Áp dụng tư duy đột phá để chuẩn bị cho một tương lai tốt hơn

02/03/2021 08:30
Áp dụng tư duy đột phá để chuẩn bị cho một tương lai tốt hơn

Không phủ nhận tính hữu dụng của phương pháp Tư duy phân tích cho một số vấn đề, và tư duy này đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của thế giới cho đến hiện tại. Tuy nhiên cũng có những lỗ hổng nghiêm trọng từ cách tiếp cận của phương pháp Tư duy phân tích.

Không phủ nhận tính hữu dụng của phương pháp Tư duy phân tích cho một số vấn đề, và tư duy này đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của thế giới cho đến hiện tại. Tuy nhiên cũng có những lỗ hổng nghiêm trọng từ cách tiếp cận của phương pháp Tư duy phân tích.

Những lỗ hổng đó cần phải được nhận thấy như là một chướng ngại cho việc giải quyết những vấn đề trong thế kỷ 21 - kỷ nguyên của tốc độ và sự biến động. Vì vậy, chúng ta cần có một cách tiếp cận khác cho thời đại này. Để chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính mình và cho hành tinh của chúng ta, đã đến lúc cần phải áp dụng Tư duy đột phá phi thường.

Áp dụng tư duy đột phá để chuẩn bị cho một tương lai tốt hơn
 

Tư duy đột phá phi thường (EBT) được diễn dịch từ trường phái Tư duy toàn diện. Giá trị nổi bật của nó là mở ra và nới rộng số lượng lựa chọn có chất lượng xung quanh một vấn đề, giúp cho người thực hành có thể đạt được những giải pháp tốt và sáng tạo nổi trội. Chúng tôi cũng cố gắng cấu trúc EBT sao cho dễ hiểu, dễ sử dụng theo quy trình, có thể áp dụng cho đa dạng các bối cảnh lớn nhỏ và đạt được các kết quả đột phá. Nội dung tóm tắt của mô thức tư duy này bao gồm ba nguyên lý nền tảng định hướng cho toàn bộ cách tiếp cận, và bốn giai đoạn tìm giải pháp được mô tả ngắn gọn dưới đây.

Mỗi vấn đề cần được cá nhân hóa bởi lẽ không bao giờ có hai trường hợp nào là giống nhau hoàn toàn, bất kể thoạt nhìn chúng trông giống nhau như hai giọt nước. Những cá nhân có lối tư duy vượt trội mà chúng tôi nghiên cứu thường bắt đầu công việc của họ bằng cách xem xét cẩn thận từng tình huống theo tính chất riêng của nó, và khi được hỏi là nguyên tắc suy nghĩ nào là nguyên tắc quan trọng nhất để có thể tạo kết quả đột phá, hầu hết đều chọn chính nguyên tắc về tính độc đáo này.

Ngược lại, Tư duy phân tích thường đẩy chúng ta vào cái bẫy niềm tin rằng hãy học hỏi từ "các ví dụ thành công", "đã được chứng minh là hiệu quả" từ các cá nhân, công ty, đất nước khác, thậm chí còn bảo chúng ta nên sao chép lại giải pháp để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Kiểu suy nghĩ "bài học kinh nghiệm tốt nhất" này phản ánh rất rõ đặc điểm của giản luận hóa, và hoàn toàn đi ngược với nguyên lý của EBT. Xin lỗi khi phải nói rằng những lời khuyên kiểu ép uổng giải pháp của người khác vào tình huống của mình như thế này là một điều rất nguy hiểm.

Có một số lý do quan trọng sau đây cho biết vì sao chúng ta cần vận dụng nguyên lý về tính độc đáo:

Thứ nhất, những con người liên quan trong tình huống luôn là khác nhau. Bất kể các yếu tố ngoại vi của hai tình huống có giống nhau đến mức nào, thì mức độ đa dạng và giá trị của những người liên quan giữa hai tình huống vẫn khác biệt với nhau. Khi bạn đang đối diện với những con người từ các quốc gia, tổ chức, phòng ban hoặc đơn vị khác nhau trong cùng một tổ chức, bạn đang đối diện với sự khác biệt về văn hóa.

Hơn nữa, con người có xu hướng tự nhiên là từ chối thay đổi nếu họ không được tham dự vào quá trình tạo ra giải pháp (triệu chứng NIH – "not invented here"). Do vậy, khi chúng ta muốn mời gọi những người khác nhau tham gia để khắc phục triệu chứng NIH này thì đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận sự khác nhau của mỗi con người, và dẫn đến sự khác nhau về mặt giải pháp.

Thứ hai, các mục đích cần phải đạt được cho mỗi trường hợp hầu như lúc nào cũng khác nhau, mặc dù tình huống có thể giống nhau. Ngay cả các công ty hoạt động trong cùng một ngành có cấu trúc tổ chức nhìn qua là như nhau (như quản lý nguồn nhân lực, kế hoạch chiến lược, hành chánh, kiểm soát nội bộ,...) cũng có thể có các mục đích khác nhau khi xử lý các vấn đề về hoạt động vận hành.

Đó là lý do chính mà những quý vị đạt được bằng cấp MBA danh giá và học tập qua hàng loạt tình huống nghiên cứu (case-study) trong các trường kinh doanh ít có khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả trong đời thực. Những nhà quản lý thực sự hiệu quả phải có ý thức cao rằng việc ép buộc vận dụng một giải pháp hay hệ thống được "nhập khẩu" về từ một công ty khác thường tốn kém hơn nhiều so với việc bỏ thời gian ra tự phát triển giải pháp cho riêng mình.

Thứ ba, các công nghệ sẵn có và phù hợp cho giải pháp này có thể không phù hợp trong trường hợp khác. Thế giới công nghệ hiện nay biến đổi nhanh đến độ giải pháp cho ngày hôm nay có thể ngay lập tức trở nên lạc hậu vào ngày mai. Quan trọng hơn nữa, bạn khó có khả năng sử dụng công nghệ để ép uổng con người tuân thủ nó.

Đã bao nhiêu lần bạn nghe các công ty mà mình quen biết than thở về những hệ thống ERP đã đầu tư hàng triệu đô-la nhưng người dùng vẫn không chịu dùng? Khi con người khác biệt, giải pháp công nghệ cũng nên được khác biệt hóa cho từng trường hợp, hay nói cách khác, công nghệ không nên chỉ được xem xét ở khía cạnh có "công nghệ cao (high tech)" hay không mà còn phải là có "cảm xúc cao (high touch)" nữa. Điều đó có nghĩa là khi sử dụng giải pháp công nghệ, phải luôn quan tâm đến cảm giác của những người liên quan để phát triển và cài đặt giải pháp.

Cuối cùng, bất kỳ một vấn đề nào cũng liên quan đến một chuỗi các vấn đề đặc thù khác. Tư duy phân tích dạy ta phải "chia để trị", thế nhưng đối với các thách thức trong thời đại này, các thành tố tạo nên nó có thể được tách biệt thành các yếu tố nhỏ hơn vì thường chúng ta phải đối diện với sự liên quan chồng chéo giữa con người và hệ thống, mà nếu một liên kết trong đó đứt gãy, cả hệ thống có thể gặp vấn đề.

Nếu chúng ta cố gắng cô lập yếu tố trong vấn đề, chúng ta lập tức ngăn mình nhìn nhận các liên kết đó. Khi chúng ta càng cố gắng tìm điểm giống nhau giữa hai vấn đề, chúng ta càng có xu hướng bỏ qua các thành phần tạo nên sự khác biệt quý báu của cả hệ thống. Chẳng hạn như, khi nhìn vào em bé song sinh, người ta thường ồ lên "Sao mà giống nhau như hai giọt nước" và lập tức mua sắm đồ cho giống nhau, chăm sóc và nuôi dưỡng giống nhau, mà hiếm khi để ý rằng hai em là hai em bé, có thể có cách suy nghĩ, cảm xúc, tính cách,... khác nhau.

Tóm lại, bạn không thể đơn thuần bắt chước hoặc mô phỏng một giải pháp có sẵn, sao chép công nghệ hoặc quy trình của trường hợp khác về chỗ của mình. Bất kỳ giải pháp nào cũng yêu cầu sự độc đáo riêng của nó, không chỉ giải quyết cái gọi là dữ kiện mà không quan tâm đến xúc cảm của những người liên quan.

Hơn nữa, việc "nhập khẩu" giải pháp sẽ khó có cơ hội thành công khi người "nhập khẩu" không thể nắm bắt hết các phương diện của giải pháp đó. Người ta có thể cần nhiều hơn hoặc ít hơn các tính năng, kém tin tưởng vào thứ "không được tạo ra ở đây" – triệu chứng NIH – và kéo theo là khả năng những công nghệ ban đầu nghe có vẻ lấp lánh ở nơi này nhưng lại trở nên rất tốn kém và sai lầm, bỏ thì thương mà vương thì tội ở nơi khác.

GS. Shozo Hibino & GS. Gerald Nadler

Lược trích cuốn sách 'Tư duy đột phá' - đây là phiên bản 2020, là bản cập nhật nâng cao mới nhất, đã được kiểm định qua các trường hợp thực tế theo triết lý và cách tiếp cận của hai tác giả GS. Shozo Hibino và GS. Gerald Nadler. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024