ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất nhưng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm vẫn quyết định hoãn sự kiện này.
Trong chuỗi hoạt động văn hóa diễn ra tại Phố cổ Hà Nội đón Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, theo kế hoạch, ngày 30.1 diễn ra Tọa đàm “Trâu trong đời sống người Việt”, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cũng hủy sự kiện này do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với các hoạt động văn hóa khác, Ban tổ chức cũng đang tính toán về thời gian tổ chức hay hủy sự kiện.
Trước đó ngày 29.1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn yêu cầu tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hoá tập trung đông người đối với các địa phương có dịch bệnh bùng phát.