Làm thế nào để đạt mục đích một cách lý tưởng và hiệu quả?
EBT (Extraordinary Breakthrough Thinking) - Tư duy đột phá phi thường - là một tập hợp quá trình để tiếp cận vấn đề, cũng như một tập hợp công cụ để tìm kiếm và hình thành nên những giải pháp thực sự sáng tạo, tồn tại dài lâu, giúp bạn giải quyết các vấn đề đặc thù bạn gặp phải trong công việc, công ty, gia đình, cộng đồng, trường học hoặc các cơ quan Chính phủ.
Giai đoạn triển khai mục đích của EBT sẽ giúp bạn định hình được vấn đề "đúng", xác định được mục đích trọng tâm nào bạn muốn đạt trong hệ thống các mục đích lớn. Có thể bạn đang thắc mắc là giải pháp tương lai nhằm phục vụ cho mục đích gì? Tại sao phải bận tâm suy nghĩ đến việc tạo ra một giải pháp không thể thực hiện ngay lập tức và nhắm đến các mục tiêu trong tương lai nào đó? Câu trả lời là, có hai lý do tuyệt vời sau đây để ta suy nghĩ đến giải pháp tương lai đó là, nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ một giải pháp lý tưởng thì như thế nào và nó cũng đòi hỏi bạn phải dự liệu cho tương lai.
Vậy giải pháp tương lai là gì?
Giải pháp tương lai là một tầm nhìn hay kịch bản về giải pháp lý tưởng để đạt được mục đích trọng tâm và mục đích lớn hơn ở thời điểm nào đó trong tương lai nếu các điều kiện là lý tưởng. Giải pháp tương lai cài đặt một giải pháp "dẫn hướng" để bạn bám sát và làm theo trong giai đoạn giải pháp sống. Nó như là một tấm bản đồ giúp bạn định hướng những hành động xây dựng giải pháp của mình ngay từ hôm nay. Giải pháp này sẽ đảm bảo bạn không sa đà trong hiện tại, để rồi tạo ra một giải pháp mà bạn, hay tổ chức của bạn không thực sự cần cho việc đạt mục đích trọng tâm trong dài hạn. Nói cách khác, giải pháp tương lai giúp bạn tránh viễn cảnh bị "khóa" vào một giải pháp kém lý tưởng quá sớm.
Hầu hết các kỹ thuật giải quyết vấn đề đều bác bỏ, giảm nhẹ, hoặc bỏ qua khái niệm về kiến tạo giải pháp lý tưởng. Nhiều tổ chức và nhà lãnh đạo tin rằng các giải pháp lý tưởng là không thể đạt được. Vậy thì chẳng có lý do gì để lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc để suy nghĩ, lên kế hoạch cho giải pháp lý tưởng. Chính vì vậy mà ý tưởng về giải pháp tương lai là một bước tiến đáng kể so với mô hình giải quyết vấn đề của cách tư duy phân tích, vốn hoàn toàn không có bước tương tự. Và bởi vì từ bé đến lớn, hầu như ai cũng quen được giáo huấn theo kiểu tư duy phân tích, nên điều cực kỳ cơ bản là chúng ta phải hiểu được mục đích và giá trị tăng thêm khi áp dụng giải pháp tương lai.
Lợi ích của việc xây dựng giải pháp tương lai
Giải pháp tương lai là một giải pháp tư duy tiến bộ, đôi khi cũng được gọi là giải pháp kế tiếp (solution after-next, SAN). Điều này có nghĩa là một cấp độ giải pháp không thể cài đặt ngay bây giờ được vì nó quá tiến bộ. Có thể công nghệ này vẫn chưa xuất hiện hay các điều kiện chưa lý tưởng, chưa biết liệu các thành phần hệ thống có vận hành không, hoặc liệu có hệ thống nào khác cần được thay đổi trước hay không. Dù lý do là gì đi nữa, giải pháp đó cũng vượt quá xa trước thực tại nên chỉ có thể thực hiện nó trong tương lai chứ không phải ngay lúc này.
Ví dụ như khi tôi làm việc với một bệnh viện muốn phát triển một hệ thống quản lý thuốc. Không chỉ nghĩ đến một hành động khắc phục nhỏ cho vấn đề quản lý thuốc của bệnh viện đó, đội dự án đã xây dựng một tầm nhìn về tương lai. Nhờ đó đội đã thấy trước được việc giao thuốc tự động cho bệnh nhân: chỉ cung cấp đúng liều vào đúng thời điểm ngay tại đầu giường của đúng bệnh nhân, với hệ thống giám sát tự động khi bệnh nhân uống thuốc. Dù viễn cảnh giải pháp tương lai này chưa thể thực hiện ngay, nhưng nó đóng vai trò là một khung làm việc để từ đó bệnh viện đã triển khai được giải pháp sống thực sự trong thời điểm đó, đồng thời nó cũng đưa ra hệ thống quản lý thuốc cho tương lai nếu bệnh viện tái cấu trúc hay xây dựng cơ sở mới.
Có cách nghĩ khác về giải pháp tương lai, đó là nó thể hiện những gì đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ làm sau khi bạn đã triển khai giải pháp. Trong bất kỳ môi trường cạnh tranh nào dù là cá nhân, tổ chức hay xã hội, giải pháp tương lai chính là những gì bạn tạo ra một khi đã để đối thủ cạnh tranh đánh bại và quay trở lại bàn hoạch định.
Thái độ dẫn đến những kết quả đột phá
Mục tiêu của việc xây dựng tầm nhìn, mô thức và chi tiết cách hoạt động của mỗi thành phần trong giải pháp tương lai là để bạn hiểu thêm về loại thông tin cần thu thập và điều tra thêm để có được lợi ích lớn nhất từ giải pháp của mình. Điều này minh họa cho khái niệm thông tin chứa mục đích (câu hỏi nền tảng thứ hai), là nguyên lý giúp bạn định hình tương lai chứ không chỉ chờ đợi tương lai xảy đến với mình. Hơn nữa, dù không có cách nào để dự đoán tương lai, nhưng việc thu thập thông tin về giải pháp tương lai tiềm năng cho phép bạn chuẩn bị cho "tương lai không chắc chắn" tốt hơn nhiều so với việc thu thập dữ liệu lịch sử quá khứ của vấn đề.
Các giải pháp tương lai của tư duy phân tích thường chỉ là phần kéo dài của quá khứ và hiện tại. Chúng không cân nhắc thực tế rằng ta đang sống trong thời buổi hỗn loạn khi có quá nhiều thay đổi nhanh hơn hơn bao giờ hết. Vì vậy, giải pháp tương lai của tư duy phân tích không xem xét cách giải quyết vấn đề sao cho có thể phù hợp với những thay đổi trong tương lai.
Quan điểm của giải pháp tương lai sẽ tạo ra một viễn cảnh về hệ thống, sản phẩm, hay tổ chức của bạn sẽ thế nào trong tương lai, và gắn kết những quyết định hàng ngày trong tổ chức của bạn hướng đến những mục đích lớn hơn. Những người thành công mà chúng tôi đã nghiên cứu đều nói rằng nếu một người muốn đạt được những kết quả đột phá liên tục thì người đó rất cần có những lý tưởng và tầm nhìn cao cả.
GS. Shozo Hibino & GS. Gerald Nadler
Lược trích cuốn sách 'Tư duy đột phá - đây là phiên bản 2020', là bản cập nhật nâng cao mới nhất, đã được kiểm định qua các trường hợp thực tế theo triết lý và cách tiếp cận của hai tác giả GS. Shozo Hibino và GS. Gerald Nadler.