Theo tác giả quyển sách “Tư duy đột phá - The Art Of Creating Living Solutions”, có đến 92% dân số thế giới đã quá “lậm” cách tư duy theo trường phái “giản luận hóa” (reductionism), phương pháp suy nghĩ đã có từ hàng trăm năm nay và thường không đưa ra được giải pháp thực sự sáng tạo.Vậy làm thế nào để xây dựng tư duy đột phá hơn?
Giải quyết vấn đề càng sinh ra thêm vấn đề
“Tư duy đột phá” không phải là cuốn sách dạy bạn trở thành người có tư duy mới. Ngược lại, đây là những câu chuyện thực tế theo quan điểm nghiên cứu khoa học về việc xây dựng tư duy đột phá dành cho mọi đối tượng, nhận về nhiều lời khen và trở thành quyển sách bán chạy của GS. TS. Shozo Hibino. Tác phẩm này mở ra một cách nhìn nhận khác khi giải quyết vấn đề trong cuộc sống hay công việc, giúp người đọc “phá bỏ” sự an toàn trong suy nghĩ.
Là một trong hai nhà sáng lập phương pháp Tư duy Đột phá (Breakthrough Thinking), GS. TS. Shozo Hibino đã làm việc với nhiều nhà lãnh đạo, chủ các tập đoàn quốc tế trong nhiều năm. Qua đó, ông thấy rằng, họ thường có cách suy nghĩ đặc biệt - sáng tạo ra giải pháp hơn là cố gắng giải quyết vấn đề. Tác giả gọi tên giải pháp đó là Tư duy Đột phá Phi thường (Extraordinary Breakthrough Thinking - EBT).
Trong cuộc sống có nhiều ví dụ mà chúng ta có thể nhìn thấy được “hiệu ứng domino” của việc giải quyết vấn đề càng nảy sinh thêm vấn đề, như khi bạn sử dụng mạng xã hội để kết nối với mọi người lại đặt ra thêm nỗi lo về bảo mật thông tin cá nhân. Hay việc đọc e-book đúng là thuận tiện, gọn nhẹ hơn nhưng lại có thể ảnh hưởng đến thị lực về lâu dài và gây tổn thất cho ngành công nghiệp xuất bản. Ngay cả việc chạy xe gắn máy, xe ô tô giúp rút ngắn thời gian di chuyển nhưng phát sinh vấn đề ô nhiễm khói bụi và tình trạng kẹt xe.
Albert Einstein có câu nói nổi tiếng: “Những vấn đề quan trọng chúng ta phải đương đầu không thể được giải quyết với cùng mức độ tư duy mà chúng ta đã sử dụng để tạo ra những vấn đề đó”. Cách chúng ta giải quyết những rắc rối của cuộc sống đang dần đi vào lối mòn, kéo theo nhiều hệ quả sau đó. Vì não bộ có xu hướng chọn lựa những gì quen thuộc nên việc tạo đột phá trong cách nghĩ sẽ mang lại nhiều thay đổi không ngờ cho bạn.
Tư duy Đột phá Phi thường (EBT) được diễn dịch từ trường phái Tư duy Toàn diện. Giá trị nổi bật của nó là mở ra và nới rộng số lượng lựa chọn có chất lượng xung quanh một vấn đề, giúp cho người thực hành có thể đạt được những giải pháp tốt và sáng tạo nổi trội. Phương thức tư duy này bao gồm ba nguyên lý nền tảng định hướng cho toàn bộ cách tiếp cận: Nguyên lý về tính Độc đáo, Nguyên lý về Thông tin chứa Mục đích, Nguyên lý về tính Hệ thống.
Dựa vào ba nguyên lý nền tảng trên, EBT sử dụng một chiến lược sáng tạo giải pháp khác hẳn với phương pháp tiếp cận của tư duy truyền thống. Mô thức này được xây dựng thành mô hình bao gồm bốn giai đoạn gồm: Giai đoạn 1: Mời gọi Người tham gia, Giai đoạn 2: Khai triển Mục đích, Giai đoạn 3: Xây dựng Giải pháp Tương lai, Giai đoạn 4: Triển khai Giải pháp Sống. Nhờ đó có thể được sử dụng trong các tình huống lập kế hoạch, thiết kế, phát triển hoặc giải quyết vấn đề.
Bạn có sẵn sàng để thay đổi?
EBT dựa trên một triết lý khác hẳn so với phương pháp truyền thống mà mọi người đã được chỉ bảo để làm theo trong hàng chục năm trời và đã dùng cách làm ấy để đưa ra giải pháp cho cả công việc lẫn đời sống cá nhân. Với những chứng cứ thực tế chứng minh rằng phương pháp này có thể sản sinh ra những kết quả hiệu quả vượt trội. Quyển sách của GS. Hibino không hề khô khan khi đề cập đến các nghiên cứu, thay vào đó là nhiều câu chuyện cuộc sống, liên hệ với các vấn đề xã hội để giải thích cho quy trình tạo nên một lối tư duy mang tính đột phá phi thường.
Giờ ai cũng biết Starbucks là chuỗi hệ thống cà phê phát triển khắp thế giới. Nhưng trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, các cửa hàng cà phê không nên ở quá xa điểm rang xay vì quá trình vận chuyển có thể làm ẩm và giảm chất lượng hạt cà phê. Người sáng lập Howard Schultz lại nghĩ khác đi, bằng việc sáng tạo giải pháp dùng túi hút chân không vận chuyển hạt cà phê rang xay. Nếu không có tư duy đột phá đó, hẳn Starbucks đã không trở thành một chuỗi cửa hàng toàn cầu.
Trái ngược với khái niệm, kinh doanh nhượng quyền là phải tiêu chuẩn hóa càng cao càng tốt và các địa điểm nhượng quyền phải giống nhau từ A đến Z rất phổ biến trong vài năm trước. McDonald đã cho phép menu tại mỗi vùng miền, quốc gia, nền văn hóa được làm khác nhau. Tư duy của người sáng lập đã giúp thương hiệu này đánh đâu thắng đó.
Thế nhưng không phải sinh ra là chúng ta đã sở hữu khả năng tư duy đột phá này. Đó sẽ là một sự rèn luyện lâu dài để bứt khỏi “vỏ tư duy lối mòn”. Đọc “Tư duy đột phá” giúp bạn hiểu bằng cách nào mà EBT có thể giúp giải quyết các vấn đề đặc thù gặp phải trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Ngoài ra, nó còn quan trọng dành cho những người muốn phát triển kỹ năng và tài năng trong việc tạo ra những giải pháp sáng tạo. Giữa thời đại liên tục cập nhật đổi mới, kỹ năng giải quyết vấn đề và sáng tạo đổi mới đang là những “vũ khí” mà nơi nào cũng cần, trong khi lượng người có kiến thức và bí quyết chuyên sâu để thực hiện cho đúng cách thì lại rất ít.
Phương pháp EBT mà tác giả nói đến trong sách có thể áp dụng cho đa dạng các bối cảnh lớn nhỏ và đạt được các kết quả đột phá. EBT bao gồm ba nguyên lý nền tảng định hướng cho toàn bộ cách tiếp cận và bốn giai đoạn tìm giải pháp được mô tả dễ hiểu và dễ áp dụng cho người đọc.
Điều thú vị là mỗi quyển sách “Tư duy đột phá” xuất bản tại mỗi quốc gia sẽ được hiệu chỉnh khác nhau cho phù hợp với đặc trưng của quốc gia đó. Sách tại Việt Nam đưa câu chuyện về nghiên cứu, sáng tạo ra giải pháp hỗ trợ chữa lành cho các bệnh nhân mắc chứng xương thủy tinh đang được thực nghiệm. Đó là một nỗ lực của tác giả để làm việc theo nguyên lý nền tảng về tính độc đáo tại mọi nơi.
Như tác giả đã viết trong sách: “Điều quan trọng không phải là bạn biết cái gì, mà EBT cho bạn biết làm cách nào. Và chính bạn sẽ là người sử dụng theo cách của mình để tạo kết quả đột phá”. Quyển sách nghe có vẻ học thuật nhưng lại có một cách tiếp cận vấn đề rất mở, cung cấp kiến thức chuyên sâu, cốt yếu để mỗi người đọc đều có thể tạo nên khác biệt trong tư duy của mình. Quan trọng không phải ở sự thay đổi mà là bạn có sẵn sàng để đổi thay hay không.
NXB First News